Đề thi học sinh giỏi bài Cảnh ngày hè và Đọc Tiểu Thanh kí

Đề thi khối 10

SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO TỈNH BÌNH DƯƠNG

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÙNG VƯƠNG

 

PHẦN 1

ĐỀ THI ĐỀ NGHỊ TRẠI HÈ PHƯƠNG NAM

LẦN THỨ V – NĂM 2018

Môn: Ngữ Văn – Khối 10

(Thời gian làm bài 180 phút)

 

Câu 1: Nghị luận xã hội (8,0 điểm)

 

KHỔNG TƯỚC VÀ PHƯỢNG HOÀNG

Một cây ngô đồng cao vút tầng mây, đứng thẳng giữa trời xanh. Có một con chim phượng hoàng rất đẹp thường đậu ở trên cây, nó vui vẻ ngửi mùi hương hoa của cây.

Về sau, một con chim khổng tước bay đến, nó đậu ở cành cây cao nhất, vui vẻ cất tiếng hát ca: “Hãy nghe tiếng hót của tôi, lảnh lót biết bao, khắp thiên hạ đều có thể nghe thấy được”.

Khổng tước xòe cái đuôi to với đủ loại màu sắc, khoe khoang với chim phượng hoàng rằng: “Tôi đứng ở chỗ này, xòe ra cái đuôi khổng tước đẹp đẽ nhất, khắp thiên hạ đều có thể nhìn thấy được”.

Chim phượng hoàng đã đậu ở trên cây ngô đồng nhiều năm, thiện ý nhắc nhở khổng tước rằng: “Đừng có quên rằng, cậu đứng ở nơi cao, là cây ngô đồng nâng cậu lên đấy, đừng có khoe khoang bản thân, càng không nên tự mãn, kiêu ngạo quá sớm muộn sẽ phải chịu thiệt thôi!”.

Khổng tước không cho thế là phải, vẫn lớn tiếng hát vang, khoe khoang bản thân mình. Bỗng một cơn gió lớn ấp đến, thổi gãy cành cây mà chim khổng tước đang đậu, hất khổng tước rơi bịch xuống mặt đất. Còn chim phượng hoàng vẫn đậu yên ở trên cây ngô đồng, thong thả ngửi mùi hương hoa của cây ngô đồng.

(Theo http://www.phunutoday.vn, ngày 04/12/2016)

Câu chuyện gợi cho anh/chị những suy nghĩ gì?

 

Câu 2: Nghị luận văn học (12,0 điểm)

Nhà thơ Tố Hữu viết: “Thơ là cái đó: sự im lặng giữa các từ. Nếu người ta lắng nghe cái im lặng đó, thì có những tiêng dội rất đa dạng và tinh tế”.

Anh/ Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy phân tích bài Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới – bài 43) của Nguyễn Trãi và Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du để làm sáng tỏ những khoảng im lặng trong thơ.

 

—HẾT—

PHẦN 2

ĐÁP ÁN ĐỀ THI ĐỀ NGHỊ TRẠI HÈ PHƯƠNG NAM

LẦN THỨ V – NĂM 2018

Môn: Ngữ Văn – Khối 10

(Thời gian làm bài 180 phút)

 

Câu 1.

  1. Yêu cầu về kĩ năng

– Đảm bảo yêu cầu của bài văn nghị luận xã hội; vận dụng, kết hợp các thao tác nghị luận phù hợp.

– Bố cục hợp lí, lập luận chặt chẽ, sâu sắc, thuyết phục.

– Diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, trong sáng.

– Không mắc quá nhiều lỗi về từ ngữ, ngữ pháp, chính tả.

  1. Yêu cầu về kiến thức

    Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đáp ứng một số nội dung sau:

  1. Giải thích ý nghĩa câu chuyện

– Phượng hoàng: ẩn dụ cho con người khiêm tốn, không tự mãn nên có được hạnh phúc bền lâu.

– Khổng tước: ẩn dụ cho con người tự cao, kiêu ngạo, thích khoe khoang, không lắng nghe lời khuyên hữu lí của người khác nên phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

– Cây ngô đồng: ẩn dụ cho những người hi sinh thầm lặng.

– Câu chuyện nêu lên bài học về sự khiêm tốn và tự cao của con người trong cuộc sống.    

  1. Bàn luận

* Vì sao khiêm tốn là đức tính tốt đẹp mà con người cần phải hình thành?

– Biểu hiện của tính khiêm tốn: ý thức và đánh giá đúng bản thân, không tự đề cao mình, luôn lắng nghe và sẵn sàng thay đổi trước những lời khuyên đúng đắn, biết trân trọng người khác, đón nhận sự giúp đỡ và chân thành chia sẻ yêu thương,…

– Nguyên nhân cần phải sống khiêm tốn: không ai hoàn hảo, có thể tài giỏi ở tất cả lĩnh vực; bất kì ai cũng đều mang đến bài học bổ ích cho ta; thành công của từng người vừa do yếu tố chủ quan vừa nhờ nhiều người hỗ trợ;…

– Giá trị của đức tính khiêm tốn: giúp hoàn thiện bản thân, ngày càng tiến bộ; xây dựng các mối quan hệ xã hội tốt đẹp; được yêu quý, kính trọng; gặt hái nhiều thành công, hạnh phúc;…

* Vì sao tự cao là một tính xấu mà con người không nên có?

– Biểu hiện của tính tự cao: luôn cho mình giỏi nhất, thích khoe khoang, không chấp nhận sai lầm, coi thường người khác, chỉ nhìn thấy điểm yếu của họ,…

– Nguyên nhân dẫn đến tính tự cao: lối sống vị kỷ, cá nhân; sống khép kín, không hòa đồng, ít trải nghiệm nên thiếu hiểu biết,…

– Tác hại của tính tự cao: không nhận thức đúng giá trị bản thân, hủy hoại các mối quan hệ xã hội, bị mọi người cô lập, làm cho bản thân trở nên lạc hậu, dễ đi đến thất bại,…

* Mở rộng vấn đề

– Nêu gương, ngợi ca những người khiêm tốn và phê phán người tự cao.

– Cần phân biệt khiêm tốn với tự ti, tự cao với ý thức tự khẳng định mình.

  1. Bài học nhận thức và hành động

– Mỗi người cần xác định rõ giá trị của tính khiêm tốn và tác hai to lớn của tính tự cao để rèn luyện, hình thành phẩm chất, cách sống đúng đắn cho bản thân.

– Cuộc sống vốn biến đổi không ngừng và tồn tại nhiều mối quan hệ đa dạng, phong phú. Chỉ khi gắn kết với cộng đồng bằng tình yêu thương, sự sẻ chia, khát khao học hỏi chân thành thì con người mới đánh giá đúng về chính mình và cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

(Lưu ý: Học sinh cần chọn lọc những dẫn chứng tiêu biểu để làm sáng tỏ vấn đề)

  1. Biểu điểm

– Điểm 7 – 8:  Đáp ứng tốt các yêu cầu nêu trên.

– Điểm 5 – 6: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nêu trên; bố cục, diễn đạt khá tốt.

– Điểm 3 – 4: Đáp ứng được một nửa các yêu cầu trên, diễn đạt chưa mạch lạc nhưng có ý.

– Điểm 1 – 2: Hiểu vấn đề còn sơ sài, diễn đạt còn nhiều hạn chế.

– Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề.

 

Câu 2.

  1. Yêu cầu về kĩ năng

– Nắm vững phương pháp làm bài văn nghị luận văn học.

– Bố cục hợp lí, lập luận chặt chẽ, sâu sắc, thuyết phục.

– Diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, trong sáng.

– Không mắc quá nhiều lỗi về từ ngữ, ngữ pháp, chính tả.

  1. Yêu cầu về kiến thức

   Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đáp ứng một số nội dung sau:

  1. Giải thích ý kiến

– Thơ là một thể loại văn học, sử dụng phương thức trữ tình để phản ánh cuộc sống. Thơ chủ yếu thể hiện tình cảm, tâm trạng con người thông qua ngôn ngữ hàm súc, có cấu trúc đặc biệt, giàu hình ảnh, nhịp điệu,…

– Sự im lặng giữa các từ chính là những khoảng lặng sâu lắng của ngôn từ thơ, tạo nên chất thơ giàu thẩm mỹ, phản ánh phần nghĩa hàm ẩn mà nhà thơ chưa nói hết, phần “ý ở ngoài lời”.

– Người đọc phải lắng nghe cái im lặng của thơ nghĩa là phải đóng vai trò đồng sáng tạo để nghe được những tiếng dội của thơ, lĩnh hội được những ý nghĩa sâu sắc, thú vị nằm đằng sau tổ chức ngôn từ nghệ thuật độc đáo.

à Lời nhận định đã nêu lên đặc điểm cốt lõi của thơ ca và đặt ra vấn đề tiếp nhận thơ đối với người đọc.

  1. Lí giải sự im lặng trong thơ ca

– Đối tượng của thơ là cảm xúc con người mà cảm xúc vốn phức tạp, đa dạng, sâu sắc với những biến thái tinh vi, phong phú và lại có những cảm xúc mong manh mơ hồ, lắng sâu. Vì thế từ ngữ cũng không thể biểu hiện trọn vẹn cảm xúc. Do vậy, ngôn từ thơ ca phải tạo nên những khoảng im lặng, mang tiềm năng tạo nghĩa, tái sinh nghĩa vô cùng đa dạng để dung chứa thế giới nội tâm sâu kín.

– Đặc trưng của thơ ca còn là sự hàm súc, cô đọng. “Thơ là ý tại ngôn ngoại”. Ngôn ngữ thơ đòi hỏi sự hàm súc đến tuyệt đối, chỉ những gì bản chất nhất, ý nghĩa nhất mới được thể hiện. Sự xuất hiện của những khoảng lặng ở đây cũng là điều dễ hiểu.

– Tính hình tượng của thơ tác động, khơi gợi mạnh mẽ trí tưởng tượng, liên tưởng của con người. Đến với thơ, trí tưởng tượng của con người được phát huy đến vô hạn nhờ vào chất liệu ngôn từ nghệ thuật ấn tượng. Tự bản thân thơ ca đã có đặc tính về những khoảng im lặng. Đặc tính ấy do những đặc trưng của chất liệu ngôn từ thơ ca mang lại.

– Chính những khoảng im lặng trong thơ đã góp phần diễn đạt những ‎nội dung, ý nghĩa sâu xa; gây ấn tượng mạnh trong lòng người đọc; làm nên sự hấp dẫn, thu hút của thơ ca;…

  1. Phân tích, chứng minh

* Những khoảng im lặng trong bài Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới, bài 43) của Nguyễn Trãi

– Về nghệ thuật, bài thơ sử dụng ngôn ngữ giản dị kết hợp từ ngữ cổ, từ Hán Việt, các điển cố; dùng từ láy độc đáo; phối hợp bút pháp hội họa, âm nhạc, thi ca; Việt hóa thơ Đường luật (thơ thất ngôn xen lục ngôn, ngắt nhịp sáng tạo,..); hình ảnh, ngôn ngữ thơ hàm súc, gợi ý nghĩa sâu sa.

– Bằng những yếu tố nghệ thuật ấy, bài thơ có nhiều khoảng lặng, gửi gắm nội dung, tình cảm sâu xa:

+ Khắc họa bức tranh ngày hè sinh động, giàu sức sống.

+ Gửi gắm những tâm tư, mong ước về một cuộc sống thanh bình, no ấm, yên vui cho người dân và nỗi niềm uẩn khúc của bản thân.

à Phản ánh tình yêu thiên nhiên tha thiết và lòng yêu nước thương dân, tư tưởng nhân nghĩa sâu sắc của tác giả.

* Những khoảng im lặng trong bài Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du

– Về nghệ thuật, bài thơ sử dụng ngôn ngữ thơ tinh tế, hàm súc nhiều từ ngữ đa nghĩa mang tính biểu tượng; các phương tiện, biện pháp tu từ nổi bật (từ láy, câu hỏi tu từ,…);…

– Những khoảng im lặng của bài thơ là những tiếng khóc thương, đau xót, lòng thương cảm của tác giả đối với cuộc đời và con người.

+ Thương cảm cuộc đời đổi thay nghiệt ngã.

+ Đau đớn cho nàng Tiểu Thanh tài sắc mà bị vùi dập.

+ Khóc thương cho số phận bất hạnh, cô đơn của chính mình; tỏ bày tâm sự thầm kín trước cuộc đời.

+ Xót xa cho những kiếp người tài hoa bạc mệnh.

à Thể hiện giá trị nhân đạo cao cả, sâu sắc.

  1. Đánh giá

– Đây là lời nhận xét tinh tế, đúng đắn về bản chất thơ ca của Tố Hữu – một nhà thơ nổi tiếng, cánh chim đầu đàn của thơ ca Cách mạng Việt Nam, có nhiều trải nghiệm trên hành trình sáng tạo nghệ thuật.

– Qua hai tác phẩm trên, người đọc không chỉ nhận thấy tài năng nghệ thuật mà còn hiểu rõ hơn về những khoảng lặng trong thơ của hai tác giả tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam. Đó không chỉ là vẻ đẹp tâm hồn phong phú mà còn là những tư tưởng cao cả mang tầm vóc thời đại và dân tộc.

– Tố Hữu đã mang đến những kinh nghiệm, lời chỉ dẫn cho người sáng tác phải tạo ra được những khoảng lặng trong thơ; giúp người đọc tiếp nhận, khám phá, thẩm bình giá trị thơ ca.

 

  1. Biểu điểm

– Điểm 10 – 12:  Đáp ứng tốt các yêu cầu nêu trên.

– Điểm 7 – 9: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nêu trên; bố cục, diễn đạt khá tốt.

– Điểm 4 – 6: Đáp ứng được một nửa các yêu cầu trên, diễn đạt chưa mạch lạc nhưng có ý.

– Điểm 1 – 3: Hiểu vấn đề còn sơ sài, diễn đạt còn nhiều hạn chế.

– Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *