Ngồi khóc trên cây – Nguyễn Nhật Ánh, Đề đọc hiểu, phân tích nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật

Đề thi khối 10

       ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KỲ II – NĂM HỌC 2023 – 2024

                          MÔN: NGỮ VĂN – KHỐI 10

                         Thời gian làm bài: 90 phút

                        (Không tính thời gian phát đề)

ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

(Lược một đoạn: Đông kể cho con Rùa nghe những mẩu chuyện trong cuốn Tâm hồn cao thượng, con Rùa nghe rất chăm chú. Đến hôm sau, Rùa rủ Đông ngày mai vào rừng chơi để cô bé có thể kể những chuyện này cho con Tập Tễnh nghe.)

Tôi và con Rùa ra đi vào lúc mặt trời vừa lên ngang ngọn tre. Nó bảo đi buổi sáng rủi gặp mưa bất chợt, hai đứa tôi có thể chui vào các “ngôi nhà” rải rác dọc đường chờ tạnh mưa rồi đi tiếp, không phải quay về như hôm trước. Nó dặn tôi đem theo một ổ bánh mì nhưng nhà cô Út Huệ không có bánh mì nên tôi lận theo người một nắm xôi đậu phộng ép trong mo cau. Con Rùa khoe tôi mấy củ khoai lang luộc bỏ trong túi, bảo:

– Trong rừng có nhiều thứ ăn được nhưng mình cứ đem theo cho yên tâm.

          Theo con đường hôm trước chạy dọc giữa các bụi duối dại, hai đứa tôi đi mãi về phía tây.
Từ xa, tôi đã có thể nhìn thấy cánh rừng bắt đầu từ con hẻm luồn giữa những ngọn đồi rợp lá xanh.
Khi bắt đầu đặt chân qua cửa rừng, con Rùa hỏi tôi:

– Anh mỏi chân không?

– Không.

– Đi xa lắm đó.

Tôi không sợ đi xa, tôi chỉ sợ rắn rết hùm beo.

Tôi chép miệng:

– Anh không sợ đi xa.

Con Rùa cười, nói tiếp ý nghĩ trong đầu tôi:

– Trong này không có cọp. Khu rừng làng mình toàn những con thú hiền.

Không khí trong rừng hoàn toàn khác bên ngoài khiến tôi có cảm giác vừa bước vào một nơi rất xa thế giới tôi đang sống. Những hơi mát dễ chịu ngấm vào da tôi, dù chúng tôi vừa băng qua một khoảng rừng thưa đầy nắng.(…)

Tôi sải chân thật nhanh, cố bám sát con Rùa. Nắng lên cao nhưng tôi bắt đầu thấy lạnh. Cái lạnh của sương dâng lên là là mặt cỏ, của bóng lá mỗi lúc một ken dày, của nỗi sợ mơ hồ từ trái tim tôi tỏa ra.

 Đây là lần đầu tiên tôi vào rừng, dù tôi đã sống cạnh khu rừng này suốt tám năm tuổi thơ. Ngay từ bé tâm trí tôi đã chất đầy những lời người lớn hù dọa, vì thế với tôi rừng luôn gắn với những gì nguy hiểm, độc địa, chết chóc. Rừng có rắn rết, có những con trăn lớn, có cọp beo. Và có những con ma. Những con ma nhảy nhót bên cạnh những con quỷ rừng.(…)

Tôi vội vàng cúi xuống nhặt một cành cây cầm tay.

Con Rùa hỏi, như thể nó có mắt sau gáy:

– Anh muốn chống gậy rồi hả?

– Ờ.

  Tôi đáp, thà để con Rùa tưởng tôi mỏi chân còn hơn để nó biết tôi nhát gan.

– Gần tới rồi đó anh.

Con Rùa trấn an tôi, và tôi thấy rõ nó cố tình đi chậm lại.

Một con sóc xám với chiếc đuôi thật đẹp hiện ra ngay khúc quanh. Tôi chưa từng thấy con sóc nào có cái đuôi to như vậy. Khi chạy trên cỏ, cái đuôi của nó không ngừng nảy lên đập xuống như thể nó đang kéo theo một quả bóng bằng bông. Nó chạy vài bước qua phải, vài bước qua trái, rồi dừng lại bên gốc cây thông non giương mắt nhìn hai đứa tôi, không chút sợ hãi. Chỉ đến khi tôi và con Rùa đến thật gần, nó mới chạy vào nấp dưới đám lá kim thò đầu ngó ra.

– Luẩn quẩn ở đây có ngày chết đấy, nhóc. – Con Rùa nói với con sóc xám – Đi theo chị qua bên kia cho an toàn.

Tôi nghĩ con Rùa chỉ thuận miệng nói chơi, nó sợ con sóc gặp phải cánh thợ săn. Tôi cũng không tin con sóc hiểu được đề nghị của con Rùa, mặc dù tôi từng chứng kiến nó nói chuyện với con ngỗng trong vườn nhà nó. Niềm tin trong lòng tôi càng được củng cố khi hai đứa tôi đi một quãng xa, con sóc vẫn chẳng buồn nhúc nhích.

Nhưng rồi, bất chợt tôi nghe có tiếng xào xạc phía sau lưng. Tôi ngoảnh lại, sửng sốt thấy con sóc xám đang lúp xúp đuổi theo hai đứa tôi. Nó chạy từng quãng ngắn, thoáng chút ngại ngần, nhưng xem ra rất quyết tâm. Có lẽ sự hiện diện của tôi bên cạnh con Rùa làm nó cảnh giác.(…)

Trước mặt tôi, con Rùa vẫn đều đặn rảo bước, không một lần quay đầu lại. Tôi nghĩ có lẽ nó không lạ gì chuyện các con vật chạy ra chơi với nó mỗi khi nó vào rừng nhưng đến khi có thêm hai con nhím nhập bọn thì tôi không làm thinh được nữa. Tôi sải chân nhanh về phía trước, rối rít:

– Em nhìn phía sau xem kìa!

Con Rùa hơi nghiêng mình để có thể nhìn đám thú qua vai, mỉm cười:

– Em biết rồi. Tụi nó theo em đi lánh nạn đó.

Tôi biết con Rùa định dẫn đám thú nhỏ tránh xa những chiếc bẫy và những phát súng của phường săn.(…)

(Trích Ngồi khóc trên cây –  Nguyễn Nhật Ánh, NXB Trẻ, 2013)

Chú thích: Nguyễn Nhật Ánh sinh ngày 07 tháng 5 năm 1955 tại tỉnh Quảng Nam. Ông được coi là một trong những nhà văn thành công nhất viết sách cho tuổi thơ, tuổi mới lớn với nhiều tác phẩm như: Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Mắt biếc, Cô gái đến từ hôm qua,… Ngồi khóc trên cây thuộc thể loại tiểu thuyết, gồm 56 chương. Tác phẩm xoay quanh mối tình hồn nhiên, trong trẻo của chàng sinh viên trẻ tên Đông và một cô bé 14 tuổi được mọi người gọi bằng cái tên “Rùa”. Câu chuyện khai thác sâu vào những suy tư, trăn trở nội tâm của tuổi mới lớn trên một nền điệu gợi về tuổi thơ sống chan hoà giữa thiên nhiên rừng núi phảng phất phong vị miền quê và tình làng xóm. Bối cảnh câu chuyện diễn ra chủ yếu tại ngôi làng Đo Đo thuộc tỉnh Quảng Nam, quê hương của chính tác giả. Đoạn trích trên thuộc chương 18 của tác phẩm.

 

Câu 1. Xác định điểm nhìn chính trong đoạn trích trên.

Câu 2. Nêu vài nét tính cách của Đông và con Rùa trong đoạn trích.

Câu 3. Tóm tắt câu chuyện trong đoạn trích.

Câu 4. Tìm và phân tích  tác dụng của 01 biện pháp tu từ trong các câu văn: “Ngay từ bé tâm trí tôi đã chất đầy những lời người lớn hù dọa, vì thế với tôi rừng luôn gắn với những gì nguy hiểm, độc địa, chết chóc. Rừng có rắn rết, có những con trăn lớn, có cọp beo. Và có những con ma. Những con ma nhảy nhót bên cạnh những con quỷ rừng.”

Câu 5. Xác định chủ đề của văn bản. Chỉ ra căn cứ giúp anh/chị xác định chủ đề.

  1. PHẦN VIẾT (5.0 điểm)

Anh/chị hãy viết một văn bản nghị luận phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích Ngồi khóc trên cây – Nguyễn Nhật Ánh.

 

———HẾT———

(Thí sinh không sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.)

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ II

MÔN NGỮ VĂN- LỚP 10

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 5,0
  1 Điểm nhìn chính trong đoạn trích:

+ Điểm nhìn ngôi thứ nhất hoặc hạn tri (0.5đ)

+ Nhân vật Đông hoặc xưng “tôi” (0.5đ)

1.0
2 Vài nét tính cách của nhân vật Đông và con Rùa:

– Đông: tò mò, nhát gan, sợ sệt…

– Con Rùa: chu đáo, biết quan tâm, yêu quý động vật…

(Mỗi nhân vật 0.5đ. Mỗi ý 0.25đ. Chấp nhận cách diễn đạt tương tự.)

1.0
3 Tóm tắt câu chuyện trong đoạn trích:

– Buổi sáng, Đông cùng con Rùa đi vào rừng chơi.

– Trên đường đi, con Rùa đã quan tâm và trấn an Đông để anh đỡ sợ.

– Vào rừng, có các con vật như sóc, nhím…chạy ra chơi cùng và đi theo hai người để tránh bẫy của thợ săn.

– Diễn đạt rõ ràng.

(Mỗi ý 0.25 điểm. Chấp nhận cách diễn đạt tương tự)

1.0
4 –  Biện pháp tu từ: liệt kê / điệp ngữ / điệp cấu trúc (0.25đ)

Biểu hiện: “nguy hiểm, độc địa, chết chóc”; “rắn rết, trăn lớn, cọp beo” hoặc “có rắn rết, có những con trăn lớn, có cọp beo”, “những con ma” (0.25đ)

– Tác dụng: nêu lên những khía cạnh đáng sợ của khu rừng / những loài vật đáng sợ trong rừng (0.25đ). Làm lời diễn đạt thêm ấn tượng, sinh động, gợi hình, gợi cảm. (0.25đ)

Nếu học sinh làm điệp từ “có” trình bày đủ 4 kĩ năng: từ 0.5đ đến 0.75đ tùy từng bài cụ thể.

Chấp nhận cách diễn đạt tương tự.

1.0
5 – Chủ đề: Thiên  nhiên  và  con người / Tuổi thơ gắn với thiên nhiên. (0.75đ)

Căn cứ: nhan đề, cốt truyện, sự việc, chi tiết, nhân vật… Học sinh liệt kê 2 căn cứ hoặc 1 căn cứ gắn với tác phẩm: 0.25đ.

Chấp nhận cách diễn đạt tương tự.

1.0
II   VIẾT 5.0
  a.Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề

0.25
  b. Xác định đúng yêu cầu của đề: Nghị luận phân tích, đánh giá về tác phẩm truyện Ngồi khóc trên cây – Nguyễn Nhật Ánh 0.25
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HS có thể triển khai theo nhiều cách trên cơ sở kết hợp được lí lẽ và dẫn chứng để tạo tính chặt chẽ, logic của mỗi luận điểm; đảm bảo các yêu cầu sau:

Giới thiệu chung: vài nét về tác giả, tác phẩm (0.5đ)

– Phân tích vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước trong đoạn trích (1.25đ)

– Phân tích vẻ đẹp con người, nhân vật trong đoạn trích (1.5đ)

Đánh giá: (0.75đ)

+ Nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật, nghệ thuật xây dựng cốt truyện, điểm nhìn, chi tiết đặc sắc… à Phảng phất phong vị thiên nhiên rừng núi…

+ Nội dung: vẻ đẹp thiên nhiên và con người, kỉ niệm tuổi thơ, tình làng nghĩa xóm…à Sống hòa hợp, gắn bó với thiên nhiên, tình yêu thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên…

4.0
  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0.25
  e. Sáng tạo:
– Thể hiện được những suy nghĩ, cảm nhận của người viết về tác phẩm.

– Nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nghĩ sau khi đọc, thưởng thức tác phẩm.

0.25
Tổng điểm 10.0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *