Đề thi chọn đội tuyển HSG Văn lớp 10 : Thơ là ảnh, là nhân ảnh, thơ cũng ở loại cụ thể, hữu hình

Đề thi khối 10

  TRƯỜNG THPT CHUYÊN                    KỲ THI HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN

LÊ QUÝ ĐÔN – BÌNH ĐỊNH                    KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

          ——–oOo——–                                          LẦN THỨ XI, NĂM HỌC 2017-2018

 

          ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN 10

                    Thời gian 180 phút không kể thời gian giao đề

 

CÂU 1 (8.0 điểm)

Câu chuyện thứ 1: Trong cuốn sách Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương, Ngô Thị Giáng Uyên có kể rằng khi cô đi xin việc làm ở Công ty Unilever, nhà tuyển dụng hỏi: “Nếu tuyển vào không làm marketing mà làm sales thì có đồng ý không?” Uyên nói: “Có”. Nhà tuyển dụng rất ngạc nhiên bởi hầu hết những người được hỏi câu này đều nói không. Ông ta hỏi tiếp: “Tại sao phỏng vấn marketing mà lại làm sales?” Uyên trả lời: “Tại vì tôi biết nếu làm sales một thời gian thì bộ phận marketing cũng sẽ muốn đưa tôi qua đó, nhưng đã quá muộn vì sales không đồng ý cho tôi đi.”

Câu chuyện thứ 2:   Diễn viên Trần Hiểu Húc đến xin thử vai Lâm Đại Ngọc trong bộ phim Hồng Lâu mộng, đạo diễn Vương Phù Lâm đã đề nghị cô đóng vai khác. Hiểu Húc lắc đầu: “Tôi chính là Lâm Đại Ngọc, nếu ông để tôi đóng vai khác, khán giả sẽ nói rằng Lâm Đại Ngọc đang đóng một vai khác”.

Suy nghĩ của anh/chị từ 2 câu chuyện trên.

CÂU 2 (12,0 điểm):

“Thơ là ảnh, là nhân ảnh, thơ cũng ở loại cụ thể, hữu hình. Nhưng nó khác với cái cụ thể của văn. Cũng mọc lên từ cái đống tài liệu thực tế, nhưng từ một cái hữu hình nó thức dậy được những cái  vô hình bao la, từ một cái điểm nhất định mà nó mở được ra một cái diện không gian, thời gian trong đó nhịp mãi lên một tấm lòng sứ điệp”

(Nguyễn Tuân – Tuyển tập Nguyễn Tuân, Tập II. NXB Văn học, Hà Nội, 1982)

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào ? Phân tích một số câu hoặc bài thơ trong chương trình Ngữ văn 10 hiện hành để làm sáng tỏ ý kiến trên.

———————— Hết ————————–

  TRƯỜNG THPT CHUYÊN                    KỲ THI HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN

LÊ QUÝ ĐÔN – BÌNH ĐỊNH                    KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

          ——–oOo——–                                          LẦN THỨ XI, NĂM HỌC 2017-2018

 

ĐÁP ÁN MÔN NGỮ VĂN 10

 

CÂU 1 (8,0 điểm)

Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết một bài nghị luận xã hội có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu cụ thể:

a) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (1,0 điểm): Câu chuyện của Ngô Thị Giáng Uyên và Trần Hiểu Húc toát lên vấn đề: Niềm tin vào năng lực của bản thân trong công việc mà mình sẽ làm.

b) Triển khai vấn đề nghị luận (5,0 điểm): Thí sinh có thể triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách khác nhau miễn là bài viết có sức thuyết phục. Sau đây là một số gợi ý:

– Tin vào năng lực của bản thân trước một công việc mà mình sẽ làm là một phẩm chất, một yêu cầu cần có để đi đến thành công. Trước công việc đang hoặc sẽ làm mà ta thiếu niềm tin vào năng lực thực hiện của mình thì nguy cơ thất bại là điều khó tránh khỏi.

– Người tự tin, tin vào năng lực bản thân là người ý thức rất rõ giá trị của mình, có trình độ chuyên môn, có bản lĩnh, có cá tính, không lệ thuộc người khác và ít nhiều có sự trải nghiệm.

– Tin vào năng lực bản thân trong công việc là cần thiết nhưng tin một cách thái quá đến mức tự kiêu, tự phụ, ảo  tưởng về mình hoặc là không có niềm tin vào bản thân đều là những biểu hiện không nên có

– Cần làm gì để có được niềm tin vào năng lực bản thân ? Niềm tin vào năng lực bản thân có ý nghĩa như thế nào đối với thanh niên trong thời đại hội nhập hôm nay ?

c) Sáng tạo (1,0 điểm): Bài viết thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật, có cái nhìn thực tế và có cách lí giải thuyết phục. Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (trong viết câu, dùng từ ngữ, hình ảnh và cácyếu tố biểu cảm,…)

d) Chính tả, dùng từ, đặt câu, trình bày, chữ viết (1,0 điểm):

– Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm);

– Trình bày, chữ viết đẹp (0,5 điểm)

CÂU 2 (12,0 điểm)

Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết một bài nghị luận văn học có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu cụ thể:

a) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (1,0): Quan niệm thơ của Nguyễn Tuân: Thơ phải có hình ảnh. Hình ảnh trong thơ cũng có cơ sở từ hiện thực đời sống như văn xuôi. Nhưng khác với văn xuôi, hình ảnh trong thơ phải khả năng khơi gợi, mở rộng chiều liên tưởng, khả năng tạo nên những dư ba trong lòng người đọc.

b) Triển khai vấn đề nghị luận (8,0 điểm): Thí sinh có thể triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách khác nhau miễn là bài viết có sức thuyết phục. Sau đây là một số gợi ý:

Nguyễn Tuân đã đưa ra một định nghĩa về thơ theo cảm nhận của riêng ông. Thơ là hình ảnh con người và cuộc sống và những hình ảnh trong thơ cũng hiện lên một cách cụ thể, sinh động.

–  Thơ và văn xuôi đều lấy chất liệu từ đời sống. Thế giới hình ảnh, hình tượng trong thơ đều “mọc lên từ cái đống tài liệu thực tế”, nhưng thơ không sa vào miêu tả chi tiết tỉ mỉ như văn xuôi. Từ cái đống tài liệu thực tế ấy, nhà thơ chỉ chọn lựa chi tiết nào, hình ảnh nào thật ấn tượng, có sức biểu đạt lớn để đưa vào câu thơ. Bức tranh đời sống, thế giới tâm hồn được thể hiện trong thơ qua những hình ảnh, chi tiết thật gợi tả và thấm đẫm cảm xúc.

–  Những chi tiết, hình ảnh của đời sống – cái hữu hình – được chắc lọc trong thơ phải có khả năng làm “thức dậy cái vô hình bao la, từ một cái điểm nhất định mà nó mở được ra một cái diện không gian, thời gian trong đó nhịp mãi lên một tấm lòng sứ điệp”. Đó là khả năng khơi gợi, khả năng mở ra nhiều chiều liên tưởng, tạo nên những dư ba trong lòng người đọc.

– Phân tích minh họa bằng một số câu thơ, bài thơ trong chương trình Ngữ văn 10

–  Đánh giá chung:

+ Quan niệm về thơ của Nguyễn Tuân bộc lộ một cái nhìn tài hoa, sắc sảo

+ Quan niệm đó định hướng cho chúng ta trong tiếp nhận, đánh giá thơ.

c) Sáng tạo (2,0 điểm): Bài viết cho thấy người làm bài nắm chắc đặc trưng thơ, có nhiều dẫn chứng hay, thể hiện năng lực cảm thụ thơ tinh tế, sâu sắc. Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (trong viết câu, dùng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…)

d) Chính tả, dùng từ, đặt câu, trình bày, chữ viết (1,0 điểm):

– Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm);

– Trình bày, chữ viết đẹp (0,5 điểm)

———————– Hết ————————

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *