Đọc hiểu Đa dạng sinh học, Phân tích chủ đề và nhân vật người con của truyện ngắn Cúc áo của mẹ

Đề thi khối 10
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ II

NĂM HỌC 2023 – 2024

Môn thi: Ngữ văn

Lớp : 10

Thời gian làm bài: 90 phút

(Đề thi có 02 trang)

PHẦN ĐỌC HIỂU (5,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

ĐA DẠNG SINH HỌC

       Để nuôi sống một dân số không ngừng gia tăng (người ta dự báo rằng dân số thế giới sẽ lên đến 9-10 tỷ người vào năm 2050), con người đã liên tục chặt phá cây và rừng để nhiều đất canh tác hơn. Làm như vậy con người đã gây ra sự tuyệt chủng của vô số các loài sinh vật. […]

     Người ta ước tính rằng hiện nay khoảng 10 triệu loài sinh vật sống trên hành tinh, nhưng việc thống kê chúng còn lâu mới đầy đủ. Con số này có thể dễ dàng nhân lên với 10. Ít nhất là 2 triệu loài (trong đó có 750.000 loài côn trùng) đã được lập danh mục sắp xếp. Tuy nhiên, số các loài được nghiên cứu chi tiết còn ít hơn. Mỗi ngày trôi qua là lại có khoảng 75 loài thực vật và động vật biến mất khỏi mặt đất, tức khoảng ba loài mỗi giờ, và 27.000 loài mỗi năm.[…] Nguyên nhân của sự tàn sát trên diện rộng này là rất nhiều. Ngoài phá rừng, nổ mìn phá đá và những phá huỷ nơi cư trú tự nhiên khác, còn có ô nhiễm môi trường, săn bắn để sinh sống và nhu cầu đáp ứng một dân số luôn tăng phi mã, thậm chí là cả miếng mồi lợi nhuận. […]

    Nếu không làm gì để ngăn chặn mức độ phá huỷ hiện nay, thì ít nhất một phần năm số loài thực vật và động vật sẽ biến mất khỏi Trái đất vào năm 2030, và một nửa vào cuối thế kỉ XXI. […] Con cháu của chúng ta sẽ sống trong một thế giới không còn đa dạng sinh học nữa, một thế giới nhàm chán và nghèo nàn hơn rất nhiều. […]

     Nếu các vết thương mà con người giáng vào sinh quyển có thể lành sẹo thì tổn thất của đa dạng sinh học là không thể sửa chữa được. Làm giảm đa dạng sinh học chúng ta có nguy cơ tự tiêu diệt chính mình, vì sự sống phụ thuộc vào một chuỗi quá trình phức hợp, có quan hệ khăng khít với nhau. Trên thực tế, tất cả chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau. […]

(Trịnh Xuân Thuận, Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao,

NXB Tri thức, Hà Nội, 2017, tr. 143 – 149)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

  1. Xác định phương thức biểu đạt chính và phương tiện phi ngôn ngữ được sử dụng trong đoạn trích.

2.Theo đoạn trích, có những nguyên nhân nào gây nên sự tàn sát đối với các loài sinh vật trên trái đất?

  1. Nhận xét về mạch triển khai (cách sắp xếp, tổ chức) thông tin trong đoạn trích.

4.Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về các giải pháp nhằm bảo vệ, phục hồi đa dạng sinh học ở nước ta hiện nay.

  1. PHẦN VIẾT (5,0 điểm)

 Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

CÚC ÁO CỦA MẸ

Nhất Băng

Cậu còn nhớ sinh nhật 12 tuổi. Vừa sáng tinh mơ, đã nghe thấy mẹ nói: “Con trông đây là cái gì?”. Cậu mở to mắt, trước mặt là một chiếc áo mới, kiểu quân phục như cậu từng mơ ước, hai hàng cúc đồng, trên vai áo có ba vạch màu xanh, đó là mốt quần áo “thịnh hành” trong học sinh. Cậu bỗng mừng rơn, vội mặc áo quần. Cậu muốn đến lớp, ra oai với các bạn. Từ nhỏ đến lớn, cậu toàn mặc quần áo cũ của anh, vá chằng vá đụp nữa! Quả nhiên đúng như dự kiến, khi cậu bước vào lớp, ánh mắt của các bạn đều trố lên. Các bạn đều không ngờ được rằng, cậu bạn lúc nào cũng mặt mày lọ lem, đầu bù tóc rối bụi bặm cũng có lúc vẻ vang rạng rỡ như thế.

Cậu hoàn thành tiết học đầu tiên một cách vui vẻ, hởi lòng hởi dạ. Trong giờ giải lao, các bạn đều vây quanh cậu. Có bạn bỗng hỏi: “Ô hay! Tại sao khuy áo của bạn không giống của chúng mình nhỉ?”

Lúc ấy, cậu mới nhìn kỹ cúc áo của mình, quả thật không giống cúc áo của người khác, hai dãy thẳng đứng. Còn cúc áo của cậu lại nghiêng lệch, hai dãy xếp thành hình chữ “vê” (V).

Các bạn bỗng đều cười òa lên. Thì ra, chỗ đính khuy trên chiếc áo trắng của cậu là một miếng vải cũ màu vàng. Cậu cũng hiểu ra, chắc là mảnh vải mẹ mua không đủ may áo, đành phải lót bên trong bằng mảnh vải khác, sợ người khác nhìn thấy cúc áo đành phải đính sang bên cạnh. Và cũng để người khác không nhìn thấy, mẹ đã khéo léo đính chéo hàng cúc kia, tự nhiên thành hình chữ “vê” (V).

Biết rõ sự thực, các bạn lại giễu cợt, khiến cho lửa giận bốc lên ngùn ngụt trong lòng cậu. Buổi trưa về đến nhà, cậu cắt nát vụn chiếc áo mới của mình. Mẹ cậu lao đến trước mặt con, giơ cao tay, nhưng cuối cùng không giáng xuống. Cậu liếc nhìn, thấy nước mắt mẹ chảy quanh trong khóe mắt, vội quay đầu chạy biến…(…) Từ hôm ấy trở đi, mẹ làm việc ít nghỉ tay. Cậu tận mắt thấy mẹ gầy sọp đi, thấy mẹ nằm bẹp rồi ra đi mãi mãi… Cậu rất muốn nói một câu: “Con xin lỗi mẹ”, mà không còn cơ hội nữa. Sau này, cậu cố gắng học tập, cậu có rất nhiều, rất nhiều tiền, rồi sửa sang phần mộ của mẹ nhiều lần.

Một hôm, cậu tham gia một cuộc trình diễn thời trang của nhà thiết kế bậc thầy. Có một người mẫu nam bước lên sàn diễn khiến mắt cậu bỗng căng lên, đầu óc kêu ong ong hỗn loạn. Bộ áo màu trắng với hai dãy khuy đồng hình chữ “vê” (V). Bên trong có phải là…? Cậu không làm chủ được mình, lao lên sàn diễn, lật ra xem tấm áo của người mẫu nam, lót bên trong tự nhiên cũng là một mảnh vải vàng! Cậu quỳ sụp trước mặt người mẫu nam, òa khóc thống khổ.

Sau khi nghe cậu kể hết câu chuyện, tất cả những người có mặt tại hội trường đều trầm ngâm suy nghĩ mãi. Cuối cùng, một nhà thiết kế bậc thầy nói: “Thực ra, tất cả những người mẹ đều là các nhà nghệ thuật!”.

(Vũ Phong Tạo dịch, Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, số tháng 3/2011, tr.45-46)

 

Chú thích: Nhà văn Nhất Băng tên thật là Lỗ Nghĩa Bân, sinh năm 1972. Anh là nhà văn chuyên nghiệp, hội viên Hội nhà văn tỉnh Hồ Bắc- Trung Quốc. Anh được trao nhiều giải thưởng quốc gia về truyện cực ngắn.

Viết bài văn nghị luận khoảng 600 chữ, phân tích chủ đề và nhân vật người con của truyện ngắn trên.

SỞ GIÁO  DỤC ĐÀO TẠO HÀ NỘI

TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGUYỄN HUỆ

HƯỚNG DẪN CHẤM THI HỌC KỲ II

NĂM HỌC 2023- 2024

MÔN NGỮ VĂN LỚP 10

Thời gian 90 phút

 

PHẦN I.  (5,0 ĐIỂM)
Câu Nội dung cần đạt Điểm
1 – Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Thuyết minh

Yếu tố phi ngôn ngữ : số liệu

1,0
 

2

-Những nguyên nhân gây nên sự tàn sát đối với các loài sinh vật trên Trái đất: Chặt phá cây và rừng, nổ mìn phá đá và những phá huỷ cư trú của tự nhiên khác, ô nhiễm môi trường, săn bắn để sinh sống, nhu cầu đáp ứng một dân số luôn tăng phi mã, miếng mồi lợi nhuận,…

 -Từ 3 nguyên nhân đúng trở lên: 1,0 đ,  từ 1- 2 nguyên nhân đúng: 0.5 đ.

 

1.0

 

 

3

Mạch triển khai thông tin trong đoạn trích: Khái quát nội dung của văn bản: dân số tăng, tình trạng chặt phá rừng, dẫn đến sự tuyệt chủng của vô số các loài sinh vật => thực trạng của việc suy giảm đa dạng sinh học => nguyên nhân gây suy giảm đa dạng sinh học => hậu quả của việc suy giảm đa dạng sinh học.

=> Cách triển khai thông tin chủ yếu theo quan hệ nhân quả, mạch lạc, rõ ràng, tăng sức thuyết phục, tập trung làm sáng tỏ nội dung thông tin chính của đoạn trích: Đa dạng sinh học trên Trái đất.(– Mạch triển khai nội dung thông tin của đoạn trích: 0,5đ, nhận xét mạch triển khai thông tin trong đoạn trích: 0.5 điểm, không đúng:0đ)

 

 

 

1,0

 

 

 

 

 

4

– Yêu cầu hình thức: một đoạn văn ,- Yêu cầu nội dung:

.+Khái niệm: Đa dạng sinh học là bao gồm nhiều dạng và cá thể của các loài cùng với những biến dị di truyền của thế giới sinh vật, cũng như nhiều dạng của các cấp độ tổ chức sinh giới nhất là dưới dạng hệ sinh thái ở mọi môi trường trái đất, khái niệm này cũng bao gồm cả những mức độ biến đổi trong thế giới tự nhiên mà đơn vị cấu thành là những sinh vật. (0,5)

+ Các giải pháp để bảo vệ, phục hồi đa dạng sinh học ở nước ta hiện nay: ((1,5 đ)

Xây dựng các khu bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam; Lập danh sách và phân nhóm để quản lý theo mức độ quý hiếm, bị đe dọa tuyệt chủng; Tổ chức các hoạt động du lịch thân thiện với môi trường;Tăng cường trồng rừng; Quy định chặt chẽ hơn về việc khai thác lâm sản, thuỷ sản và động vật quý. Thực hiện tuyên truyền về sự cần thiết phải bảo vệ đa dạng sinh học.

– Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn

 

 

 

 

2,0

Tổng 5,0

 

PHẦN II. (5,0 ĐIỂM)  
Phân tích chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn Cúc áo của mẹ  
1. YÊU CẦU VỀ KĨ NĂNG

– HS biết cách làm một bài văn nghị luận văn học:

+  Hiểu và tạo lập được hệ thống luận điểm để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.

+ Khai thác được các thủ pháp nghệ thuật để làm sáng tỏ nội dung.

– Hình thức trình bày sạch đẹp, đúng bố cục, lập luận chặt chẽ, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

 
2. YÊU CẦU VỀ KIẾN THỨC

Có những cách khác nhau để triển khai bài viết, tuy nhiên cần đáp ứng được những ý chính sau:

 
Ý Nội dung cần đạt Điểm  
1 – Giới thiệu được tác giả, tác phẩm

– Giới thiệu được vấn đề nghị luận: Chủ đề và đặc sác nghệ thuật của truyện

0,25  
 

2

Phân tích chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của truyện  
2.1. phân tích chủ đề

a. Xác định chủ đề

– Tóm tắt ngắn gọn nội dung cốt truyện

– Nhan đề : Cúc áo của mẹ

=> Chủ đề của truyện:  Tác giả đã khắc họa sự hi sinh và tình yêu vô điều kiện của người mẹ ,ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng. Từ đó đánh thức thái độ sống biết trân trọng yêu thương những người thân yêu của mình ở người đọc.

b. Đánh giá giá trị của chủ đề

– Chủ đề quen thuộc nhưng vẫn hấp dẫn và có ý nghĩa lâu bền

– Chủ đề mang tính nhân văn sâu sắc: Ghi tạc trong lòng người đọc sự thiêng liêng và cao quý của tình mẫu tử; Giúp mỗi người đọc nhận thức về sự thấu hiểu và lòng biết ơn đôi với cha mẹ và người thân. Từ đó không bỏ qua bất kì cơ hội nào đươc chia sẻ ,yêu thương ,biết ơn với cha mẹ để không bao giờ phải nuối tiếc….

2.2 . Nhân vật người con trai

– Nhận vật được nhìn từ điểm nhìn của người kể chuyện ở ngôi thứ 3 khiến nhân vật hiện lên chân thực sống động.

– Nhân vật được đặt vào hai tình huống cụ thể để khắc họa những biến đổi về tâm lý, tình cảm ( Cậu được mẹ tặng chiếc áo tự mẹ thiết kế và câu vui sướng diện đến lớp… Sau này lớn lên ,cậu tham dự một cuộc trình diễn thời trang và nhìn thấy mẫu áo của mẹ ngày xưa được người mẫu nam trình diễn trên sân khấu….)

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Nhân vật hiện lên qua  dáng vẻ, ngôn ngữ, hành động tâm trạng. Đặc biệt là hành động : người con trai đặt chiếc cúc áo của mẹ lên ngực thể hiện niềm xót thương tiếc nuối và cả nỗi ân hận vì không bao giờ anh có cơ hội bày tỏ lòng yêu thương với mẹ nữa.

– Ngôn ngữ trần thuật gần gũi nhẹ nhàng như lời tâm sự nhưng thấm thía cảm động.

-> Nhân vật góp phần quan trọng làm rõ chủ đề của tác phẩm.

 

 

 

3,5

 
 
2.3 Đánh giá chung:

– Tác phẩm ngợi ca tình mẫu tử, nhắc nhở ta về tình yêu và sự hi sinh của cha mẹ, khơi dạy lòng yêu thương chia sẻ và lòng biết ơn trân trong đối với những người thân yêu trong gia đình

– Thấy được ý nghĩa quan trong của tình mẫu tử mà lựa chọn cho mình một thái độ sồng yêu thương, biết ơn, trân trọng, không bỏ lỡ cơ hội bày tỏ tình yêu, sự quan tâm đối với người thân trong gia đình.

 

 

 

 

1,0

 
3 Khái quát lại vấn đề:

-Câu chuyện giản dị mà giầu ý nghĩa

– Thấy được tài năng của tác giả.

 

0,25

 
Tổng 5,0  
 

Trên đây chỉ là những ý chính cần có. Học sinh có thể triển khai bài làm theo những cách khác nhau, miễn là đảm bảo được những ý cơ bản ấy và những yêu cầu về trình bày và diễn đạt của một bài văn nghị luận như: bố cục, dùng từ, viết câu, dựng đoạn… Tuỳ  bài làm cụ thể của học sinh, các thầy cô xác định mức điểm từng ý cho phù hợp. Điểm làm tròn tới 0,5.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *