Đọc hiểu, Phân tích nhân vật người mẹ trong truyện Mẹ gánh con đi – Trần Thị Tú Ngọc

Đề thi khối 10
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 KIÊN GIANG

 KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ II NĂM HỌC 2023 – 2024

MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 10    

 Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

Ngày kiểm tra: 13/5/2024

 

ĐỀ CHÍNH THỨC
(Đề có 02 trang)

 

ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

(1) […] Ngày ấy quê tôi còn nghèo lắm, không ai có nổi chiếc xe đạp, ngay cả xe bò bánh lốp cũng được coi như cả một gia tài. Đàn ông hầu hết đều phải rời làng đi làm thuê làm mướn nơi xa, mọi vất vả lo toan dồn hết lên vai những người phụ nữ ở lại với bầy con thơ dại. Gánh phân ra bón ruộng, gánh khoai lúa về nhà, gánh rau đi phiên chợ sớm đều trên đôi vai các bà các mẹ. Áo mẹ tôi bao giờ cũng sờn bạc đầu tiên ở hai vai, hết tấm vá này đến tấm vá khác dày lên cùng với vết lõm xuống nhẵn bóng mồ hôi nơi đòn gánh. Sợi dây mây buộc quang gánh đã mấy lần đứt rồi thay mà manh áo vá vai vẫn theo mẹ suốt bốn mùa, bởi tấm vải lành mẹ dành dụm may đồ cho mấy chị em tôi mặc đến trường khỏi tủi thân với chúng bạn.

(2) Tôi nhớ năm lên lớp hai có lần đau chân không đi học được, mẹ bế tôi đặt vào một đầu thúng rồi gánh tới lớp, đầu kia là cặp sách và đứa em út của tôi mới vừa biết lật phải mang theo luôn vì để ở nhà không có ai trông. Tôi đội chiếc mũ tai bèo cũ rách của cha, mẹ che nắng cho em bằng chiếc nón mê thủng lỗ chỗ còn trên đầu mẹ chỉ buộc một tấm khăn vuông. Ngồi trong thúng tôi cứ ước con đường dài mãi ra để được xoay xoay bồng bềnh theo từng nhịp chân của mẹ, đâu biết rằng mẹ vừa sinh xong dậy mất sức lại thiếu ăn nên vừa run rẩy bước vừa cắn răng nén những cơn đau.

(3) Niềm vui lớn nhất thuở ấu thơ chúng tôi là lúc mẹ đi chợ về. Đôi quang gánh của mẹ dường như gánh theo cả thế giới bí mật thần kỳ với bao nhiêu thức quà từ phố huyện. Hôm nào mẹ đi chợ là chị em cứ tha thẩn chơi loanh quanh đầu ngõ, thấy bóng mẹ từ đằng xa liền reo lên háo hức chạy ùa tới đón. Mẹ mỉm cười lau mồ hôi đặt gánh xuống khỏi vai, chiếc mẹt thưa đậy trên thúng được mở ra từ từ, bên dưới đó thế nào cũng có một đùm kẹo bột, chiếc bánh tráng nướng nóng giòn hay gói bỏng ngô thơm nức. Những món quà ít ỏi được chia đều cho mấy đứa con đang đứng vây xung quanh, thòm thèm đến nỗi hai tay lấm lem đất cát chỉ kịp chùi vội vào vạt áo rồi xòe ra đợi lấy phần của mình. Thế nhưng cũng có hôm chợ ế, mẹ gánh rau đi lại gánh rau về, mở chiếc thúng ra chỉ có mớ dưa cải đọt khoai héo rũ, chị em tôi ngơ ngác nhìn nhau. Mẹ nói hôm nay bà bán kẹo đi vắng nên bữa sau mới mua được nhưng bé út không chịu liền òa lên khóc nức nở. Tôi cố lục tìm lần nữa trong thúng vẫn chẳng thấy gì nên mếu máo khóc theo. Mẹ bế hai đứa lên tay càng cố sức dỗ dành thì em khóc càng to, mồ hôi lẫn với nước mắt ướt đầm manh áo vá. Hình như trong đó có cả nước mắt đắng cay xót xa phận nghèo của mẹ mà chúng tôi vô tâm nào có biết.

(4) Khi chúng tôi trưởng thành thì cha mẹ đều đã già. Cuộc sống dẫu không còn phải lo lắng gì vì đã có con cái chu toàn nhưng thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn thích gánh hàng ra chợ bán. Tôi muốn mẹ nghỉ ngơi an dưỡng nhưng mẹ không chịu nghe theo, cha tôi bảo niềm vui tuổi già của mẹ chỉ có thế nên thôi đành cứ để mẹ đi.[…] Thế rồi một hôm, mẹ tôi đi chợ không mang gánh về, cha nhắn tôi ra tìm thì thấy đòn gánh và thúng mủng bỏ quên nằm lăn lóc nơi xó chợ. Lần khác mẹ buộc rau muống nhưng lại để đầu cầu ao, cứ thế quẩy gánh nhẹ tênh ra đến chợ rồi ngơ ngác mãi chẳng nhớ hàng để bán ở nơi nào. Tôi xin nghỉ phép đưa mẹ đi khám khắp các bệnh viện lớn, bác sĩ lắc đầu bảo mẹ đã bắt đầu lẫn. Bệnh của người già, càng về sau càng nhanh quên. Rồi sẽ tới một lúc mẹ sẽ chẳng còn nhớ ra tên tôi nữa.

(5) Mẹ tôi giờ chỉ ở trong nhà, đôi lúc lại lần ra đầu hè rờ rẫm chiếc đòn gánh mòn vẹt dựng bên đôi quang mây đã sút dây. Mẹ xoa đầu bảo tôi đừng khóc, đợi cha sửa lại quang gánh này rồi mẹ lại gánh tôi đến trường kịp buổi học sớm mai.

(Mẹ gánh con đi – Trần Thị Tú Ngọc*, trong tập Thương nhớ miền Trung, Nhiều tác giả, Nxb Hồng Đức, 2021, Tr 199-201)

 

*Tác giả Trần Thị Tú Ngọc sinh năm 1984, quê ở Hương Khê – Hà Tĩnh, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm tiêu biểu: Các tập truyện ngắn: Ngụ ngôn tháng Tư (2019), Linh mộc (2022). Trần Thị Tú Ngọc đạt nhiều giải thưởng: giải nhất cuộc thi Sáng tác văn học Tạp chí Văn nghệ Bình Định năm 2019; Giải C của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2019; Giải Ba cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới 2018 – 2019 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội…“Văn của Tú Ngọc chắc chắn, vững vàng, đa dạng về đề tài, bút pháp, kể cả có những thử nghiệm mới mẻ. Chị là một trong số ít những cây bút nữ có năng lượng dồi dào, sức sáng tạo mạnh mẽ, tinh thần làm việc tích cực”(Uông Triều). Tác phẩm Mẹ gánh con đi đạt giải ba cuộc thi Thương nhớ miền Trung của báo Thanh Niên năm 2021.

 

Thực hiện theo yêu cầu:

Câu 1. Xác định ngôi kể của văn bản trên.

Câu 2. Trong đoạn (1), tấm vải lành của mẹ dùng để làm gì?

Câu 3. Theo đoạn (2), nhân vật tôi đã không nhận ra điều gì nơi mẹ?

Câu 4. Niềm vui lớn nhất thuở ấu thơ của những người con trong đoạn (3) là gì? Vì sao?

Câu 5. Xác định và nêu tác dụng của phép điệp trong câu văn sau: Gánh phân ra bón ruộng, gánh khoai lúa về nhà, gánh rau đi phiên chợ sớm đều trên đôi vai các bà các mẹ.

Câu 6. Anh/Chị hiểu như thế nào về câu văn: Mẹ xoa đầu bảo tôi đừng khóc, đợi cha sửa lại quang gánh này rồi mẹ lại gánh tôi đến trường kịp buổi học sớm mai?

Câu 7. Anh/Chị hãy nhận xét về tâm trạng, tình cảm của nhân vật người mẹ trong các câu văn: Mẹ bế hai đứa lên tay càng cố sức dỗ dành thì em khóc càng to, mồ hôi lẫn với nước mắt ướt đầm manh áo vá. Hình như trong đó có cả nước mắt đắng cay xót xa phận nghèo của mẹ mà chúng tôi vô tâm nào có biết.

Câu 8. Qua văn bản trên, anh/chị nhận thấy bản thân cần có thái độ như thế nào đối với cha mẹ?

VIẾT (4,0 điểm)

Anh/Chị hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá nhân vật người mẹ trong văn bản ở phần Đọc hiểu.

 

——– HẾT——–

Thí sinh không được sử dụng tài liệu, giám thị không giải thích gì thêm.

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 KIÊN GIANG

 

                   ĐỀ CHÍNH THỨC

 

 KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ II NĂM HỌC 2023 – 2024

MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 10    

 Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

Ngày kiểm tra: 13/5/2024

HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA

 (gồm có 03 trang)

Phần Câu Nội dung Điểm  
I ĐỌC HIỂU 6,0  
1 Ngôi kể: Ngôi thứ nhất

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

+ Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

0,5  
2 Tấm vải lành mẹ dành dụm may đồ cho mấy chị em tôi.

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

+ Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

0,5  
3 Nhân vật tôi không nhận ra: Mẹ vừa sinh xong dậy mất sức lại thiếu ăn nên vừa run rẩy bước vừa cắn răng nén những cơn đau.

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh trả lời như đáp án: 0,75 điểm.

+ Học sinh trả lời được 1/2 đáp án: 0,5 điểm.

+ Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

(Chấp nhận cách diễn đạt tương đồng)

0,75  
4 – Niềm vui lớn nhất thuở ấu thơ của những người con là lúc mẹ đi chợ về.

– Vì sẽ nhận được quà.

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh trả lời như đáp án: 0,75 điểm.

+ Học sinh trả lời được 1 ý: 0,5 điểm.

+ Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

(Chấp nhận cách diễn đạt tương đồng)

0,75  
5 – Phép điệp: gánh

– Tác dụng:

+ Làm rõ, nhấn mạnh công việc bận rộn, vất vả, khó nhọc của những người phụ nữ ở quê.

+ Làm cho câu văn trở nên cân đối, hài hòa, nhịp nhàng, gợi hình, gợi cảm.

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh trả lời như đáp án: 0,75 điểm.

+ Học sinh trả lời được 1 ý: 0,5 điểm.

+ Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

(Chấp nhận cách diễn đạt tương đồng)

0,75  
6 Câu văn: Mẹ xoa đầu bảo tôi đừng khóc, đợi cha sửa lại quang gánh này rồi mẹ lại gánh tôi đến trường kịp buổi học sớm mai thể hiện:

– Người mẹ dù bị lẫn và quên đi nhiều thứ nhưng vẫn không quên đôi quang gánh cùng việc gánh con đến trường.

– Sự quan tâm, lo lắng và tình yêu thương con vô bờ bến của người mẹ.

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh trả lời như đáp án: 0,75 điểm.

+ Học sinh trả lời được 1 ý: 0,5 điểm.

+ Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

(Chấp nhận cách diễn đạt tương đồng)

0,75  
7 – Tâm trạng, tình cảm: Xót xa, cay đắng khi nghèo đến nỗi không thể mua quà cho con; Tình yêu thương con tha thiết, sâu nặng của người mẹ.

– Đây là nhân vật tiêu biểu cho những phẩm chất tốt đẹp của người mẹ Việt Nam…

Hướng dẫn chấm:

Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm.

Học sinh trả lời chung chung: 0,25-0,75 điểm.

– Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

(Chấp nhận những nhận xét khác miễn hợp lý)

1,0  
8 Học sinh có thể nêu những thái độ khác nhau miễn sao phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Gợi ý:

– Phải biết yêu thương, kính trọng cha mẹ.

– Phải biết quan tâm, chăm sóc cha mẹ.

….

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh nêu thái độ hợp lí: 1,0 điểm.

+ Học sinh nêu thái độ không phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0  
II

 

VIẾT 4,0  
Anh/Chị hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá nhân vật người mẹ trong văn bản ở phần Đọc hiểu.
a Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.

0,5  
b Xác định đúng kiểu bài, vấn đề nghị luận: Phân tích, đánh giá nhân vật người mẹ trong văn bản Mẹ gánh con đi.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh xác định đúng: 0,25 điểm.

– Học sinh xác định chưa đúng: 0,0 điểm.

0,25  
c Triển khai vấn đề

Vận dụng các kĩ năng dùng từ, viết câu, các phép liên kết, các phương thức biểu đạt, các thao tác lập luận để phân tích, đánh giá về nhân vật người mẹ trong văn bản.

2,5  
  Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận.

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh giới thiệu khái quát tên tác giả, tên tác phẩm, đoạn trích, nhân vật cần nghị luận: 0,5 điểm.

+ Học sinh giới thiệu được 1/2 đáp án: 0,25 điểm.

+ Học sinh không giới thiệu được: 0,0 điểm.

0,5  
Phân tích, đánh giá nhân vật người mẹ trong đoạn trích:

– Người mẹ là một người phụ nữ nghèo, lam lũ, vất vả, tần tảo làm việc nơi thôn quê: vất vả lo toan dồn hết lên vai; gánh phân ra bón ruộng, gánh khoai lúa về nhà, gánh rau đi phiên chợ sớm; áo sờn bạc, hết tấm vá này đến tấm vá khác,…

– Người mẹ thể hiện vẻ đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng: gánh con tới lớp, cố sức dỗ dành, xót xa khi không thể mua quà cho con,

Đánh giá chung:

– Nhân vật người mẹ là nhân vật chính của tác phẩm, góp phần quan trọng trong việc thể hiện vẻ đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng. Tình cảm đó đã làm thổn thức biết bao trái tim con người trong cuộc sống.

Truyện ngắn với ngôi kể thứ nhất; ngôn từ mộc mạc, giản dị, đậm chất đời thường; cốt truyện đơn giản;… đã khắc họa đậm nét tình yêu thương con thiết tha của nhân vật người mẹ.

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh giới thiệu, phân tích, đánh giá đầy đủ, sâu sắc, có dẫn chứng phù hợp: 2,0 điểm.

+ Học sinh phân tích, đánh giá chưa đầy đủ hoặc chưa sâu sắc: 1,0 điểm 1,75 điểm.

+ Học sinh phân tích chung chung: 0,25 điểm – 0,75 điểm.

+ Học sinh không trình bày được: 0,0 điểm.

(Lưu ý: Học sinh có thể triển khai bằng nhiều cách khác nhau miễn làm rõ được nhân vật người mẹ; giám khảo linh hoạt cho điểm những cảm nhận riêng của học sinh)

2,0  
d Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm:

Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,25  
e Sáng tạo

Có sáng tạo trong diễn đạt, lập luận làm cho bài văn giàu sức thuyết phục.

Hướng dẫn chấm:

Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,5 điểm.

– Không đáp ứng được yêu cầu: 0,0 điểm.

0,5  
Tổng điểm 10,00  

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *