Đề thi học sinh giỏi văn Diều trong phố, Sống dễ lắm

Đề thi khối 12
 

ĐỀ THI THỬ

(Đề thi gồm có 2 trang)

ĐỀ GIAO LƯU HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH NĂM 2024

Môn thi: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian phát đề

PHẦN ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

DIỀU TRONG PHỐ

Phạm Thu Yến

Giữa ồn ào xe cộ

Giữa lô nhô phố chiều

Góc công viên lộng gió

Một rừng diều đang reo

 

Cha mẹ đưa trẻ nhỏ

Tới công viên thả diều

Hàng trăm con chim giấy

Chở bình yên trong veo

Chỉ thế thôi cũng đủ

Rưng rưng trái tim người

Một thời không bình lặng

Tuổi thơ quên trò chơi.

 

Trẻ làng theo trâu cày

Mót khoai hà, lạc mậm

Bom rơi ngoài bến vắng

Nhọ mặt mẹ chưa về

Phố nhỏ chiều tôi đi

Cánh diều như nhắc nhở

Hãy giữ cho con trẻ

Những thanh bình tuổi thơ.

Rút từ tập Biết mình trong mắt ai, NXB Hội Nhà văn, 1998.

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Theo văn bản, tác giả miêu tả khung cảnh buổi chiều công viên như thế nào?

Câu 2. Tác giả sử dụng hình ảnh “cánh diều” trong bài thơ để biểu tượng cho điều gì? Hãy phân tích ý nghĩa của hình ảnh này trong bối cảnh xã hội hiện đại.

Câu 3. Nhận diện và nêu hiệu quả của một biện pháp tu từ trong khổ thơ: “Cha mẹ đưa trẻ nhỏ/ Tới công viên thả diều/ Hàng trăm con chim giấy/ Chở bình yên trong veo”.

Câu 4. Nội dung khổ thơ cuối: “Phố nhỏ chiều tôi đi/ Cánh diều như nhắc nhở/ Hãy giữ cho con trẻ/ Những thanh bình tuổi thơ” gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì?

Câu 5. Thông điệp sâu sắc đối với anh/ chị gợi ra từ văn bản trên.

PHẦN VIẾT (14 điểm)

Câu 1. (4.0 điểm)

Từ bài thơ Diều trong phố, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về sự cần thiết của việc bảo vệ sự trong sáng và hồn nhiên của trẻ em trước những tác động tiêu cực của cuộc sống hiện đại.

Câu 2. (10 điểm)

  1. Lê Đình Kỵ từng viết: “Nghệ sĩ phản ánh đời sống, sáng tạo theo quy luật của cái đẹp và nhằm đạt tới cái đẹp. Tác phẩm nghệ thuật đạt tới cái đẹp theo nghĩa: mang được sự thật sâu xa của đời sống bên ngoài, đồng thời mang được sự thật tâm tình của con người”.

(Lê Đình Kỵ (1998), Phê bình nghiên cứu văn học, NXB Giáo dục, Tp Hồ Chí Minh, tr.10)

Anh/ chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Làm sáng tỏ ý kiến qua văn bản Sống dễ lắm

SỐNG DỄ LẮM

[…] Cuối tháng 7, ở Tây Bắc mưa nhiều và những đợt lũ quét bất ngờ có thể gây nên những tai hoạ không thể lường trước được. Người ta cử ông giáo Chi mang những tài liệu sách vở đến giảng cho lớp tập huấn nhưng trên đường từ tỉnh lị về trường, khi qua suối, ông giáo Chi bị nước cuốn sạch đồ đạc. Mười một giáo sinh ra đón ngài thanh tra giáo dục, họ nửa khóc nửa cười khi thấy một ông già gầy gò, mình trần thân trụi ướt như chuột lột đang ngồi rét run cầm cập.

[…] Tuy nhiên, đúng ngày đúng giờ, lớp tập huấn giáo dục vẫn được bắt đầu như thường lệ, y như quy định của Bộ Giáo dục tận mãi Thủ đô. Ông giáo Chi vốn xuất thân là lính, ông coi nhiệm vụ trên hết và không có gì ngăn cản ông làm nhiệm vụ được giao.

Không có giấy bút gì, ông giáo Chi đĩnh đạc đứng lên bục giảng có các cô con gái vây quanh, hai cậu con trai bất đắc dĩ phải ngồi cùng, không phải vì nể ông giáo mà vì nể các cô con gái.

– Dạy học là nghề sống dễ lắm! – Ông giáo Chi bắt đầu bài giảng của mình.

– Nếu lương ít, lại không có thực phẩm thì làm sao? Ở các vùng cao lấy đâu ra chợ? – Các cô giáo trẻ lần đầu sống xa nhà lo lắng hỏi ông.

– Phải trồng rau chứ! – Ông giáo Chi trả lời. Nuôi lấy vài con gà… Ngày xưa, tớ (ông giáo Chi xưng “tớ” chứ không xưng “bố”)… tớ nuôi cả lợn. Chiều ba mươi Tết thịt lợn, đánh tiết canh… thật không có gì vui như thế… vui như Tết !

– Tất cả là do tự nhiên điều chỉnh hết! – Ông giáo Chi nói – Mình cứ sống thôi! Sống dễ lắm! Cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống… Cũng cần phải biết một ít kĩ năng, như cách thiến gà… Phải biết một số cây thuốc cầm máu, biết phân biệt các thứ nấm độc… Tớ có kinh nghiệm không nên tin cái gì đẹp đẽ quá…

[…] – Dạy học không có gì khó cả! Sống dễ lắm! – Ông giáo Chi lại nói – Mình cứ hình dung mình là đứa bé, đứa bé cần gì thì dạy thứ ấy… đừng dạy nó thứ không cần…

– Sống dễ lắm! – Ông giáo Chi lại nói – Giáo dục… nghĩa là tha bổng… Hễ có tội là tha… trẻ con không có tội gì… Sống nghĩa là sai lầm, là mắc tội… Mình phải yêu mạng sống của chúng như yêu mạng sống của mình…

– Thế còn tình yêu? – Những cô gái trẻ náo nức hỏi.

– Tớ không biết… – Ông giáo Chi lúng túng trả lời – Nhưng có sự hi sinh… nghĩa là cay đắng… Tình yêu là mang cho nhau lời nguyện cầu tốt đẹp, những cử chỉ thân tình âu yếm, dục vọng, lòng ham sống… tóm lại là cảm giác…

[…] Khi lớp học tan thì mọi người đã thân thiết với nhau lắm… Rồi khóc lóc… Rồi chia tay… Rồi tiễn nhau ra bờ suối. Những cánh chim bay đi. Vùng cao xa mờ trong mây núi. Các thầy cô giáo trẻ tuổi bịn rịn lên đường, vừa háo hức, vừa sợ hãi, cả vui với buồn lẫn lộn. Ông giáo Chi lội suối trở lại tỉnh lị báo cáo với trên về việc mở lớp “tập huấn” của mình. […]

(Nguyễn Huy Thiệp, Tướng về hưu, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2011, tr.188-200)

Chú thích:

Nguyễn Huy Thiệp (29/04/1950 – 20/03/2021) là nhà văn hiện đại Việt Nam trong địa hạt kịch, truyện ngắn và tiểu thuyết với những góc nhìn mới, táo bạo.

Ông xuất hiện khá muộn trên văn đàn (1986) nhưng được coi là người đạt đỉnh cao nghệ thuật của truyện ngắn với một loạt tác phẩm như: Tướng về hưu, Không có vua, Tuổi 20 yêu dấu, Những ngọn gió Hua Tát, Những người thợ xẻ, Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết

Quan niệm về văn học và cuộc đời: (i) Cuộc đời thật là xấu, không đáng tin, nhưng không tin thì làm sao mà sống nổi. Cuộc đời rất buồn nhưng cuộc đời vẫn rất đẹp. (ii) Những tác phẩm hoặc là tô hồng, hoặc là bôi đen hiện thực đều không sống lâu được. Văn chương phải bất chấp ngập trong bùn, sục tung lên, thoát thành bướm và hoa. (iii) Nhà văn phải trung thực với mình đến tận đốt xương sống khi nói lên hiện thực. Lối viết tự sự đòi hỏi thành thật và một nghệ thuật che giấu tình cảm rất cao.

_HẾT. Học sinh không được sử dụng tài liệu, giáo viên không giải thích gì thêm_

THIHAY.VN

ĐỀ THI THỬ

(Đề thi gồm có 2 trang)

ĐÁP ÁN CHI TIẾT ĐỀ GIAO LƯU HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH

Môn thi: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian phát đề

Phần Câu Nội dung Điểm
I ĐỌC HIỂU 6,0
1 – Tác giả đã miêu tả khung cảnh một buổi chiều tại công viên lộng gió, giữa phố thị ồn ào xe cộ, nơi có một “rừng diều đang reo” trong gió.

– Đây là một khung cảnh yên bình, nơi cha mẹ đưa trẻ nhỏ đến công viên để thả diều, tạo nên một khung cảnh vui tươi và an lành giữa lòng phố thị.

Hướng dẫn chấm:

– Thí sinh trả lời như đáp án: 0,75 điểm

– Thí sinh trả lời được 1 ý như đáp án: 0,5 điểm

– Thí sinh trả lời không đúng đáp án: không có điểm

0,75
2 – Hình ảnh “cánh diều” trong bài thơ được sử dụng như một biểu tượng của sự bình yên và tuổi thơ bay bổng, hồn nhiên, trong sáng.

– Trong bối cảnh xã hội hiện đại, nơi cuộc sống đô thị ngày càng bận rộn và ồn ào, cánh diều trở thành biểu tượng cho những khoảnh khắc bình yên, nơi trẻ em có thể tận hưởng niềm vui đơn giản, không bị cuốn vào sự hối hả của cuộc sống.

Hướng dẫn chấm:

– Thí sinh trả lời như đáp án: 0,75 điểm

– Thí sinh trả lời được 1 ý như đáp án: 0,5 điểm

– Thí sinh trả lời không đúng đáp án: không có điểm

0,75
3 – Có thể là biện pháp tu từ ẩn dụ:

+ Nhận diện: Trong khổ thơ, hình ảnh “con chim giấy” là một biện pháp ẩn dụ, ám chỉ những cánh diều được thả lên bầu trời. Tác giả không gọi trực tiếp là “diều” mà sử dụng hình ảnh “chim giấy” để miêu tả.

+ Hiệu quả: Việc sử dụng ẩn dụ “con chim giấy” không chỉ gợi lên hình ảnh những cánh diều nhẹ nhàng, bay lượn như những chú chim, mà còn làm tăng tính gợi hình, gợi cảm. Điều này khiến người đọc dễ dàng hình dung và cảm nhận được sự tự do, trong sáng và bình yên mà những cánh diều mang lại cho trẻ nhỏ. Đồng thời, cách diễn đạt này cũng tạo ra một không gian yên bình, thơ mộng giữa lòng thành phố ồn ào, nhấn mạnh sự quý giá của những khoảnh khắc bình yên trong cuộc sống.

– Có thể là biện pháp tu từ nhân hóa:

+ Nhận diện: Trong khổ thơ, tác giả sử dụng biện pháp nhân hóa qua cụm từ “chim giấy chở bình yên trong veo”. Từ “chở” vốn là hành động của con người hoặc phương tiện, nhưng ở đây lại được gán cho “chim giấy” (cánh diều).

+ Hiệu quả: Biện pháp nhân hóa này làm cho hình ảnh “chim giấy” (cánh diều) trở nên sống động và gần gũi hơn, như thể chúng có khả năng mang theo sự bình yên, thanh thản. Nhờ đó, tác giả đã thổi hồn vào những cánh diều, khiến chúng không chỉ là vật vô tri mà còn trở thành biểu tượng của sự hồn nhiên và an lành trong tuổi thơ. Hình ảnh này gợi lên cảm xúc êm đềm và nhẹ nhàng, đồng thời nhấn mạnh vai trò của những khoảnh khắc đơn giản trong cuộc sống, đặc biệt là đối với trẻ em, trong việc mang lại niềm vui và sự thanh thản cho tâm hồn.

– Có thể là biện pháp tu từ hoán dụ:

+ Nhận diện: Trong khổ thơ, cụm từ “Chở bình yên trong veo” sử dụng biện pháp hoán dụ. Ở đây, “bình yên trong veo” là cách tác giả miêu tả cảm giác an lành, thanh thản mà những cánh diều (hay “con chim giấy”) mang lại, chứ không phải là thứ gì có thể thực sự “chở” hoặc vận chuyển.

+ Hiệu quả: Biện pháp hoán dụ này giúp cụ thể hóa và nhân cách hóa hình ảnh cánh diều, khiến chúng trở thành biểu tượng cho sự bình yên, trong sáng của tuổi thơ. Qua đó, tác giả khéo léo nhấn mạnh ý nghĩa tinh thần mà những cánh diều mang lại: không chỉ là niềm vui chơi của trẻ nhỏ, mà còn là biểu tượng của những khoảnh khắc thanh bình, nhẹ nhàng giữa cuộc sống ồn ào, tất bật. Điều này làm tăng thêm tính gợi cảm và chiều sâu cho hình ảnh, giúp người đọc dễ dàng liên tưởng và cảm nhận được sự trong trẻo và hồn nhiên mà tác giả muốn truyền tải.

Hướng dẫn chấm:

– Thí sinh trả lời như đáp án: 1,5 điểm

– Thí sinh trả lời được 1/3 số ý: 0,5 điểm

– Thí sinh trả lời được 2/3 số ý: 1,0 điểm

Lưu ý: Thí sinh có thể trả lời bằng các từ ngữ, các cách diễn đạt khác tương đương vẫn cho điểm tối đa.

1,5
4 – Suy nghĩ về giá trị của sự bình yên, hạnh phúc: Hình ảnh “cánh diều” trong khổ thơ cuối không chỉ là một phần của cảnh vật mà còn là biểu tượng của tuổi thơ, sự bình yên và hạnh phúc. Việc sử dụng hình ảnh “cánh diều” cho thấy tác giả đang dùng chúng như một phương tiện để truyền tải những giá trị nhỏ bé, bình yên mà sâu lắng, nuôi dưỡng tâm hồn con người.

– Tầm quan trọng của tuổi thơ bình yên: Khổ thơ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ sự bình yên trong tuổi thơ của trẻ em. Điều này phản ánh sự quan tâm đến sức khỏe tâm lí và sự phát triển toàn diện của trẻ, điều cần thiết để các em có thể lớn lên trong một môi trường hạnh phúc và không bị ảnh hưởng bởi những lo toan, áp lực của cuộc sống.

– Trách nhiệm của xã hội: Tác giả kêu gọi không chỉ cá nhân mà cả cộng đồng cùng chung tay bảo vệ và tạo điều kiện cho trẻ em có một tuổi thơ trong sáng và an lành. Đây là một lời nhắc nhở về trách nhiệm xã hội trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng thế hệ trẻ.

Hướng dẫn chấm:

– Thí sinh trả lời như đáp án: 1,5 điểm

– Thí sinh trả lời được 1/3 số ý: 0,5 điểm

– Thí sinh trả lời được 2/3 số ý: 1,0 điểm

Lưu ý: Thí sinh có thể trả lời bằng các từ ngữ, các cách diễn đạt khác tương đương vẫn cho điểm tối đa.

1,5
5 Thí sinh rút ra cho mình một thông điệp sâu sắc nhất.

Lí giải thuyết phục, lập luận chặt chẽ, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật.

Gợi ý một số thông điệp:

– Sự cẩn thiết của việc bảo vệ tuổi thơ bình yên cho con trẻ.

– Trách nhiệm của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc giáo dục, bảo vệ trẻ thơ.

– Suy nghĩ, nhận thức và hành động bản thân…

Hướng dẫn chấm:

– Thí sinh có cách trả lời và lí giải thuyết phục: 1,5 điểm

– Thí sinh không trả lời được: không cho điểm

1,5
II LÀM VĂN 14
1 Viết đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 200 chữ) về sự cần thiết của việc bảo vệ sự trong sáng và hồn nhiên của trẻ em trước những tác động tiêu cực của cuộc sống hiện đại. 4,0
Yêu cầu chung: Câu hỏi hướng đến việc đánh giá năng lực viết đoạn văn NLXH, đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập đoạn văn nghị luận, biết sử dụng các thao tác lập luận, lí lẽ, dẫn chứng hợp lí, thuyết phục và bày tỏ thái độ, chủ kiến của mình  
Yêu cầu cụ thể: thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ căn cứ xác đáng; bày tỏ quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.
Có thể triển khai theo hướng sau:

– Sự trong sáng và hồn nhiên là những phẩm chất tự nhiên của trẻ em, giúp các em phát triển vui vẻ, khỏe mạnh về tinh thần. Bảo vệ sự trong sáng và hồn nhiên của trẻ em là một nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh cuộc sống hiện đại đầy phức tạp và áp lực. Trẻ em là tương lai của xã hội, và sự phát triển toàn diện của chúng không chỉ phụ thuộc vào kiến thức học thuật mà còn vào việc giữ gìn những giá trị tinh thần, đạo đức, và cảm xúc.

– Sự cần thiết phải bảo vệ sự trong sáng và hồn nhiên của trẻ em:

+ Đảm bảo sự phát triển lành mạnh: Sự trong sáng, hồn nhiên là nền tảng cho sự phát triển toàn diện về mặt tinh thần, tâm lí và cảm xúc của trẻ. Khi được bảo vệ khỏi những tác động tiêu cực, trẻ sẽ phát triển một cách tự nhiên, tự tin và ổn định.

+ Xây dựng giá trị đạo đức và nhân cách: Trẻ em có một tâm hồn trong sáng sẽ dễ dàng tiếp thu những giá trị đạo đức và nhân cách tốt đẹp. Điều này giúp hình thành nền tảng vững chắc cho những hành vi và lối sống lành mạnh trong tương lai.

+ Tạo ra một xã hội lành mạnh và văn minh: Một thế hệ trẻ em được bảo vệ và phát triển trong môi trường tích cực sẽ trở thành những công dân có trách nhiệm, biết yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, và đóng góp tích cực cho xã hội. Trẻ em là là những mầm non tương lai của đất nước.

+ Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa: Sự trong sáng và hồn nhiên của trẻ em cũng là yếu tố giúp duy trì và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Khi được nuôi dưỡng trong một môi trường văn hóa lành mạnh, trẻ em sẽ trở thành những người kế thừa và phát triển bản sắc văn hóa của dân tộc.

– Không phải lúc nào cũng có thể bảo vệ tuyệt đối sự trong sáng và hồn nhiên của trẻ em: Trong cuộc sống hiện đại, trẻ em cần phải đối mặt với thực tế cuộc sống, bao gồm cả những khó khăn, thử thách để phát triển những kĩ năng ứng phó và sự trưởng thành. Một môi trường quá bao bọc có thể khiến trẻ thiếu khả năng tự lập, dễ bị sốc khi gặp phải những vấn đề trong tương lai.

– Sự cân bằng giữa bảo vệ sự trong sáng và chuẩn bị cho trẻ em đối mặt với thực tế: Ngoài việc bảo vệ sự hồn nhiên của trẻ em, gia đình và nhà trường cũng cần trang bị cho trẻ những kĩ năng sống cần thiết để đối mặt với các khó khăn, thách thức trong cuộc sống hiện đại. Điều này giúp trẻ vừa giữ được tâm hồn trong sáng nhưng cũng có đủ bản lĩnh và tự tin để vượt qua những trở ngại khi trưởng thành. Việc giáo dục này phải thực hiện một cách khéo léo, đảm bảo trẻ em được phát triển một cách toàn diện, cả về tâm hồn và khả năng tự lập.

Trong quá trình bàn luận, thí sinh cần lấy dẫn chứng minh họa phù hợp và bàn luận mở rộng rút ra bài học.

Hướng dẫn chấm:

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục; lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng: 3,0 – 4,0 điểm

– Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục; lí lẽ xác đáng; có dẫn chứng nhưng chưa tiêu biểu: 2,25 – 2,75 điểm

– Lập luận không chặt chẽ; lí lẽ chưa xác đáng, chưa liên quan mật thiết đến vấn

đề nghị luận; có dẫn chứng nhưng không phù hợp: 0,75 – 1,25 điểm

– Lập luận chung chung; lí lẽ không xác đáng, không liên quan đến vấn đề nghị luận; không có dẫn chứng: 0,25 – 0,5 điểm

 

0,5

 

 

 

 

 

 

0,5

 

 

0,5

 

 

0,5

 

 

 

0,5

 

 

 

0,5

 

 

 

 

0,5

 

 

 

 

 

2 Viết bài văn nghị luận văn học để làm sáng tỏ ý kiến của GS. Lê Đình Kỵ qua văn bản Sống dễ lẵm (Nguyễn Huy Thiệp). 10
Yêu cầu chung:

– Câu hỏi hướng đến việc đánh giá năng lực viết bài văn NLVH, đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về lí luận văn học , tác phẩm văn học, kĩ năng tạo lập văn bản.

– Thí sinh có thể cảm nhận và lí giải theo những cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng.

 
2.1 Giải thích ý kiến 2.0
*Cắt nghĩa ý kiến:

– “Nghệ sĩ phản ánh đời sống, sáng tạo theo quy luật của cái đẹp”: Người nghệ sĩ không chỉ đơn thuần tái hiện, phản ánh đời sống như nó vốn có, bê nguyên hiện thực vào văn chương. Cốt lõi của sự sáng tạo nghệ thuật là sự đi tìm cái đẹp, phản ánh cái đẹp và hướng tới cái đẹp. Có thể nhỏ nhoi, tầm thường, cái đẹp có thể lớn lao, vĩ đại, nhưng cái đẹp cũng có thể hiện lên trong cái đớn hèn, xấu xa.

– “Mang được sự thật sâu xa của đời sống bên ngoài, đồng thời mang được sự thật tâm tình của con người”:

+ Vẻ đẹp được tạo ra khi nghệ sĩ kết hợp một cách hài hòa giữa sự thật của đời sống bên ngoài và sự thật của tâm hồn con người. Đời sống bên ngoài mang lại cho nghệ sĩ những chất liệu phong phú, nhưng chính sự thật tâm tình, tức là những cảm xúc, suy nghĩ chân thật và sâu kín của con người, mới là yếu tố quan trọng tạo nên chiều sâu và giá trị của tác phẩm nghệ thuật.

+ Tác phẩm nghệ thuật đạt đến cái đẹp thực sự khi nó không chỉ dừng lại ở việc tái hiện những hiện thực đơn thuần mà còn khơi gợi và làm bộc lộ được những tầng sâu cảm xúc của con người. Qua đó, tác phẩm gửi gắm những giá trị nhân văn cao cả, bởi nó chạm đến những khía cạnh sâu sắc nhất của nhân sinh, làm cho con người cảm nhận được sự rung động, đồng cảm, và suy ngẫm về chính cuộc sống của mình.

=> Nội dung của ý kiến đề cập tới hai vấn đề tiêu biểu của văn học là chức năng thẩm mĩ (chức năng quan trọng nhất) của văn chương và mối quan hệ giữa văn học với hiện thực đời sống (vấn đề phản ánh với nhận thức và vấn đề phản ánh với biểu hiện).

*Lí giải ý kiến:

– “Nghệ sĩ phản ánh đời sống, sáng tạo theo quy luật của cái đẹp và nhằm đạt tới cái đẹp”:

+ Văn học là một loại hình nghệ thuật có tính đa chức năng, văn học hiện đại và hậu hiện đại càng ngày càng quan tâm tới những khả thể mới trong chức năng của văn chương và nó ngày càng làm được nhiều hơn những gì vốn có, ngày càng mở rộng thêm nhiều vai trò, tác dụng khác nhau đối với đời sống. Nhưng chức năng của văn chương luôn có tính thống nhất, một chức năng chi phối toàn bộ các chức năng còn lại. Đó là chức năng thẩm mĩ.

+ Văn học là hoạt động nhận thức và sáng tạo thẩm mĩ. Nhận thức và sáng tạo nghệ thuật trong đó có văn học là nhận thức, sáng tạo dưới ánh sáng của lí tưởng thẩm mĩ, được chi phối bởi những xúc động nhiệt thành về lí tưởng của cái đẹp. Cái thẩm mĩ là đặc điểm có tính loại biệt, như một thuộc tính, một phẩm chất tất yếu phải có của văn học nghệ thuật. Cái thẩm mĩ đem lại cho con người những rung động, xúc cảm mạnh mẽ, tác động vào toàn bộ lí trí và tình cảm, vừa có ý nghĩa cảm thụ, vừa có ý nghĩa đánh giá theo quy luật của cái đẹp.

+ Chức năng thẩm mĩ khả năng của văn học trong việc nâng cao giác quan cảm nhận cái đẹp, bồi dưỡng lí tưởng thẩm mĩ cho độc giả, giúp độc giả biết nhận ra và rung động trước cái đẹp, biết thưởng thức, đánh giá, bảo vệ, phát huy cái đẹp trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống. Giúp con người thỏa mãn được được nhu cầu thẩm mĩ: được cảm nhận cái đẹp, có được cảm xúc thẩm mĩ khi tiếp xúc với tác phẩm văn học (được thể nghiệm, được thay đổi giác quan, được phát huy trí tưởng tượng…). Hình thành năng lực cảm nhận thẩm mĩ để sống tự do, tích cực, phong phú hơn… Hình thành năng lực sáng tạo thẩm mĩ.

– “Tác phẩm nghệ thuật đạt tới cái đẹp theo nghĩa: mang được sự thật sâu xa của đời sống bên ngoài”: Tính hiện thực là thuộc tính tất yếu của văn học.

+ Văn học, với sứ mệnh phản ánh và khám phá thế giới, không thể tách rời khỏi thực tế khách quan. Đối tượng phản ánh của văn học chính là toàn bộ thế giới hiện thực trong đời sống con người và xã hội. Điều này có nghĩa là phạm vi phản ánh của văn học vô cùng rộng lớn, không chỉ giới hạn trong một khuôn khổ cố định, mà còn mở rộng ra mọi mặt của đời sống từ vật chất đến tinh thần, từ những trải nghiệm hàng ngày đến những tình cảm sâu kín, những mâu thuẫn nội tâm hay những xung đột xã hội.

+  Hiện thực đời sống là nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tác văn học, cung cấp chất liệu phong phú để nghệ sĩ xây dựng nên những câu chuyện, những hình tượng nghệ thuật mang đậm dấu ấn của thời đại và con người. Mỗi tác phẩm văn học, dù được sáng tác trong bất kì hoàn cảnh nào, cũng đều mang trong mình hơi thở của cuộc sống thực, là sự phản ánh những sự kiện, con người, và cảm xúc mà nhà văn đã cảm nhận và trải nghiệm. Nhà văn sử dụng những chất liệu từ cuộc sống, nhưng qua lăng kính của mình, họ biến đổi và nâng tầm những chất liệu đó thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, mang lại những cảm xúc thẩm mĩ (cái đẹp) và nhận thức mới cho người đọc.

+ Hiện thực không chỉ là cội nguồn sinh ra các sáng tác văn học mà còn là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa để người đọc hiểu sâu hơn về những tác phẩm ấy. Bất kì hiện tượng phức tạp nào được phản ánh trong văn học cũng đều có mối liên hệ mật thiết với đời sống thực tại. Những vấn đề xã hội, những cảm xúc con người, những xung đột giữa cá nhân và tập thể… đều là những hiện tượng có thực, được nhà văn khắc họa qua tác phẩm của mình. Để hiểu và giải thích những hiện tượng đó, người đọc cần quay trở lại với thực tế cuộc sống, từ đó tìm thấy những mối liên hệ, những ẩn ý mà nhà văn muốn gửi gắm.

– “Đồng thời mang được sự thật tâm tình của con người”: Hiện thực trong văn học là “hiện thực thứ hai” được sáng tạo lại.

+ Khi nói về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, ta có thể hình dung hiện thực cuộc sống như một mảnh đất màu mỡ, nơi từ đó nghệ thuật được nuôi dưỡng và phát triển. Hiện thực này, được gọi là “hiện thực thứ nhất”, là những gì mà con người cảm nhận, trải nghiệm và sống qua mỗi ngày. Nó bao gồm tất cả những sự kiện, con người, tình huống, cảm xúc, và mối quan hệ trong đời sống. Tuy nhiên, khi hiện thực ấy được đưa vào văn học, nó không còn là hiện thực nguyên vẹn như trong đời sống thực tại mà đã trở thành hiện thực được tái tạo lại, gọi là “iện thực thứ hai” – hiện thực đã được sáng tạo và tái hiện qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ.

+ “Hiện thực thứ hai” mang trong mình cả dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ, không chỉ phản ánh mà còn mang theo những suy nghĩ, cảm xúc, tư duy, và quan điểm riêng của nhà văn. Khi tác phẩm văn học ra đời, nó trở thành một thế giới hình tượng – một thế giới có thể bắt nguồn từ đời sống thực, nhưng lại được chuyển hóa và biến đổi theo nguyên tắc của nghệ thuật thẩm mĩ, của cái đẹp. Trong thế giới này, mọi thứ có thể mang một trật tự khác, một ý nghĩa khác so với thực tại. Nhà văn không đơn thuần sao chép cuộc sống mà họ chọn lọc, gạn lọc những chi tiết, tình huống, và con người từ hiện thực, sau đó biến chúng thành những biểu tượng nghệ thuật có giá trị thẩm mĩ và ý nghĩa sâu sắc.

+ “Hiện thực thứ hai” không chỉ là sản phẩm của sự sáng tạo từ phía nhà văn, mà còn chứa đựng một chiều sâu đặc biệt, xuất phát từ sự thật trong tâm tình của con người – những cảm xúc, suy nghĩ, và trải nghiệm nội tâm mà mỗi cá nhân đều có. Con người trong đời sống thực mang theo mình những tâm tư, trăn trở, những khát vọng và nỗi đau, và khi họ đối diện với tác phẩm văn học, họ tìm thấy trong đó sự phản chiếu của chính mình. Tác phẩm văn học, với thế giới hình tượng được xây dựng từ hiện thực thứ hai, không chỉ phản ánh đời sống bên ngoài mà còn gợi mở những tầng sâu trong cảm xúc và tâm trạng của con người. Văn học luôn phải ánh những tâm tình, dung chứa những cảm xúc rất riêng, rất đời của mỗi cá nhân mỗi người. Nhà văn, thông qua hiện thực thứ hai, không chỉ tạo ra một thế giới mới mà còn mở ra cánh cửa để độc giả bước vào và khám phá những góc khuất của chính họ, của cuộc đời họ.

 
2.2 Phân tích bài thơ làm sáng tỏ ý kiến 7,0
a. Giá trị thẩm mĩ của văn chương biểu hiện trong đoạn trích Sống dễ lắm

– Nguyễn Huy Thiệp, qua truyện ngắn Sống dễ lắm đã thành công trong việc khắc họa một bức tranh đầy chất thơ về cuộc sống của những người giáo viên vùng cao, nơi mà cái đẹp được tìm thấy trong chính những điều bình dị, giản đơn nhất.

– Nhân vật ông giáo Chi trong câu chuyện không chỉ là một người thầy tận tụy với nghề, mà còn là biểu tượng của sự kiên nhẫn, lòng yêu nghề, và một tinh thần sống lạc quan. Ông giáo Chi hiện lên không phải như một anh hùng vĩ đại, mà là một con người bình dị với những suy nghĩ và hành động rất đời thường, nhưng chính sự bình dị ấy lại toát lên vẻ đẹp sâu sắc và chân thực của cuộc sống. Nguyễn Huy Thiệp đã tài tình khi khắc họa được cái đẹp từ sự cam chịu, từ niềm vui nhỏ bé trong việc trồng rau, nuôi gà, và từ tình yêu nghề nghiệp đến mức quên mình của ông giáo Chi, vốn xuất thân là một người lính bước ra từ chiến trường.

– Tác phẩm Sống dễ lắm không chỉ dừng lại ở việc tái hiện hiện thực đời sống khắc nghiệt của các giáo viên vùng cao mà còn mở ra cho người đọc một không gian cảm xúc mới, nơi mà cái đẹp của cuộc sống không nằm ở những điều to tát, mà ở chính những khoảnh khắc giản dị, những giá trị tinh thần cao cả. Chính sự dung dị, tự nhiên trong từng chi tiết đã khơi gợi lên trong lòng người đọc những cảm xúc thanh cao, một sự tĩnh lặng, an nhiên giữa dòng đời xô bồ. Cái đẹp trong Sống dễ lắm không chỉ là cái đẹp của cảnh vật hay con người, mà còn là cái đẹp của một tâm hồn biết yêu thương “hãy nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống” hay “giáo dục… nghĩa là tha bổng… hễ có tội là tha”, biết chấp nhận và sống trọn vẹn với cuộc đời, dù trong bất kì hoàn cảnh nào “phải trồng rau chứ”, “nuôi lấy vài con gà”, “tất cả là do tự nhiên điều chỉnh hết”…

– Hóa ra, một câu chuyện với giọng văn giản dị mà đầy chất lãng mạn, Nguyễn Huy Thiệp đã kéo con người lại gần với tự nhiên, sống với tự nhiên mới là cuộc sống khiến ta cảm thấy dễ sống nhất, mọi thứ chúng ta đều có thể tự điều chỉnh để gần với tự nhiên, cải thiện cuộc sống. Cái thẩm mĩ hiện lên trong chính lối sống, chính lối suy nghĩ và giá trị nhân văn kéo người đọc xích lại gần nhau hơn; chưa bao giờ con người ta cảm thấy đồng điệu và gần gũi với thiên nhiên, với chính con người đến vậy. Trong xã hội hiện đại, khi mà nhịp sống dần trở nên vội vã hơn, con người ngày càng mất kết nối với nhau thì Sống dễ lắm đã kéo con người trở về với chính bản ngã của mình, trở về với tự nhiên chính là trở về với cội nguồn cuộc sống.

– Cái đẹp, cái thẩm mĩ còn được thể hiện ở nghệ thuật kể chuyện, cách lựa chọn ngôn từ giản dị, chân thật mà Nguyễn Huy Thiệp sử dụng. Không cầu kì, hoa mĩ, lỗi kể chuyện tự nhiên, gần gũi; ngôn từ trong tác phẩm gần gũi với người đọc như chính lời nói, suy nghĩ của những con người bình dị trong đời sống thường ngày. Cách ông giáo Chi trò chuyện, giải đáp thắc mắc cho các học trò bằng những câu nói mộc mạc, dễ hiểu không chỉ làm nổi bật lên tính cách của nhân vật mà còn tạo nên một bức tranh đời sống chân thực và sống động. Chính sự giản dị trong ngôn ngữ đã làm cho câu chuyện trở nên gần gũi, dễ dàng chạm đến tâm hồn người đọc, đồng thời khơi dậy những cảm xúc tự nhiên, sâu lắng về cuộc sống và con người. Đây cũng chính là một trong những yếu tố tạo nên vẻ đẹp vĩnh cửu của tác phẩm, giúp nó có sức lan tỏa và chiếm được tình cảm của đông đảo độc giả.

b. Hiện thực thứ nhất mà Nguyễn Huy Thiệp phản ánh qua văn bản Sống dễ lắm

Đề tài của văn bản Sống dễ lắm hướng tới là cuộc sống của những giáo viên ở vùng cao trong hoàn cảnh khó khăn, điều kiện thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Chủ đề của văn bản là sự lạc quan, niềm tin vào cuộc sống, và khả năng thích nghi, vượt qua khó khăn của con người thông qua triết lí sống giản dị, chân thành. Tác phẩm đề cao những giá trị nhân văn, lòng yêu nghề, và sự kiên nhẫn trong cuộc sống, đồng thời tôn vinh vẻ đẹp của sự bình dị trong cuộc sống thường ngày.

Tình huống truyện được xây dựng rất đơn giản nhưng đầy ý nghĩa. Ông giáo Chi, một giáo viên được giao nhiệm vụ giảng dạy cho lớp tập huấn tại một vùng cao hẻo lánh, gặp phải khó khăn khi tất cả tài liệu, sách vở bị cuốn trôi bởi nước lũ. Tuy nhiên, ông không để hoàn cảnh này làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ của mình. Thay vì từ bỏ, ông vẫn tiếp tục bài giảng bằng cách tận dụng những gì mình có: kinh nghiệm sống và kiến thức thực tế → Tình huống này phản ánh một hiện thực khắc nghiệt của đời sống vùng cao, nơi thiên nhiên có thể gây ra những trở ngại lớn cho con người. Tuy nhiên, điều đặc biệt ở đây là cách ông giáo Chi đối mặt với khó khăn: ông không chỉ vượt qua thử thách, mà còn biến nó thành một bài học quý giá về cuộc sống. Điều này cho thấy cách Nguyễn Huy Thiệp phản ánh đời sống không chỉ qua sự kiện mà còn qua triết lí sống giản dị nhưng sâu sắc của nhân vật.

– Về nội dung phản ánh: Trong Sống dễ lắm, Nguyễn Huy Thiệp tái hiện một cách chân thực cuộc sống khó khăn của các giáo viên vùng cao. Những thử thách về điều kiện vật chất, như việc ông giáo Chi mất hết đồ đạc do lũ cuốn, hay các giáo viên trẻ phải tự trồng rau, nuôi gà để sống, “lương thực ít, lại không có thực phẩm”, “lấy đâu ra chợ”, “thế còn tình yêu?”… đều phản ánh một hiện thực khắc nghiệt nhưng đầy tính nhân văn. Thực tế này không chỉ giúp người đọc hiểu rõ hơn về hoàn cảnh sống của nhân vật mà còn tạo nên một nền tảng vững chắc cho những suy tư triết lí mà tác giả muốn truyền tải. Chính sự chân thực này đã tạo nên sức mạnh cho tác phẩm, giúp người đọc cảm nhận sâu sắc về cuộc sống và những giá trị cốt lõi trong đó.

c. Hiện thực thứ hai – hiện thực chứa đựng những tâm tình của con người

Nhân vật chính, ông giáo Chi, được Nguyễn Huy Thiệp xây dựng với hình ảnh một người thầy bình dị nhưng đầy tâm huyết. Nhà văn sử dụng hình tượng ông giáo Chi để truyền tải những triết lí sâu sắc về cuộc sống và giáo dục. Ông không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người mang đến cho học trò những bài học về cách sống, cách đối mặt với khó khăn. Ông giáo Chi có cách nhìn nhận cuộc sống rất thực tế nhưng không kém phần nhân văn: “Sống dễ lắm!” – câu nói lặp đi lặp lại trong suốt câu chuyện.

– Qua nhân vật ông giáo Chi, Nguyễn Huy Thiệp đã khắc họa một con người bình dị, không phô trương, nhưng lại có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ đến người khác. Nhân vật này chính là minh chứng cho nhận định của GS. Lê Đình Kỵ về cái đẹp trong nghệ thuật: đó là cái đẹp xuất phát từ sự thật đời sống và sự thật tâm tình con người. Thể hiện một triết lí sống đơn giản, không cầu kì nhưng lại thấm đẫm sự thật và lòng nhân ái.

– Câu nói “Sống dễ lắm!” của ông giáo không chỉ là một lời khuyên giản đơn mà còn chứa đựng một triết lí sống sâu sắc. Hơn thế, một trong những đặc trưng quan trọng của truyện ngắn là khả năng truyền tải những thông điệp nhân văn sâu sắc qua những chi tiết nhỏ gọn, súc tích:

+ Trong Sống dễ lắm, thông điệp mà Nguyễn Huy Thiệp muốn gửi gắm chính là sự lạc quan, niềm tin vào cuộc sống và khả năng vượt qua khó khăn của con người.

+ Cái đẹp không chỉ nằm ở những gì hào nhoáng, to lớn mà còn ở sự bình dị, chân thật của cuộc sống thường ngày. Ông giáo Chi là biểu tượng của một con người sống giản dị, biết chấp nhận hoàn cảnh và luôn tìm cách thích nghi với nó. Đây cũng là cách mà tác phẩm đạt đến “cái đẹp” như GS. Lê Đình Kỵ đã nhấn mạnh.

+ Khuyến khích con người tìm kiếm niềm vui và sự đơn giản trong những điều nhỏ nhặt nhất của cuộc sống.

+ Thông qua nhân vật này, tác giả còn truyền tải thông điệp về lòng kiên nhẫn, sự bao dung, và tình yêu thương, giúp người đọc nhìn nhận lại cuộc sống của mình qua một lăng kính mới, một lăng kính đầy sự lạc quan và yêu đời.

 
2.3 Bình luận, đánh giá 1,0
– Bình luận ý kiến: Ý kiến của GS. Lê Đình Kỵ có ý nghĩa sâu sắc và quan trọng đối với cả người sáng tác lẫn người tiếp nhận văn học.

+ Đối với người sáng tác, ý kiến này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phản ánh hiện thực không chỉ một cách chân thực mà còn phải thông qua lăng kính sáng tạo của cái đẹp. Nghệ sĩ không chỉ tái hiện đời sống mà còn phải tìm ra và tạo nên cái đẹp ẩn sâu trong đời sống, từ đó mang lại giá trị thẩm mĩ và nhân văn cao cả cho tác phẩm. Điều này khuyến khích người sáng tác không ngừng khám phá, chắt lọc từ hiện thực để xây dựng nên những tác phẩm mang tính nghệ thuật sâu sắc, vừa phản ánh đúng sự thật của đời sống, vừa chứa đựng những cảm xúc, suy nghĩ chân thành của chính mình. Sáng tạo văn học dựa trên quy luật của cái đẹp – quy luật thẩm mĩ nghệ thuật.

+ Đối với người tiếp nhận, ý kiến này định hướng cách hiểu và cảm nhận văn học. Người đọc không chỉ nhìn nhận tác phẩm văn học như một bức tranh sao chép lại cuộc sống mà còn phải cảm nhận được cái đẹp, cái sâu xa được nhà văn lồng ghép trong từng câu chữ, hình ảnh. Ý kiến giúp người đọc hiểu rằng giá trị của văn học nằm ở sự kết hợp hài hòa giữa hiện thực đời sống và hiện thực tâm tình, giúp họ thưởng thức và đánh giá tác phẩm văn học một cách sâu sắc hơn dựa trên tầm đón nhận của cá nhân mỗi người, cũng như mục đích, tâm thế tiếp nhận khác nhau.

– Đánh giá ý kiến:

+ Xét về tính đúng đắn, ý kiến của GS. Lê Đình Kỵ hoàn toàn chính xác khi khẳng định rằng văn học không chỉ phản ánh hiện thực mà còn sáng tạo nên cái đẹp từ hiện thực ấy. Đây là một quan điểm có cơ sở vững chắc trong Lí luận văn học, khi mà nhiều nhà văn, nhà phê bình khác cũng từng đề cập đến sự kết hợp giữa hiện thực và cái đẹp trong sáng tác văn học. Ý kiến này đặc biệt có giá trị trong việc hướng dẫn người sáng tác tìm kiếm và thể hiện cái đẹp trong tác phẩm của mình, đồng thời giúp người đọc hiểu rõ hơn về giá trị thẩm mĩ trong văn học, bên cạnh đó là mối quan hệ giữa văn học với hiện thực cuộc sống.

+ Tuy nhiên, xét về tính bao quát, quan điểm của GS. Lê Đình Kỵ tuy đã đề cập đến nhiều khía cạnh quan trọng của văn học nhưng vẫn chưa bao quát toàn bộ nội dung Lí luận văn học. Ý kiến này chủ yếu tập trung giá trị thẩm mĩ, văn học và hiện thực, nhưng chưa nhắc đến một số khía cạnh khác của văn học như quá trình tiếp nhận văn học, phong cách nhà văn hay đặc trưng của văn học – nghệ thuật ngôn từ… Đặc biệt, quan điểm này cũng chưa phản ánh đầy đủ sự đa dạng trong cách tiếp cận và sáng tạo nghệ thuật của các nhà văn hiện đại, khi mà nhiều tác phẩm có thể không chú trọng vào cái đẹp mà vào sự thật trần trụi của đời sống.

=> Tóm lại, ý kiến của GS. Lê Đình Kỵ là một quan điểm đúng đắn, sâu sắc nhưng vẫn có thể được mở rộng và bổ sung để bao quát hơn các khía cạnh khác nhau của văn học. Ý kiến có thể được coi là nền tảng, cốt lõi để phát triển hơn nữa những vấn đề Lí luận văn học và vấn đề tiếp cận tác phẩm theo đặc trưng thể loại.

 
TỔNG ĐIỂM 20
Lưu ý chung:

1. Đây là hướng dẫn chấm mở, thang điểm không quy định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm

của phần nội dung lớn nhất thiết phải có.

2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu mỗi câu,

đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.

3. Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Chấp nhận bài viết không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.

4. Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng.

5. Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.

 

_HẾT ĐÁP ÁN_

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *