Đề thi HSG :Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới

Đề thi khối 12

SỞ GD ĐT TIỀN GIANG        ĐỀ THI THỬ CHỌN HỌC SINH GIỎI LẦN 3

     TRƯỜNG THPT CÁI BÈ                LỚP 12 THPT –  NĂM HỌC 2017 – 2018

 

                                                                    Môn: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài : 180 phút

 

Câu 1 : (8 điểm)

Anh/chị hãy trình bày những suy ngẫm của mình sau khi đọc câu chuyện sau:

NHỮNG DẤU CHẤM CÂU

Có một người chẳng may đánh mất dấu phẩy. Anh ta trở nên sợ những câu phức tạp và chỉ tìm những câu đơn giản. Đằng sau những câu đơn giản là những ý nghĩa đơn giản.

Sau đó, không may, anh ta lại làm mất dấu chấm than. Anh bắt đầu nói khe khẽ, đều đều, không ngữ điệu. Anh không cảm thán, không xuýt xoa. Không gì có thể làm anh ta sung sướng, mừng rỡ hay phẫn nộ nữa cả. Đằng sau đó là sự thiếu quan tâm với mọi điều.

Một thời gian sau, anh ta đánh mất dấu hai chấm. Từ đó anh ta không liệt kê được, không còn giải thích được hành vi của mình nữa, lúc nào cũng chỉ trích dẫn lời của người khác. Thế là anh ta hoàn toàn quên mất cách tư duy.

Cứ như vậy, anh ta đến dấu chấm hết.

Thiếu những dấu chấm câu trong một bài văn, có thể bạn chỉ bị điểm thấp vì bài văn của bạn mất ý nghĩa. Nhưng mất những dấu chấm câu trong cuộc đời, tuy không ai chấm điểm nhưng cuộc đời bạn cũng mấy ý nghĩa như vậy.

(Theo Hạt giống tâm hồn, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2010)

Câu 2 : (12 điểm)

Bàn về lao động nghệ thuật của nhà văn, Mác-xen Pruxt cho rằng:

“Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới”.  

Anh/chị hãy trình bày ý kiến của mình về nhận định trên?

—————————- Hết —————————-

 – Thí sinh không được dùng tài liệu.

– Giám thị không giải thích gì thêm.

SỞ GD ĐT TIỀN GIANG        ĐỀ THI THỬ CHỌN HỌC SINH GIỎI LẦN 3

     TRƯỜNG THPT CÁI BÈ                LỚP 12 THPT –  NĂM HỌC 2017 – 2018

 

                                                                    Môn: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài : 180 phút

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

CÂU 1: Nghị luận xã hội (8,0 điểm)

YÊU CẦU VỀ KĨ NĂNG:

Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, xác định được các luận điểm đúng đắn, luận cứ (lí lẽ, dẫn chứng) xác thực và biết lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp.

Bố cục bài văn hợp lí, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi dùng từ, ngữ pháp.

YÊU CẦU VỀ KIẾN THỨC:

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được những nội dung chủ yếu dưới đây:

Nội dung Tỉ lệ điểm
A. Giải thích ý nghĩa câu chuyện: (2,0)
1. Trong ngôn ngữ, mỗi dấu chấm câu có chức năng riêng của mình: chia tách thành phần câu, làm rõ các thành phần phụ, biểu hiện ngữ điệu của câu.

2. Trong bài văn, nhờ những dấu chấm câu mà bài văn rõ ràng, mạch lạc, hợp logic, chia tách ý nghĩa các câu văn… làm nên sự thành công của bài văn.

3. Nhân vật “anh” trong câu chuyện dần mất đi những dấu câu: là đánh mất đi những điều bé nhỏ là nên cuộc sống, đánh mất đi sự suy nghĩ, sự tư duy, cảm xúc, đánh mất bản thân mình.

4. Câu chuyện đề cập đến vấn đề: tác hại của việc đánh mất những giá trị của cuộc sống và của bản thân.

0,5

 

0,5

 

0,5

 

 

0,5

 

B. Dùng lí lẽ và dẫn chứng để khẳng định tính đúng đắn của vấn đề được đặt ra từ câu chuyện: (4,0)
Chẳng hạn:

– Những dấu chấm câu tuy bé nhỏ, đơn giản nhưng cũng chính là điều vĩ mô. Cuộc sống, những điều lớn lao được tạo nên từ những điều bé nhỏ. Đánh mất dần những thứ nhỏ bé nhất trong cuộc sống đồng nghĩa với việc mất đi những điều lớn lao, những giá trị của cuộc sống.

– Đánh mất dần những giá trị của cuộc sống, đánh mất bản thân thì con người sẽ rơi vào lối sống không hòa hợp giữa vẻ bên ngoài và tâm hồn bên trong. Từ đó đánh mất những giá trị cao quý của bản thân, nhân cách bị băng hoại.

– Từ bỏ những giá trị nhỏ bé của cuộc sống, con người mất dần sự liên kết với mọi người, với những người thân; sẽ rơi vào trạng thái cô đơn, bế tắc.

 

 

1,0

 

 

 

1,0

 

 

 

1,0

– Chứng minh: Nạn bạo hành trong giới trẻ; Văn hóa ứng xử đi đường ngày càng xấu xí; Bạo lực học đường… 1,0
C. Dùng lí lẽ và dẫn chứng để bàn bạc mở rộng vấn đề: (1,0)
Chẳng hạn:

– Nguyên nhân của lối sống đánh mất giá trị cuộc sống và đánh mất bản thân: do cha mẹ không quan tâm, chăm lo cho con cái; do lối sống vội vàng; do mải mê ăn chơi, đua đòi, chạy theo những giá trị vật chất tầm thường bên ngoài.

– Phê phán lối sống ở một nhóm giới trẻ hiện nay: không biết nghĩ đến tương lai, không biết giữ gìn giá trị bản thân, thiếu văn hóa trong ứng xử… Tuy vậy, lối sống cao đẹp của những con người Việt, nhân cách Việt vẫn luôn tỏa sáng cùng những thành tựu của đất nước.

 

0,5

 

 

0,5

 

 

D. Bài học cho bản thân:

Chẳng hạn:

– Cần nhận thức được giá trị của những điều nhỏ bé trong cuộc sống và giá trị vốn có của bản thân.

– Phải biết nâng niu, trân quý những điều quý giá từ cuộc sống; luôn có ý thức về bản thân; thực thi lối sống là chính mình…

1,0

 

Câu 2: (12.0 điểm)

Bàn về lao động nghệ thuật của nhà văn, Mác-xen Pruxt cho rằng:

“Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới”.  

YÊU CẦU VỀ KĨ NĂNG:

1.1. Vận dụng tốt kiến thức Lí luận văn học để giải quyết vấn đề.

1.2. Lập luận nêu bật vấn đề. Phân tích tác phẩm tinh tế, sâu sắc.

1.3. Diễn đạt chính xác, giàu hình ảnh, gợi cảm.

YÊU CẦU VỀ KIẾN THỨC:

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được những nội dung chủ yếu dưới đây:

Nội dung Tỉ lệ điểm
A. Giải thích vấn đề: (2,0)
1. Ý kiến trên khẳng định cách nhìn, cách cảm thụ độc đáo, giàu tính phát hiện   của nhà văn về đời sống và con người. 0,5
2. Khái niệm:

·        Cuộc thám hiểm thật sự: quá trình lao động nghệ thuật (nghiêm túc, gian khổ và đầy bản lĩnh) của nhà văn để sáng tạo nên tác phẩm văn học đích thực.

·        Vùng đất mới: Hiện thực đời sống chưa được nhà văn khám phá (đề tài mới).

·        Đôi mắt mới: Cách nhìn và cách cảm thụ, phản ánh đời sống và con người mới mẻ, sáng tạo.

 

0,5

 

0,5

 

0,5

3. Dùng lí lẽ và dẫn chứng văn học để khẳng định tính đúng đắn của vấn đề từ ý kiến:

(HS dựa vào tri thức lí luận văn học về đặc trưng phản ánh của văn học, phong cách nghệ thuật của nhà văn, tư chất của người nghệ sĩ… để bàn luận vấn đề)

3.1. Trong sáng tác văn học, đề tài mới chưa phải là cái quyết định giá trị tác phẩm:

·        Đề tài chính là phạm vi hiện thực đời sống được phản ánh trong tác phẩm. Với một đề tài mới nhưng nhà văn chỉ sao chép nguyên xi theo lối ảnh chụp, copy lại thì không mang lại giá trị nhận thức đích thực cho tác phẩm.  

·        Người đọc đến với tác phẩm luôn có nhu cầu tìm hiểu, khám phá những điều mới mẻ về cuộc sống và con người được phản ánh trong tác phẩm.

·        Dẫn chứng: Phong trào Thơ mới đã hướng đến đề tài mới là thế giới của cái “tôi” cá nhân cá thể song không phải những tác phẩm nào cũng có giá trị. Có tác phẩm “ru ngủ” người đọc vào một thế giới không như thực tại đời sống lúc đó…

3.2. Giá trị tác phẩm và phong cách nghệ thuật của nhà văn được quyết định bởi cách nhìn và cách cảm thụ đời sống của người cầm bút:

·        Để có một tác phẩm nghệ thuật đích thực, nhà văn phải dùng tài năng, tâm huyết, bản lĩnh và quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, gian khổ, giống như “một cuộc thám hiểm thật sự”. Nếu dấn thân vào “vùng đất mới” mà nhà văn không có cách nhìn, cách cảm thụ đời sống mới mẻ  thì cũng không tạo nên một tác phẩm nghệ thuật có giá trị đích thực. Vì vậy, dù đề tài cũ nhưng bằng cái nhìn độc đáo, giàu tính phát hiện và khám phá, nhà văn có thể thấu suốt bản chất đời sống, mang lại cho tác phẩm giá trị nhận thức, giá trị tư tưởng sâu sắc.

·        Cái nhìn độc đáo, giàu tính phát hiện cũng khẳng định dấu ấn riêng của nhà văn trong sáng tác, khẳng định sự tồn tại của nhà văn.

·        Dẫn chứng: Tác phẩm “Chí Phèo” viết về đề tài quên thuộc: cuộc sống của người nông dân nghèo Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Đây là đề tài quen thuộc đã được nhiều nhà văn khai thác và xây dựng nên những hình tượng điển hình như trong “Tắt đèn”, “Bước đường cùng”… Cũng viết về đề tài cuộc sống của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám, Nam Cao không đề cập đến nỗi đau khổ vật chất mà đau đớn hơn là bi kịch tinh thần, nỗi đau bị cướp đi cả nhân hình lẫn nhân tính, bị cự tuyệt quyền làm người. Nhà văn còn phát hiện được vẻ đẹp nhân tính ẩn chứa bên trong cái lốt quỹ dữ của Chí Phèo…

·        Dẫn chứng: Tác phẩm “Vội vàng” là kết quả của cái nhìn tươi mới, của cặp mắt “xanh non, biếc rờn” trước một vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, của cuộc đời, đã bày ra trước mắt người đọc một thiên đường trên mặt đất, một bữa tiệc trần gian. Hơn nữa, với nhận thức mới mẻ về thời gian tuyến tính, nhà thơ đã đề xuất một quan niệm sống tích cực…

·        Dẫn chứng: Bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng cũng viết về đề tài người lính  trong thời kì kháng chiến chống Pháp nhưng Quang Dũng đã thể hiện một cách nhìn mới, một “đôi mắt mới”. Nhà thơ đã nhìn thẳng vào hiện thực cuộc chiến để làm nổi bật những hi sinh, mất mát của người lính. Bức tượng đài người lính Tây Tiến (vốn xuất thân từ tầng lớp trí thức Hà Nội) được xây dựng với những nét hào hoa, lãng mạn, đậm tinh thần bi tráng.

4. Dùng lí lẽ và dẫn chứng văn học để mở rộng vấn đề:

Chẳng hạn:

·        Nếu có cái nhìn giàu tính khám phá, phát hiện lại, tiếp cận với một đề tài mới thì sức sáng tạo của nhà văn và giá trị độc đáo của tác phẩm càng cao. Vì vậy, coi trọng vài trò quyết định của “đôi mắt mới” nhưng cũng không nên phủ nhận ý nghĩa của “vùng đất mới” trong thực tiễn sáng tác.

·        Để có cái nhìn và cách cảm thụ độc đáo, nhà văn cần trau dồi tài năng (sự tinh tế, sắc sảo…), bồi dưỡng tâm hồn (tấm lòng, tình cảm đẹp với con người và cuộc đời) và xác lập một tư tưởng, quan điểm đúng đắn, tiến bộ.

(8,0)

 

 

 

 

 

0,5

 

 

0,5

 

1,0

 

 

 

 

 

0,5

 

 

 

 

 

 

 

0,5

 

1,0

 

 

 

 

 

 

 

 

1,0

 

 

 

 

1,0

 

 

 

 

 

(2,0)

 

1,0

 

 

 

 

1,0

 

 

 

 

 

 

BÀI VĂN THAM KHẢO

Câu 1: Anh/chị hãy trình bày những suy ngẫm của mình sau khi đọc câu chuyện sau:

NHỮNG DẤU CHẤM CÂU

Có một người chẳng may đánh mất dấu phẩy. Anh ta trở nên sợ những câu phức tạp và chỉ tìm những câu đơn giản. Đằng sau những câu đơn giản là những ý nghĩa đơn giản.

Sau đó, không may, anh ta lại làm mất dấu chấm than. Anh bắt đầu nói khe khẽ, đều đều, không ngữ điệu. Anh không cảm thán, không xuýt xoa. Không gì có thể làm anh ta sung sướng, mừng rỡ hay phẫn nộ nữa cả. Đằng sau đó là sự thiếu quan tâm với mọi điều.

Một thời gian sau, anh ta đánh mất dấu hai chấm. Từ đó anh ta không liệt kê được, không còn giải thích được hành vi của mình nữa, lúc nào cũng chỉ trích dẫn lời của người khác. Thế là anh ta hoàn toàn quyên mất cách tư duy.

Cứ như vậy, anh ta đến dấu chấm hết.

Thiếu những dấu chấm câu trong một bài văn, có thể bạn chỉ bị điểm thấp vì bài văn của bạn mất ý nghĩa. Nhưng mất những dấu chấm câu trong cuộc đời, tuy không ai chấm điểm nhưng cuộc đời bạn cũng mấy ý nghĩa như vậy.

Mong bạn giữ gìn cẩn thận những dấu chấm câu của mình, bạn nhé!

(Theo Hạt giống tâm hồn, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2010)

BÀI LÀM

Mở bài:

Dẫn dắt vào vấn đề:

Cuộc sống là kết nối, vũ trụ bao la, vô tận là sự góp nhặt, là sự tổng hợp từ những điều bé nhỏ nhất. Chính những lẽ đơn giản ấy làm nên một cuộc sống có ý nghĩa, hay như nhà văn Cleck đã nói, đại ý rằng: Ai trong chúng ta cũng mong muốn làm những điều lớn lao nhưng không biết rằng cuộc sống làm nên từ những điều thật nhỏ bé.

Nêu vấn đề:

Cuộc đời chỉ có ý nghĩa khi ta biết nâng niu, trân trọng và gìn giữ những điều vi mô ấy. Những dòng văn tự sự trong mạch suy ngẫm, tự nhận thức của câu chuyện “Những dấu chấm câu” đã đem đến cho tôi thật nhiều xúc cảm, thật nhiều suy nghĩ về cuộc sống, về những hạt giống tâm hồn bé nhỏ đang ươm lên trong tâm hồn ta đợi ngày đơm hoa, kết trái.

Thân bài:

Giải thích ý nghĩa câu chuyện:

– Câu chuyện “Những dấu chấm câu” gợi cho ta suy nghĩ về cuộc đời. Ngay khi đọc tiêu đề, tôi đã không khỏi bất ngờ và tự hỏi: Tại sao lại là “những dấu chấm câu”? Nó thì có liên quan gì đến ta? Trong ngôn ngữ, mỗi dấu chấm câu có chức năng riêng của mình, tuy nhỏ nhưng “thiếu những dấu chấm câu” thì “bài văn của bạn mất ý nghĩa”. Bởi lẽ, những dấu chấm câu có nhiệm vụ chia tách thành phần câu, hay làm rõ các thành phần phụ, hoặc chỉ đơn giản là biểu hiện ngữ điệu câu.

– Từ nghĩa tường minh của “những dấu chấm câu”, ta có thể nhận ra rằng chính nhờ những dấu câu mà bài văn rõ ràng, mạch lạc, hợp logic và quan trọng hơn cả dấu chấm câu chia tách ý nghĩa các câu văn. Thiếu dấu chấm câu cũng đồng nghĩa với việc bài văn mất đi sự mạch lạc trong bố cục và sự tường minh trong ý nghĩa. Vậy nên chính những dấu câu góp phần quan trọng làm nên sự thành công của một bài văn.

– Câu chuyện là dòng nhận thức khi con người mất dần từ dấu phẩy, rồi dấu chấm than, chấm hỏi, tiếp đó là hai chấm, cuối cùng dẫn đến anh ta đi đến dấu chấm hết nghĩa là anh ta mất tất cả. Bởi anh ta đã mất dần đi sự suy nghĩ, sự tư duy của chính bản thân mình. Ý nghĩa câu chuyện chính là sự cảnh tỉnh để đừng đánh mất giá trị của bản thân.

Phân tích ý nghĩa câu chuyện:

– Từ trong câu chuyện “Những dấu chấm câu”, ta đã thấy được quá trình đánh mất chính bản thân mình, đi đến dấu chấm hết của nhân vật “anh”. Ban đầu, anh ta “chẳng may đánh mất dấu phẩy” và trở nên “sợ những câu phức tạp”, “chỉ tìm những câu đơn giản”. Cuộc sống của anh không có sự tìm hiểu, suy xét mà chỉ đơn giản sống một cách bằng phẳng, nhợt nhạt – một lối “sống mòn”. Rồi anh ta mất dấu chấm than, anh “không cảm thán, xuýt xoa, không gì làm anh ta sung sướng, mừng rỡ hay phẫn nộ nữa cả”. Anh ta thờ ơ với mọi điều tức là anh ta đã bước một chân vào hố sâu của sự vô cảm và đến khi anh ta đánh mất dấu chấm hỏi, nghĩa là anh không còn khả năng học hỏi, không còn quan tâm mọi điều. Anh ta đã rơi vào hố sâu của bóng tối, đứng ngoài cuộc đời – vô cảm, lãnh đạm với tất cả. Một thời gian sau, anh ta “mất dấu hai chấm”, đồng nghĩa với việc không thể liệt kê, giải thích hành vi của mình” và chỉ biết “trích dẫn lời người khác” tức là anh ta chỉ là cái bóng, chỉ có thể sống theo cách nghĩ của người khác, “không được là tôi trọn vẹn”. Cuối cùng, anh mất tất cả. Anh đã không còn là anh, cuộc đời cũng mất ý nghĩa.

– Những dấu chấm câu tuy chỉ bé nhỏ, đơn giản nhưng nó cũng chính là điều vĩ mô. Lời nhận xét cuối câu chuyện cũng là lời nhận thức, lời đánh giá nhẹ nhàng mà vô cùng sâu sắc: Mất những dấu chấm câu trong bài viết của mình bạn có thể bị điểm thấp vì bài văn mất ý nghĩa “nhưng mất dấu chấm câu trong cuộc đời, tuy không ai chấm điểm nhưng cuộc đời của bạn cũng mất ý nghĩa như vậy”. Lời tác phẩm cũng như một lời khuyên nhẹ nhàng “mong bạn giữ gìn, những dấu chấm câu của mình”, mong bạn hãy giữ gìn những điều nhỏ bé làm nên cuộc sống của mình và đừng bao giờ đánh mất bản thân mình.

– Từ trong câu chuyện nhân vật anh đã rơi rớt, đã đánh mất dần những thứ nhỏ bé nhất, những dấu chấm câu ngỡ nhỏ nhoi ấy, nhưng khi mất đi cũng có nghĩa là anh ta đã mất đi những điều lớn lao, những giá trị của cuộc sống. Bạn có biết vì sao lá cây có màu xanh không? Bởi lá được cấu tạo từ chất diệp lục – những chất diệp lục ngỡ như nhỏ bé ấy đã làm nên sự sống của lá, mất dần đi chất diệp lục, lá xanh sẽ thành lá vàng rồi sẽ rơi, sẽ “chết”. Bạn có biết để xây một ngôi trường người ta cần những hạt cát bé nhỏ, những viên gạch, viên đá. Bạn thấy không, tất cả những gì quanh ta đều được cấu thành từ những điều bé nhỏ. Vậy tại sao trong cuộc sống hiện nay chúng ta lại đánh mất những điều nhỏ bé?

Chứng minh:

– Biểu hiện rõ ràng nhất của sự đánh mất bản thân là khi ta không còn là ta ‘bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo”, ta sống bằng những thứ của chính mình. Từ một con người giản dị, ta có thể ào theo cơn lốc thời trang, cơn lốc thần tượng, khoác lên mình những vỏ bọc không phù hợp với bản thân mình. Ta không còn ăn những bát cơm mẹ nấu bên gia đình mà đến với những quán bar, quán cà phê xập xình tiếng nhạc. Chúng ta mất dần sự liên kết với phần hồn trinh bạch ban đầu và đi đến sự đánh mất bản thân khi ta rơi mất những điều thật nhỏ bé.

– Nguyên nhân của lối sống ấy chính là do ngày nay chúng ta sống quá vội – lối sống “mì ăn liền”. Chính vì lối sống không biết nghĩ đến tương lai giữ gìn giá trị bản thân đã dẫn đến sự đánh mất chính mình. Thế giới không ngừng thay đổi, bố mẹ lao vào guồng quay bạc tiền, con cái cũng rời xa sự chăm lo gia đình êm ấm, và chỉ mải mê ăn chơi, chạy theo những giá trị vật chất tầm thường bên ngoài.

Một trong nhiều điều đáng lo ngại là lối sống ấy hiện nay đang lan ra rất nhiều, rất nhanh, rất mạnh mẽ, như một ‘khối u” băng hoại nhân cách con người. Dù lối sống đánh mất giá trị con người ấy chỉ tồn tại trong một nhóm ít giới trẻ nhưng ai dám chắc rằng: “khối u” ấy không di căn?

– Tôi đã chứng kiến rất nhiều người để tuột khỏi tay mình “những dấu chấm câu” rồi đi đến “dấu chấm hết” trong đời. Trong truyền thống Á Đông, con người Việt Nam luôn hiền hòa, biết yêu thương nhau, lá lành đùm lá rách. Nhưng một câu hỏi đang đặt ra: Nạn bạo hành trong xã hội của lớp trẻ ngày nay liệu có phải là sự mất dần bản thân? Ngay trong văn hóa ứng xử đi đường – văn hóa giao thông, tôi cũng đã thấy người ta dần mất đi chính bản thân mình, người ta chen xô đẩy nhau. Đâu rồi những con người hiền hậu? Trong tiếng còi xe, tôi cũng nghe thấy lời de dọa: Tránh ra không tôi sẽ cho anh biết tay! Những clip học sinh đánh nhau, lột áo, lăng mạ nhau được phát tán rộng rãi trên mạng chứng tỏ giới trẻ đang thiếu trầm trọng văn hóa ứng xử, kỹ năng sống, cũng như cách tháo gỡ mâu thuẫn.

Bình luận mở rộng, bổ sung:

“Những dấu chấm câu” cấu thành những cuộc đời đang dần bị ta đánh mất nhưng trong tôi vẫn ánh lên những niềm tin về con người Việt – nhân cách Việt. Những làng nghề được xây dựng để bảo vệ, gìn giữ, và ai trong chúng ta cũng biết đến vẻ đẹp nhân cách Việt tỏa sáng cùng những thành tựu của đất nước.

Bài học nhận thức và hành động:

– Bài học nhận thức:

Cuộc sống bộn bề kia, cuộc sống công nghiệp đang giành lấy, cướp đi nhiều thứ nhưng ta phải biết gìn giữ, nâng niu, coi trọng những điều bé nhỏ nhất, “yêu cái cây trồng ở trước nhà yêu con đường đổ ra phố nhỏ” và hơn hết là có ý thức về bản thân mình như lẽ sống mà nhân vật “Trương ba” trong tác phẩm “Hồn Trương Ba – da hàng thịt” (Lưu Quang Vũ) đã gửi gắm: “Không thể sống bên trong một đằng bên ngoài một nẻo được, tôi muốn đưa được là tôi trọn vẹn”.

– Bài học hành động:

Ta hãy yêu hơn chính mình, yêu hình hài, dáng vóc, cái tên mà cha mẹ đã cho ta để ta sống là chính mình. “Một ngày là quá ngắn ngủi so với đời người. Nhưng đời người lại được làm nên từ những ngày thật ngắn ngủi ấy”. Từ cách sống trân trọng những gì nhỏ nhất, chúng ta sẽ làm nên thành công lớn của mình. Bởi bản chất của thành công chính là sự nâng niu, gìn giữ những giá trị sống bé nhỏ của cuộc đời.

III. Kết bài:

Khẳng định lại vấn đề:

Thông điệp trao gửi từ câu chuyện “Những dấu chấm câu” cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về lối sống vội vàng, không biết coi trọng giá trị bản thân.

Liên hệ mở rộng:

Hãy nên nhớ rằng hạnh phúc của một cuộc đời không phải là ở những trang phục thời thượng bạn khoác lên hay phong cách sống bạn theo đuổi mà là ở lẽ sống của chính mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *