Đề thi học sinh giỏi Thơ ca là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm

Đề thi khối 10
ĐỀ ĐỀ NGHỊ
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

NĂM HỌC 2017 – 2018

 

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN LỚP 10

Thời gian 180 phút (không kể thời gian giao đề)

 (Đề thi có 01 trang)

 

Câu 1 (8,0 điểm)

“Những thách thức trong cuộc sống là để làm vững mạnh thêm niềm tin của chúng ta. Chúng không phải để vùi dập chúng ta” (Nick Vujicic).

Anh/ chị có suy nghĩ như vậy không?

Câu 2 (12,0 điểm)

Nhận định về thơ có ý kiến cho rằng:

“Thơ ca là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm ”

(Vôn – te)

Anh/chị suy nghĩ thế nào về ý kiến trên?  Bằng việc cảm nhận hai tác phẩm thơ ca tiêu biểu thuộc văn học trung đại trong chương trình Ngữ văn 10, hãy làm sáng tỏ.

 

………………….. HẾT…………………..

GIÁO VIÊN RA ĐỀ

 Ngô Thị Minh Thủy

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

NĂM HỌC 2017 – 2018

 

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN: NGỮ VĂN LỚP 10

(HDC gồm 05 trang)

 

HƯỚNG DẪN CHUNG

– Giám khảo cần chủ động nắm bắt nội dung trình bày của học sinh để đánh giá tổng quát bài làm, tránh đếm ý cho điểm. Chú ý vận dụng linh hoạt và hợp lý Hướng dẫn chấm.

– Đặc biệt trân trọng , khuyến khích những bài viết có nhiều sáng tạo, độc đáo trong nội dung và hình thức.

– Điểm lẻ toàn bài tính đến 0.25 điểm

ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM

Câu 1 (8.0 điểm)

Những thách thức trong cuộc sống là để làm vững mạnh thêm niềm tin của chúng ta. Chúng không phải để vùi dập chúng ta” (Nick Vujicic).

Anh chị có suy nghĩ như vậy không?

 

I Yêu cầu về kĩ năng Điểm
  – Vận dụng thuần thục cách thức làm bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý; kết hợp các thao tác lập luận một cách nhuần nhuyễn, huy động tốt kiến thức sách vở, đời sống, trải nghiệm bản thân để bảo vệ cho lập luận của mình.  
– Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt sáng rõ trôi chảy, hạn chế tối đa việc mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.  
II  Yêu cầu về kiến thức  
   Cần giải thích được ý nghĩa của vấn đề, dẫn ra được những dẫn chứng xác đáng, thuyết phục để bảo vệ lập luận. Học sinh có quyền đưa ra ý kiến riêng song cách hiểu và cách bàn luận phải xuất phát từ ý tưởng được nêu trên đề và phù hợp với các chuẩn mực chung của xã hội cũng như có sự hợp lý trong lập luận. Học sinh có thể trình bày suy nghĩ theo nhiều hướng nhưng cần chú ý các định hướng sau:  
1   Giải thích vấn đề 1.5
   – Câu nói của Nick Vujicic bàn về ý nghĩa của những thách thức trong đời sống:

+ Những thách thức trong cuộc sống: Cuộc sống không bằng phẳng, lắm chông gai, nhiều trắc trở : những khó khăn gian khổ, những vấp ngã, những bất hạnh…

+ Những thách thức làm vững mạnh thêm niềm tin: củng cố niềm tin, bồi dưỡng ý chí, nghị lực, khát vọng.

– Không vùi dập con người:  Không thể khiến con người gục ngã, buông xuôi mất đi nghị lực, niềm tin.

– Câu nói của Nick khích lệ động viên con người không đầu hàng trước những thử thách, những bất hạnh của cuộc sống, hãy giữ vững niềm tin, ý chí, khát vọng để vươn tới.

 
2  Bàn luận vấn đề:   5.0
a. Mọi thách thức của đời sống luôn thử thách sức mạnh của niềm tin, ý chí,  nghị lực của con người

+ Thử thách là một phần tất yếu của cuộc sống. Nếu có khao khát vươn lên để đạt đến thành công, mỗi người  buộc phải nỗ lực hết sức vượt qua, chiến thắng mọi trắc trở, bất hạnh của cuộc sống.

+ Khi nỗ lực chiến thắng thử thách,  niềm tin, ý chí nghị lực càng được tôi rèn, càng tạo nên sức mạnh để ta vững vàng hơn trong cuộc sống

b. Gục ngã hay đứng dậy trước những khó khăn đều phụ thuộc vào chính bản thân con người

+ Thử thách lớn nhất không phải từ bên ngoài ( những khó khăn bất hạnh, vấp ngã của cuộc sống)  mà chính ở lòng người. Nếu con người có ý chí và nghị lực, không một thử thách nào có thể vùi dâp nổi con người.Vượt qua thử thách là sự khẳng định, hoàn thiện  giá trị bản thân.

+  Nếu con người thiếu ý chí nghị lực niềm tin,  con người sẽ dễ dàn đầu hàng gục ngã trước khó khăn bất hạnh của cuộc sống.

+ Sức mạnh của niềm tin, ý chí, nghị lực con người giúp con người khám phá được giá trị của chính bản thân mình.

 
3  Bài học nhận thức và hành động: 1.5
  – Phải biết chấp nhận thử thách, thẳng thắn đối diện, không đầu hàng trước thử thách.

– Có lí tưởng, có mục tiêu cụ thể, có niềm tin vào bản thân, có tình yêu thương giúp đỡ của mọi người ta sẽ có ý chí, nghị lực, niềm tin để vượt qua và chiến thắng những thử thách của cuộc sống.

 

 

Câu 2 ( 12,0 điểm):

Nhận định về thơ có ý kiến cho rằng:

Thơ ca là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm

(Vôn – te)

Anh(chị) suy nghĩ thế nào về ý kiến trên?  Bằng việc cảm nhận hai tác phẩm tiêu biểu của văn học trung đại trong chương trình Ngữ văn 10 Nâng cao, hãy làm sáng tỏ.

 

I Yêu cầu về hình thức và kĩ năng Điểm
  – Học sinh cần giải thích được ý nghĩa của ý kiến, xác định đúng trọng tâm vấn đề;  lựa chọn và phân tích tác phẩm thơ theo yêu cầu để làm sáng rõ tinh thần của ý kiến đồng thời xác định được nét riêng độc đáo của tác phẩm.

– Kết cấu bài văn chặt chẽ, bám sát vấn đề; hành văn mạch lạc, có hình ảnh, cảm xúc; hạn chế mắc lỗi chính tả, đặt câu, dùng từ.

 
II Yêu cầu về nội dung  
1  Giải thích nhận định 1.0
+ Thơ ca là âm nhạc của tâm hồn: Thơ ca là nơi kết tinh những giai điệu cảm xúc của tâm hồn nhà thơ.

+ Những tâm hồn cao cả, đa cảm luôn mang lại cho thơ những âm điệu phong phú, mới mẻ có chiều sâu làm nên sức hấp dẫn cho thơ

=>  Nhận định đã khẳng định vai trò then chốt của cảm xúc và nhất là một tâm hồn nhạy cảm, một tấm lòng sâu nặng với đời sống thể hiện trong thơ.

 
2 Bàn luận vấn đề 3.0
  a. Thơ ca là âm nhạc của tâm hồn

– Thơ ra đời từ những xúc cảm thẩm mĩ  phong phú, mãnh liệt của người làm thơ  trước cái đẹp muôn màu, trước muôn vàn trạng thái, cảnh ngộ gợi trăn trở, suy tư từ cuộc sống.

– Ngôn ngữ thơ đã giúp những cung bậc cảm xúc ấy ngân lên trên trang thơ thành những giai điệu phong phú, cuốn hút và chinh phục lòng người mang theo sức sông tâm hồn của mỗi nhà thơ.

b. Vẻ đẹp của những tâm hồn cao cả, đa cảm làm nên sức sống cho thơ

– Tâm hồn nhà thơ chân chính luôn nhạy cảm của trước mọi vẻ đẹp của đời sống sẽ dẫn lối người đọc đến xứ sở của những đắm say và thái độ nâng niu cái đẹp.

– Người nghệ sĩ ấy cũng luôn trĩu nặng suy tư trước nỗi đau và khát vọng của con người, trước vận mệnh dân tộc sẽ mang đến cho thơ không chỉ xúc cảm tha thiết mà còn cả một chiều sâu tư tưởng thấm thía thanh lọc con người.

– Song, để sức lay động của câu thơ được thực sự chắp cánh bay cao cũng rất cần đến tài năng sáng tạo của người nghệ sĩ .

 
3 Cảm nhận – chứng minh 7.0
  – Học sinh chọn được hai bài thơ thích hợp; cảm nhận, bình luận sâu sắc có định hướng làm nổi bật vấn đề. Cụ thể là:

+  Vẻ đẹp của bài thơ đến từ sự đa cảm của tâm hồn thi nhân trong cội nguồn cảm hứng sáng tác hướng đến mọi  sắc thái của đời sống;  đến từ nội dung, tư tưởng sâu sắc xuất phát từ một tâm hồn cao cả nặng lòng với đất nước, nhân dân, với số phận con người.

+ Vẻ đẹp độc đáo đến từ  những sáng tạo trong  hình thức nghệ thuật tạo thành một chỉnh thể, vươn tới sự hoàn mĩ; mang đậm dấu ấn riêng đặc sắc gắn với vẻ đẹp của thơ ca Trung đại …

 
4 Đánh giá chung 1.0
  Ý kiến xác đáng, có ý nghĩa lí luận mở ra những bài học trong sáng tác và tiếp nhận:

+ Với người sáng tác cần chú ý tới tính thẩm mĩ, vẻ đẹp phong phú, độc đáo của thơ. Muốn vậy nhà văn cần có một tâm hồn đẹp, tinh tế và tài hoa và có tầm tư tưởng sâu sắc trước cuộc đời

+ Với người tiếp nhận: Đây là một tiêu chí quan trọng gợi ý cho chúng ta cảm nhận và đánh giá thơ ca…

 

 

———————————— HẾT————————————–

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *