Đề liên hệ đoạn kết Vợ chồng A Phủ và Chí Phèo

Đề thi khối 12

     KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2018                                  Bài thi: NGỮ VĂN

                                                               Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

ĐỀ THAM KHẢO 7

ĐỌC HIỂU: (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Không còn là cảnh báo, các chứng bệnh có liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Sự lệ thuộc quá nhiều vào Facebook, Youtube, Instagram hay Twitter đã khiến không ít cư dân mạng, trong đó phần lớn là những người trẻ quay cuồng trong “thế giới ảo” mà quên rằng cuộc sống thực tại mới chính là cuộc sống đúng nghĩa của mình.

Nhập viện vì “nghiện Facebook” đã trở thành một căn bệnh được các bác sĩ tại nhiều bệnh viện lớn trên cả nước xác nhận trong thời gian qua. Ðặc điểm chung của phần lớn người bệnh là thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên, ngại giao tiếp; biểu hiện cáu gắt khi không được tiếp xúc với Facebook; sức khỏe suy giảm…

Trước khi bị coi là “một chất gây nghiện”, Facebook đã là môi trường cho nhiều phát ngôn, hành động bộc phát, không cẩn trọng, thiếu kiểm soát, thậm chí là hành vi phạm tội của một bộ phận thanh thiếu niên… Những thí dụ về tác hại xấu của Facebook với người dùng trẻ tuổi tại Việt Nam không hề hiếm. Gần đây, có thể kể đến sự việc 10 thanh niên tại tỉnh Phú Thọ mang hung khí chặn xe ô-tô đang lưu hành trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai để cướp tiền ngày 29-12-2017. Trong quá trình gây án, nhóm này không quên thực hiện video livestream (truyền trực tiếp) trên Facebook khoe “chiến tích”. Với số tiền chiếm đoạt chỉ hơn 400.000 đồng cho thấy, dường như mục đích livestream của họ chỉ là thói háo danh trên mạng xã hội. Song bản án dành cho những thanh niên có tuổi đời chưa quá 20 nhận lại vì những phút giây bốc đồng của mình có thể sẽ không hề nhẹ… “Câu like” (lượt yêu thích) trên Facebook cũng được cho là nguyên nhân chính khiến một cô bé 13 tuổi tại Khánh Hòa đốt ngôi trường THCS mà mình đang học tập vào năm 2016…

Từ một dịch vụ liên lạc, nhưng vì lợi nhuận không ít trang mạng xã hội đã không ngần ngại biến khách hàng nhất là giới trẻ… trở thành những con nghiện mạng xã hội cùng những căn bệnh thần kinh khác, đồng thời trở thành mục tiêu của giới tội phạm và các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rõ rằng, mạng xã hội hoàn toàn không xấu, mà còn có nhiều mặt tích cực. Vấn đề là sử dụng mạng xã hội sao cho hiệu quả, có mục đích rõ ràng nhằm phục vụ công việc hoặc cuộc sống phong phú của chính mình chứ không phải trở nên lệ thuộc, bị thế giới “ảo” dắt mũi. Vì vậy, trước khi tính đến trách nhiệm của những dịch vụ truyền thông như Facebook hay Youtube, cư dân mạng, nhất là thế hệ trẻ phải biết tự bảo vệ mình trước những cám dỗ từ mạng xã hội

(Trích Tự bảo vệ trước cám dỗ từ mạng xã hội – Hải Bằng; Nguồn từ Báo Nhân dân – Điện tử, Thứ ba, 13/2/2018)

Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính trong văn bản? (0,5 đ)

Câu 2: Theo tác giả, những người mắc căn bệnh “nghiện Facebook” có đặc điểm chung như thế nào? (0,5 đ)

Câu 3: Vì sao nói Facebok cũng bị coi là “một chất gây nghiện”? (1,0 đ)

Câu 4: Anh/chị có đồng tình với câu nói: “…dường như mục đích livestream của họ chỉ là thói háo danh trên mạng xã hội.  ? (1,0 đ)

LÀM VĂN: (7,0 điểm)

Câu 1: (2 điểm)

Từ nội dung của văn bản phần Đọc – hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân trước hiện tượng một phần không nhỏ giới trẻ hiện nay “quay cuồng trong thế giới ảo”.

Câu 2: (5 điểm)

            Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của Mị trong đêm cứu A Phủ (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016). Từ đó liên hệ với hành động tự kết liễu đời mình của nhân vật Chí Phèo (Chí Phèo – Nam Cao, Ngữ văn 11, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016) để thấy được tư tưởng nhân đạo của hai nhà văn.

 GỢI Ý ĐÁP ÁN

ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính:Nghị luận (0,5 đ)

Câu 2: Đặc điểm chung của những người mắc căn bệnh “nghiện Facebook” là: ngại giao tiếp; biểu hiện cáu gắt khi không được tiếp xúc với Facebook; sức khỏe suy giảm… (0,5 đ)

Câu 3: Facebok cũng bị coi là “một chất gây nghiện”, vì:

– Facebook tạo ra một “thế giới ảo” với nhiều ứng dụng có sức hấp dẫn, lôi cuốn.

– Là nơi người dùng có thể tự thể hiện mình, tự do phát ngôn, chia sẻ, …và có thể “sống ảo”.

– Người dùng mất lí trí để kiểm soát độ đúng/sai của nội dung trên Facebook. (1,0 đ)

Câu 4: Nêu rõ quan điểm đồng tình hay không đồng tình, lí giải hợp lí, thuyết phục về tình trạng nhiều thanh thiếu niên có cái nhìn lệch lạc về cuộc sống từ những thông tin không lành mạnh trên Facebook. (1,0 đ)

LÀM VĂN: (7,0 điểm)

Câu 1: (2 điểm)

Từ nội dung của văn bản phần Đọc – hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân trước hiện tượng một phần không nhỏ giới trẻ hiện nay “quay cuồng trong thế giới ảo”.

Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: trách nhiệm của bản thân trước hiện tượng một phần không nhỏ giới trẻ hiện nay “quay cuồng trong thế giới ảo”

Triển khai vấn đề nghị luận: Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ trách nhiệm của bản thân trước hiện tượng một phần không nhỏ giới trẻ hiện nay “quay cuồng trong thế giới ảo”. Có thể theo hướng sau:

– Mạng xã hội có mặt tốt nhưng là “thế giới ảo” – môi trường thuận lợi để cái xấu lan tràn.

– Phần lớn giới trẻ hiện nay đều sử dụng Facebook và một bộ phận không nhỏ “quay cuồng trong thế giới ảo đó. Những suy nghĩ, hành vi lệch lạc của họ trên mạng đã gây ra những cú sốc trong dư luận và tác động xấu đến cuộc sống của bản thân và mọi người.

–  Nêu cao trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội: khai thác mặt tích cực; biết chọn lọc thông tin lành mạnh, có ích, tỉnh táo tránh mọi cám dỗ từ nó

Câu 2: (5 điểm)

Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: diễn biến tâm trạng và hạnh động Mị trong đêm cứu A Phủ và liên hệ hành động tự kết liễu đời mình của Chí Phèo

Triển khai vấn đề nghị luận:

Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

– Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm, đoạn trích Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài)

– Diễn biến tâm trạng và hành động của Mị:

Thí sinh có thể cảm nhận theo nhiều cách nhưng cần đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Về nội dung:

– Từ vô cảm đến đồng cảm trước cảnh A Phủ bị trói

– Nhận thức rõ sự độc ác và bất công do cha con thống lí gây ra

– Hành động cứu người với suy nghĩ chấp nhận sự hi sinh về mình

– Vùng chạy theo A Phủ, tự giải thoát cuộc đời mình

Từ đó tác giả ca ngợi sức sống mãnh liệt, khát vọng tự do và khả năng cách mạng của nhân dân lao động Tây Bắc

+ Về nghệ thuật: tạo tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn; miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc, hợp lí

* Tư tưởng nhân đạo của hai nhà văn.

 – Hành động của nhân vật: Hành động Chí Phèo là tuyệt vọng, bế tắc, không lối thoát; Hành động của Mị (dù tự phát nhưng đó là hành động có quá trình) quyết liệt, dũng cảm và tự mình giải thoát số phận nô lệ, trở thành người tự do.

– Ngòi bút nhân đạo của hai nhà văn

+ Giống nhau: Niềm đồng cảm sâu sắc đối với những người lao động nghèo, lương thiện bị tước đoạt quyền sống; Bóc trần bản chất tàn bạo, độc ác của bè lũ TDPK; ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn, niềm khao khát sống lương thiện, tự do của những con người nghèo khổ ấy.

+ Khác nhau:

. Nhà văn Nam Cao có cái nhìn bế tắc trước số phận của nhân vật mình – Chí Phèo đã chết, dù trong đau đớn nhưng chưa hết, vì sẽ có những thân phận như Chí Phèo ra đời và sống kiếp quẩn quanh bên “cái lò gạch cũ”. Bế tắc của Nam Cao cũng là bế tắc của cả thế hệ nhà văn lúc bấy giờ.

. Nhà văn Tô Hoài sáng tác truyện Vợ chồng A Phủ dưới ánh sáng cách mạng, được tư tưởng cách mạng dẫn đường, bản thân nhà văn từng theo chân bộ đội tham gia chiến dịch giải phóng vùng Tây Bắc, vì vậy ông có cái nhìn tiến bộ hơn so với các nhà văn hiện thực trước cách mạng tháng Tám. Đó là nhà văn phát hiện khả năng cách mạng của những con người nghèo khổ.

 

————HẾT——–

Trường THPT Số 3 An Nhơn                                             

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *