SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NỘI
ĐỀ CHÍNH THỨC |
ĐỀ THI OLYMPIC NĂM HỌC 2023-2024
Môn Ngữ văn – Lớp 11 Thời gian làm bài: 150 phút (Không kể thời gian giao đề) Đề thi gồm có 02 trang |
Câu 1 (10 điểm)
VẠCH NGẮN, VẠCH DÀI
Có một tuyển thủ tham gia thi đấm bốc, anh ta tự phụ nghĩ rằng mình nhất định sẽ giành giải quán quân. Chẳng mấy chốc, anh ta đã vào vòng chung kết. Sau một hồi đọ sức, anh ta phát hiện ra đối thủ không hề sơ hở chỗ nào, trong khi đó, chỉ cần sơ ý một chút, anh ta đã bị đối phương nắm thóp và thua thê thảm.
Anh ta tức quá đến trước mặt huấn luyện viên và yêu cầu huấn luyện viên cho biết sơ hở của đối phương.
Huấn luyện viên chỉ cười, cầm một viên phấn trắng vẽ lên mặt đất một vạch và nói: “Tôi muốn anh biến cái vạch này ngắn lại với điều kiện không được xóa nó, anh thấy sao?”
Tuyển thủ nghĩ ngợi rất lâu nhưng vẫn chẳng thể làm được gì. Anh ta nói: “Cái vạch này vốn đã dài, không cho xóa làm sao trở nên ngắn được? Ông đang có ý gì, xin cứ nói thẳng cho tôi biết điểm yếu của hắn ta ở đâu đi!”.
Huấn luyện viên vẫn không nói gì, chỉ đi đến chỗ cái vệt phấn trắng, cúi xuống vẽ một cái vạch khác dài hơn và bảo: “Cậu nhìn đi, cái vạch ban nãy có phải đã tương đối ngắn rồi không?”.
Tuyển thủ so hai cái vạch với nhau và thấy rõ cái vạch ban đầu đã trở nên ngắn hơn. Anh ta gật đầu khâm phục.
(Theo “100 câu chuyện hay”, NXB Văn học, 2013, tr.156-157)
Hãy viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/chị về thông điệp được rút ra từ văn bản trên.
Câu 2 (10 điểm)
“Ngôn từ trong thơ thường phá vỡ logic kết hợp thông thường để tạo thành những kết hợp mới bất ngờ theo nguyên tắc lạ hoá… Ngôn từ thơ giàu nhạc tính với những âm thanh luyến láy, những từ trùng điệp, phối hợp bằng trắc và những cách ngắt nhịp có giá trị”.
(Trần Đình Sử (chủ biên), Giáo trình Lí luận văn học , NXB ĐHSP, 2023, tr.136-137)
Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ cách hiểu của anh/chị qua việc phân tích văn bản thơ sau đây:
Áo lụa Hà Đông
Nguyên Sa
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng
Trang 1/2
Anh vẫn nhớ em ngồi đây, tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa
Gặp một bữa anh đã mừng một bữa
Gặp hai hôm thành nhị hỉ của tâm hồn
Thơ học trò anh chất lại thành non
Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu
Em không nói đã nghe lừng giai điệu
Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh
Anh đã trông lên bằng đôi mắt chung tình
Với tay trắng em vào thơ diễm tuyệt
Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại
Để anh giận mắt anh nhìn vụng dại
Giận thơ anh đã nói chẳng nên lời
Em đi rồi, sám hối chạy trên môi_
Những ngày tháng trên vai buồn bỗng nặng
Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng
(Thơ Nguyên Sa, Nhà xuất bản Văn hoá-Thông tin, Hà Nội, 1996, tr.5-6)
HƯỚNG DẪN CHẤM THI OLYMPIC
NĂM HỌC 2023-2024 Môn Ngữ văn – Lớp 11 Hướng dẫn chấm gồm có 05 trang |
HƯỚNG DẪN CHUNG
- Do đặc trưng của kỳ thi nên giám khảo cần nắm vững được nội dung yêu cầu của đề bài để đánh giá một cách tổng quát năng lực của thí sinh: năng lực hiểu biết, vận dụng, sáng tạo và khả năng tạo lập văn bản.
- Chủ động vận dụng linh hoạt Hướng dẫn chấm, cân nhắc từng trường hợp cụ thể để cho điểm: nếu thí sinh làm bài theo cách riêng nhưng đáp ứng được yêu cầu cơ bản hoặc có những kiến giải một cách sáng tạo, thuyết phục thì giám khảo vẫn có thể cho điểm tối đa, tránh việc đếm ý cho điểm
3.Khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo, giàu chất văn, có lối tư duy phản biện kết cấu chặt chẽ mạch lạc. Biết kết hợp linh hoạt các thao tác nghị luận để làm nổi bật luận điểm của bài viết…
4.Những bài viết mắc vào lỗi kiến thức, chính tả, dùng từ ngữ pháp thì tùy vào mức độ để cho điểm.
- Bài thi được chấm theo thang điểm 20, lẻ đến 0,5; không làm tròn số.
HƯỚNG DẪN CHẤM – THANG ĐIỂM CÂU
CÂU | Ý | YÊU CẦU CẦN ĐẠT | ĐIỂM |
1 | 1 | Hình thức, kĩ năng | 1.0 |
– Đáp ứng các yêu cầu của bài văn nghị luận xã hội.
– Trình bày vấn đề một cách lô-gic, thuyết phục, hấp dẫn. |
|||
2 | Nội dung | 9.0 | |
2.1 | Tóm tắt và rút ra thông điệp: | 1.5 | |
-Tuyển thủ không hiểu lí do vì sao mình thua trận, anh ta gặp huấn luyện viên để mong tìm được câu trả lời. Huấn luyện viên vẽ lên mặt đất một vạch và yêu cầu anh ta làm cho vạch đó ngắn lại với điều kiện không được xóa nó. Tuyển thủ nghĩ rất lâu nhưng vẫn chẳng thể làm được gì, khi đó huấn luyện viên vẽ một cái vạch khác dài hơn.
+ Điều kiện huấn luyện viên đưa ra cho tuyển thủ là làm cho vạch ngắn lại nhưng không được phép xoá cái vạch đó cho phép người đọc suy nghĩ về vấn đề: Muốn chiến thắng người khác thì đừng nghĩ phải làm cho người khác yếu kém đi. + Hành động huấn luyện viên vẽ một cái vạch khác dài hơn cho phép người đọc nghĩ về vấn đề: cần phải nghĩ cách rèn luyện để bản thân trở nên mạnh mẽ hơn đối phương. – Thông điệp: Muốn chiến thắng, vượt lên người khác thì đừng nghĩ cách thay đổi họ theo hướng làm cho họ yếu đi mà nên nghĩ cách làm cho mình trở nên mạnh mẽ, giỏi giang hơn. (Lưu ý: HS cũng có thể rút ra các thông điệp khác nhưng cần hợp lí, thuyết phục, ví dụ như: nguyên nhân thất bại đôi khi không nằm ở bên ngoài (yếu tố khách quan) mà nằm ngay ở bên trong mỗi chúng ta (yếu tố chủ quan), kẻ thù thực sự của con người không phải là người khác mà chính là bản thân mình. Trước khi nghĩ đến chuyện chiến thắng đối phương hãy chiến thắng chính mình; vạch ngắn- biểu trưng cho tầm nhìn ngắn hạn, vạch dài- biểu trưng cho tầm nhìn rộng mở. Muốn chiến thắng trò chơi cuộc sống bạn buộc phải có một tầm nhìn dài hạn…) |
|||
2.2 | Bàn luận về thông điệp được rút ra từ câu chuyện: | 6.0 | |
2.2.1 | a) Muốn chiến thắng người khác thì đừng nghĩ cách làm cho người khác yếu kém đi, vì đây là hành động: | 3.0 | |
– Làm mất thời gian và trí tuệ của bản thân
– Làm cho bản thân trở nên ích kỉ – Làm cho suy nghĩ trở nên tầm thường – Làm cho hành động trở nên yếu đuối – Có khi lại khiến cho đối phương trở nên mạnh mẽ hơn. … |
|||
2.2.2 | b) Muốn thành công, chiến thắng, con người cần phải nghĩ cách rèn luyện để bản thân trở nên mạnh mẽ và giỏi giang hơn, vì: | 3.0 | |
– Nếu không mạnh mẽ và giỏi giang hơn sẽ bị thua thiệt, lép vế, tụt hậu, yếu đuối, khó có thể giành thắng lợi.
– Rèn luyện để bản thân trở nên mạnh mẽ và giỏi giang hơn thay vì làm làm cho người khác yếu đuối đi là biểu hiện của cách hành xử có văn hoá, dễ nhận được sự đồng tình, hỗ trợ của mọi người. – Cuộc sống liên tục vận động với những yêu cầu mới, đòi hỏi mỗi người cần không ngừng tìm kiếm giải pháp và hành động để bản thân tốt hơn, từ đó, có thể đáp ứng được những nhiệm vụ mới. … |
|||
2.3 | Liên hệ mở rộng | 1.5 | |
– Đừng vội bỏ cuộc nếu thấy điều kiện, hoàn cảnh chưa thuận lợi đối với mình.
– Đứng trước một thử thách, bạn cần phải nghĩ cách để vượt qua. – Coi chiến thắng của đối phương là bài học để mình rút kinh nghiệm và có giải pháp cho những lần sau. … |
|||
Tổng điểm câu 1 | 10.0 | ||
2 | 1 | Hình thức, kĩ năng | 1.0 |
– Đáp ứng các yêu cầu của bài văn nghị luận văn học.
– Trình bày vấn đề một cách khoa học, thuyết phục, hấp dẫn. |
|||
2 | Nội dung | 9.0 | |
2.1 | Giải thích | 1.0 | |
– Ngôn từ trong thơ thường phá vỡ logic kết hợp thông thường để tạo thành những kết hợp mới bất ngờ theo nguyên tắc lạ hoá…
+ Thể hiện đặc trưng nghệ thuật của văn học nói chung và thơ ca nói riêng: văn học là nghệ thuật của ngôn từ. + Ngôn từ trong thơ phá vỡ logic kết hợp thông thường: nghĩa là không tuân theo những quy tắc chung của ngôn ngữ đã được cộng đồng thống nhất sử dụng mà tạo ra những cách diễn đạt mới lạ, khác thường, khiến sự vật, con người hiện ra trong thơ với những trạng thái mới, đưa đến sự cảm thụ khác lạ đối với những hiện tượng quen thuộc, tạo ra một hiệu ứng thẩm mỹ mới mẻ ở chủ thể tiếp nhận. + Nguyên tắc lạ hoá: làm mới cách diễn đạt, không đi theo lối mòn trong cách sử dụng ngôn ngữ, sáng tạo trong kết hợp từ ngữ. Lạ hoá để tái sinh sự sống của ngôn ngữ hàng ngày một cách có nghệ thuật phục vụ cho ý đồ sáng tạọ của thi nhân. Lạ hoá để thông qua ngôn từ có thể tri nhận những điều mới mẻ về cuộc sống. Lạ hoá để tạo ra “hồn riêng” cho chữ, để chuyển tải tiếng nói bên trong tâm hồn. |
0.5 | ||
– Ngôn từ thơ giàu nhạc tính với những âm thanh luyến láy, những từ trùng điệp, phối hợp bằng trắc và những cách ngắt nhịp có giá trị:
+ Nhấn mạnh một phương diện đặc trưng thơ: giàu tính nhạc… + Tính nhạc được tạo nên bởi sự luyến láy của âm thanh ngôn ngữ, sự lặp lại một cách nghệ thuật của ngôn từ, sự hoà phối của các thanh điệu trong các dòng thơ, câu thơ và nhịp điệu của câu chữ.
|
0.5 | ||
2.2 | Phân tích, chứng minh, bàn luận | 7.0 | |
Ngôn từ trong thơ thường phá vỡ logic kết hợp thông thường để tạo thành những kết hợp mới bất ngờ theo nguyên tắc lạ hoá… | 3.5 | ||
– Ngôn từ trong thơ không phải là sự kết hợp giản đơn theo những quy tắc ngữ pháp thông thường của tiếng Việt mà kết hợp một cách khác lạ để tạo ra trường liên tưởng phong phú, thể hiện cảm nhận, cảm xúc riêng của người nghệ sĩ.
– Thí sinh lựa chọn những câu thơ, khổ thơ thể hiện trong bài thơ “Áo lụa Hà Đông” để chứng minh cho luận điểm này. Gợi ý: + Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông. (Nắng Sài Gòn trở nên dịu mát bởi một lí do rất đỗi trữ tình “vì em mặc áo lụa Hà Đông”); + Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng. Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng; + Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh. Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung; Bày vội vã vào trong hồn mở cửa. + Thơ học trò anh chất lại thành non. Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu. + Em đi rồi, sám hối chạy trên môi. Những ngày tháng trên vai buồn bỗng nặng. + Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn. Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông + Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng. Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng. – Thủ pháp chuyển đổi cảm giác, thường thấy trong thơ tượng trưng, siêu thực đã được tác giả khai thác nhiều lần, tạo nên những kết hợp từ ngữ khác thường, đem đến những cảm nhận vừa cụ thể vừa mơ hồ, vừa thực vừa siêu thực, tạo nên những hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng mới (trước hết cho chính nhà thơ), ví dụ: mùa thu tóc ngắn, bài thơ tình lụa trắng. Nhờ những kết ngôn ngữ này, Nguyễn Sa đã cho người đọc thấy Áo lụa Hà Đông không chỉ là một sản phẩm vật chất gắn liền với một vùng đất, một miền văn hoá mà chất chứa những giá trị tinh thần, những xúc cảm khó diễn tả hết thành lời. |
|||
Ngôn từ thơ giàu nhạc tính với những âm thanh luyến láy, những từ trùng điệp, phối hợp bằng trắc và những cách ngắt nhịp có giá trị. | 3.5 | ||
– Nhạc tính của thơ được tạo nên từ nhiều yếu tố, trước hết là sự luyến láy, trùng điệp của từ ngữ.
+ Trong bài Áo lụa Hà Đông các từ cuối của khổ sau luôn láy lại phần vần và thanh điệu của từ kết thúc khổ liền trước tạo nên tính liên tục, tiếp nối của thi cảm và âm điệu chung của thi tứ: Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng. Anh vẫn nhớ em ngồi đây, tóc ngắn; Bày vội vã vào trong hồn mở cửa. Gặp một bữa anh đã mừng một bữa; Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu. Em không nói đã nghe lừng giai điệu; Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại; Để anh giận mắt anh nhìn vụng dại;… + Sự trùng điệp của từ ngữ trong bài thơ Áo lụa Hà Đông góp phần tạo nên những điệp khúc, tạo giọng điệu trữ tình cho tác phẩm. Chẳng hạn: cấu trúc có chủ thể trữ tình “anh vẫn…” (anh vẫn yêu, anh vẫn còn, anh vẫn nhớ, anh vẫn biết, anh vẫn yêu) thể hiện rõ mạch hồi tưởng về quá khứ với bao kỉ niệm thiết tha; rộng hơn là cấu trúc “anh…” (anh vội vã, anh đã mừng, anh chất lại, anh đã trông, anh gọi, anh giận, anh đã nói) cũng được lặp lại nhiều lần trong bài. Văn bản cũng có nhiều dòng thơ lặp lại về cấu trúc và từ ngữ như: Gặp một bữa anh đã mừng một bữa. Gặp hai hôm thành nhị hỉ của tâm hồn hay Em không nói đã nghe lừng giai điệu. Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh hoặc Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết. Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu hay Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông. Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng. – Ngôn ngữ giàu nhạc tính còn được thể hiện ở sự phối hợp bằng trắc và những cách ngắt nhịp có giá trị. Cụ thể, trong bài Trong bài Áo lụa Hà Đông + Các câu có sự hoà phối giữa các thanh bằng trắc góp phần tạo nên sự trầm bổng của âm điệu trữ tình trong bài. VD: Anh vẫn nhớ em ngồi đây, tóc ngắn (Bốn thanh bằng và 4 thanh trắc) Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh (6 thanh bằng 2 thanh trắc) + Nhiều câu thơ lặp lại kiểu ngắt nhịp giống nhau hoặc tương tự nhau đã tạo ra nhịp điệu. VD: Nắng Sài Gòn / anh đi /mà chợt mát. Bởi vì em / mặc áo lụa / Hà Đông Anh vẫn yêu / màu áo ấy / vô cùng Hay Em chợt đến,/ chợt đi, / anh vẫn biết. Trời chợt mưa, / chợt nắng / chẳng vì đâu. Hoặc: Em ở đâu, / hỡi mùa thu / tóc ngắn Giữ hộ anh / màu áo lụa / Hà Đông Anh vẫn yêu / màu áo ấy / vô cùng |
|||
2.3 | Liên hệ, mở rộng | 1.0 | |
HS có thể liên hệ mở rộng theo nhận thức và hiểu biết riêng nhưng cần gắn với vấn đề nghị luận. Sau đây là một số hướng liên hệ, mở rộng:
– Mở rộng vấn đề về ngôn ngữ thơ. Chẳng hạn: ngôn ngữ thơ không có tính liên tục như ngôn ngữ văn xuôi mà có tính gián đoạn, “nhảy vọt” (Trần Đình Sử) tạo ra những khoảng lặng giàu ý nghĩa. – Liên hệ những bài thơ được phổ nhạc khác để làm rõ tính nhạc tiềm tàng trong văn bản thơ, nó chỉ chờ người nhạc sĩ gieo nốt nhạc là cất lên thành giai điệu. … |
|||
Tổng điểm câu 2 | 10 | ||
Tổng điểm câu 1 + câu 2 | 20 |