Đề thi học sinh giỏi văn 10 :Văn học hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lý

Đề thi khối 10
SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO QUẢNG NGÃI

TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ KHIẾT

 

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

NĂM HỌC 2017 – 2018

 

ĐỀ THI MÔN : NGỮ VĂN LỚP 10

Thời gian 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Ngày thi : 14/04/2018

 

Câu 1 (8,0 điểm) :

            Sống là biết làm những điều để mình không bao giờ chết.

Anh/chị suy nghĩ gì về điều này ?

Câu 2 (12,0 điểm) :

          M.Gorki cho rằng : “Văn học hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lý”.

          Bằng trải nghiệm văn học, qua một số tác phẩm Văn học trung đại Việt Nam trong chương trình Ngữ văn 10, anh/chị hãy lý giải.

—————-HẾT—————-

 (Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm)

 

Họ tên học sinh………………………..………..Số báo danh…………………………..

GV ra đề : Trần Thu Hà .

SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO QUẢNG NGÃI

TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ KHIẾT

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

 

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI KHU VỰC

DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

NĂM HỌC 2017 – 2018

 

ĐÁP ÁN MÔN : NGỮ VĂN LỚP 10

(Đáp án có 03 trang)

Câu 1 (8.0 điểm) :

Kỹ năng

– Nắm chắc kỹ năng làm bài văn nghị luận xã hội.

– Biết vận dụng kiến thức thực tế hoặc sách vở phù hợp với nội dung nghị luận.

– Bố cục rõ ràng, mạch lạc, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng phong phú, văn phong có cảm xúc.

Kiến thức

– Vấn đề được nêu ra trong đề bài mang tính chất gợi mở, học sinh có thể chọn trình bày suy nghĩ theo cách riêng của mình.

– Khuyến khích sự sáng tạo, cá tính của học sinh dựa trên lập luận xác thực, có tính thuyết phục.

Giải thích

– “Sống” : hiểu theo nghĩa hẹp chỉ đơn thuần là sự tồn tại về vật chất; hiểu theo nghĩa rộng thì ngoài sự tồn vật chất ấy, sống phải có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển chung của xã hội.

– “Chết” : nghĩa hẹp là không còn khả năng sống; nghĩa rộng là dù còn hay không còn khả năng sống đều không có ý nghĩa.

– “Biết làm những điều để mình không bao giờ chết” : có ý thức hướng đến việc những làm điều tốt đẹp, hữu ích cho con người, cho cuộc đời để được sống mãi trong kí ức của người khác và được xã hội tôn vinh kể cả khi không còn sống. Vậy, “không bao giờ chết” là tạo ra một đời sống khác – đời sống tinh thần bất tử trong lòng người.

– Vấn đề đặt ra ở đây là đời sống thực sự của mỗi người trong cuộc đời ngắn hay dài tùy thuộc vào những việc mà ta chọn làm khi còn sống.

  1. Bình luận, chứng minh

– Nếu hiểu một cách đơn giản “sống” chỉ là để tồn tại hoặc làm mọi cách chỉ để đạt được mục đích cá nhân thì con người đã “chết” ngay khi đang sống. Bởi lẽ, đó là quan niệm sống tiêu cực, ích kỉ, vô nghĩa, vô hình trung kéo lùi sự phát triển của xã hội.

– Sự sống của mỗi người chỉ thực sự có ý nghĩa khi vừa biết làm đẹp cho cuộc sống cá nhân, vừa biết hướng đến những việc làm thiết thực mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội. Nói cách khác, để mình “không bao giờ chết”, con người cần phải ý thức được trách nhiệm và sự cống hiến của bản thân trước cuộc đời.

– Tuy nhiên “biết làm những điều để mình không bao giờ chết” là một thách thức không nhỏ đối với mỗi người. Vì vậy, chúng ta cần trau dồi tri thức, kỹ năng sống, xác định rõ mục tiêu sống, kiên định với lý tưởng của mình và dám hi sinh để thực hiện mục tiêu, lý tưởng đó.

– Thực tế cho thấy, vẫn có những kẻ tưởng như “không bao giờ chết” vì những hành động điên rồ, tội lỗi đi ngược lại lợi ích chung của nhân loại. Nhưng đó là “sự sống” tai tiếng bị người đời phỉ nhổ, lên án còn kinh khủng hơn cả cái chết. Đây chắc chắn không phải là “sự sống” sau cái chết sinh học mà con người hướng đến, mong muốn.

– Học sinh có thể lấy dẫn chứng phù hợp từ thực tế hoặc sách vở để bảo vệ suy nghĩ và lập luận của mình khi bàn luận vấn đề.

  1. Bài học nhận thức và hành động

– Không chấp nhận và lên án lối sống thụ động, ích kỉ, thủ đoạn để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, dẫm đạp lên các giá trị đạo đức và đi ngược lại với lợi ích chung của cộng đồng, xã hội.

– Suy nghĩ tích cực về trách nhiệm với bản thân với cộng đồng, xã hội bằng những việc làm cụ thể, có ý nghĩa; biết dấn thân và cống hiến khi có thể để làm cho cuộc sống ngày càng đáng yêu hơn, xã hội ngày càng phát triển tốt đẹp hơn.

III. Biểu điểm

– Điểm 7 – 8: Bài viết nắm chắc vấn đề, đáp ứng tốt những yêu cầu của kiểu bài nghị luận xã hội, có ý kiến sắc sảo, có kiến thức xã hội phong phú.

– Điểm 5 – 6: Bài viết hiểu vấn đề, biết làm bài nghị luận xã hội, dẫn chứng sinh động, không mắc lỗi.

– Điểm 3 – 4: Hiểu vấn đề nhưng lập luận chưa chặt chẽ, ý vẫn chưa sáng, còn vài lỗi về diễn đạt.

– Điểm 1 – 2 : Hiểu vấn đề lơ mơ, chưa làm rõ quan niệm, chưa chú ý minh hoạ bằng dẫn chứng cụ thể, diễn đạt còn nhiều lỗi.

– Điểm  0 : Không viết gì, hoặc lạc đề.

Câu 2 (12.0 điểm) :

Yêu cầu về kĩ năng

– Nắm vững kỹ năng làm bài nghị luận văn học.

– Diễn đạt trong sáng, bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ.

Yêu cầu về kiến thức

Học sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau. Về cơ bản, cần nêu được các ý sau:

Giải thích, bàn luận

– Văn học là một loại hình sáng tác tái hiện những vấn đề của cuộc sống, xã hội và con người bằng ngôn từ nghệ thuật và hình tượng nghệ thuật. Văn học chính là kết quả lao động sáng tạo nghệ thuật của nhà văn trong quá trình cảm nhận và phản ánh cuộc sống, xã hội, con người. Văn học luôn đòi hỏi nhà văn phải tìm tòi, sáng tạo nhưng không được phép thoát ly khỏi đời sống và mỗi một sáng tác phải là “tấm gương phản ánh hiện thực” bằng cái tâm trong sáng của người cầm bút.

– “Văn học hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lý” : “văn học” xác định được vai trò và ý nghĩa sự có mặt của mình trước cuộc đời. Nói cách khác, nhà văn hiểu rõ mục đích sáng tác của mình là gì ? Vì cái gì ? Có ý nghĩa như thế nào ? Sử dụng ngôn ngữ và xây dựng hình tượng nghệ thuật ra sao ?… Chính điều đó làm cho những giá trị của văn học được khẳng định, được đón nhận và giúp con người hướng khát vọng của mình đến “chân lý” tức là hướng khát vọng của con người đến với những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống. Tóm lại, văn học phải hướng đến cái đích cuối cùng của “Chân – Thiện – Mĩ”.

– Phát biểu của M. Gorki muốn khẳng định rằng trong sáng tác văn học, nhà văn phải hiểu được mục đích sáng tác của mình, phải ngày càng tin tưởng hơn vào những giá trị mà mình mang lại và có khả năng khơi dậy mạnh mẽ khát vọng sống đẹp đẽ của con người thông qua tác phẩm.

– Đúng như chính M. Gorki đã nói : “Văn học là nhân học”. Có thể hiểu, văn học trước hết phải là con người, hướng về con người và đến với văn học là đến với những giá trị nhân bản đích thực thuộc về con người, giúp con người hoàn thiện mình hơn. Muốn thế, nhà văn phải hiểu mình, phải đề cao sự sáng tạo của mình và tin rằng có thể làm thay đổi con người, thay đổi thế giới bằng những tác phẩm có tính nhân văn sâu sắc.

  1. Chứng minh

– Học sinh chọn một số văn bản Văn học trung đại Việt Nam trong chương trình Ngữ văn 10 và biết cách khai thác phù hợp với nội dung vấn đề nghị luận. Đặc biệt, đánh giá cao những học sinh chọn được dẫn chứng đậm tính nhân văn tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ, tình cảm của người đọc.

– Ngoài ra, học sinh có thể sử dụng thêm dẫn chứng ngoài chương trình một cách hợp lý, có chiều sâu.

  1. Đánh giá chung

            – Phát biểu của M.Gorki ngắn gọn, súc tích nhưng đã đề cập được đến bản chất, đặc trưng, vai trò, mục đích… của văn học và ý thức, trách nhiệm, tâm huyết của nhà văn trong quá trình sáng tác văn học.

– M. Gorki giúp người đọc biết trân trọng, nâng niu những tác phẩm văn học có giá trị thúc đẩy con người luôn “khát vọng hướng tới chân lý” của cuộc sống.

      III. Biểu điểm

– Điểm 11 – 12 : đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, bài viết sâu sắc độc đáo, diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 8 – 10 : Nội dung đầy đủ, có thể còn thiếu một vài ý nhỏ, bố cục rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, câu văn có hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 5 – 7 : Bài làm còn thiếu ý. Văn chưa hay nhưng rõ ý. Mắc không quá 7 lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 3 – 4 : Trình bày ý còn sơ sài, kết cấu không rõ ràng, còn nhiều lỗi diễn đạt (quá 7 lỗi chính tả, từ, câu).

– Điểm 1 – 2 : Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, quá nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm  0 : Không viết gì, hoặc lạc đề.

———————————————-

Lưu ý: Giám khảo vận dụng linh hoạt biểu điểm. Có thể thưởng điểm cho những bài viết có sáng tạo nếu điểm toàn bài chưa đạt tối đa. Điểm cho lẻ đến 0,25.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *