ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ II NĂM HỌC 2023 – 2024
Môn kiểm tra: Ngữ văn – Lớp 10
Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề.
PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
PHẦN THƯỞNG
Nguyễn Bích Lan
Cuộc thi điền kinh không chuyên kết thúc. Mọi người đổ xô đến vây quanh nhà vô địch. Duy nhất một người đàn ông ôm hoa đi về phía người cán đích cuối cùng. Người của ban tổ chức thấy thế vội tiến đến nói: “Thưa ông nhà vô địch của chúng tôi ở đằng kia cơ ạ!”. Người đàn ông mỉm cười nói: “Hãng của chúng tôi trao cả giải thưởng cho người chạy chậm nhất không bỏ cuộc!”.
(Dẫn theo https://nhandan.vn, Thứ ba, ngày 26/04/2016)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Câu chuyện trong Phần thưởng được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ mấy?
Câu 2. Chỉ ra sự việc bất thường được nêu trong câu chuyện trên.
Câu 3. Theo anh/chị, câu nói Hãng của chúng tôi trao cả giải thưởng cho người chạy chậm nhất không bỏ cuộc! có ý nghĩa gì?
Câu 4. Nêu cảm hứng chủ đạo của truyện Phần thưởng (Nguyễn Bích Lan).
Câu 5. Người chạy chậm nhất không bỏ cuộc trong câu chuyện trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về hành trình theo đuổi khát vọng của mỗi người trong cuộc sống?
PHẦN VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Anh/Chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích, đánh giá chủ đề của truyện Phần thưởng (Nguyễn Bích Lan).
Câu 2. (4,0 điểm)
Triết lí của anh/chị về một cuộc sống hạnh phúc là gì?
Hãy viết bài luận về bản thân để chia sẻ suy nghĩ của riêng mình về vấn đề được gợi ra từ câu hỏi trên.
—————————————- Hết —————————————–
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Phần | Câu | Nội dung | Điểm | ||||
I | ĐỌC HIỂU | 4,0 | |||||
1 | Truyện được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ ba.
Hướng dẫn chấm: – Học sinh (HS) trả lời như đáp án hoặc người kể chuyện ẩn danh, hoặc người kể chuyện toàn tri: 0,5 điểm – HS trả lời khác đáp án và hướng dẫn chấm: 0,0 điểm. |
0,5 | |||||
2 | Sự việc bất thường trong câu chuyện: người đàn ông ôm hoa đi về phía người cán đích cuối cùng. Hướng dẫn chấm: – HS trả lời như đáp án hoặc có cách diễn đạt tương đương, hoặc có thêm nội dung “Người đàn ông mỉm cười nói: “Hãng của chúng tôi trao cả giải thưởng cho người chạy chậm nhất không bỏ cuộc!” : 0,5 điểm – HS chỉ nêu “Người đàn ông mỉm cười nói: “Hãng của chúng tôi trao cả giải thưởng cho người chạy chậm nhất không bỏ cuộc!”: 0,25 điểm. – HS trả lời khác đáp án và hướng dẫn chấm: 0,0 điểm. |
0,5 | |||||
3 | Ý nghĩa của câu nói Hãng của chúng tôi trao cả giải thưởng cho người chạy chậm nhất không bỏ cuộc!:
– Người chạy chậm nhất không bỏ cuộc đã chiến thắng chính bản thân mình, xứng đáng được trao thưởng. – Mọi nỗ lực chính đáng của con người đều cần được ghi nhận và tôn vinh. Hướng dẫn chấm: – HS trả lời như đáp án hoặc có cách diễn đạt tương đương: 1,0 điểm – HS trả lời được 1 trong 2 ý nêu trong đáp án: 0,5 điểm. – HS có cố gắng giải thích ý nghĩa của câu nói nhưng không rõ ràng, chưa trọn vẹn dù chỉ 1 trong 2 ý được nêu trong đáp án: 0,25 điểm. – HS không trả lời hoặc trả lời không đúng/không có cách diễn đạt tương đương với ý nghĩa câu nói: 0,0 điểm. |
1,0 | |||||
4 | Cảm hứng chủ đạo của truyện:
– Ca ngợi những con người luôn nỗ lực hết mình trên hành trình theo đuổi khát vọng, đam mê; – Khẳng định chiến thắng chính bản thân mình luôn là chiến thắng khó khăn và đáng tự hào. Hướng dẫn chấm: – HS trả lời như đáp án hoặc có cách diễn đạt tương đương: 1,0 điểm – HS trả lời được 1 trong 2 ý nêu trong đáp án: 0,5 điểm. – HS không trả lời hoặc trả lời không đúng/không có cách diễn đạt tương đương với đáp án: 0,0 điểm. |
1,0 | |||||
5 | Học sinh được tự do bày tỏ suy nghĩ của cá nhân về vấn đề, miễn không trái với đạo đức, pháp luật và đảm bảo đủ hai ý:
– Nhận xét hành trình theo đuổi khát vọng của mỗi người trong cuộc sống được gợi ra từ hình ảnh người chạy chậm nhất không bỏ cuộc. (Gợi ý: hành trình theo đuổi khát vọng vất vả, gian nan, đòi hỏi mỗi người phải luôn kiên trì nỗ lực theo đuổi;…) – Rút ra được bài học cho bản thân về hành trình theo đuổi khát vọng của chính mình trong cuộc sống. (Gợi ý: bản thân cần có khát vọng cao đẹp và nỗ lực hết mình cho khát vọng ấy; việc nỗ lực hết mình cho khát vọng cao đẹp giúp bản thân vượt qua những giới hạn an toàn, quen thuộc, trưởng thành sâu sắc về nhận thức;…) Hướng dẫn chấm: – HS trả lời như đáp án hoặc có cách diễn đạt tương đương: 1,0 điểm – HS trả lời được 1 trong 2 ý nêu trong đáp án: 0,5 điểm. – HS không trả lời hoặc trả lời không đúng/không có cách diễn đạt tương đương với đáp án: 0,0 điểm. |
1,0 | |||||
II | VIẾT | 6,0 | |||||
1 | Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 150 chữ) phân tích, đánh giá chủ đề của truyện Phần thưởng (Nguyễn Bích Lan). | 2,0 | |||||
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 150 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành. |
0,25 | ||||||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: chủ đề của truyện Phần thưởng (Nguyễn Bích Lan). |
0,25 | ||||||
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý: + Nêu được chủ đề của truyện: ca ngợi những con người không bao giờ từ bỏ khát vọng của chính mình trong cuộc sống. + Phân tích được các phương diện thể hiện chủ đề: nhan đề, nhân vật;… (Gợi ý: Nhan đề Phần thưởng thường gợi liên tưởng đến những giá trị vật chất, tinh thần cao đẹp dành cho người xứng đáng. Bối cảnh truyện là một cuộc thi, lẽ thường, phần thưởng sẽ dành tặng cho người chiến thắng – về đích sớm nhất – trong cuộc thi đó. Ở tác phẩm này, phần thưởng bất ngờ được trao tặng cho người cán đích cuối cùng. Sự việc bất thường đã tô đậm được chủ đề truyện: chỉ cần bạn không bao giờ từ bỏ khát vọng, bạn luôn là người chiến thắng. Chủ đề truyện còn được thể hiện đậm nét qua hai nhân vật: nhân vật vận động viên điền kinh về đích cuối cùng được nhắc thoáng qua và nhân vật chính – người đàn ông có hành động, lời nói, cử chỉ thể hiện sự trân trọng dành cho người chiến thắng chính bản thân mình. Dung lượng truyện cực ngắn, hành động bất ngờ, ngôn ngữ giản dị mà giàu tính triết lí.). + Khái quát được ý nghĩa của chủ đề. (Gợi ý: chủ đề truyện giúp bản thân nhận ra điều quan trọng trong cuộc sống không phải là chạy theo thành tích với người, mà cốt yếu là không bao giờ từ bỏ khát vọng của chính mình;…). – Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn. |
0,5 | ||||||
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: chủ đề của truyện Phần thưởng (Nguyễn Bích Lan). – Trình bày rõ quan điểm và hệ thống ý. – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng. |
0,5 | ||||||
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn. |
0,25 | ||||||
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,25 | ||||||
2 | Viết bài luận về bản thân để chia sẻ suy nghĩ của riêng mình về vấn đề được gợi ra từ câu hỏi: Triết lí của anh/chị về một cuộc sống hạnh phúc là gì? | 4,0 | |||||
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: bài luận về bản thân. | 0,25 | ||||||
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: chia sẻ triết lí của riêng mình về một cuộc sống hạnh phúc. | 0,50 | ||||||
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết
– Xác định được các ý chính của bài viết – Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận: * Giới thiệu quan điểm riêng của người viết về một cuộc sống hạnh phúc và thông điệp chính của bài luận. * Triển khai vấn đề nghị luận: thể hiện những suy nghĩ, đúc rút của bản thân về hạnh phúc trong cuộc sống từ những trải nghiệm có thực của mình (có thể sắp xếp các trải nghiệm có thực theo trật tự thời gian hoặc theo mạch suy ngẫm.). * Nhắc lại thông điệp chính của bài luận và kêu gọi hành động, gợi mở suy nghĩ cho người đọc để mỗi người đều có thể tạo nên một cuộc sống hạnh phúc từ lựa chọn và hành động của chính mình. |
1,0 | ||||||
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân. – Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận. – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng. Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. |
1,5 | ||||||
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản. |
0,25 | ||||||
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,5 | ||||||
Tổng điểm | 10,0 | ||||||