Đề thi HSG chứng minh nhận định Thơ của người xưa lấy hùng hồn làm gốc

Đề thi khối 10

 

SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO HẢI PHÒNG

TRƯỜNG THPT CHUYÊN TRẦN PHÚ

ĐỀ ĐỀ XUẤT
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

KHỐI TRƯỜNG THPT CHUYÊN DHBB

NĂM HỌC: 2017 – 2018

MÔN NGỮ VĂN – LỚP 10

Thời gian làm bài: 180 phút (Không kể giao đề)

————————***————————

Câu 1 (8,0 điểm)

Nhà thơ Mĩ Robert Frost viết:

                                      Trong rừng có nhiều lối đi

Và tôi chọn lối đi chưa có dấu chân người.

Anh/ chị suy nghĩ gì về ý tưởng được gợi lên từ hai câu thơ trên?

Câu 2 (12,0 điểm)

Bàn về thơ, Nguyễn Dữ viết:Thơ của người xưa lấy hùng hồn làm gốc, bình đạm làm khéo, câu tuy ngắn nhưng ý thì dài, lời tuy gần nhưng nghĩa lại xa.” (theo Từ trong di sản, Nxb Văn học, 1999, trang 42)

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu trong văn học từ thế kỉ X đến thế kỉ XV để chứng minh.

===HẾT===

 

Người ra đề: Ân Thị Vân Chi

SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO HẢI PHÒNG

TRƯỜNG THPT CHUYÊN TRẦN PHÚ

ĐỀ ĐỀ XUẤT
ĐÁP ÁN ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

KHỐI TRƯỜNG THPT CHUYÊN DHBB

NĂM HỌC: 2017– 2018

MÔN NGỮ VĂN – LỚP 10

Thời gian làm bài: 180 phút (Không kể giao đề)

————————***————————

Câu 1(8.0 điểm)

  1. VỀ KĨ NĂNG

– HS biết cách làm bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý. Biết vận dụng các thao tác giải thích, phân tích , chứng minh, bình luận…Đưa ra được ý kiến riêng khi giải quyết vấn đề.

– Bài viết có bố cục mạch lạc, hệ thống luận điểm, luận cứ rõ ràng, dẫn chứng phong phú thuyết phục.

– Bài viết có chất văn, trình bày sạch sẽ ,khoa học.

  1. VỀ NỘI DUNG

HS có thể có nhiều cách sắp xếp ,tổ chức bài làm theo nhiều hướng khác nhau, nhưng cần đáp ứng những kiến thức cơ bản sau:

  1. Giải thích(2.0 điểm)

Trong rừng có nhiều lối đi:trong cuộc đời có nhiều con đường , nhiều cách thức, nhiều sự lựa chọn…nhiều lối sống khác nhau.

Tôi chọn: thể hiện sự chủ động, tích cực lựa chọn, dám dấn thân trong cuộc sống của tôi.

Lối đi không có dấu chân người: lối đi mới đi mới ,có nhiều điều thú vị , nhưng cũng có thể đầy hiểm nguy, thách thức.

  • Câu thơ của Robert Frost thể hiện một quan niệm sống dấn thân nhập cuộc , đương đầu với thách thức mạo hiểm, để có được sự lựa chọn riêng những sáng tạo mới.
  1. Bình luận (5.0 điểm)

Con người cần lựa chọn lối đi riêng mới mẻ , vì:

  • Mỗi người có những nhận thức, cách nghĩ ,cách nhìn khác nhau về cuộc sống, những quan niệm khác nhau về giá trị sự sống cũng như giá trị bản thân.
  • Cuộc sống bao giờ cũng phong phú, luôn chứa đựng những cơ hội cả những thách thức , mở ra những lối đi riêng, những ngả đường mới. Mặt khác cuộc sống luôn vận động phát triển không ngừng, nên những con đường đã nhiều người đi sẽ là những lối mòn, có thể lạc hậu , lỗi thời.
  • Chọn cho mình một lối đi riêng ,sẽ giúp con người trở nên chủ động linh hoạt, sáng tạo; phát huy được những năng lực sở trường, khắc phục những sở đoản của mình; tôi rèn ý chí, bản lĩnh dám xông pha, mạo hiểm; nâng cao ước mơ, khát vọng…
  • Chọn cho mình lối đi riêng ,còn góp phần giúp cho cuộc sống thêm sắc màu, phong phú và phát triển.
  • Khẳng định đây là quan niệm sống đúng đắn, tích cực , có ý nghĩa giáo dục, thức tỉnh, nhất là đối với thế hệ trẻ ngày nay.
  • Phê phán những lối sống tiêu cực: hòa tan, xu thời adua chạy theo đám đông; lập dị xa lạ với những giá trị phổ quát của nhân sinh hay ngông cuồng, cực đoan Coi trời bằng vung của những kẻ Ếch ngồi đáy giếng…
  1. Bài học (1.0 điểm)

HS liên hệ với bản thân để rút ra bài học nhận thức và hành động đúng.

Câu 2(12.0 điểm)

I.VỀ KĨ NĂNG

Biết làm bài văn nghị luận văn học: kết cấu sáng rõ , lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, văn viết giàu cảm xúc, có kiến thức lí luận và cảm thụ tốt.

II.VỀ KIẾN THỨC

HS có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau, song về cơ bản cần đảm bảo những nội dung sau:

  1. Giải thích (3.0 điểm)

Thơ của người xưa: thơ ca từ TK XV trở về trước, với Nguyễn Dữ là thơ của các bậc tiền bối của ông.

Lấy hùng hồn làm gốc: trong quan niệm của Nguyễn Dữ cái gốc, điểm căn cốt của thơ xưa là chất hùng hồn: từ đề tài, cảm hứng đến tứ thơ ,điệu thơ , ngôn ngữ hình ảnh …đều mạnh mẽ, hào sảng, hùng hồn( HS cần lí giải vì sao : từ hoàn cảnh thời đại chiến tranh vệ quốc, quan niệm Thi dĩ ngôn chí..)

Lấy bình đạm làm khéo: tài thể hiện cuộc sống cũng như bản thân nhà thơ một cách vừa bình dị thanh cao , vừa khéo léo tinh tế ,rất sâu sắc và giàu sức gợi.

Câu tuy ngắn nhưng ý thì dài, lời tuy gần nhưng nghĩa lại xa: tính hàm súc,cô đọng, sức gợi trong thơ, khả năng ý tại ngôn ngoại của thơ xưa.

  • Lời bàn trích trong Từ trong di sản là điểm nhìn của nhà văn Nguyễn Dữ về quá khứ mang tính chất lời đúc rút, khái quát những đặc điểm , cũng là những đặc sắc, vẻ đẹp của thơ xưa- một di sản tinh thần quí báu của dân
  1. Chứng minh(6.0 điểm)

HS chọn các tác phẩm để chứng minh ,phải là các tác phẩm tiêu biểu, khai thác nổi bật chất anh hùng ca, ý tứ sâu xa;  vẻ đẹp bình đạm, khéo léo ; câu ngắn- ý dài ,lời gần- nghĩa xa( thể thơ, nhãn tự , thần tự, tứ thơ ,giọng điệu…)từ những bài thơ đã chọn như: Nam quốc sơn hà,Thuật hoài, Tụng giá hoàn kinh sư, Ngư nhàn,Cáo tật thị chúng, Cảnh ngày hè, Cây chuối… của các tác giả Lí Thường Kiệt, Phạm Ngũ Lão, Trần Quang Khải, Không Lộ thiền sư, Mãn Giác thiền sư, Nguyễn Trãi…

  1. Bình luận(3.0 điểm)

– Lời bàn của Nguyễn Dữ  có khả năng khái quát cho những tác phẩm hay của thơ xưa về vẻ đẹp cả nội dung và hình thức.

– Lời bàn không chỉ thể hiện khả năng cảm thụ, bình giá thơ ca tinh tường của Nguyễn Dữ, mà còn thái độ trân trọng ,nâng niu, ngợi ca của nhà văn đối với những tác phẩm ngôn từ của ông cha. Đó là thái độ ,tình cảm cần thiết từ độc giả đối với người nghệ sĩ, bởi Văn chương muôn đời sống được là nhờ tấc lòng tri kỉ.

– Lời bàn của Nguyễn Dữ về vẻ đẹp của thơ xưa, cũng là tiêu chí  cho vẻ đẹp mà thơ ca nói riêng và văn chương muôn đời cần hướng tới.

===HẾT===

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *