Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 11 năm 2019 Chuyên Lê Khiết Quảng Ngãi

Đề thi khối 11

SỞ GD& ĐT QUẢNG NGÃI                             KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

 TRƯỜNG THPT CHUYÊN           KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

                 LÊ KHIẾT                                                      LẦN THỨ XII

                                                                                   Môn: NGỮ VĂN – LỚP 11

        ĐỀ THI ĐỀ XUẤT                      Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Ngày thi: 20/04/2019

(Đề thi gồm 01 trang, 02 câu)

 

Câu 1. Nghị luận xã hội (8,0 điểm)

“Tôi khóc chân trời không có người bay, lại khóc những người bay không có chân trời”.

(Trần Dần)

Anh/ chị hãy bình luận câu nói trên.

Câu 2. Nghị luận văn học (12,0 điểm)

L.Tônxtôi cho rằng:

Những tác phẩm thú vị nhất về thực chất là những tác phẩm mà trong đó dường như tác giả cố gắng giấu quan điểm của mình, nhưng đồng thời lại thường xuyên trung thành với nó ở khắp nơi mà nó hiện diện.

(Trần Đăng Suyền – Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX , NXBGD Việt Nam – 2013, tr.53)

Bằng trải nghiệm văn học, anh/ chị trình bày ý kiến của mình và làm sáng tỏ.

—————————-HẾT—————————       

 

 

. Thí sinh không được sử dụng tài liệu.

. Giám thị không giải thích gì thêm.

                                                                                                Người ra đề: Trần Thu Hà

 

SỞ GD& ĐT QUẢNG NGÃI                             KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

 TRƯỜNG THPT CHUYÊN           KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

                 LÊ KHIẾT                                                      LẦN THỨ XII

                                                                                   Môn: NGỮ VĂN – LỚP 11

        ĐỀ THI ĐỀ XUẤT                      Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

HƯỚNG DẪN CHẤM

(Hướng dẫn chấm gồm có 05 trang)

Câu 1. Nghị luận xã hội (8,0 điểm)

  1. Yêu cầu chung

– Hướng dẫn chấm chỉ xác định những yêu cầu cơ bản của đề, giám khảo cần chủ động, linh hoạt, cân nhắc tương quan giữa các bài làm của học sinh để cho điểm.

– Mạnh dạn cho điểm cao với những bài viết hiểu rõ yêu cầu của đề, nắm chắc kiến thức, đúng hướng, có trọng tâm; không cho điểm cao những bài tuy viết dài, có kiến thức nhưng diễn đạt lan man, không trình bày rõ vấn đề.

– Chú trọng đến kĩ năng viết văn, cách diễn đạt, trình bày, lập luận, năng lực kết cấu ý trong bài văn. Khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo, thể hiện năng lực tư duy và cảm thụ văn chương.

  1. Yêu cầu cụ thể

– Học sinh phải đảm bảo yêu cầu chung của bài nghị luận xã hội.

– Biết kết hợp các thao tác lập luận để làm bài văn nghị luận xã hội.

– Xây dựng được những luận điểm chặt chẽ, kết hợp lí lẽ và dẫn chứng để trình bày.

– Bài viết có nội dung sâu sắc, đúng đắn, thuyết phục.

– Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau, có những cách hiểu khác nhau nhưng đảm bảo phải phù hợp với đạo lí, pháp luật. Sau đây là những yêu cầu cơ bản cần có trong bài viết:

  1. Giải thích

Tôi khóc chân trời không có người bay:

+ chân trời: chỉ không gian xa rộng, không giới hạn – môi trường sống phóng khoáng, rộng mở.

+ Người bay: người có khí chất, có khả năng mang đến cho “chân trời” sự sống động.

lại khóc những người bay không có chân trời: người có khí chất, có khả năng nếu không có môi trường tốt để thể hiện mình thì tài năng sẽ bị mai một.

– Ý nghĩa câu nói: đặt ra vấn đề “chân trời” và “người bay” là đề nói về mối quan hệ giữa môi trường sống và làm việc với người có tài năng.

  1. Bàn luận, phân tích, chứng minh

– Câu nói của Trần Dần giàu hình ảnh và có hàm nghĩa ẩn dụ sâu sắc.

– “Chân trời” dù rộng lớn nhưng nếu không có “người bay” sẽ trở nên tẻ nhạt, vô vị. Cũng như, môi trường sống và làm việc dù tốt đến mấy nhưng nếu không có người có khả năng mang đến sinh khí và làm cho nó phát triển thì môi trường ấy cũng không có ý nghĩa. Ngược lại, người có tài năng nếu không có môi trường sống và làm việc tốt sẽ không thể phát triển được tài năng của mình.

– Môi trường sống và làm việc nói đến ở đây không phải là không gian vật chất đơn thuần mà là không gian của tư duy, của tinh thần và cách ứng xử. Môi trường ấy càng rộng mở bao nhiêu sẽ là nơi tạo điều kiện cho những người có tài năng phát huy hết khả năng của mình bấy nhiêu để làm cho nó trở nên tốt đẹp hơn.

– Trong thời đại phát triển như ngày nay, càng tạo ra được môi trường sống và làm việc thuận lợi càng thu hút được nhiều người tài năng.

– Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có những người dù không có một môi trường sống và làm việc thuận lợi nhưng họ vẫn phát huy được khả năng bằng ý chí, bằng niềm đam mê của mình và ngược lại.

* Học sinh phải chọn được dẫn chứng phù hợp với lập luận.

  1. Bài học nhận thức và hành động

– Môi trường sống và làm việc với người tài năng có quan hệ biện chứng với nhau, cùng thúc đẩy nhau phát triển.

– Mỗi người muốn thể hiện tài năng của mình cần chủ động tìm đến một môi trường sống và làm việc tốt.

– Không chấp nhận làm việc trong một môi trường sống và làm việc chật hẹp hẹp về tư duy, bó buộc về tinh thần và không trân trọng tài năng.

* Thang điểm

– Điểm 7 – 8: Đáp ứng tốt các yêu cầu nêu trên, bài viết có sáng tạo.

– Điểm 5 – 6: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu nêu trên, bố cục rõ ràng, văn có cảm xúc, có thể mắc một vài lỗi diễn đạt không đáng kể.

– Điểm 3 – 4: Đáp ứng khoảng một nửa các yêu cầu nêu trên.

– Điểm 1 – 2: Viết lan man, diễn đạt yếu; lạc đề.

– Điểm 0: Không làm bài, lạc đề

Câu 2. Nghị luận văn học (12.0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng

– Hiểu yêu cầu của đề, trên cơ sở những kiến thức về lý luận văn học, biết cách làm bài văn nghị luận bàn về một ý kiến văn học.

– Biết cách giải thích, bàn luận, phân tích, chứng minh, đánh giá khái quát làm rõ ý kiến.

– Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, sắc sảo; hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc, không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.

  1. Yêu cấu về kiến thức

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng về cơ bản cần có các ý sau: 

  1. Giải thích

Những tác phẩm thú vị nhất: những tác phẩm chứa đựng trong đó những điều người đọc mong đợi, làm cho người đọc cảm thấy hứng thú và đón nhận.

về thực chất là những tác phẩm mà trong đó dường như tác giả cố gắng giấu quan điểm của mình: nghĩa là, trong những tác phẩm đó, nhà văn bộc lộ, biểu hiện quan điểm của mình một cách kín đáo, đầy nghệ thuật.

nhưng đồng thời lại thường xuyên trung thành với nó ở khắp nơi mà nó hiện diện: nhà văn chỉ gửi thông điệp vào sự vật, không can thiệp vào sự vật mà muốn để chính sự vật nói lên tiếng nói của mình, nói lên toàn bộ bản chất của mình.

– Ý kiến trên nói đến nguyên tắc biểu hiện của chủ nghĩa hiện thực: Trong sáng tác, các nhà văn hiện thực coi trọng việc khách quan hóa những điều được miêu tả.

  1. Bàn luận

– Ý kiến của L.Tônxxtôi là hoàn toàn xác đáng.

– Nói như Tsêkhôp: “Nhà văn có thể khóc lóc, rên rỉ, có thể đau khổ với các nhân vật của mình, nhưng theo tôi, cần phải làm sao để độc giả khỏi nhận thấy những cái đó. Càng khách quan, càng có thể tạo ra những ấn tượng mạnh mẽ”. Nghĩa là, nhà văn phải biết ẩn mình, giấu mình đi, lấy lí trí phong tỏa tình cảm như Nam Cao đã từng “cố đóng cũi sắt tình cảm” để viết nên những tác phẩm mà tự nó mang đến cho nhiều thế hệ người đọc những thông điệp nhân sinh sâu sắc.

– Các nhà văn hiện thực quan niệm nghệ sĩ chỉ là người “thư kí trung thành của thời đại”, đã là người “thư kí trung thành” thì càng phải tôn trọng nguyên tắc khách quan trong sáng tác. Có như thế, nhà văn mới đồng hành cùng tác phẩm “ở khắp nơi mà nó hiện diện”, mới mang đến được cho nhiều người quan điểm của mình về các vấn đề của cuộc sống.

– Để khách quan hóa những điều được miêu tả trong tác phẩm, nhà văn hiện thực thường quan sát, tìm tòi, khám phá thực tại và đặt các vấn đề được phản ánh trong mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Từ đó, nhà văn chuyển tải quan điểm của mình mà không làm cho người đọc cảm thấy bị dẫn dắt khiên cưỡng, khiến người đọc hứng thú tự nguyện đón nhận. Ví dụ, có thể thấy, mỗi bức tranh thiên nhiên trong Truyện Kiều chưa bao giờ thoát ly khỏi mối quan hệ với Kiều và cuộc sống của nàng.

– Nói như X.M.Pê-tơ-rốp: “Nhà văn hiện thực sáng tạo ra thế giới tưởng tượng trên cơ sở những quan niệm của mình về thế giới hiện thực”.

  1. Chứng minh

– Học sinh chọn được tác phẩm văn học tiêu biểu trong chương trình Ngữ văn 11 hoặc tác phẩm văn học bất kì đáp ứng được nội dung bàn luận.

– Biết cách khai thác những tác phẩm đã chọn để chứng minh đó là “những tác phẩm thú vị nhất”.

  1. Đánh giá nâng cao

Ý kiến của L.Tônxxtôi có ý nghĩa sâu sắc:

– Đề cao tính khách quan của các nhà văn hiện thực trong quá trình sáng tác. Đòi hỏi các nhà văn hiện thực phải tạo nên những tác phẩm có nội dung tư tưởng mang tính phổ quát cao nhưng vẫn giữ được quan điểm riêng của mình.

– Khẳng định, người đọc chính là người thẩm định một cách công tâm nhất giá trị của những tác phẩm văn học có tính khách quan.

* Thang điểm

– Điểm 11 – 12: Đáp ứng tốt những yêu cầu trên; bài viết có cảm thụ tốt, có ý tưởng sáng tạo.

– Điểm 9 – 10: Đáp ứng phần lớn những yêu cầu trên, biết chọn và phân tích dẫn chứng một cách thuyết phục, mắc một số lỗi không đáng kể.

– Điểm 7 – 8: Đáp ứng tương đối đầy đủ  yêu cầu trên; có thể phân tích chưa sâu; mắc lỗi diễn đạt nhưng không nhiều

– Điểm 5 – 6: Tỏ ra hiểu đề, triển khai đúng trọng tâm nhưng còn lúng túng trong triển khai luận điểm, phân tích mờ nhạt, khai thác vấn đề chưa sâu sắc; còn mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, đặt câu.

– Điểm  3 – 4: Bài viết có ý nhưng trình bày chưa hợp lí, không làm nổi bật được vấn đề.

– Điểm 1 – 2: Viết lan man, lạc đề, diễn đạt yếu.

– Điểm 0: Không làm bài.

——————-Hết——————-

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *