Đề thi Học sinh giỏi môn văn lớp 12 Hà Tĩnh 2019

Đề thi khối 12

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

HÀ TĨNH

 

ĐỀ THI CHÍNH THỨC

 

(Đề thi có 01 trang, gồm 02 câu)

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH LỚP 12 THPT

NĂM HỌC 2018 – 2019

 

Môn thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 180 phút

 

 

     

 

 

Câu 1. (8 điểm)

“Sống như chính mình trong một thế giới luôn cố biến mình thành người khác – đó là thành tựu lớn nhất trong đời.”

(Ralph Waldo Emerson,

Dẫn theo Rosie Nguyễn, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2016, Tr.147)

Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

 

Câu 2. (12 điểm)

“Người nghệ sĩ đích thực, người nghệ sĩ có tài năng bao giờ cũng mang đến cho đời một cái gì mới, một cái gì riêng biệt chưa từng có. Chính cái mới, cái riêng biệt đó làm cho cuộc sống hiện lên luôn luôn phong phú, lạ lùng, hấp dẫn.”

(Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương, Lý luận văn học, vấn đề và suy nghĩ,  Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 1999, Tr. 24)

           Bằng hiểu biết về văn học, anh/chị hãy bình luận nhận định trên.

 

 

—————————— Hết ——————————

 

 

 

– Thí sinh không được sử dụng tài liệu.

– Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

 

 

Họ và tên thí sinh: ………………………..……………… Số báo danh: …………………

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

HÀ TĨNH

 

 

HƯỚNG DẪN CHẤM CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNHNĂM HỌC 2018 – 2019

Môn: NGỮ VĂN LỚP 12

(Hướng dẫn chấm có 04 trang)

  1. Hướng dẫn chung

– Do đặc trưng của kì thi nên Giám khảo cần nắm vững được nội dung, yêu cầu của đề bài để đánh giá một cách tổng quát năng lực của thí sinh: Năng lực hiểu biết, vận dụng, sáng tạo và khả năng tạo lập văn bản;

– Chủ động, vận dụng linh hoạt Hướng dẫn chấm, cân nhắc từng trường hợp cụ thể để cho điểm: nếu thí sinh làm bài theo cách riêng nhưng đáp ứng được yêu cầu cơ bản hoặc có những kiến giải một cách sáng tạo, thuyết phục thì giám khảo vẫn có thể cho điểm tối đa; tránh việc đếm ý cho điểm;

– Khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo, giàu chất văn, có lối tư duy phản biện; kết cấu chặt chẽ, mạch lạc.

– Những bài viết mắc vào lỗi kiến thức, chính tả, dùng từ, ngữ pháp thì tùy vào mức độ để cho điểm.

  1. Hướng dẫn cụ thể

 

Câu                              Hình thức, kĩ năng và nội dung kiến thức Điểm
Câu 1  “Sống như chính mình trong một thế giới luôn cố biến mình thành người khác – đó là thành tựu lớn nhất trong đời 8,0
  Yêu cầu về kĩ năng: HS phải biết huy động vốn hiểu biết về đời sống và kĩ năng làm văn nghị luận xã hội để hoàn chỉnh bài viết. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, lưu loát, không mắc lỗi chính tả và ngữ pháp. 2,0

 

 

Yêu cầu về kiến thức: Bài viết cần đảm bảo một số ý cơ bản sau đây 6.0
1.  Giải thích ý kiến:

Sống như chính mình: Là sống với ý thức về giá trị cá nhân, sống trung thực, thẳng thắn với cái tôi của mình, là sự khẳng định bản ngã trước người khác, trước cộng đồng xã hội.

Một thế giới cố biến mình thành người khác: Là hoàn cảnh xã hội, là những yếu tố bên ngoài tác động khiến con người không được là chính mình, đánh mất mình.

Thành tựu: Cái đạt được, có ý nghĩa lớn sau một quá trình hoạt động thành công.

– Ý kiến khẳng định vai trò, tầm quan trọng của việc con người vượt lên những cản trở của yếu tố tác động bên ngoài để sống là chính mình. Đó là điều có ý nghĩa nhất, kết quả lớn nhất mà con người thu được trong hành trình sống của bản thân.

1.0
2.  Bình luận ý kiến: 4.5
2.1 Bình: 4.0
a. Sống như chính mình được biểu hiện như thế nào:

– Sống có hành trang: tài năng và trí tuệ

– Sống có bản lĩnh, ý chí và nghị lực

– Sống có mục đích, lý tưởng, có đạo đức, nhân cách

– Sống có cá tính, dám sống với những nhu cầu bản thể của mình, đồng nhất giữa bên ngoài và bên trong…

0.5
b. Nguyên nhân quan trọng khiến con người không được sống như chính mình bởi con người phải sống trong một thế giới luôn cố biến mình thành người khác:

– Xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng của chế độ phong kiến tập quyền nên ý thức cá nhân cá thể không có điều kiện phát triển. Con người phải triệt tiêu cá tính, khép mình theo những qui tắc, chuẩn mực chung. Người có tư duy mới mẻ, có chủ kiến cá nhân, khác biệt với mọi người thường phải chịu cái nhìn mang tính định kiến của cộng đồng xã hội.

– Cuộc sống hiện đại ngày nay khiến con người dễ biến mình thành người khác:

+ Sự phát triển mạnh mẽ của nền văn minh vật chất đưa tới nguy cơ làm tha hóa con người. Con người quá coi trọng vật chất, sống thực dụng, sống theo hình thức, hướng ngoại, đua đòi theo những giá trị vật chất. Con người sống lệ thuộc vào những yếu tố bên ngoài, không làm chủ được mình.

+ Nền kinh tế thị trường chi phối khiến con người sống nhanh, sống gấp, sống giả. Con người sống theo bề rộng mà bỏ qua chiều sâu, không bồi đắp, di dưỡng những giá trị tinh thần.

+ Sự phát triển của mạng xã hội, việc sản sinh ra các sản phẩm công nghệ cao khiến con người bị đắm chìm trong thế giới ảo, tôn thờ cái ảo mà đánh mất giá trị thực.

+ Chiều hướng phát triển đa dạng, phức tạp của cuộc sống dẫn đến sự mất phương hướng, bi quan, sự suy giảm lòng tin vào lý tưởng của con người.

1.0
c. Vì sao sống như chính mình trong một thế giới cố biến mình thành người khác là thành tựu lớn nhất trong đời:

Khi con người dám là mình trong một thế giới cố biến mình thành người khác, từ suy nghĩ đến hành động thì sẽ không còn bị môi trường chi phối, trở nên độc lập, không hòa lẫn vào đám đông, không còn mặc cảm tự ti, không dễ bị tổn thương, sống an nhiên, tự tại, tự tin đối diện với thế giới xung quanh, vượt qua những thách thức, những tác động tiêu cực của cuộc sống.

– Khi vượt qua được những cản trở của yếu tố bên ngoài, con người vượt qua các giới hạn của bản thân, phát triển và sáng tạo, khai phóng được tất cả mọi khả năng, sức mạnh tiềm ẩn, khẳng định được sự tồn tại có ý nghĩa trong cuộc đời.

– Khi vượt qua sự chi phối của ngoại cảnh, sống là chính mình, con người sẽ vun đắp được những nét đặc sắc của riêng mình, vẻ đẹp của riêng mình, in dấu được cái tôi bản thể.

2.0
d. Làm thế nào để sống là chính mình trong một thế giới luôn biến mình thành người khác:

– Không thể tự khẳng định bản thân bằng cách dựa dẫm vào ngoại lực hay bằng những hình thức, phương tiện vay mượn từ bên ngoài, trước hết và chủ yếu phải phụ thuộc vào chính nội lực của mình. Con người cần có bản lĩnh được hun đúc nên từ trí trí tuệ, tâm hồn và nhân cách.

– Mặt khác con người chỉ có thể trở thành chính mình trong một môi trường tự do dân chủ. Một xã hội chuyên chế là xã hội triệt tiêu sự sáng tạo của cá nhân và của cả cộng đồng. Cái tôi chỉ có thể tồn tại trong môi trường mà con người cá nhân được tôn trọng.

0.5
2.2  Luận:

Cần có ý thức khẳng định cái tôi cá nhân vượt lên sự chi phối của môi trường sống nhưng không tự cao tự đại. Sống là chính mình nhưng phải phù hợp với chẩn mực đạo đức cộng đồng, xã hội.

– Sống là chính mình được đánh giá cao khi nó không chỉ hướng đến sự phát triển của riêng cá nhân mà còn gắn với tinh thần phụng sự vô tư cho lợi ích cộng đồng.

– Sự khẳng định mình của mỗi cá nhân luôn quan hệ gắn bó với sự khẳng định mình của mối quốc gia dân tộc. Từ đó đặt ra vấn đề bản lĩnh của mỗi quốc gia dân tộc trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

– Phê phán những con người đánh mất chính mình với lối sống hèn nhát, thụ động, lối sống trong bao, lối sống giả tạo, hình thức… hay những cách sống là chính mình đi ngược với chuẩn mực của đạo đức xã hội.

0.5
3. Bài học nhận thức và hành động:

– Nhận thức được vai trò quan trọng việc sống là chính mình trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay.

– Bồi đắp, rèn luyện các  năng lực của bản thân để kiến tạo một cuộc sống có ý nghĩa cho bản thân, gia đình và xã hội.

0.5
Câu 2

 

“Người nghệ sĩ đích thực, người nghệ sĩ có tài năng bao giờ cũng mang đến cho đời một cái gì mới, một cái gì riêng biệt chưa từng có. Chính cái mới, cái riêng biệt đó làm cho cuộc sống hiện lên luôn luôn phong phú, lạ lùng, hấp dẫn”. 12.0
 

 

Yêu cầu về kĩ năng: HS phải biết huy động vốn hiểu biết về đời sống và kĩ năng làm văn nghị luận để hoàn chỉnh bài viết. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, lưu loát, không mắc lỗi chính tả và ngữ pháp. 3.0
Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể triển khai bài làm theo nhiều cách thức khác nhau. Tuy nhiên, bài làm cần đạt được một số yêu cầu cơ bản sau: 9.0
1. Giải thích nhận định:

Người nghệ sĩ đích thực, người nghệ sĩ tài năng: Chỉ những người có năng lực xuất sắc, có khả năng sáng tạo nên những tác phẩm văn học có giá trị.

Cái mới, cái riêng biệt: cái được làm ra mà chưa từng có, khác hẳn với những gì trước đó.

Cuộc sống hiện lên luôn luôn phong phú, lạ lùng, hấp dẫn: Cuộc sống được kiến tạo trong tác phẩm bằng những hình ảnh và màu sắc riêng. Thế giới trong tác phẩm của nhà văn là thế giới độc đáo, mang đậm dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ.

– Ý kiến đề cập đến vấn đề phong cách văn học. Người nghệ sĩ tài năng là người có phong cách nghệ thuật độc đáo, có khả năng sáng tạo nên một thế giới mới trong tác phẩm của mình. Đó là tài nghệ của người nghệ sĩ trong việc đem đến cho độc giả  một cái nhìn mới mẻ về cuộc sống.

1.0
2. Bình 6.5
a. Vì sao người nghệ sĩ đích thực, người nghệ sĩ tài năng bao giờ cũng mang đến cho đời một cái gì mới, một cái gì riêng biệt chưa từng có:

– Xuất phát từ chính nhu cầu của cuộc sống, cuộc sống luôn đòi hỏi sự xuất hiện của những nhân tố mới mẻ, những cái không lặp lại.

– Xuất phát từ đặc trưng của quá trình sáng tạo văn học. Sự  phát triển của văn học xét đến cùng là sự sáng tạo, chỉ có sáng tạo mới tạo nên sức sống cho tác phẩm. Mỗi tác phẩm ra đời là một khám phá về nội dung, một phát minh về hình thức nghệ thuật.

– Xuất phát từ đặc trưng lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ là lao động cá thể. Đồng thời, người nghệ sĩ là người có những tố chất đặc biệt có khả năng sáng tạo nên cái mới..

1.0
b. Cái mới, cái riêng biệt chưa từng có được biểu hiện như thế nào trong sáng tác của những người nghệ sĩ tài năng:

– Đó là cách nhìn, cách cảm thụ có tính chất khám phá đối với cuộc đời. Cái nhìn thể hiện quan điểm độc đáo về con người, về thế giới. Phong cách của nhà văn được phân biệt đầu tiên ở cách nhìn, cách cảm thụ con người và đời sống.

– Cái mới của nhà văn thể hiện ở giọng điệu riêng gắn với cảm hứng sáng tác. Giọng điệu là thái độ, là lập trường của nhà văn được thể hiện qua phương thức nghệ thuật.

– Cái mới của nhà văn thể hiện ở cách lựa chọn, xây dựng, xử lý đề tài, chủ đề.

– Đó là cái mới biểu hiện ở tính thống nhất, ổn định trong cách sử dụng các phương thức, phương tiện nghệ thuật, từ việc tổ chức kết cấu, định vị thể loại, sử dụng ngôn ngữ… cho đến cách kể chuyện, miêu tả ngoại hình, bộc lộ nội tâm…

– Các biểu hiện nói trên không tồn tại tách rời mà bao hàm lẫn nhau, tồn tại thông qua nhau đem lại cho tác phẩm văn học tính chỉnh thể toàn vẹn.

1.0
c.Cái mới, cái riêng biệt đã làm cho cuộc sống trong tác phẩm hiện lên phong phú, lạ lùng, hấp dẫn như thế nào:

– Đứng trước hiện thực cuộc sống, mỗi người nghệ sĩ có cách suy ngẫm, lý giải khác nhau, cách lựa chọn những mảng đề tài khác nhau để đặt ra những vấn đề khác nhau. Nhờ đó, cuộc sống hiện lên trong tác phẩm của nhà văn là thế giới riêng, độc đáo, được kiến tạo bằng hình ảnh, màu sắc, phong phú, đa đạng, mang đậm dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ.

– Cuộc sống hiện lên phong phú, lạ lùng, hấp dẫn còn được biểu hiện ở chỗ cùng viết về một đề tài nhưng mỗi nhà văn tài năng lại có những cách nhìn, cách khám phá riêng khiến cuộc sống hiện lên như lần đầu được khám phá.

4.0
d. Làm thế nào để người nghệ sĩ mang đến cho đời những cái mới mẻ, riêng biệt

– Người nghệ sĩ cần giàu trải nghiệm, giàu vốn sống, hiểu người và hiểu đời.

– Người nghệ sĩ phải có cái tâm, có tình yêu sâu nặng đối với con người và cuộc đời, chính tình đời sâu nặng tạo nên chiều sâu nhân văn trong sáng tác của người nghệ sĩ.

– Người nghệ sĩ phải có bản lĩnh, cá tính sáng tạo mới có thể phát hiện cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, mang đến cho người đọc bài học trông nhìn và thưởng thức.

0.5
3. Luận

Ý kiến đúng đắn khẳng định vai trò của hướng đi riêng trong khám phá sáng tạo nghệ thuật. Nhà văn phải tự làm mới mình, quan trọng nhất là đổi mới cách nhìn trước cuộc đời. Tuy nhiên, không phải sự độc đáo nào cũng có giá trị tạo nên phong cách của nhà văn. Mọi sự đổi mới đều không vượt ra ngoài qui luật chân –  thiện –  mĩ, những vấn đề mang tính nhân bản của con người.

– Người nghệ sĩ sáng tạo nên cái mới nhưng đồng thời cũng phải kế thừa, phát huy tinh hoa của truyền thống.

– Nhận định này không chỉ đúng cho sáng tạo nghệ thuật của nhà văn mà còn là một trong những tiêu chí đánh giá một trào lưu, khuynh hướng văn học,  thời kỳ văn học và một nền văn học.

– Ý kiến đặt ra bài học cho người sáng tạo và tiếp nhận văn học: Người sáng tạo phải coi việc tạo nên dấu ấn riêng, định hình phong cách là sự sống; người đọc khi đến với tác phẩm văn học phải không ngừng nâng cao tầm đón nhận để cảm nhận  vẻ đẹp độc đáo trong sáng tạo nghệ thuật.

1.5

 

—– HẾT —–

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *