Đề thi chọn đội tuyển HSG Quốc gia môn văn lớp 12

Đề thi khối 12

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TIỀN GIANG

TRƯỜNG THPT CÁI BÈ

 

 

ĐỀ THI THỬ CHỌN HỌC SINH GIỎI QUỐC GIAMÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC 2014 – 2015

Thời gian làm bài: 180 phút.

————————————————————————————————————

Câu 1: (8.0 điểm)

Sự không công bằng sẽ làm khủng hoảng niềm tin ở con người, làm đảo lộn các giá trị của đời sống và cản trở sự phát triển của xã hội.

Hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của mình về quan niệm trên.

Câu 2: (12.0 điểm)

“Thơ là thơ, đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng”

(Sóng Hồng, Thơ, NXB Văn học, 1966, trang 5).

Hãy bình luận và làm sáng tỏ nhận định trên.

————————————————–HẾT————————————————

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TIỀN GIANG

TRƯỜNG THPT CÁI BÈ

 

 

ĐÁP ÁN ĐỀ THI THỬ CHỌN HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC 2014 – 2015

Thời gian làm bài: 180 phút.

————————————————————————————————————

Câu 1: (8.0 điểm)

Trình bày suy nghĩ của mình về quan niệm:

Sự không công bằng sẽ làm khủng hoảng niềm tin ở con người, làm đảo lộn các giá trị của đời sống và cản trở sự phát triển của xã hội.

HƯỚNG DẪN

Xác định yêu cầu đề:

Kĩ năng: Bình luận (Giải thích; Phân tích / Chứng minh / Bình luận; Nêu bài học).

Nội dung: Tác hại sự không công bằng trong đời sống xã hội.

Phạm vi dẫn chứng: Những dẫn chứng liên quan đến nội dung trên.

Yêu cầu cụ thể:

Mở bài:

– Dẫn dắt vào đề.

– Nêu vấn đề cần bàn luận, trích dẫn câu nói.

– Mở ra hướng làm bài.

Thân bài:

Giải thích: 1.0 điểm.

Sự không công bằng: là trạng thái bất công trong thái độ cư xử giữa người với người, trong việc phân chia quyền lợi về vật chất và tinh thần trong xã hội.

Câu nói: Ý kiến trên đã nêu lên tác hại to lớn của sự không công bằng đối với mỗi người, với đời sống xã hội.

Bình luận quan niệm:

Sự không công bằng sẽ làm khủng hoảng niềm tin nơi con người: (2.0 điểm).

+ Sự không công bằng sẽ khiến cho con người không định giá một cách chính xác giá trị của bản thân mình; khiến cho mỗi người đánh giá không chính xác những đóng góp, cống hiến của mình. Vì vậy, người ta dễ mất niềm tin vào bản thân, vào người khác.

+ Ví dụ: Nơi cha mẹ với con cái, nơi thầy cô với học sinh, các tổ chức xã hội, các công ty thì nhân viên mất niềm tin vào lãnh đạo, nhân dân mất niềm tin vào chính quyền vào lãnh đạo.

Sự không công bằng sẽ làm đảo lộn các giá trị đời sống: (2.0 điểm).

+ Sự không công bằng sẽ làm cho người ta không biết đâu là đúng, đâu là sai, là tốt là xấu.

+ Nếu sự không công bằng diễn ra thường xuyên thì sẽ làm cho những chuẩn mực xã hội (đạo đức, pháp luật…) không còn đứng vững.

+ Ví dụ: Chuẩn mực xếp loại học sinh, cán cân công lý bị đảo lộn, vi phạm.

Sự không công bằng sẽ làm cản trở sự phát triển của xã hội: (2.0 điểm).

+ Sự không công bằng sẽ làm cho mọi người trở nên bất mãn, buông xuôi; làm thui chột đi ý chí phấn đấu của con người.

+ Sự không công bằng sẽ làm hủy hoại sự cạnh tranh lành mạnh trong xã hội. khiến cho mọi người sinh ra bất mãn. Là nguyên có xảy ra tình trạng biểu tình, khiếu kiện kéo dài, mất ổn định chính trị xã hội.

– Quan niệm trên đúng đắn, chính xác, sâu sắc. Tuy vậy, sự không công bằng không phải lúc nào cũng gây ra những hậu quả tiêu cực. (1,0 điểm)

+ Trong một số trường hợp, nếu đảm bảo sự công bằng sẽ khiến cho những nỗ lực của con người bị khinh rẽ. Câu chuyện mới vào nghề của Xuân Diệu đã thể hiện điều đó. Nếu dân tộc Việt Nam cứ nhận mình là nhỏ bé thì sẽ không có những thành công trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài học nhận thức và hành động: (1,0 điểm)

– Về nhận thức:

Quan niệm trên giúp mỗi người nhận thức được tác hại to lớn của sự không công bằng. Công bằng là mỗi người, mỗi quốc gia đều hướng tới.

– Về hành động:

+ Cần đấu tranh chống lại sự không công bằng.

+ Thế hệ trẻ cần dũng cảm đấu tranh, nỗ lực học tập và rèn luyện để đóng góp cho xã hội, góp phần tạo nên sự công bằng trong đời sống và xã hội.

Kết bài:

“Sự không công bằng… xã hội” là quan niệm sâu sắc, chính xác, ý nghĩa.

– Quan niệm ấy khơi dậy ý thức của mỗi người về thái độ đấu tranh chống lại những bất công, xấu xa trong đời sống xã hội.

Lưu ý:

Chỉ cho điểm tối đa khi thí sinh đạt được cả yêu cầu về kĩ năngkiến thức.

Thí sinh có thể nêu lí lẽ và dẫn chứng theo cách khác, miễn là chính xác, hợp lí.

Khuyến khích những bài làm có tính riêng, sáng tạo.

 

Câu 2: (12.0 điểm)

Bình luận và làm sáng tỏ nhận định:

“Thơ là thơ, đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng”

(Sóng Hồng, Thơ, NXB Văn học, 1966, trang 5).

HƯỚNG DẪN

YÊU CẦU VỀ KĨ NĂNG:

1.1. Vận dụng tốt kiến thức Lí luận văn học để giải quyết vấn đề.

1.2. Lập luận nêu bật vấn đề. Phân tích tác phẩm tinh tế, sâu sắc.

1.3. Diễn đạt chính xác, giàu hình ảnh, gợi cảm.

YÊU CẦU VỀ KIẾN THỨC:

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được những nội dung chủ yếu dưới đây:

Nội dung Tỉ lệ điểm
A. Giải thích vấn đề:  
1. Ý kiến trên khẳng định sức biểu đạt kì diệu của các ngành nghệ thuật khác trong thơ ca. 1,0
2. Khái niệm:

– Có nhiều cách định nghĩa về “thơ”:

+ Thơ là rượu của quỷ sa tăng, thơ là địa hạt của huyền bí và thần thánh

+ Thơ là lửa, là sự sung mãn của tình cảm mãnh liệt (Ban – dắc)

+ Mỗi định nghĩa chỉ nói được cho thơ một phần nào đó, chưa có đinh nghĩa vẹn toàn cho thơ.

– “Thơ là thơ”: thơ bao giờ cũng là chính nó, mang đầy đủ những đặc thù của nó.

– “Thơ là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng”: thơ còn có tính họa, tính nhạc và chạm khắc, tổng hòa sức biểu hiện của nhiều ngành nghệ thuật.

1,0
3. Phân tích, lí giải:

3.1. Thơ là thơ:

Thơ có những đặc trưng về thể loại của nó; cũng là yêu cầu, là đòi hỏi của độc giả.

– Đặc trưng của thơ: phản ánh cuộc sống bằng hình tượng. Hình tượng trong thơ không chỉ thể hiện nhận thức, tư duy mà còn gắn với cảm xúc, với tâm hồn.

– Đến với thơ là đến với thế giới tình cảm, cảm xúc; làm xao động tâm hồn con người. Cảm xúc trong thơ ở dạng tinh chất chọn lọc.

– Ngôn ngữ thơ hàm súc, đa nghĩa.

3.2. Thơ là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng:

– Trong thơ có hội họa, âm nhạc và điêu khắc “theo một cách riêng”.

+ “Thi trung hữu họa”, “Thi trung hữu nhạc”. Mỗi bài thơ chứa đựng một thế giới của đường nét, màu sắc và nhạc điệu. Thơ còn có tính hình tượng, có bóng dáng của chạm khắc.

+ Đọc thơ giống như đang đứng trước một bức tranh, một tác phẩm điêu khắc, lắng nghe được nhạc khúc du dương.

– Sóng Hồng đã đi từ đặc trưng của thơ, trước hết là ngôn ngữ thơ.

+ Ngôn ngữ trong thơ được kết tinh từ đời sống. Ngôn ngữ thơ đa nghĩa, hàm súc; giàu tính nhạc, tính tạo thanh, tạo hình; xây dựng được hình tượng với những gam màu của hội họa, thanh âm của âm nhạc và đường nét của chạm khắc.

+ Hội họa, âm nhạc và điêu khắc trong thơ không tồn tại ở dạng vật chất cụ thể, đòi hỏi người tiếp nhận phải có năng lực cụ thể của tâm hồn và trí tuệ mới nắm bắt được hình tượng. Nó “theo cách riêng”, không đập vào trực giác mà qua sự nhạy cảm của tâm hồn.

– Tính nhạc, tính họa và chạm khắc trong thơ phải đạt đến đỉnh cao.

+ Người làm thơ dùng ngôn ngữ để thể hiện ý tưởng về cuộc sống, phải tạo nên những màu sắc, những nhạc điệu, phải chạm khắc nên những hình tượng nghệ thuật giàu tính tạo hình.

+ Người nghệ sĩ phải có một tâm hồn, có trí tuệ sắc sảo để tổng hòa họa, nhạc và chạm khắc khi cần thiết.

3.3. Mở rộng vấn đề:

– Không ít người nghệ sĩ bị lu mờ khi chỉ đơn giản ghi lại cảm xúc, quên đi tính nghệ thuật của thơ. Nhưng không ít nghệ sĩ tài năng, bằng trái tim, bằng trí tuệ sắc sảo đã làm nên những thi phẩm bất hủ.

– Không nên chạy theo tính nhạc họa hay chạm khắc mà quên đi tính nghệ thuật của thơ, làm mất đi chất thơ, thiếu nguồn gốc đích thực của thơ, của cuộc sống. Thơ ca phải mở ra thế giới tâm hồn của con người.

 

 

1,0

 

 

 

 

 

 

 

 

1,0

 

 

 

 

 

1,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1,0

 

 

1,0

B. Chng minh bằng thực tế cảm nhận tác phẩm: (5,0)
 1. Từ ca dao, đến văn học trung đại và hiện đại, thơ bao giờ cũng bộc lộ tính họa đặc sắc:

– Câu thơ của Nguyễn Du:

Cỏ non xanh rợn chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

+ Bức tranh mùa xuân đầy sắc màu, sự sống sinh sôi.

+ Tính hội họa theo cách riêng : linh hồn của mùa xuân trong mỗi sắc lá, màu hoa, đặc biệt là sự sống và tình yêu rạo rực trong tâm hồn thi nhân.

– Thơ ca phản ánh cuộc sống với những đường nét, màu sắc bao giờ cũng chứa đựng linh hồn : Chợ Tết – Đoàn Văn Cừ :

Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa

Tia nắng tía nhảy hoài trong ruộng lúa

Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh

Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh

+ Bốn câu thơ như hội tụ hết những sắc màu, hiển hiện một bức tranh sặc sỡ những sắc màu.

+ Trong bức tranh ấy là tấm lòng mến yêu cuộc sống tha thiết của nhà thơ, có linh hồn, trái tim của nhà thơ.

2. Tính nhạc trong thơ cơ bản được tạo nên từ nhịp điệu:

– Nhịp thơ làm nên nhạc thơ: Đọc Truyện Kiều ta như thưởng thức “thiên đoản mệnh” Thúy Kiều với những khúc nhạc ai oán tê lòng. Tiếng sáo thiên thai của Thế Lữ làm tâm hồn ta chơi vơi, nao nao giữa miền không gian cõi tiên và chốn Bồng Lai.

– Âm nhạc trong thơ như chuyển tải được cả linh hồn sống động của bản nhạc: Người bạn tù thổi sáo – Hồ Chí Minh.

Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu

Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu

Muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi

Lên lầu, ai đó ngóng trông nhau

+ Tiếng sáo trong tù vẳng ra nỉ non và tha thiết nỗi nhớ quê. Tiếng sáo có nỗi day dứt nhớ thương, sự tê giá của cõi lòng xa quê.

+ Tiếng sáo tìm về quê cũ. Nơi đó có người cũng đang vọng tâm hồn về tiếng sáo.

+ Người nghệ sĩ Hồ Chí Minh cũng tri âm, đồng vọng với tiếng sáo.

– Thơ ca rung động lòng người nhiều khi là những âm thanh không lời: Thơ viết về biển – Hữu Thỉnh:

Anh xa em

Trăng cũng lẻ

Mặt trời cũng lẻ

Biển vẫn cậy mình dài rộng thế

Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn…

+ Đoạn thơ với nhịp điệu nhẹ nhàng; câu ngắn câu dài đan xen hợp xướng tạo nên bản đàn tâm trạng.

+ Dấu ba chấm ở cuối đoạn là âm thanh không lời, chứa đựng niềm khắc khoải, sự nhớ nhung của một trái tim cô đơn. Trái tim yêu mãnh liệt như sóng biển.

3. Trong thơ có nghệ thuật chạm khắc:

– Đọc thơ ta như chiêm ngưỡng nghệ thuật chạm khắc: Các vị La Hán chùa Tây Phương:

Đây vị xương trần chân với tay

Có chi thiêu đốt tấm thân gầy

Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt

Tự bấy ngồi y cho đến nay

+ Có đường nét, dáng dấp cơ thể những bức tượng.

+ Có cả tâm trạng tượng- trầm ngâm đau khổ.

2,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1,0

Lưu ý:

·        Chỉ cho điểm tối đa khi thí sinh đạt được cả yêu cầu về kĩ năngkiến thức.

·        Thí sinh có thể nêu lí lẽ theo cách khác, miễn là chính xác, hợp lí.

·        Khuyến khích những bài làm có tính riêng, sáng tạo.

———————————————–HẾT———————————————–

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *