Đề HSG Với tư cách là một nghệ sĩ, cái quan trọng nhất là nhà thơ phải tạo ra được quan niệm riêng về đời sống

Đề thi khối 11

ĐỀ THI KSĐT HỌC SINH GIỎI LỚP 11 NĂM HỌC 2023 – 2024

                                                                                             ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề.

Câu 1 (6,0 điểm)

 “Chú chim non đấu tranh thoát khỏi quả trứng. Quả trứng là thế giới. Ai muốn được sinh ra trước hết phải phá vỡ một thế giới.”

(“Demian, câu chuyện tuổi trẻ của Emil Sinclair”, Hermann Hesse)

Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/chị về lời khuyên trên.

Câu 2 (14,0 điểm)

Với tư cách là một nghệ sĩ, cái quan trọng nhất là nhà thơ phải tạo ra được quan niệm riêng về đời sống. Quan niệm ấy không hiện lên qua những lời thuyết lý khô khan mà phải hoá thân vào chữ nghĩa và hình tượng.

(Nguyễn Đăng Điệp, Thơ Việt Nam hiện đại – Tiến trình và Hiện tượng, trang 63, NXB Văn học, 2014)

Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng trải nghiệm văn học, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

SỞ GD&ĐT                                 HDC ĐỀ THI KSĐT HỌC SINH GIỎI LỚP 11

TRƯỜNG THPT                                         NĂM HỌC 2023 – 2024

                                                                                         ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN

 

YÊU CẦU CHUNG

– Giám khảo cần nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.

– Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những nhu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho điểm tối đa.

– Điểm bài thi làm tròn đến 0,25 điểm.

YÊU CẦU CỤ THỂ

Câu Hướng dẫn chấm Điểm
Câu      1 “Chú chim non đấu tranh thoát khỏi quả trứng. Quả trứng là thế giới. Ai muốn được sinh ra trước hết phải phá vỡ một thế giới.”

(“Demian, câu chuyện tuổi trẻ của Emil Sinclair”, Hermann Hesse)

Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/chị về lời khuyên trên.

6,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cần dũng cảm phá vỡ những giới hạn an toàn của bản thân. 0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp tốt các lí lẽ, dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Thí sinh có thể bày tỏ những suy nghĩ khác nhau, nhưng cần đảm bảo những ý cơ bản sau:

 
1. Giải thích:

Chú chim non đấu tranh: Hình ảnh của những người trẻ còn non nớt đang nỗ lực vươn lên để trưởng thành.

Quả trứng là thế giới: Quả trứng là hình ảnh của của những vỏ bọc bên ngoài che chở, bảo vệ chú chim bên trong. Thoát khỏi quả trứng là thoát khỏi sự che chở, bao bọc của bố mẹ, gia đình.

Muốn được sinh ra: muốn được trưởng thành, được lớn lên thực sự.

Trước hết phải phá vỡ một thế giới: dám dũng cảm thoát ra khỏi vỏ bọc bảo vệ, phá vỡ vùng an toàn của bản thân.

=> Mượn hình ảnh chú chim non cố gắng phá vỡ vỏ trứng để được sinh ra, tác giả Hermann Hesse muốn truyền đến các bạn trẻ thông điệp ý nghĩa: Hãy mạnh mẽ bước ra khỏi thế giới bao bọc của cha mẹ và những giới hạn an toàn của bản thân để thực sự trưởng thành, có cuộc đời ý nghĩa.

0,5
2. Bàn luận

– Vì sao khi ở trong quả trứng (được bao bọc) những chú chim (những bạn trẻ) không thể được sinh ra?

+ Cũng như những chú chim được lớp vỏ ngoài quả trứng nuôi dưỡng, bảo vệ, các bạn trẻ được nuôi dưỡng, che chở trong vòng tay yêu thương của cha mẹ và gia đình.

+ Nếu cứ mãi sống trong vùng an toàn, bình yên đó, những người trẻ không thể lớn lên, trưởng thành, mạnh mẽ sống cuộc đời thực sự của cá nhân. Thực tế xã hội ngày nay có nhiều bố mẹ bao bọc con thái quá dẫn đến nhiều bạn trẻ sống yếu ớt, thụ động, không có khả năng tự lập…

– Vì sao muốn thoát ra khỏi vỏ trứng cần phải đấu tranh?

+ Việc thoát ra khỏi chiếc vỏ bảo vệ, nuôi dưỡng và thoát ra khỏi vùng an toàn không hề dễ dàng. Công cuộc đập vỡ vỏ trứng – đập vỡ những lo lắng, hoài nghi của bản thân đòi hỏi con người phải đủ bản lĩnh và sự mạnh mẽ để đối mặt với vô vàn khó khăn ở phía ngoài vỏ trứng đang đón đợi…

Muốn trưởng thành, muốn có cuộc sống thực sự, con người cần phải làm gì?

+ Dũng cảm dám vượt ra khỏi vùng an toàn, dám vượt ra khỏi vòng tay của bố mẹ, tự mình khám phá cuộc sống, đối mặt với khó khăn, học cách trưởng thành mới là cuộc sống thực sự.

+ Chỉ khi tự mình nỗ lực các bạn trẻ mới ngày càng trưởng thành, phát huy được nhiều năng lực tiềm ẩn của bản thân, trở thành phiên bản tốt hơn chính mình mỗi ngày.

+ Gia đình, nhà trường cũng cần tạo điều kiện cho các bạn trẻ cơ hội được tự lập, tự đối diện với cuộc sống để trưởng thành.

3,0

 

 

3. Mở rộng

– Dũng cảm vượt ra khỏi sự bao bọc chở che của cha mẹ không có nghĩa tách mình hoàn toàn, rời xa cha mẹ. Dũng cảm vượt ra khỏi vùng giới hạn của bản thân không có nghĩa liều lĩnh làm mọi điều vượt quá khả năng của bản thân để đẩy mình vào vùng nguy hiểm. Hành trình sống của mỗi con người là hành trình nỗ lực, mạnh mẽ đối diện với khó khăn, linh hoạt trong mọi tình huống để có cuộc đời thành công, hạnh phúc.

– Phê phán những bạn trẻ không dám phá vỡ những giới hạn an toàn của bản thân…

0,5
4. Bài học nhận thức và hành động:

– Nhận thức được tầm quan trọng của sự dũng cảm, mạnh mẽ thoát ra khỏi vỏ bọc bảo vệ, phá vỡ vùng an toàn của bản thân.

– Không chỉ nỗ lực “đập vỡ vỏ trứng”, muốn có cuộc sống thực sự mỗi người còn cần học cách cảm nhận, khám phá cuộc sống; học cách đóng góp, cống hiến để xã hội ngày càng tốt đẹp.

0,5
d. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

0,5
 e. Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. 0,25
Câu 2

 

    Với tư cách là một nghệ sĩ, cái quan trọng nhất là nhà thơ phải tạo ra được quan niệm riêng về đời sống. Quan niệm ấy không hiện lên qua những lời thuyết lý khô khan mà phải hoá thân vào chữ nghĩa và hình tượng.

(Nguyễn Đăng Điệp, Thơ Việt Nam hiện đại – Tiến trình và Hiện tượng, trang 63, NXB Văn học, 2014)

       Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng trải nghiệm văn học, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên?

14,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

0,5
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

Cách nhìn riêng, quan niệm riêng về đời sống của nhà thơ được kí thác vào chữ nghĩa và hình tượng thơ.

0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp tốt các lí lẽ, dẫn chứng, đánh giá khái quát vấn đề nghị luận. Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo những ý cơ bản sau:

 
1.      Giải thích

Quan niệm riêng về đời sống: là những nhận thức, khám phá, cảm thụ, phát hiện các vấn đề của đời sống xã hội theo một cách riêng. Đó cũng chính là cái nhìn nghệ thuật độc đáo, có tính thẩm mĩ về đời sống của người nghệ sĩ.

Quan niệm ấy hóa thân vào chữ nghĩa và hình tượng: cách nhìn riêng về đời sống được nhà thơ kí thác qua hệ thống ngôn từ và các biện pháp nghệ thuật; qua những hình tượng, biểu tượng nghệ thuật, tạo nên giá trị thẩm mĩ cho tác phẩm, thể hiện chiều sâu phong phú của tâm hồn nghệ sĩ.

=> Ý kiến của nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp đã nhấn mạnh cách nhìn riêng, cách khám phá, phát hiện của người nghệ sĩ trong hành trình sáng tạo nghệ thuật. Trong hành trình ấy, quan niệm riêng về đời sống đã hóa thân vào chữ nghĩa và hình tượng.

0,75

 

 

 

0,25

2.      Bàn luận

Quan niệm riêng về đời sống là yêu cầu quan trọng nhất với nhà thơ nói riêng và sáng tạo nghệ thuật nói chung

– Quan niệm riêng về đời sống là nguyên tắc cắt nghĩa thế giới và con người, thể hiện góc nhìn riêng, thể hiện cách cảm, sự phân tích, lý giải của tác giả về những đối tượng nghệ thuật. Quan niệm ấy thể hiện chiều sâu tư tưởng, sự nhạy cảm, khả năng nắm bắt những vấn đề của đời sống và tình cảm của người nghệ sĩ với con người, với cuộc đời.

– Có cách khám phá, phát hiện riêng về cuộc sống, nhà thơ đã đạt đến chiều sâu nhất định trong nhận thức, từ đó tạo nên chiều sâu triết lí cho tác phẩm. Khi đó, tác phẩm vừa là sản phẩm của tầm văn hóa, tư tưởng, vừa mang dấu ấn sáng tạo của cá tính nhà thơ.

– Quan niệm, cách nhìn mới mẻ về đời sống là yếu tố cốt tử tạo nên phong cách nghệ thuật của nhà văn – Tấm huy chương vàng mà mỗi nghệ sĩ đều khát khao vươn tới trong cuộc đời cầm bút.

Quan niệm riêng của nhà thơ hóa thân vào chữ nghĩa và hình tượng

Mỗi nhà thơ, nhà văn lớn đều đồng thời là những nhà tư tưởng lớn, nhưng đó không phải là những tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy, hay được phát ngôn một cách ồn ào trong tác phẩm, mà đã được kí thác vào chữ nghĩa và hình tượng.

– Quan niệm riêng của nhà thơ hóa thân vào chữ nghĩa:

+ Ngôn ngữ là “yếu tố thứ nhất của văn học”. Văn học là nghệ thuật ngôn từ.

+ Trong quá trình sáng tác, lao động thơ trước hết là lao động chữ bởi chính những con chữ, qua tài năng của nhà thơ sẽ cho người đọc hiểu chiều sâu và vang ngân của tình ý, giọng điệu cũng như tư tưởng nghệ thuật của tác giả.

+ Chữ nghĩa trong thơ không thể là những thuyết lý khô khan không cảm xúc mà tập trung thể hiện tình cảm, rung cảm của người nghệ sĩ trước cuộc đời.

+ Chữ nghĩa trong thơ chính là ngôn ngữ tư duy được tổ chức ở trình độ cao với sự chặt chẽ tinh tế đến độ hàm súc (qua hệ thống từ ngữ, các biện pháp tu từ, nhịp thơ, thanh điệu…)

– Quan niệm riêng của nhà thơ hóa thân vào chữ nghĩa:

+ Ngôn ngữ là “yếu tố thứ nhất của văn học”. Văn học là nghệ thuật ngôn từ.

+ Trong quá trình sáng tác, lao động thơ trước hết là lao động chữ bởi chính những con chữ, qua tài năng của nhà thơ sẽ cho người đọc hiểu chiều sâu và vang ngân của tình ý, giọng điệu cũng như tư tưởng nghệ thuật của tác giả.

+ Chữ nghĩa trong thơ không thể là những thuyết lý khô khan không cảm xúc mà tập trung thể hiện tình cảm, rung cảm của người nghệ sĩ trước cuộc đời.

+ Chữ nghĩa trong thơ chính là ngôn ngữ tư duy được tổ chức ở trình độ cao với sự chặt chẽ tinh tế đến độ hàm súc (qua hệ thống từ ngữ, các biện pháp tu từ, nhịp thơ, thanh điệu…)

– Quan niệm riêng của nhà thơ hóa thân vào hình tượng:

+ Hình tượng là phương tiện để nhà thơ phản ánh hiện thực, thể hiện sự hiểu biết, tình cảm của tác giả đối với đời sống và mang tính khám phá.

+ Hình tượng thơ là nơi chứa đựng những quan niệm riêng về đời sống của nhà thơ. Đó có thể là cảnh, là con người, một sự vật, mang giá trị nghệ thuật và thẩm mĩ.

Tóm lại: Quan niệm riêng của nhà thơ về đời sống đã được hóa thân vào chữ nghĩa và hình tượng. Hai yếu tố này gắn bó mật thiết trong quá trình sáng tạo, góp phần hình thành phong cách nhà thơ.

3,0
3. Chứng minh

– Đây là phần thỏa sức cho hs sáng tạo bằng trải nghiệm văn học của mình. Thí sinh biết lựa chọn những tác phẩm thơ, những đoạn trích thơ tiêu biểu (ở nhiều thể thơ, không phân biệt thơ Việt Nam hay nước ngoài) để làm rõ yêu cầu của đề bài.

– Yêu cầu:

+ Bài viết có luận điểm rõ ràng, mạch lạc, không sa đà vào phân tích cả tác phẩm một cách máy móc, dàn trải, mà phải biết khái quát, phân tích có điểm, có diện, xoáy sâu, bám sát, định hướng vào vấn đề một cách chặt chẽ. Phân tích đúng đặc trưng thể loại, phong cách tác giả, thi pháp thời đại văn học.

+ Phân tích định hướng làm sáng tỏ hai luận điểm:

• Quan niệm riêng của tác giả hóa thân vào chữ nghĩa.

• Quan niệm riêng của tác giả hóa thân vào hình tượng

7,0
  4. Mở rộng, nâng cao vấn đề

Đây là ý kiến đúng đắn, có chiều sâu của sự khái quát, đặt ra yêu cầu sống còn đối với người nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo. Với nghệ sĩ, khi có cách nhìn riêng, quan niệm riêng về đời sống, bản thân tác giả được mở rộng tầm nhìn, từ đó tác phẩm sẽ độc đáo hơn, có chiều sâu triết lý hơn. Quan niệm riêng của tác giả có ý nghĩa to lớn trong việc tạo nên phong cách nghệ thuật, khẳng định vị trí của tác giả trong nền văn học.

– Quan niệm riêng về đời sống của nhà văn chỉ có ý nghĩa khi mang giá trị chân – thiện – mĩ. Mọi sự lệch chuẩn chỉ được tôn vinh khi hòa quyện với tư tưởng nhân đạo, nhân văn cao cả.

– Yêu cầu với tác giả và độc giả:

+ Muốn có được quan niệm riêng về đời sống, nhà thơ phải có vốn văn hóa, có quá trình trải nghiệm, sự phong phú tinh tế trong tâm hồn, tình cảm…

+ Độc giả phải có sự sâu sắc, tinh tế trong cảm nhận để phát hiện ra diện mạo riêng của mỗi nghệ sĩ thể hiện trong tác phẩm.

1,0
d. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

0,5
e. Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. 0,5
  TỔNG ĐIỂM TOÀN BÀI 20,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *