Đề thi học sinh giỏi về đoạn trích Đất nước Nguyễn Khoa Điềm

Đề thi khối 12

 

SỞ GD ĐT TIỀN GIANG

TRƯỜNG THPT CÁI BÈ

ĐỀ THI THỬ CHỌN HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA LẦN 2

LỚP 12 THPT –  NĂM HỌC 2017 – 2018

Môn: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài : 180 phút

 

Câu 1 : (8 điểm)

Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến sau :

“Sai lầm lớn nhất bạn có thể phạm phải trong đời là luôn sợ hãi mình sẽ phạm sai lầm” (Elbert Hubbard)

Câu 2 : (12 điểm)

Trong cuốn Nhà văn nói về tác phẩm, Nguyễn Đình Thi có viết :

“Tác phẩm văn học lớn hấp dẫn người ta bởi cách nhìn nhận mới, tình cảm mới về những điều, những việc mà ai cũng biết cả rồi.”

(Sách đã dẫn – NXB Văn học 1988, trang 260)

Anh/chị hãy giải thích và làm sáng tỏ ý kiến trên bằng việc phân tích sức hấp dẫn của 9 câu đầu đoạn trích “Đất Nước” (trích trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm.

—————————- Hết —————————-

 

– Thí sinh không được dùng tài liệu.

– Giám thị không giải thích gì thêm.

 

 

SỞ GD ĐT TIỀN GIANG        ĐỀ THI THỬ CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH

     TRƯỜNG THPT CÁI BÈ                LỚP 12 THPT –  NĂM HỌC 2017 – 2018

 

                                                                    Môn: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài : 180 phút

 

ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM

Câu 1 : (8 điểm)

“Sai lầm lớn nhất bạn có thể phạm phải trong đời là luôn sợ hãi mình sẽ phạm sai lầm” (Elbert Hubbard)

Yêu cầu về kĩ năng

– Nắm vững phương pháp làm bài văn nghị luận xã hội.

– Đáp ứng các yêu cầu về văn phong.

– Bố cục chặt chẽ, lý lẽ xác đáng, dẫn chứng phù hợp.

– Không mắc các lỗi diễn đạt, trình bày sạch đẹp.

Yêu cầu về kiến thức

Học sinh có thể theo nhiều cách, miễn sao hợp lí và thuyết phục. Sau đây là một số gợi ý về nội dung :

 

Nội dung Tỉ lệ điểm
A. Giải thích ý kiến: (1,0)
1. “Sai lầm”: là những điều sai trái, lệch lạc trong suy nghĩ, hành động của con người, đi ngược lại với quy luật khách quan, trái với lẽ phải, có thể gây ra những hậu quả tai hại, không mong muốn.

“Luôn sợ hãi mình sẽ phạm phải sai lầm”: tâm lí sống luôn e sợ mắc phải những điều sai trái trong cuộc đời. Với tác giả, đó chính là lỗi sai lớn nhất mà con người có thể phạm phải trong cuộc sống của mình.

2. Câu nói đã nêu ra bài học ý nghĩa về cách ứng xử với những sai lầm của mình trong cuộc sống: đừng sợ hãi, hãy dũng cảm, mạnh dạn đối mặt, đương đầu với những khó khăn, thử thách, hạn chế của mình có thể gặp trong cuộc sống.

0,5

 

 

 

 

 

0,5

 

 

B. Dùng lí lẽ và dẫn chứng để khẳng định tính đúng đắn của vấn đề được đặt ra từ câu nói: (3,0)
Chẳng hạn:

– Vì sao “Sai lầm lớn nhất bạn có thể phạm phải trong đời là luôn sợ hãi mình sẽ phạm sai lầm”?

+ Tâm lí chung của con người là luôn sợ thất bại, sợ thua kém người khác nên luôn muốn đề phòng, né tránh sai lầm để luôn là người có suy nghĩ, quyết định, hành động đúng đắn, để chứng tỏ mình hơn người.

+ Việc phạm phải những sai lầm trong cuộc sống có thể khiến con người phải trả giá rất đắt khiến họ khiếp sợ nếu phải đối diện nó.

– Hậu quả của suy nghĩ “luôn sợ hãi mình sẽ phạm sai lầm”:

+ Biến con người trở thành kẻ yếu đuối, hèn nhát, luôn sống tự ti, thụ động.

+ Đánh mất cơ hội được kiểm nghiệm, khẳng định khả năng của bản thân, phải sống một cuộc đời mờ nhạt.

+ Làm con người trở nên chần chừ, do dự, không dám nắm bắt những cơ hội trong cuộc sống để đạt được thành công, khước từ những bài học kinh nghiệm khiến nguy cơ vấp ngã vẫn thường trực.

+ Không được tin tưởng, tín nhiệm để giao phó những trọng trách để tạo được uy tín với cộng đồng, xã hội.

 

1,0

 

 

 

 

 

 

 

2,0

 

 

 

 

C. Dùng lí lẽ và dẫn chứng để bàn bạc mở rộng vấn đề: (2,0)
Chẳng hạn:

– Sai lầm là một phần tất yếu trong cuộc đời mỗi người nên ta luôn phải trong tâm thế chủ động đón nhận và vượt qua nó. Xem đó là cơ hội để trải nghiệm, để rút ra những bài học quý báu cho bản thân.

– Tuy nhiên, có những sai lầm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, tính mạng của bản thân và người khác, rất khó sửa chữa, khiến con người sống mãi trong giày vò, ân hận nên cần cẩn trọng để tránh những sai lầm như vậy.

 

1,0

 

 

1,0

 

 

D. Bài học cho bản thân:

Chẳng hạn:

– Ai cũng có thể mắc sai lầm nên đừng e ngại, sợ hãy; hãy vững vàng, thậm chí mạo hiểm để đối mặt với nó. Không được để sai lầm làm chùn bước, sợ trải nghiệm.

– Trang bị cho mình những kiến thức và hiểu biết để nhìn nhận các vấn đề cuộc sống một cách sắc sảo. Tìm ra những hướng đi đúng đắn và tự tin thực hiện nó.

– Sai lầm không đồng nghĩa với yếu kém hay thất bại nên khi phạm sai lầm đừng vội nản lòng. Hãy bình tĩnh nhìn nhận mọi việc, tìm nguyên nhân, cách khắc phục và sửa đổi để đến đích thành công.

– Cần nghiêm khắc với những sai lầm của bản thân và vị tha với những sai lầm của người khác để mình và mọi người cùng tiến bộ.

(2,0)

 

0,5

 

 

0,5

 

 

0,5

 

 

0,5

 

Câu 2 : (12 điểm)

“Tác phẩm văn học lớn hấp dẫn người ta bởi cách nhìn nhận mới, tình cảm mới về những điều, những việc mà ai cũng biết cả rồi.”

Yêu cầu về kĩ năng

– Nắm phương pháp làm bài nghị luận văn học – qua việc phân tích một tác phẩm (một đoạn trích) để làm rõ một vấn đề lí luận văn học.

– Bố cục mạch lạc, văn viết đúng phong cách.

– Không mắc các lỗi diễn đạt, trình bày sạch đẹp.

Yêu cầu về kiến thức

Học sinh cần có kiến thức về lí luận văn học, kết hợp hiểu biết sâu sắc về một tác phẩm với những phát hiện theo hướng yêu cầu của nhận định.

Sau đây là một số gợi ý :

Giải thích nhận định

– Đây là một hình thức định nghĩa tác phẩm văn học lớn, mà sâu xa cũng chính là định nghĩa về nhà văn lớn.

(“Chỉ có các tài năng lớn mới tạo ra những nét nghệ thuật độc đáo, có ý nghĩa lớn, thể hiện trong hình tượng, chi tiết, cách nhìn, giọng điệu.” – Ngữ Văn 10 Nâng cao, tập 1, trang 60).

Cách nhìn nhận (cách nhìn) là sự bộc lộ thái độ, quan điểm, lập trường tư tưởng …của nhà văn ; tình cảm là thế giới tâm hồn đa dạng, phức hợp với những rung động thẩm mĩ của người cầm bút.

cách nhìn nhận mới, tình cảm mới về những điều, những việc mà ai cũng biết cả rồilà sự nhấn mạnh vào cá tính sáng tạo của nhà văn lớn – vốn là nhân tố quyết định, làm cho đời sống văn học luôn phong phú, đa dạng, mới mẻ, không rập khuôn, sáo mòn.

* Nhận định trên vừa nêu lên vai trò của cái nhìn, tình cảm trong hành trình nghệ thuật của nhà văn, vừa xác định giá trị của cá tính sáng tạo mà nhà văn ấy để lại trong đời sống văn học.

Phân tích tác phẩm văn học

Học sinh phân tích theo hướng nhận định đã nêu. Chú ý các điểm cơ bản sau đây :

Cách nhìn nhận mới, tình cảm mới được nhà văn thể hiện trong cả nội dung và hình thức của tác phẩm.

– Nét mới là tiêu chí tiên quyết của cá tính sáng tạo ở nhà văn, đồng thời cũng góp phần quyết định giá trị của tác phẩm.

♦ Lưu ý: Học sinh phân tích nhuần nhuyễn các giá trị của tác phẩm, luôn có sự gắn kết với nhận định.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *