Đề thi HSG văn 11 : Theo tôi , viết truyện ngắn, cốt nhất phải tô đậm cái mở đầu và cái kết luận

Đề thi khối 11

SỞ GD & ĐT NGHỆ AN              ĐỀ THI KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC SINH GIỎI     TRƯỜNG THPT ĐẶNG THÚC HỨA     MÔN:  NGỮ VĂN,  LỚP 11    –    Năm học 2018- 2019

(Đề thi gồm 02 trang)                          Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề

 

Câu 1 ( 4.0 điểm ) : Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cần nêu ở dưới :

        Cái quý giá nhất trên đời mà mỗi người có thể góp phần mang lại cho chính mình và cho người khác đó là “năng lực tạo ra hạnh phúc”, bao gồm năng lực làm người, năng lực làm việc và năng lực làm dân.

     Năng lực làm người là có cái đầu phân biệt được thiện – ác, chân – giả, chính – tà, đúng – sai…, biết được mình là ai, biết sống vì cái gì, có trái tim chan chứa tình yêu thương và giàu lòng trắc ẩn.

     Năng lực làm việc là khả năng giải quyết được những vấn đề của cuộc sống, của công việc, của chuyên môn, và thậm chí là của xã hội. Năng lực làm dân là biết được làm chủ đất nước là làm cái gì và có khả năng để làm được những điều đó. Khi con người có được những năng lực đặc biệt này thì sẽ thực hiện được những điều mình muốn. Khi đó, mỗi người sẽ trở thành một “tế bào hạnh phúc”, một “nhà máy hạnh phúc” và sẽ ngày ngày “sản xuất hạnh phúc” cho mình và cho mọi người.

      Xã hội mở ngày nay làm cho không có ai là “nhỏ bé” trên cuộc đời này, trừ khi tự mình muốn “nhỏ bé”. Ai cũng có thể trở thành những “con người lớn” bằng hai cách, làm được những việc lớn hoặc làm những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn. Và khi biết chọn cho mình một lẽ sống phù hợp rồi sống hết mình và cháy hết mình với nó, mỗi người sẽ có được một hạnh phúc trọn vẹn. Khi đó, ta không chỉ có những khoảnh khắc hạnh phúc, mà còn có cả một cuộc đời hạnh phúc. Khi đó, tôi hạnh phúc, bạn hạnh phúc và chúng ta hạnh phúc. Đó cũng là lúc ta thực sự “chạm” vào hạnh phúc!.”

(Giản Tư Trung, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, 3/2/2012)

Câu 1 (0,5 điểm). Đặt nhan đề cho đoạn trích.

 Câu 2 (0,5 điểm). Phương thức biểu đạt của văn bản?

Câu 3 (1,0 điểm). Trong văn bản có nhiều cụm từ in đậm được để trong ngoặc kép, hãy nêu tác dụng của việc sử dụng dấu ngoặc kép trong những trường hợp trên. Từ đó, hãy giải thích nghĩa hàm ý của 02 cụm từ “nhỏ bé” và “con người lớn”

Câu 4 (1,0 điểm). Theo quan điểm riêng của mình, anh/chị chọn cách “chạm” vào hạnh phúc bằng việc “làm những việc lớn” hay “làm những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn”. Vì sao? (Nêu ít nhất 02 lý do trong khoảng 5 – 7 dòng)

 

 

Câu 2 ( 6 điểm ) :

Anh/ chị hãy viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của mình về câu nói sau: Vòng nguyệt quế đôi khi trở thành dải băng bịt mắt.

Câu 3 ( 10 điểm ) :

Bàn về cách viết truyện ngắn , nhà văn Sêkhốp có phát biểu:

“ Theo tôi , viết truyện ngắn, cốt nhất phải tô đậm cái mở đầu và cái kết luận.”

Anh/ chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy phân tích cách mở đầu và kết thúc của truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân để thấy ý nghĩa của nó trong việc nâng cao giá trị tác phẩm.

 

——— Hết ———-

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG  HỌC SINH GIỎI

MÔN:  NGỮ VĂN,  LỚP 11    –    Năm học 2018 – 2019

 ( Hướng dẫn chấm này gồm 05 trang )

  1. YÊU CẦU CHUNG:
  2. Có kiến thức văn học và xã hội đúng đắn sâu rộng ; kĩ năng làm văn tốt ; bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh và sức biểu cảm, ít mắc lỗi về chính tả , ngữ pháp…

2.Đáp ứng yêu cầu đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của học sinh. Hướng dẫn chấm chỉ nêu một số nội dung cơ bản, định tính chứ không định lượng. Giám khảo cần hết sức linh hoạt khi vận dụng hướng dẫn chấm, không chỉ đánh giá kiến thức và kĩ năng, mà còn chú ý đến thái độ, tình cảm, cảm xúc của người viết. Cẩn trọng và tinh tế đánh giá bài làm của thí sinh trong tính chỉnh thể, phát hiện, trân trọng những bài có ý kiến và giọng điệu riêng. Chấp nhận các cách kiến giải khác nhau, kể cả không có trong hướng dẫn chấm, miễn là hợp lí và   có sức thuyết phục.

  1. Tổng điểm của toàn bài là 20.0 điểm, cho lẻ đến 0.5. Hướng dẫn chấm cho điểm từng câu, từng ý trên cơ sở đó giám khảo có thể thống nhất định ra các thang điểm cụ thể khác.
  2. YÊU CẦU CỤ THỂ:

ĐÁP ÁN- THANG ĐIỂM

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4.0
  1 Nhan đề: Năng lực tạo ra hạnh phúc;  Để chạm vào hạnh phúc… 0.5
  2 Phương thức biểu đạt : Nghị luận. 0.5
  3 Tác  dụng của việc sử dụng dấu ngoặc kép: làm nổi bật, nhấn mạnh đến một ý nghĩa, một cách hiểu khác có hàm ý… Nghĩa hàm ý của hai cụm từ “nhỏ bé”: tầm thường, thua kém, tẻ nhạt… và “con người lớn”: tự do thể hiện mình, khẳng định giá trị bản thân, thực hiện những ước mơ, sống cao đẹp, có ích, có ý nghĩa… 1.0
  4 .  Nêu ít nhất 02 lí do thuyết phục để khẳng định lối sống mình chọn theo quan điểm riêng của bản thân. “Làm những việc lớn” gắn với ước mơ, lí tưởng hào hùng, lối sống năng động, nhiệt huyết, tràn đầy khát vọng. Còn “tìm những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn” lại chú trọng đến niềm đam mê, cội nguồn của sáng tạo. 1.0

 

 

 

II   LÀM VĂN  
    Nghị luận xã hội 6.0
    *Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh biết cách làm một bài văn nghị luận xã hội. Xây dựng bố cục rõ ràng, hệ thống lập luận chặt chẽ, diễn đạt trôi chảy, không sai phạm các qui tắc về chính tả, dùng từ, đặt câu. 1,0
    * Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được những ý cơ bản sau: 5,0
    1. Giảithích

+ Câu nói sử dụng hai hình ảnh có tính biểu tượng: vòng nguyệt quế và dải băng bịt mắt. Vòng nguyệt quế là biểu tượng của vinh quang, của niềm tự hào vì những chiến thắng, thành công. Trong khi đó, dải băng bịt mắt là thứ che đi cái nhìn của ta, làm cho ta có mắt mà như mù. Thậm chí, dải băng bịt mắt có thể gợi liên tưởng về cái chết. Kẻ tử tù khi bị xử bắn thường bị bịt mắt. Bằng một lối nói súc tích và hình tượng, câu nói trên chỉ ra rằng niềm tự hào vì những chiến thắng, thành công, việc quá say sưa với chiến thắng có thể khiến ta mù quáng và dễ dẫn đến những hậu quả tai hại.

+ Nội dung của ý kiến: câu nói trên đưa ra lời khuyên, lời cảnh tỉnh đối với mỗi con người rằng không nên say sưa, tự mãn với những thành công, chiến thắng của mình đến mức trở nên mù quáng.

 

1,0
    2. Bàn luận :

 

+ Niềm vui, niềm hạnh phúc, thái độ tự hào về những thành công, những chiến thắng là một thứ tình cảm rất bình thường của con người. Mỗi con người, ai cũng có thể có những thành công nhất định trong cuộc sống. Tất nhiên, có những người xuất chúng, có những thành công lớn lao nhưng cũng có những con người bình thường, những thành công nhỏ bé đối với họ cũng rất có ý nghĩa.

+ Tuy vậy, tình cảm chính đáng nói trên có thể dẫn đến những hậu quả tai hại:

• Con người ai cũng có những mặt tích cực và những hạn chế, những thành công đi kèm với những điều chưa làm được. Nếu chỉ say sưa với những thành công, những điều ta làm được, ta có thể quên đi những mặt hạn chế, những điều chưa được của chính mình và từ đó không thể rút ra bài học cần thiết hoặc có những điều chỉnh cần thiết trong cuộc sống.

• Cuộc sống luôn luôn biến đổi, nếu con người chỉ sống với những niềm tự hào về thành công của chính mình, họ có thể mất đi cái nhìn tỉnh táo về những gì đang diễn ra xung quanh và vì thế, có thể phạm phải sai lầm, thất bại.

• Quá say sưa với thành công của mình cũng có thể dẫn đến chủ quan, ảo tưởng về sức mạnh của bản thân, cho rằng mình có thể thành công trong mọi trường hợp, đã làm được việc này thì cũng có thể làm được việc khác trong khi thực tế lại không hẳn như vậy.

 

3,0
    3. Bài học nhận thức và hành động.

cần phải biết tự hào, hạnh phúc với những thành công, thắng lợi trong cuộc sống nhưng cũng không nên để thái độ đó khiến ta trở nên ảo tưởng, mù quáng đến mức chủ quan về bản thân mình, quên đi thực tại và phạm phải sai lầm.

 

1,0
III   Viết bài văn nghị luận bàn về một ý kiến văn học .  
    *Yêu cầu về kỹ năng: học sinh biết cách làm bài văn nghị luận về một ý kiến bàn về văn học. Xây dựng bố cục bài văn chặt chẽ , mạch lạc. Không mắc lỗi chính tả , dùng từ , đặt câu. Khuyến khích những bài viết sáng tạo. 2.0
    *Yêu cầu về kiến thức:Đề bài yêu cầu thí sinh phải biết vận dụng kiến thức lí luận về đặc trưng của thể loại truyện ngắn , nhất là vai trò cảu mở đầu và kết luận trong truyện ngắn  để giải thích , chứng minh cho luận đề.Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng cầnc nêu được những nội dung sau :  

8.0

    1. Giải thích:

– Phần mở đầu là phần giới thiệu hoàn cảnh nảy sinh, là cái nền để nhân vật bước vào hành động và tạo nên các xung đột của tác phẩm.

– Cái kết luận là phần kết có tác dụng tạo cho văn bản tính chất kết thúc ,tính chất đóng về cả phương diện nội dung lẫn phương diện hình thức . Là phần khép lại văn bản , làm cho văn bản có tính hoàn chỉnh.( nơi tác phẩm kết thúc là nơi cuộc sống bắt đầu)

– “Cốt nhất phải tô đậm cái mở đầu và cái kết luận”: Nhà văn phải dụng công để tạo nên một cách mở đầu và kết thúc tác phẩm thật độc đáo, ấn tượng, gây chú ý cho người đọc.

– Phải tô đậm cái mở đầu và kết luận vì: Đối với tác phẩm văn học nói chung và nhất là truyện ngắn, mở đầu và kết thúc bao giờ cũng có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao giá trị tác phẩm.

Ý kiến của Sê khốp nhấn mạnh vai trò quan trọng của phần mở đầu và kết luận trong một truyện ngắn, mang đậm dấu ấn sáng tạo của nhà văn, đóng vai trò trong sự thành bại của một truyện ngắn. ( bên cạnh cốt truyện, nhân vật,  tình huống truyện, sự việc, chi tiết…)

 

2.0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2.Phân tích

a) Mở đầu:

* Cách mở đầu:

– Truyện mở đầu bằng cuộc trò chuyện giữa quản ngục và thơ lại: quản ngục “nghe đồn” Huấn Cao có tài viết chữ đẹp và có tài bẻ khoá vượt ngục; thơ lại cho rằng phải chém những người như thế thấy mà tiêng tiếc.

* Ý nghĩa:

– Tạo ấn tượng ban đầu về nhân vật chính, phụ.

+ Huấn Cao: Con người của tài hoa, khí phách, bản lĩnh ngang tàng.

+ Quản ngục, thơ lại: biết quý cái Đẹp cái Tài, biết trọng nhân cách bản lĩnh.

– Cách vào truyện theo trật tự thời gian, nghệ thuật giới thiệu nhân vật uyên thâm, cổ điển (gián tiếp, theo lối “vẽ mây nẩy trăng”) tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc về Huấn Cao – con người của huyền thoại, của danh tiếng lẫy lừng trong thiên hạ, đến phe đối lập cũng phải nể vì, trọng thị.

* Lưu ý: Khái quát gọn phần diễn biến truyện để thấy tính thống nhất trong tính cách, phẩm chất nhân vật, tạo nên tính chỉnh thể của văn bản.

b) Kết thúc.

* Cách kết thúc:. Truyện kết thúc bằng “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.

– Khung c¶nh cho ch÷ ch­a tõng cã: Trong đêm cuối cùng của người tử tù, nơi ngục thất lại diễn ra cảnh cho chữ.

– Người cho chữ – xin chữ chưa từng có: Người cho chữ, ban phát cái Đẹp, khuyên răn điều Thiện là tử tù; người xin chữ, thoả được sở nguyện về cái Đẹp và tìm ra con đường chính đạo của cuộc đời lại là viên quan coi ngục.

* Ý nghĩa:

– Tạo kết cấu đầu cuối tương ứng: Mở đầu bằng lời đồn – kết thúc bằng hành động. Mở đầu bằng  huyền thoại – kết thúc bằng cảnh “xưa nay chưa từng có”.

– Tô đậm chân dung nhân vật:

+ Huấn Cao “ngôi sao hôm chính vị” toả sáng ánh sáng của Tài – Chí – Tâm.

+ Quản ngục, đốm sáng đặc biệt, con người của nhân cách và sở nguyện cao đẹp, bậc “liên tài tri kỷ” xưa nay hiếm đối với người nghệ sĩ.

+ Đây là cuộc gặp gỡ kì diệu giữa những “tấm lòng trong thiên hạ”: một Huấn Cao nghĩa khí tài hoa và một quản ngục, thơ lại thành tâm trọng nghĩa, trọng tài.

– Thể hiện nổi bật cảm hứng lãng mạn và bút pháp lý tưởng hoá của Nguyễn Tuân: hướng tới cái Đẹp và sự phi thường.

– Bộc lộ tập trung chủ đề tác phẩm:

+ Ca ngợi một thú chơi tao nhã của một thời vang bóng.

+ Ca ngợi một bậc anh hùng hiên ngang bất tử.

+ Tôn vinh sự chiến thắng của cái Đẹp, cái Thiện với sức mạnh cảm hoá lớn lao, vĩ đại.

+Thể hiện quan niệm của Nguyễn Tuân về con người và nghệ thuật chân chính.

4.0
3.Bàn luận

– Lời bàn xác đáng, đúng đắn về một phương diện quan trọng trong nghệ thuật viết truyện ngắn, được đúc kết nên từ trải nghiệm một đời văn của Sêkhốp – bậc thầy truyện ngắn trong nền văn học Nga và  thế giới.

– Đây là công phu sáng tạo in đậm dấu ấn tài năng và phong cách tác giả: Mở đầu – kết thúc “Chữ người tử tù” khẳng định Nguyễn Tuân, nhà văn lãng mạn, nhà văn của cái Đẹp hoàn mĩ phi thường, nhà văn của lối viết vừa cổ kính trang trọng, vừa mới mẻ hiện đại.

– Yêu cầu đặt ra cho công phu sáng tạo mở đầu và kết luận không chỉ đúng với truyện ngắn mà còn với tất cả các thể loại văn học khác (ký, kịch, thơ, tiểu thuyết), đòi hỏi trách nhiệm của người nghệ sĩ trong quá trình lao động nghệ thuật.

-Nhà văn Nga Nagibin cũng cho rằng: nên nghĩ cho kĩ về mở đầu và kết luận , cần nhớ rằng đoạn đầu và đoạn cuối tác phẩm là một cái gì tinh tế , phức tạp, chú ý thật cao.

2.0

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *