Đề kiểm tra chất lượng giữa kì 2 – Khối 12 Trường THPT Nguyễn Văn Cừ

Đề thi khối 12

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BẮC NINH            ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG GIỮA KÌ 2

    TRƯỜNG THPT NGUYỄN VĂN CỪ                                   NĂM HỌC 2019 -2020

                                                                                                  MÔN VĂN- KHỐI 12

                                                                       Thời gian làm bài: 120 phút ( không kể thời gian phát đề)

I.ĐỌC HIỂU( 3.0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Người có tính khiêm tốn thường hay cho mình là kém, còn phải phấn đấu thêm, trau dồi thêm, cần được trao đổi, học hỏi nhiều thêm nữa. Người có tính khiêm tốn không bao giờ chịu chấp nhận sự thành công của cá nhân mình trong hoàn cảnh hiện tại, lúc nào cũng cho sự thành công của mình là tầm thường, không đáng kể, luôn luôn tìm cách để học hỏi thêm nữa.

Tại sao con người lại phải khiêm tốn như thế? Đó là vì cuộc đời là một cuộc đấu tranh bất tận, mà tài nghệ của mỗi cá nhân tuy là quan trọng, nhưng thật ra chỉ là những giọt nước bé nhỏ giữa đại dương bao la. Sự hiểu biết của mỗi cá nhân không thể đem so sánh với mọi người cùng chung sống với mình. Vì thế, dù tài năng đến đâu cũng luôn luôn phải học thêm, học mãi mãi.

Tóm lại, con người khiêm tốn là con người hoàn toàn biết mình, hiểu người, không tự đề cao vai trò, ca tụng chiến công của cá nhân mình cũng như không bao giờ chấp nhận một ý thức chịu thua mang nhiều mặc cảm tự ti đối với mọi người.

Khiêm tốn là một điều không thể thiếu cho những ai muốn thành công trên đường đời.

(Trích Tinh hoa xử thế, Lâm Ngữ Đường)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả cho rằng người có tính khiêm tốn là người có biểu hiện như thế nào?

Câu 3.Anh/Chị hiểu như thế nào về ý kiến : “Tài nghệ của mỗi cá nhân tuy là quan trọng, nhưng thật ra chỉ là những giọt nước bé nhỏ giữa đại dương bao la”?

Câu 4.Anh/Chị có đồng tình với quan niệm:Dù tài năng đến đâu cũng luôn luôn phải học thêm, học mãi mãi? Vì sao?

  1. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn tríchởphần Đọc hiểu, hãy viết mộtđoạn văn ( khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị vềý kiến sau“Khiêm tốn là một điều không thể thiếu cho những ai muốn thành công trên đường đời”.

Câu 2 (5.0 điểm)

Cảm nhận của anh / chịvề diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ kể từ khi Tràng nhặt được vợ trong truyện ngắn Vợ nhặt của  Kim Lân.

…………………………….Hết………………………………

                  HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ  KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG GIỮA KÌ II

MÔN NGỮ VĂN 12 ( năm học 2019-2020)

Phần Câu Nội dung Điểm
   I Đọc hiểu 3,0
 1 Phương thức biểu đạt chính của văn bản: nghị luận. 0,5
 2

 

Theo tác giả: Người có tính khiêm tốn có biểu hiện:

Thường hay cho mình là kém, còn phải phấn đấu thêm, cần được trao đổi, học hỏi nhiều thêm nữa

Không bao giờ chịu chấp nhận sự thành công của cá nhân mình trong hoàn cảnh hiện tại, lúc nào cũng cho sự thành công của mình là tầm thường, không đáng kể.

0,5
  3

 

Ý kiến trên có nghĩa: tài năng, hiểu biết của mỗi người tuy quan trọng nhưng hữu hạn, bé nhỏ như “những giọt nước” trong thế giới rộng lớn, vô hạn “đại dương bao la”. Vì thế, cần phải khiêm tốn học hỏi. 1,0
  4 – Đồng tình với quan điểm trên:  Vì

+ Tài năng là cái vốn có, nó chỉ thực sự phát huy khi ta có kiến thức và vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

+ Kiến thức là đại dương, không chỉ vậy mỗi ngày lượng kiến thức mới lại có thêm. Bởi vậy chúng ta cần liên tục trau dồi để làm phong phú tri thức của bản thân.

1,0
II   Làm Văn 7,0
 1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

   Hãy viết một đoạn văn ( khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến sau“Khiêm tốn là một điều không thể thiếu cho những ai muốn thành công trên đường đời”. 2,0
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Đề cao giá trị của tính  khiêm  tốn trên con đường thành công của mỗi người. 0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận

HS lựa chọn và vận dụng tốt các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải đề cao giá trị của tính  khiêm tốn trên con đường thành công của mỗi người.

Giải thích:

– Khiêm tốn: là đức tính nhã nhặn, nhún nhường, không đề cao cái mình có và luôn coi trọng người khác.

– Thành công là  đạt được kết quả như mong muốn, thực hiện được mục tiêu đề ra.

⟹ Khiêm tốn là điều không thể thiếu giúp con người thành công trong cuộc sống.

Bàn luận

-Con người phải luôn khiêm tốn vì:

+ Cá nhân dù có tài năng đến đâu cũng chỉ là giọt nước bé nhỏ giữa đại dương bao la. Bởi vậy cần học nữa, học mãi để làm đầy, làm phong phú vốn tri thức, sự hiểu biết của bản thân.

+ Chúng ta đạt được thành công mà không khiêm tốn dẫn đến thói tự cao, tự đại, đề cao thái quá thành tích của bản thân, không chịu tiếp tục cố gắng, tất yếu sẽ dẫn đến thất bại.

+ Khi đạt được thành công bước đầu, nếu có lòng khiêm tốn, không ngừng học hỏi thêm chúng ta sẽ đạt được thành công lớn hơn, vinh quang hơn.

-Ý nghĩa của lòng khiêm tốn:

+ Khiêm tốn là biểu hiện của người biết nhìn xa, trông rộng.

+ Khiêm tốn giúp hiểu mình, hiểu người.

Mở rộng vấn đề

–        -Khiêm tốn không có nghĩa là mặc cảm, tự ti, thiếu tự tin

–        -Phê phán những kẻ thiếu khiêm tốn, luôn tự cao, tự đại, cho mình là nhất mà coi thường người khác.

–        *Bài học và liên hệ bản thân

– Trân trọng những người khiêm tốn.

– Học lối sống khiêm tốn để ngày càng hoàn thiện mình và không ngừng phấn đấu vươn lên để đạt được thành công trong cuộc sống.

1,0
d. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

0,25
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

0,25
 2 Cảm nhận của anh / chị về diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ kể từ khi Tràng nhặt được vợ trong truyện ngắn  Vợ nhặt của  Kim Lân. 5,0
a.Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.              

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận về diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ kể từ khi Tràng nhặt được vợ trong truyện ngắn Vợ nhặt của  Kim Lân. 0,5
c.  Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể có các ý sau:

* Giới thiệu khái quát:

– Kim Lân là một gương mặt xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Các sáng tác của ông hướng vào chủ đề chính là người nông dân và cuộc sống ở nông thôn Việt Nam.

– Tác phẩm Vợ nhặt nằm trong tập truyện Con chó xấu xí, là bức tranh chân thực về nạn đói năm 1945, là sự ngợi ca tình người, tình mẫu tử, khát vọng sống.

– Giới thiệu vấn đề cần cảm nhận: Diễn biến tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ khi chứng kiến cảnh người con trai của bà đưa cô vợ nhặt về nhà  trong truyện ngắn Vợ nhặt – Kim Lân.

* Cảm nhận

1.     1. Nhân vật bà cụ Tứ

Là nhân vật xuất hiện ở khoảng giữa truyện, bà cụ Tứ đóng một vai trò đặc biệt quan trọng giúp nhà văn thể hiện những tư tưởng nhân đạo sâu sắc cho truyện ngắn của mình. Đây là nhân vật được nhà văn miêu tả khá chi tiết, sinh động từ ngoại hình, dáng vẻ đến những cử chỉ, hành động, từ những lời đối thoại đến những dòng độc thoại nội tâm. Bà hiện thân cho con người trong những năm đói.

+ Là một bà mẹ nghèo, già nua, dân ngụ cư.

+ Ngoại hình: dáng đi lọng khọng, chậm chạp, run rẩy, vừa đi vừa ho húng hắng, lẩm nhẩm tính toán theo thói quen người già.

2.     2.Diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ

a.     Chặng 1: Sự ngạc nhiên bất ngờ hết sức.

Ngay khi vừa xuất hiện, bà cụ Tứ đã phải đối mặt với tình huống oái oăm của con trai, cũng là của chính gia đình bà: anh con trai ngộc nghệch nhặt về một cô vợ rách tả tơi ngay trong những ngày đói khát thê thảm. Thân phận bất hạnh cũng như vẻ đẹp tâm hồn, tính cách của bà cụ Tứ đã thể hiện qua những trạng thái tâm lí, cảm xúc, những cử chỉ, lời nói và hành động được nhà văn miêu tả chân thực, cảm động, tinh tế.

+ Khi thấy Tràng ra tận ngõ đón mẹ, lại thấy anh ta reo lên như một đứa trẻ, thái độ vồn vã, trang trọng khác thường của con trai đã khiến bà cụ Tứ phấp phỏng. Có lẽ bà cụ đã linh cảm thấy có một cái gì quan trọng và bất thường đang chờ đợi.

+Bà không hề hay biết chuyện anh con trai đã nhặt một người vợ về, thấy người đàn bà lạ trong nhà, bà rất ngạc nhiên.Một loạt câu hỏi liên tiếp được đưa ra: “quái, sao lại có một người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ?” “người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia?”, “sao lại chào mình bằng u?” Ai thế nhỉ?. Những câu hỏi này chứng tỏ bà lão đang rất ngạc nhiên không hiểu người đàn bà kia là ai. Kim Lân đã phát hiện được chi tiết tinh tế nhưng cũng thật đặc sắc cũng rất đỗi đời thường để đặc tả tâm trạng của bà lúc này. Trái tim người mẹ vốn rất nhạy cảm với chuyện riêng tư của con cái, nhất là chuyện dựng vợ gả chồng. Vậy mà tại sao nhà văn lại để bà cụ phải ngạc nhiên quá lâu đến như thế, phải chăng chính cái đói đã đánh cắp mất sự nhạy cảm tinh tế vốn có của người mẹ nghèo khổ này.

b.    Chặng 2: Ai oán, xót thương và lo lắng.

Sau tất cả sự ngạc nhiên, bà đã hiểu ra “biết bao nhiêu cơ sự”, “mắt bà nhoèn đi”, bà lão cúi đầu nín lặng…

Bà xót thương, buồn tủi cho con trai phải lấy vợ nhặt, mà trong cảnh đói khát mới lấy được vợ “Chao ôi”, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm làm nồi … còn con mình thì …”.

Bà cũng thấy hờn tủi, xót thương cho cuộc đời đau khổ kéo dài của mình, bà nghĩ đến ông lão và đứa con gái út.

Bà cảm thương cho người đàn bà khốn khổ cùng đường mới phải lấy con trai bà: “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được … ”.Nhà văn đã miêu tả thật ấn tượng chi tiết dòng nước mắt của bà cụ: “ Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà lão rỉ xuống hai dòng nước mắt” từ rỉ đã thể hiện một cách hết sức chân thực niềm ai oán xót thương của bà. Đó là dòng nước mắt của bao nỗi đắng cay tủi hờn,dòng nước mắt ấy đã héo quắt lại đã cạn khô cùng với cuộc sống đói khổ, lam lũ, giờ đây bà đang cố chắt lọc ra để xót thương, ai oán.

Bà cụ Tứ lo lắng cho cuộc sống các con sau này: “chúng nó có nuôi nhau sống qua được cơn đói khát này không”, “vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không”. Qua nỗi lo ấy nhà văn đã khắc họa được vẻ đẹp tâm hồn của một người mẹ nghèo khổ nhưng giàu đức hi sinh, giàu tình yêu thương con. Ở bà thấp thoáng bóng dáng người phụ nữ Việt Nam mọi thời đại.

Chặng 3.Trào dâng tình yêu thương con trai và cô vợ nhặt

Không vì nghèo mà coi thường, bà còn tỏ ra biết ơn “người vợ nhặt”. Câu nói“các con đã phải duyên … u cũng mừng lòng”. Bà đối xử tốt với nàng dâu mới bằng sự cảm thông, trân trọng“Con ngồi đây … đỡ mỏi chân”. Như vậy bà cụ Tứ đã đặt mình vào hoàn cảnh trớ trêu của cô con dâu để mà cảm thông, chia sẻ. Thật hiếm có người mẹ chồng nào lại có được cách cư xử đầy bao dung như thế.

Chặng 4: Niềm tin hướng tới tương lai

Hiện rõ qua gương mặt nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác thường “cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Bà cùng cô con dâu mới dọn dẹp, thu vén, quét tước nhà cửa, sân vườn hi vọng cuộc đời sẽ khấm khá hơn.

Cảm thông nhất là khi nhà văn để niềm vui của bà mẹ tỏa ra trong bữa ăn ngày đói:  nồi cháo cám mà bà gọi là chè khoánvà khen“ngon đáo để”. Chữ ngon phải được cảm nhận bằng cả tâm hồn, bằng cảm xúc tinh thần. Trong bữa ăn bà bảo ban các con làm ăn: “khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà, ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có đàn gà cho xem”bànói về tương lai với niềm lạc quan “biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời”….

– Nhận xét: Qua diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ, người đọc nhận ra đây là một người mẹ nghèo hiền từ, chất phác, vị tha, nhân hậu, giàu tình thương con. Bà là người phụ nữ tiêu biểu cho những phẩm chất tốt đẹp của những người mẹ nghèo Việt Nam.

* Đánh giá chung

Vợ nhặt xứng đáng được coi là một kiệt tác bởi nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, nghệ thuật miêu tả và phân tích tâm lí nhân vật tinh tế.Thông qua diễn biến tâm lí phức tạp của bà cụ Tứ người đọc cảm nhận được vẻ đẹp tấm lòng và niềm tin, niềm hi vọng vào tương lai của người mẹ nghèo. Đó cũng chính là giá trị nhân văn cao đẹp của truyện.

 

 

0,5

<

0,5

2,25

 

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt

0,25
e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận

0,25

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *