Đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi môn văn lớp 11. đề 15

Đề thi khối 11

TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ  XII             ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN

    TRƯỜNG THPT CHUYÊN BẮC KẠN TỈNH BẮC KẠN                                      LỚP 11

                     ĐỀ THI ĐỀ XUẤT                                         (Đề này có 01 trang, gồm 02 câu)

 

Câu 1: Nghị luận xã hội (8 điểm)

          Nhà văn V.Huygô từng nói “Trên đời này chỉ có một thứ mà ta phải cúi đầu thán phục đó là tài năng và chỉ có một thứ mà ta phải quỳ gối tôn trọng đó là lòng tốt”.

          Suy nghĩ của anh / chị về câu nói trên.

Câu 2: Nghị luận văn học (12 điểm)

          Leptônxtôi từng nói: “Khi đọc xong tác phẩm văn học, hứng thú chủ yếu là tính cách tác giả được thể hiện trong đó ”.

Anh/ chị hiểu như thế nào về ý kiến trên. Hãy làm sáng tỏ vấn đề qua bài thơ Vội vàng của nhà thơ Xuân Diệu.

……………..HẾT…………………

Người ra đề

Hoàng Thị Dung

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

MÔN: Ngữ văn, LỚP: 11

Câu 1: Nghị luận xã hội (8 điểm)

Yêu cầu về kĩ năng

Đáp ứng yêu cầu về bài văn nghị luận xã hội: bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, chữ viết rõ không mắc lỗi chính tả, diễn đạt, dùng từ và ngữ pháp.

Yêu cầu về kiến thức

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng đảm bảo các ý cơ bản sau

Giải thích ý nghĩa câu nói:

– Tài năng: Khả năng đặc biệt, sự khéo léo hơn người, trí sáng tạo vượt bậc.
– Lòng tốt: Tấm lòng vị tha, khoan dung và nhân hậu:

Đây là hai phẩm chất đặc biệt quý giá ở con người, thuộc hai lĩnh vực trí tuệ và tâm hồn của con người.

– Cúi đầu thán phục và quỳ gối tôn trọng là cách nói hình ảnh thể hiện thái độ đánh giá cao nhất đối với những phẩm chất qúy giá của cong người đồng thời cũng bộc lộ một quan điểm về cách đánh giá con người: Chỉ đề cao, coi trọng tôn vinh những gì đẹp đẽ, có giá trị trong trí tuệ và phẩm cách của con người, coi đó là cái duy nhất đáng coi trọng, ngưỡng mộ.

Phân tích, chứng minh:

– Vì sao phải cúi đầu thán phục đối với tài năng: Vì tài năng là biểu hiện cao nhất của khả năng trí tuệ của con người, là điều kiện tốt nhất để con người khẳng định giá trị của bản thân và đóng góp cho cuộc sống chung của cả cộng đồng. Đối diện với tài năng, ta không chỉ được chiêm ngưỡng, thán phục mà còn được mở rộng tầm hiểu biết, nâng cao nhận thức để tự hoàn thiện bản thân (Lấy ví dụ cụ thể để chứng minh).

– Vì sao phải quỳ gối tôn trọng đối với lòng tốt: Vì lòng tốt xét đến cùng là sự hi sinh, dâng hiến cho người, cho đời trên cơ sở của tinh thần nhân đạo. Để tốt với người, với đời, mỗi cá nhân cần biết vượt qua những nhu cầu cá nhân ích kỷ, biết đứng cao hơn chính bản thân mình để có thể yêu thương thật lòng, giúp đỡ chân tình, tha thứ thực sự. Những nỗ lực vì người khác xuất phát từ lòng tốt luôn đáng để tôn vinh (Lấy ví dụ cụ thể).

Bàn luận, mở rộng vấn đề:

– Vị thế của chủ thể câu nói: Một nhà văn lớn (hội tụ cả hai yếu tố là tài năng và tấm lòng), người hơn ai hết hiểu sâu sắc ý nghĩa, giá trị của tài năng, tấm lòng trong văn chương cũng như cuộc sống. Ở vị thế ấy, thái độ đề cao là một tất yếu.

– Mặt tích cực: Đề xuất một cách đánh giá và một thái độ đúng đối với những giá trị tốt đẹp của con người. Tài năng bao giờ cũng cần được đề cao và lòng tốt bao giờ cũng cần được coi trọng. Mọi biểu hiện miệt thị lòng tốt và phủ nhận tài năng đều cần phải lên án, phê phán.

– Mở rộng, nâng cao:

+ Không nên tuyệt đối hoá vị trí của tài năng và lòng tốt vì trong cuộc sống, trong con người vẫn còn có nhiều phẩm chất khác cần được coi trọng.

+ Cần xác lập mối quan hệ giữa tài năng và lòng tốt (liên hệ với quan điểm của Hồ Chí Minh: Có tài mà không có đức là vô dụng. Có đức mà không có tài không làm được việc gì).

  1. Liên hệ với bản thân

Câu nói gợi cho ta con đường để mình vươn tới. Cách tốt nhất là làm tốt công việc của mình, sống hướng thiện, có trách nhiệm và đừng bao giờ vô cảm.

 

Câu 2: Nghị luận văn học (12 điểm)

Yêu cầu về kĩ năng

Biết cách bài văn nghị luận văn học: bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, chữ viết rõ không mắc lỗi chính tả, diễn đạt, dùng từ và ngữ pháp.

Yêu cầu về kiến thức

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng phải hợp lí, chặt chẽ, thuyết phục, cần nêu được những ý chính sau:

Giải thích ý kiến

– Tính cách là những nét riêng nổi bật vốn có ở mỗi con người

– Tính cách của tác giả: Là nét riêng nổi bật trong sáng tạo nghệ thuật tạo nên phong cách riêng. Dấu ấn cá nhân được thể hiện ở nhiều phương diện, nó có thể để người đọc nhận thấy ở cả nội dung và hình thức trong cách cảm, cách nghĩ…

– Đọc xong tác phẩm, ấn tượng để lại trong lòng người đọc chính là nét riêng của tác giả. Người đọc luôn tìm ở đó những quan điểm riêng trước cuộc sống, tìm ở họ cách nói mới mẻ, sáng tạo.

Làm sáng tỏ vấn đề qua tác phẩm Vội vàng của Xuân Diệu

– Trong phong trào thơ mới 30-45 nói riêng và thơ văn Việt Nam nói chung, phong cách thơ của Xuân Diệu không thể lẫn lộn với ai được. Thơ ông có phong cách nghệ thuật hiện đại, trong sáng tác tác phẩm luôn có sự kế thừa và cách tân.

– Dấu ấn riêng về nội dung, tư tưởng: Có tư tưởng nhân sinh mới mẻ với cái tôi tràn đầy cảm xúc:

+ Thơ Xuân Diệu luôn yêu đời, yêu cuộc sống nồng nhiệt, luôn khát khao giao cảm với đời -> hấp dẫn bạn đọc ở những khát vọng táo bạo, mãnh liệt. Còn thiên nhiên thì đi vào lòng người vì nhuốm màu tình tứ, tràn ngập hương sắc và xuân tình. Đặc biệt nhà thơ luôn lấy con người làm thước đo chuẩn mực cho cái đẹp.

+ Ýthức về sự hữu hạn của kiếp người, sự ngắn ngủi của tuổi trẻ và sự trôi chảy của thời gian -> Cảm nhận về thiên nhiên là tuyến tính một đi không trở lại. Nhìn thấy sự vật tàn phai ngay khi sự vật mới bắt đầu khởi sự.

+ Quan niệm về cuộc sống trần thế là phải vội vàng, cuống quýt để tận hưởng những hạnh phúc mà cuộc sống trần thế đang có sẵn trước mắt -> đây là quan niệm nhân sinh mới mẻ.

  • Dấu ấn riêng về nghệ thuật:

+ Sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và luận lí.

+ Huy động các giác quan để khám phá và miêu tả sự vật.

+ Ngôn ngữ, giọng điệu thơ, thủ pháp nghệ thuật cách tân táo bạo.

Đánh giá vấn đề

– Thông qua bài Vội vàng ta nhận ra chân dung của Xuân Diệu tâm hồn đa cảm, yêu thương cùng với sự gắn bó thiết tha với đời. Xuân Diệu có đóng góp to lớn cho nền thơ ca dân tộc. Ông xứng đáng là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới.

– Nhận định của Leptônxtôi hoàn toàn đúng bởi quy luật và bản chất của lao động nghệ thuật là sự sáng tạo, và nó trở nên bất tử cho tác phẩm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *