Đề thi học sinh giỏi Nghị luận về ý kiến :Hiểu văn học – Hiểu cuộc sống

Đề thi khối 12
TRƯỜNG THPT CÁI BÈ

BỘ MÔN NGỮ VĂN

ĐỀ THI THỬ LẦN 3 CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP QUỐC GIA

Năm học 2017 – 2018

Môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 180 phút.

(Đề thi có 01 trang, gồm 2 câu)

—————————————————————————————————-

 

Câu 1: (8.0 điểm)

Câu chuyện “Bóng nắng, bóng râm”

“Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng chợt râm. Mẹ bảo:

– Nhà ngoại ở cuối con đê.

Trên đê chỉ có mẹ có con. Lúc nắng mẹ kéo tay con:

– Đi nhanh khẻo nắng vỡ đầu ra.

Con cố!

Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng:

– Đang lúc mát trời, nhanh lên, kẻo nắng bây giờ.

Con ngỡ ngàng: Sao nắng, râm đều phải vội?

Trời vẫn nắng, vẫn râm…

… Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: Đời lúc nào cũng phải nhanh lên.”

Anh/chị rút ra được bài học gì cho mình từ câu chuyện trên?

Câu 2: (12.0 điểm)

Có ý kiến cho rằng:

“Hiểu văn học – Hiểu cuộc sống”

Anh/chị có suy nghĩ gì về vấn đề trên?

———————————————–HẾT———————————————-

 Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.

Họ và tên thí sinh:……………………………………… Số báo danh: ………………………..

TRƯỜNG THPT CÁI BÈ

BỘ MÔN NGỮ VĂN

ĐỀ THI THỬ LẦN 3 CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP QUỐC GIA

Năm học 2017 – 2018

Môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 180 phút.

—————————————————————————————————-

CÂU 1: Nghị luận xã hội (8,0 điểm)

  1. YÊU CẦU VỀ KĨ NĂNG:
  • Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, xác định được các luận điểm đúng đắn, luận cứ (lí lẽ, dẫn chứng) xác thực và biết lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp.
  • Bố cục bài văn hợp lí, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi dùng từ, ngữ pháp.
  1. YÊU CẦU VỀ KIẾN THỨC:

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được những nội dung chủ yếu dưới đây:

Nội dung Tỉ lệ điểm
A. Giải thích vấn đề:

1.    Câu chuyện kể về cuộc hành trình của hai mẹ con khi về thăm nhà ngoại.

– Bóng nắng và bóng râm: hai trạng thái của thời tiết, nói rộng hơn, là hai kiểu hoàn cảnh khác nhau. Bóng nắng: là khi hoàn cảnh khắc nghiệt, khó khăn. Bóng râm: là kki hoàn cảnh trở nên dễ chịu hơn với cuộc sống con người.

– Cuộc sống cũng giống như thời tiết. Điều đặc biệt là khi bóng nắng lẫn bóng râm, người mẹ đều thúc giục con bước nhanh hơn. Cũng như vậy, lúc khó khăn, khắc nghiệt, con người phải dốc toàn bộ tâm sức để nhanh chóng vượt qua; nhưng giai đoạn yên bình, thuận lợi hơn cũng không được vì thế mà buông thả.

2. Câu chuyện nêu lên một bài học về cách sống: Trên con đường đời, lúc nào cũng phải nhanh, nỗ lực hết mình – cả khi khó khăn lẫn yên bình. Có như vậy, con người mới sống được trọn vẹn và ý nghĩa cuộc đời mình.

1,0
B. Vận dụng lí lẽ và dẫn chứng để đánh giá vấn đề: Chẳng hạn:

Tại sao con người phải sống nhanh, sống hết mình ngay cả khi khó khăn lẫn khi thuận lợi?

1.    Khó khăn, thử thách là những rào cản ngăn bước con người. Để vượt qua, cần nỗ lực hết mình, dốc toàn bộ tâm sức. Sống là không chờ đợi, lúc nào cũng phải nhanh, nỗ lực đến đích. Không ai có thể chiến thắng được khó khăn mà chỉ im lặng, chờ đợi.

2.     Cuộc sống luôn tiềm tàng những biến cố nằm ngoài dự đoán. Những yên bình, thuận lợi mà ta có hôm nay không kéo dài mãi mãi. Bởi vậy, trong hoàn cảnh thuận lợi, con người cần phải biết trân trọng từng phút giây, sống hết mình, chuẩn bị cho những biến cố bất ngờ xảy đến.

 

 

3,0

 

 

 

3. Hoàn cảnh thuận lợi là điều kiện tốt nhất để đạt được mục tiêu. Càng thuận lợi, càng phải cố gắng, nỗ lực hết mình sẽ đưa con người đến đích dễ dàng hơn.

4. Cuộc đời ngoài kia trôi đi hối hả, không chờ đợi ai; thời gian, cơ hội đi qua sẽ không bao giờ quay trở lại. Bởi vậy, biết tận dụng thời gian, không bỏ lỡ cơ hội để sống tốt trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, để làm những việc có ích, có ý nghĩa cho mình và cho người khác.

Lưu ý: Ở mỗi ý trên, thí sinh cần nêu các dẫn chứng thực tế, thuyết phục.

 
C. Vận dụng lí lẽ và dẫn chứng để bàn bạc, mở rộng vấn đề:

 Chẳng hạn:

1.   Phê phán những con người có lối sống lãng phí về tiền bạc, đặc biệt là lãng phí về thời gian; những con người có thái độ, tâm lí sống hưởng thụ, ỷ lại, không tự mình làm nên cuộc sống.

2.   Tuy nhiên, sống hết mình không nghĩa với sống gấp, sống ẩu – sống đốt cháy giai đoạn. Sống hết mình khi con người nhận thức được giá trị của thời gian, cơ hội, còn sống gấp, sống ẩu là khi con người chạy theo những giá trị bên ngoài mà bỏ đi những khoảnh khắc nhỏ bé nhưng ý nghĩa của cuộc sống.

3.   Sống nhanh, sống hết mình nhưng đôi khi cần dừng lại để nghỉ ngơi, để nhìn nhận lại những điều đã qua và cảm nhận những điều nhỏ bé nhưng đẹp đẽ của cuộc đời.

3,0

 

D. Nêu phương hướng phấn đấu của bản thân:

Chẳng hạn:

1.   Cơ hội và thách thức, hạnh phúc và khổ đau, khó khăn và thuận lợi chia đều cho mỗi người, hãy coi mỗi thuận lợi và khó khăn là một phần của cuộc sống, là một chặng đường phải đi qua, phải nhận ra để đón nhận nó và sống hết mình với nó.

2.   Đề xuất những biện pháp, phương hướng cụ thể của bản thân trong thời gian tới: Mỗi người cần nhìn nhận lại, đánh giá lại “tốc độ sống” của mình. Đồng thời, phải định hướng cho mình một lối sống phù hợp (Sống nhanh lên, trân trọng từng giây phút. Sống và làm việc một cách có ích, không nên sống hoài sống phí cho những mục đích, dự định vô bổ. Sống có ý nghĩa với mình và những người xung quanh.)

1,0

 

Lưu ý:

·         Chỉ cho điểm tối đa khi thí sinh đạt được cả yêu cầu về kĩ năngkiến thức.

·         Thí sinh có thể nêu lí lẽ và dẫn chứng theo cách khác, miễn là chính xác, hợp lí.

·         Khuyến khích những bài làm có tính riêng, sáng tạo.

 

 

CÂU 2: Nghị luận văn học (12,0 điểm):                                  

“Hiểu văn học – Hiểu cuộc sống”

  1. YÊU CẦU VỀ KĨ NĂNG:

1.1. Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận văn học. Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác lập luận. Đặc biệt, nắm vững thao tác lập luận phân tích, chứng minh để làm sáng rõ vấn đề.

1.2. Bố cục và hệ thống ý sáng rõ. Vận dụng tốt kiến thức Lí luận văn học để giải quyết vấn đề.

1.3. Văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục. Diễn đạt chính xác, giàu hình ảnh, gợi cảm.

  1. YÊU CẦU VỀ KIẾN THỨC:

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được những nội dung chủ yếu dưới đây:

Nội dung Tỉ lệ điểm
A. Làm rõ nội dung ý kiến trên:  
A.1. Văn học là pho bách khoa toàn thư của cuộc sống; đối tượng phản ánh của văn học rất đa dạng, là tất cả mọi phương diện của cuộc sống. 0,5
A.2. Điều gì xuất hiện trong cuộc sống cũng có thể được tìm thấy trong văn học, nên “hiểu văn học” là hiểu những thông điệp mà tác giả gửi gắm vào đó, cũng chính là “hiểu cuộc sống” – hiểu về con người, hiểu về những gì diễn ra xung quanh mình. 0,5
B. Bàn luận vấn đề từ ý kiến:

Dùng lí lẽ và dẫn chứng để đánh giá, khẳng định tính đúng đắn của vấn đề. Chẳng hạn:

B1. Đến với văn học là đến với cuộc đời, cuộc đời trên trang sách là sự phản chiếu cuộc đời thật. Vì văn học là cuộc đời được nhìn qua lăng kính chủ quan của người sáng tác. Nhà văn sáng tạo ra tác phẩm văn học từ những quan sát, trải nghiệm thực tế cuộc sống. Nhà văn sẽ không thể nào có một tác phẩm văn học khi hoàn toàn thoát ly với cuộc đời.

B2. Thông qua việc đọc tác phẩm, người đọc sẽ được trải nghiệm sâu sắc cuộc sống. Họ được đến những xứ sở mà ngoài đời thực mình chưa hề đặt chân đến, được sống những cuộc đời khác với cuộc sống thực tại, được phiêu du tâm hồn vào những miền đời lạ lẫm… Từ việc khám phá tác phẩm, người đọc cũng khám phá cuộc sống từ nhiều khía cạnh.

2,0
C. Minh họa bằng thực tế cảm nhận tác phẩm: (4,0)
Từ việc cảm nhận các tác phẩm đã học, đã đọc, học sinh chỉ ra mình đã hiểu văn học thế nào và từ đó hiểu cuộc sống ra sao để làm sáng tỏ các mục ở phần B trên đây.  
C. Vận dụng lí lẽ và dẫn chứng để bàn bạc, mở rộng, bổ sung, phản biện vấn đề:

Chẳng hạn:

C1. Văn học luôn song hành cùng con người trên hành trình cuộc sống, nhà văn chính là người thấu lẽ đời, hiểu nhân tình.

C2. Không phải cứ hiểu văn học là hiểu cuộc sống. Trang đời và trang văn không trùng khít với nhau. Phải biết chọn tác phẩm để đọc, kết hợp giữa đọc rộng và đọc sâu, đọc và nghiềm ngẫm, suy xét kĩ càng thì mới có thể phần nào thấu tỏ cuộc sống.

C3. Việc hiểu cuộc sống qua văn học không thể thay thế cho việc trực tiếp trải nghiệm cuộc sống để hiểu cuộc sống; quá trình trải nghiệm, trau dồi vốn sống sẽ giúp quá trình hiểu văn học được sâu sắc hơn, đầy đủ hơn.

C4. Đôi khi nhiệm vụ của văn học chỉ là khai mở nhân sinh quan, thế giới quan, thế giới quan, đặt ra những câu hỏi để người đọc nghĩ tiếp, qua đó dần tiệm cận chân lí về đời sống; để văn học thật sự giúp chúng ta hiểu hơn về đời sống thì mỗi tác phẩm văn học cần trở thành một diễn đàn dân chủ, nơi người đọc và tác giả đối thoại để có cái nhìn thấu đáo hơn về con người, thời đại.

3,0
D. Rút ra bài học cho người sáng tác và tiếp nhận văn học:

D1. Để viết được những trang văn thấm đẫm tình đời và tình người, nhà văn hẳn phải có tấm lòng gắn bó sâu sắc với cuộc đời, khả năng quan sát tinh tế và sử dụng ngôn ngữ điêu luyện.

D2. Để hiểu cuộc sống qua văn học, đòi hỏi người đọc phải là người có trình độ thưởng thức, có sự am hiểu văn học, có trí tuệ sâu sắc…

2,0
Lưu ý:

·         Chỉ cho điểm tối đa khi thí sinh đạt được cả yêu cầu về kĩ năngkiến thức.

·         Thí sinh có thể nêu lí lẽ và dẫn chứng theo cách khác, miễn là chính xác, hợp lí.

·         Khuyến khích những bài làm có tính riêng, sáng tạo.

——————————————-HẾT———————————————–

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *