Phân tích vẻ đẹp của nhân vật ông Tư Mốt, từ đó làm nổi bật chủ đề của văn bản Thương quá rau răm

Đề thi khối 10
SỞ GD&ĐT HÀ NỘI

TRƯỜNG THPT NGỌC TẢO

(Đề gồm có 02 trang)

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ II, NĂM HỌC 2023-2024

Môn: Ngữ văn 10

Thời gian làm bài: 90 phút

PHẦN I: ĐỌC – HIỂU (4 điểm):

 Đọc văn bản sau:

THƯƠNG QUÁ RAU RĂM ⁽¹⁾

                                                     Nguyễn Ngọc Tư

Lược phần đầu: Mút Cà Tha là cù lao đơn độc hiu hắt nằm cuối một con sông, bên rừng mắm. Nơi có những gò đất chôn cất từ trẻ em đến người lớn, đa số chết vì bệnh chỉ do không có được một thầy thuốc đến ở chốn này. Dân làng phó mặc cho rủi may, ngoài ông trưởng ấp Tư Mốt – người đàn ông đầy tình nghĩa và quyết tâm ‘‘không chết vì bệnh, chỉ chết vì già’’. Hôm nay ông chở Văn – một bác sĩ trẻ từ thành phố –  về đây công tác. Bác sĩ thứ sáu về làm việc ở trạm xá cù lao. Năm người trước đã ra đi, đi vì không chịu nổi thiếu thốn. Và buồn.

Ông bảo với bốn mươi ba nóc gia sống trên Mút Cà Tha, “Bất cứ người xứ lạ nào đến làm việc ở đất cù lao đều quý, mình phải đối xử cho tử tế, thiệt tử tế”. Gặp Văn lần đầu tiên, ông nghĩ ngay, phải giữ thằng nhỏ này ở lại cù lao, thấy cái mặt buồn buồn, ngó bộ đàng hoàng. Ông nghĩ là mình có cách, không có gì sâu nặng bằng tình cảm người với người. Thì ông đã rịt chân mấy thầy cô giáo cho đám trẻ cù lao đấy thôi. Hôm Văn đến, bà con ôm lại cho một đống áo quần, góp gạo đổ vô thùng, câu cá đem rọng⁽²⁾. Rồi mấy con cá ốm nhom, trắng dờ con mắt, lội vật vờ tới lui chờ hóa kiếp mà Văn vẫn còn ngợp⁽³⁾ trong mớ lời mời, hết nhà này đến nhà khác, bữa thì cháo vịt, cháo rắn, bữa khác tôm nướng, lươn um⁽⁴⁾…

Mà, trông Văn vẫn buồn, buồn chen giữa hai cái cười, nó tranh thủ cả khi Văn đưa ly rượu lên môi và để ly không xuống (còn lúc uống thì mặt Văn nhăn nhúm lại, vẻ buồn không rõ ràng). Hỏi làm sao buồn thì Văn cười, ủa, cháu có buồn gì đâu. Hỏi nhớ thành phố à, Văn cũng cười, không, thành phố có gì mà nhớ. Hỏi nghĩ sao mà tình nguyện về đất cù lao này, nghe tên Mút Cà Tha bộ không ớn sao, Văn (lại) cười, không, có nghĩ gì đâu, cháu chọn nơi nào hẻo lánh ít người… Nghe cái giọng như đời ta là lục bình, trôi đâu cũng được, càng xa càng tốt.

Nhưng trưởng ấp Tư Mốt phải làm cho anh chàng hiểu đời anh có ý nghĩa với đất này như thế nào, thiếu anh người cù lao sống không nổi chớ chơi à. Buổi sáng có người chạy lại than nhức đầu, sổ mũi, buổi chiều thêm chứng chóng mặt, đau mình… Trưởng ấp tà tà dài theo xóm, thấy ai rảnh rỗi là kêu, đứng đó làm gì, sao hổng lại trạm xá cho bác sĩ người ta khám (…)

Và anh hiểu tại sao ông già ấy lại quan tâm tới mình. Chiều nào ông cũng lại chỗ Văn, rủ rỉ rù rì. Ông biết giờ đó, bà mụ Năm, nhân viên thứ hai của trạm xá đã về nhà, có thể Văn thấy cô đơn. Ông kêu đám thanh niên lại chỗ Văn đàn hát tẳng tằng tăng, dẫn Văn đi câu cá hay soi ếch trong “mà”. Văn tham gia nhiệt tình nhưng không tha thiết như người đi đường thấy vật lạ thì cầm lên, rồi lại bỏ xuống, đi tiếp. Có lần ông Tư hỏi nhà Văn ở khúc nào, Văn bảo ở chỗ ấy chỗ ấy mà trong bụng buồn cười, nghĩ nói cho có chứ chắc gì ông biết, nghe cái giọng như thể thành phố nhỏ bằng cù lao. Không ngờ ông biết thật, nói hồi giải phóng, trung đội ông đánh vô đường đó. Ban quân quản còn cấp cho ông căn nhà đằng trước có khoảng sân ngập tràn bông giấy rụng. Văn hỏi, rồi sao bác lại ra sống ở đây. Ông cười, vì cái đất này cần mình. Nói xong câu này, ông lén dò xét coi thằng nhỏ có bắt được cái ý nghĩa ngầm mà ông gửi gắm không, chỉ thấy Văn ngó lên trời, ngó xa xôi, hỏi nhìn gì, Văn ù ờ, bảo nhìn chim bay, không biết tụi nó bay tới đâu, về tận đâu. Trưởng ấp Tư Mốt thấy bất an, về nhà biểu con gái sớt nửa nồi bí hầm dừa bưng qua trạm xá. Con Nga dạ rồi tong tả đi.

Nó thường được ông Tư sai bưng thức ăn đến trạm xá cho Văn. Nhiều nhất, thường nhất là món khoai luộc nóng hổi, thơm bừng. Bưng rổ khoai từ nhà đến chỗ Văn, khói mềm cả ống tay áo Nga. Trời trở chướng, gió ráo hanh nhưng nước lên, sân trước trạm xá ngập lênh láng, con Nga xắn quần quá gối lội qua, thấy Văn, nó thưa thẽ thọt⁽⁵⁾ “Ba em gửi anh ít khoai” rồi về. Lần sau, nó xắn quần thấp một chút, bảo ăn khoai đi anh. Sau nữa nó cứ để ống quần bết nước, lọng cọng đứng ngoài cửa, hai gò má rựng lên, gọi “Ăn khoai nè”. Lúc đấy thì nói ít, thẹn thò nhưng ở lại lâu, dọn dẹp lăng xăng, quét trên quét dưới, bắc nồi cơm lên bếp, làm cá nấu canh chua trái giác, sung sướng thấy mình bận rộn giống hệt mấy nhỏ bạn mới lấy chồng (tụi con gái thường hay điên vậy, tới khi xà quần chồng con thật, lại than số mình cực như trâu). Rồi sực nhớ bếp ở nhà lạnh tanh, nó chạy về. Ông Tư ngồi trước cửa, giấu sự thắc thỏm (và một chút lưỡng lự, mình tạo điều kiện cho hai đứa gần gũi vầy có sao không ta). Cố tươi tỉnh, ông hỏi ngay, “Con Nga lo cho anh bay xong chưa? Mắc gì mà mày cười suốt từ ngoài đường vào đây?”. Dạ, con Nga chối bay, con đâu có cười, tại ba má sanh cái miệng con vậy mà. Nói rồi nó chạy vô bếp, bâng khuâng cười thêm một hồi nữa…

(Tóm tắt: Chủ nhật, Văn mượn xe đạp chở con Nga đi chơi lòng vòng cù lao. Bữa nọ, Nga đem mấy cần xé⁽⁶⁾ ổi  ra chợ huyện cân cho vựa⁽⁷⁾ thì gặp đám bạn Văn xốc xếch đứng bến. Nga cho quá giang⁽⁸⁾ về Mút Cà Tha…Văn đưa bạn ra về rồi đi không trở lại, lặng lẽ như chạy trốn)

Trưởng ấp Tư Mốt đứng ở trạm xá, thấy sau trước trống không, trong lòng nghe đau tiếc như vừa thua một ván bài lớn. Văn không từ giã ông một lời, để nói cháu về vì má cháu đang đau, hoặc cháu ra ngoài trung tâm y tế huyện một tí, rồi lên xe đi luôn cũng được, dù nhìn vào đôi mắt đang cụp xuống kia, biết người ta nói dối, dù trong tâm ông đã vẫy tay để chào xa mãi.

Trong một thoáng, ông thấy mình chùng chình, vớ được khúc cây bình bát, ông chống vào đất. Bên ngoài cái đất Mút Cà Tha dường như đã có sự thay đổi lớn. Thí dụ như con cá, lá rau, hạt gạo mến thương của người cù lao không ràng buộc được một con người (như đã từng rịt chân ông lại), thì cái bóng nhỏ nhoi của đứa con gái đang tuyệt vọng đứng ngóng chờ dưới bến không có ý nghĩa gì sao? Tuyệt không đáng gì à?

(Nguyễn Ngọc Tư, Cánh đồng bất tận, Nhà xuất bản Trẻ, 2019)

*Chú thích:

(1) Rau răm: loại rau thơm vốn rất quen thuộc và được làm gia vị bình dân của người Việt. Rau răm thường gắn với câu ca dao “Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”.

(2) Rọng: lu, xô, thau có nước. Câu cá đem rọng: Câu cá đem bỏ vào xô/thau có nước để dành ăn dần.

(3) Ngợp:  choáng ngợp, bối rối.

(4) Um: om.

(5) Thẽ thọt: nói nhỏ nhẹ.

(6) Cần xé: Giỏ, túi.

(7) Vựa: nơi cất chứa một số sản phẩm để bán dần.

(8) Quá giang: cho đi nhờ.

–  Nguyễn Ngọc Tư là một nhà văn, thành viên Hội nhà văn Việt Nam. Năm 2018, chị được trao Giải thưởng Văn học Liberaturpreis 2018 do Litprom bình chọn. Nguyễn Ngọc Tư có phong cách nghệ thuật gần gũi, bình dị với đời sống của nhân dân. Giọng văn chị đậm chất Nam Bộ, là giọng kể mềm mại và khắc khoải về những cuộc đời éo le, những số phận chìm nổi. Cái chất miền quê sông nước ngấm vào các tác phẩm, thấm đẫm cái tình của làng, của đất, của những con người chân chất hồn hậu nhưng ít nhiều gặp những bất hạnh.

–  “Thương quá rau rămlà truyện ngắn đặc sắc của Nguyễn Ngọc Tư, được viết năm 2004

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định điểm nhìn của người kể chuyện trong đoạn văn bản in đậm. (0,5 điểm)

Câu 2. Trong văn bản trên, trưởng ấp Tư Mốt đã làm những gì để níu chân bác sĩ Văn ở lại? (0,5 điểm)

Câu 3. Tìm và phân tích tác dụng của biện pháp liệt kê trong những câu văn sau:

Hôm Văn đến, bà con ôm lại cho một đống áo quần, góp gạo đổ vô thùng, câu cá đem rộng. Rồi mấy con cá ốm nhom, trắng dờ con mắt, lội vật vờ tới lui chờ hóa kiếp mà Văn vẫn còn ngợp trong mớ lời mời, hết nhà này đến nhà khác, bữa thì cháo vịt, cháo rắn, bữa khác tôm nướng, lươn um (1.0 điểm)

Câu 4. Lí giải và phân tích ý nghĩa nhan đề của văn bản? (1.0 điểm)

Câu 5. Từ cách ứng xử của bác sĩ Văn, hãy nêu suy nghĩ về lối sống có trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh? (1.0 điểm)

II. VIẾT (6,0 điểm)

Anh/ chị hãy viết bài nghị luận phân tích vẻ đẹp của nhân vật ông Tư Mốt, từ đó làm nổi bật chủ đề của văn bản Thương quá rau răm được trích ở trên.

 

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4.0
  1 Đoạn văn bản in đậm được kể từ điểm nhìn của người kể chuyện  ngôi thứ ba (bên ngoài), nhưng nhập thân vào nhân vật (bên trong)

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời đúng như đáp án: 0,5 điểm

– Học sinh trả lời điểm nhìn ngôi 3/ nhập thân vào nhân vật: 0,25 điểm

0,5
2 Trong văn bản, trưởng ấp Tư Mốt đã làm những việc để níu chân bác sĩ Văn ở lại cù lao Mút Cà Tha:

– Nói mọi người phải đối xử thật tử tế, thật nghĩa tình với Văn

– Kêu mọi người năng ra khám bệnh, để bác sĩ văn khỏi buồn

– Kêu đám thanh niên tới chỗ Văn đàn hát, rủ đi câu cá, soi ếch

– Cho cả con gái đến chăm sóc, hỏi han, bầu bạn với Văn

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời đúng từ 3 ý trở lên: 0,5 điểm

– Học sinh trả lời đúng 1 – 2 ý : 0,25 điểm

0,5

 

3 Tìm và phân tích tác dụng của phép liệt kê trong đoạn văn.

– Phép liệt kê: cho một đống áo quần, góp gạo đổ vô thùng, câu cá đem rọng; bữa thì cháo vịt, cháo rắn, bữa khác tôm nướng, lươn um

– Tác dụng:

+ Nhấn mạnh nghĩa tình và sự hiếu khách của bà con Mút Cà Tha dành cho Văn: bà con góp áo quần, góp gạo, cá mang tới cho Văn; mời Văn đến nhà ăn những món đặc sản cù lao.

+ Thể hiện tình cảm tha thiết, thương mến của tác giả dành cho những người dân bình dị, nghĩa tình.

+ Tạo nhịp điệu cho câu.

1.0

0,25

 

 

 

0.75

4 Lí giải và phân tích ý nghĩa nhan đề văn bản

– Lí giải: Rau răm: loại rau thơm vốn rất quen thuộc và được làm gia vị bình dân của người Việt. Rau răm thường gắn với câu ca dao “Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”. Ở văn bản, rau răm là hình ảnh biểu tượng cho những người dân nghèo khổ, bình dị Mút Cà Tha.

– Phân tích ý nghĩa:

+ Với từ ngữ biểu cảm “Thương quá” cùng hình ảnh “rau răm”mang tính biểu tượng, nhà văn muốn bày tỏ tình mến thương, niềm xa xót, khắc khoải trước những người dân và mảnh đất cù lao Mút Cà Tha – những con người và mảnh đất giàu nghĩa tình nhưng nghèo khổ, thiếu thốn và bị bỏ lại giữa cuộc sống đô thị phồn hoa.

+ Qua đó, thấy được tình cảm sâu nặng, sự gắn bó thiết tha của nhà văn với đất và người miền sông nước Nam Bộ

1.0

0.25

 

 

 

 

0.75

5 Từ cách ứng xử của bác sĩ Văn, hãy nêu suy nghĩ về lối sống có trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh.

– Bác sĩ Văn đã chọn cách ra đi như trốn chạy, bỏ mặc những người dân và mảnh đất đang cần anh; bỏ mặc những nghĩa tình mà người dân cù lao dành cho anh.

– Suy nghĩ về lối sống có trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh:

+ Là lối sống nghiêm túc, không để bản thân mình dễ dãi, sa ngã, bị lôi kéo vào những điều xấu; là lối sống trọn nghĩa, vẹn tình, vì cộng đồng, vì người khác.

+ Cuộc sống không thể tránh khỏi những lúc khó khăn, thất vọng…Nhưng không thể vì thế mà cho phép bản thân dễ dãi, vi phạm nguyên tắc sống của chính mình.

+ Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội, khi ta nhận được những điều tốt đẹp từ mọi người, phải có trách nhiệm đền đáp và cống hiến.

+ Sống có trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh là biểu hiện của lòng tự trọng, làm cuộc sống tốt đẹp hơn.

1,0

 

0.25

 

 

0.75

II   VIẾT 6,0
  2 Viết bài nghị luận phân tích vẻ đẹp của nhân vật ông Tư Mốt, từ đó làm nổi bật chủ đề của văn bản Thương quá rau răm  
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Vẻ đẹp của nhân vật Tư Mốt, từ đó làm nổi bật chủ đề của văn bản

0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

* Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.

* Triển khai vấn đề nghị luận thành những luận điểm phù hợp:

1. Vẻ đẹp của nhân vật ông Tư Mốt:

– Một người đàn ông sống đầy trách nhiệm với quê hương xứ sở.

+ Ông vốn là một cựu chiến binh, ban quân quản còn cấp cho ông căn nhà thành phố đằng trước có khoảng sân ngập tràn bông giấy rụng. Nhưng ông vẫn chọn gắn bó với mảnh đất cù lao Mút Cà Tha thiếu thốn, vì mảnh đất này cần ông.

+ Ông đã làm nhiều việc để xây dựng cù lao:

·        Cố giữ chân mấy cô giáo cho lũ trẻ được đi học.

·        Viết khẩu hiệu như một lời thề Cương quyết chỉ chết vì già

·        Cố giữ chân bác sĩ Văn ở lại để chữa bệnh cho bà con

– Một người đàn ông giàu nghĩa tình:

+ Ông chọn ở lại đất cù lao một phần bởi con cá, lá rau, hạt gạo mến thương của người dân xứ này.

+ Khi Văn đến, ông đã kêu gọi bà con đối xử nồng hậu nhất, tử tế nhất: quan tâm từ hạt gạo, con cá đến chuyện vui, buồn. Ông kêu bà con, dù không có bệnh cũng đến khám cho Văn đỡ buồn; kêu thanh niên đến đàn hát, rủ Văn đi bắt cá, soi ếch…Thậm chí, ông còn cho con gái mình đến hỏi han, đỡ đần Văn, tạo điều kiện để hai người gần gũi nhau.

+ Khi Văn đi như bỏ trốn, lòng ông đau tiếc như thua một ván bài lớn, ông thấy mình chùng chình sắp ngã:

·        Ông thương cho những người dân mộc mạc chất phác, nghĩa tình như con cá, lá rau, hạt gạo …dù mến thương đến vậy mà không giữ chân nổi một con người.

·        Ông thương cho dáng tuyệt vọng của con gái mình khi đứng ngóng Văn ngoài bến.

·        Ông xót xa cho sự vô tâm, sống thiếu trách nhiệm của con người.

– Nghệ thuật khắc họa nhân vật:

+ Sự đa dạng trong điểm nhìn (điểm nhìn khách quan bên ngoài và diểm nhìn bên trong khi nhập thân vào nhân vật)

+ Ngôn ngữ đậm sắc thái Nam Bộ

+ Khắc họa nhân vật qua lời nói, hành động và dòng nội tâm.

2. Ông Tư Mốt là nhân vật làm nổi bật chủ đề văn bản:

– Qua nhân vật ông Tư Mốt, Nguyễn Ngọc Tư  đã phản ánh cuộc sống của người nông dân Nam Bộ tuy nghèo, vất vả nhưng trên hết, họ sống với nhau bằng nghĩa tình, bằng sự thương yêu và đùm bọc lẫn nhau, bằng một nghị lực sống dồi dào, mãnh liệt.

– Ông Tư Mốt cố giữ chân Văn bằng tình thương mến thương, nhưng cuối cùng Văn bỏ về thành phố. Từ đó, văn bản đem đến những suy ngẫm về những nghịch lí luôn tồn tại trong cuộc đời: không phải cứ yêu thương là được  đáp lại bằng yêu thương, không phải trao một nụ cười hiền lành là nhận được một ánh mắt trìu mến, người tốt nhưng chưa chắc đã được hưởng hạnh phúc.

– Văn bản đem đến bài học nhân văn sâu sắc: trong cuộc sống, cần phải có lòng trắc ẩn, tình yêu thương, nhất là đối với những số phận bất hạnh; và dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy sống trọn tình, trọn nghĩa.

4.5

 

 

 

 

 

2.5

1.0

 

 

 

 

 

 

 

1.0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2.0

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5
Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *