Đề thi chọn đội tuyển HSG văn 10 :Thơ ra đời cốt để nói những điều tinh vi nhất, sâu kín nhất, mong manh nhất, mơ hồ nhất của tâm hồn con người

Đề thi khối 10
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC

TRƯỜNG THPT CHUYÊN VĨNH PHÚC

ĐỀ ĐỀ XUẤT THI DH&ĐBBB LẦN XI

KHỐI 10- MÔN NGỮ VĂN

NĂM HỌC 2017 – 2018

(Đề thi gồm 01 trang) (Thời gian làm bài:180 phút, không kể thời gian phát đề)

 

Câu 1:  (8,0 điểm)

Chuyện nàng Violet

            Trong vườn nọ, có một bông hoa Viiolet xinh xắn, luôn tỏa ngát hương thơm. Nàng sống hạnh phúc cùng với những người bạn láng giềng.

Một ngày nọ, ngắm nhìn chị Hoa Hồng kiêu sa với sắc đẹp rực rỡ làm sáng cả khu vườn, nàng Violet chợt nhận thấy mình thật nhỏ bé. Nàng than thở: “So với chị Hoa Hồng may mắn kia, mình chẳng là gì cả. Giá như mình được làm Hoa Hồng một lần trong đời nhỉ, một lần thôi để không phải nằm sát mặt đất thế này, mình cũng mãn nguyện lắm rồi”.

Có một bà tiên tình cờ biết được sự tình bèn hỏi bông hoa bé nhỏ:

– Chuyện gì xảy ra với con vậy?

Nàng Violet cất giọng tha thiết:

– Con biết bà luôn nhân từ và đầy lòng yêu thương. Con cầu xin bà hãy biến con thành Hoa Hồng!

Bà tiên chăm chú nhìn bông hoa:

– Con có biết đang đòi hỏi điều gì không? Một ngày nào đó con sẽ hối hận đấy!

Nhưng Violet vẫn một mực nài nỉ. Động lòng trước khao khát của nàng, cuối cùng bà tiên đồng ý. Bà chạm ngón tay thần kì của mình vào thân Violet và ngay lập tức Violet biến thành một cây hoa hồng xinh tươi, kiêu hãnh, vươn cao với những bông hoa đỏ rực trên cành.

Một hôm, Giông Bão đi qua khu vườn, giật gãy các nhánh cây, làm bật gốc cả những cây cao to. Cả khu vườn bị vùi dập tơi tả trong gió bão, trừ những loài hoa nhỏ bé nằm sát mặt đất như Violet.

Bão tan, bầu trời lại trong xanh. Các nàng Violet vẫy cành hoa tím, vui đùa bên nhau. Một nàng nhìn Hoa Hồng – là Violet ngày nào – thương xót:

– Các bạn nhìn kìa, cô ấy đang phải trả giá cho mong muốn nhất thời của mình đấy! […]

(Trích “Những câu chuyện hay và ý nghĩa về cuộc sống” – CongsonArena)

Anh/chị suy nghĩ như thế nào về sự lựa chọn của bông hoa Violet?

Câu 2: (12,0 điểm)

“Thơ ra đời cốt để nói những điều tinh vi nhất, sâu kín nhất, mong manh nhất, mơ hồ nhất của tâm hồn con người” (Nguyễn Đăng Mạnh).

Anh/chị hiểu như thế nào về nhận định trên? Hãy phân tích một vài bài thơ trong chương trình Ngữ văn 10 nâng cao để làm sáng tỏ.

——–Hết——–

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

 

 

Họ và tên thí sinh:……………………………………. Số báo danh:…………………………………

 

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

(04 trang)

 

YÊU CẦU CHUNG

– Giám khảo cần nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.

– Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho điểm tối đa.

– Điểm bài thi làm tròn đến 0,25 điểm.

YÊU CẦU CỤ THỂ

Câu 1 (8,0 điểm)

  1. Về kĩ năng:

– Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, vận dụng tốt các thao tác lập luận, dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.

– Bài viết trong sáng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

  1. Về kiến thức:

– Học sinh có thể  bày tỏ những suy nghĩ khác nhau, nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

Ý Nội dung Điểm
I  Giải thích (1,5 điểm)
* Phân tích câu chuyện:

– Bông hoa Violet đã ao ước được làm Hoa Hồng một lần trong đời, kiêu hãnh, rực rỡ để không phải nằm sát mặt đất, sống nhỏ bé, âm thầm.

– Đây là sự lựa chọn dũng cảm vì Violet đã chấp nhận đánh đổi cuộc sống yên ổn hiện tại để có những khoảnh khắc tỏa sáng rực rỡ, sống với mơ ước, khát vọng mãnh liệt nhất của bản thân, cho dù chấp nhận phải trả giá.

* Nội dung, ý nghĩa của câu chuyện:

Câu chuyện nhắn nhủ tới chúng ta một thông điệp sâu sắc về cách sống: Hãy sống thật cháy sáng, thật mãnh liệt với tất cả mơ ước, khát vọng của mình.

 

0,5

 

0,5

 

 

 

0,5

II Bàn luận (2,5 điểm)
– Cần phải hướng đến một cuộc đời tỏa sáng. Bởi lẽ cuộc sống rất đáng quý, mỗi con người chỉ được sống một lần trong cuộc đời này, do vậy phải biết sống sao cho có ý nghĩa nhất. Nhà văn N. Ôxtơrôpxki cũng đã viết: “Cái quý nhất của con người ta là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình và để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: “Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời: sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người” (Thép đã tôi thế đấy).

– Khi dám vượt ra khỏi cuộc sống tẻ nhạt, tầm thường để theo đuổi đam mê, khát vọng của bản thân, mỗi con người sẽ có được những trải nghiệm thú vị, sẽ thấy cuộc đời mình phong phú đáng sống, sẽ cảm thấy mỗi giây phút mà mình sống thật có ý nghĩa và thật quý giá. Từ đó chúng ta có thể đóng góp thật nhiều cho cuộc đời..

– Sống đẹp, sống có ý nghĩa, sống cháy sáng thì dù chỉ sống trong một thời gian ngắn còn đáng quý hơn ngàn lần cuộc sống “buồn le lói suốt trăm năm”.

1,0

 

 

 

 

 

 

 

 

1,0

 

 

 

 

0,5

III Mở rộng, nâng cao (2,0 điểm)
– Tuy nhiên, con người cũng cần phải tỉnh táo trước những sự lựa chọn của mình trong cuộc đời. Sống một cuộc đời tỏa sáng thật có ý nghĩa nhưng không thể vì thế mà sẵn sàng đánh đổi cả phần đời còn lại cho những lựa chọn nhất thời, thiếu suy xét. Đời người có lúc thăng hoa, có lúc trầm lắng và cũng khó tránh khỏi những lúc “le lói” buồn đau. Cũng có nhiều người sống âm thầm nhưng có ích cho xã hội. Cái đáng trân trọng chính là khát vọng được cháy hết mình, được tận hiến cho đời…

– Lựa chọn sống tỏa sáng đòi hỏi mỗi con người phải không ngừng rèn luyện, sáng tạo, nung nấu ý chí, hoài bão, nhiệt huyết và lòng dũng cảm.

– Không chấp nhận lối sống nhàn nhạt “lờ mờ, lẹt đẹt, luộm thuộm” (chữ của Nguyễn Tuân) vô nghĩa trong suốt đời người, chính là thái độ sống đẹp của con người có khát vọng lớn lao.

– Phê phán lối sống gấp, vị kỉ hưởng lạc chỉ biết ngày nay mà không biết ngày mai…

0,5

 

 

 

 

 

 

0,5

 

0,5

 

 

0,5

Câu 2 (12,0 điểm)     

YÊU CẦU CHUNG

  1. Hiểu đúng và trúng bản chất đề: Đặc trưng và nhiệm vụ có tính đặc thù của thơ ca: Thơ khám phá, diễn tả, thể hiện tất cả những gì phức tạp, phong phú, bí ẩn và xũng rất kỳ diệu của thế giới tâm hồn con người.
  2. Vận dụng hợp lý các loại kiến thức về LLVH (Đặc trưng văn học; tác phẩm trữ tình; chức năng văn học;… ); lựa chọn được những các bài thơ trong chương trình Ngữ văn 10 để làm sáng tỏ.
  3. YÊU CẦU CỤ THỂ

Học sinh có thể diễn đạt, trình bày theo những cách khác nhau, song cần thể hiện được những nội dung chính sau.

1.Giải thích:

– Cách nói: “thơ ra đời cốt” nhằm nhấn mạnh, coi trọng nhiệm vụ trước tiên, sứ mệnh riêng của thơ ca. Thơ ca không chỉ phản ánh hiện thực cuộc sống bề ngoài như tác phẩm kịch, tự sự mà còn hướng vào khám phá, diễn tả tất cả những cung bậc, sắc thái phức tạp, bí ẩn mà cũng rất kỳ diệu của thế giới tâm hồn con người.

– Cụm từ: “những điều tinh vi nhất, sâu kín nhất, mong manh nhất, mơ hồ nhất của tâm hồn con người” đóng vai trò xác định cụ thể  sứ mệnh riêng, đặc thù đó của thơ ca. Tâm hồn con người là “một vũ trụ chứa đầy bí mật”, có những cung bặc, sắc thái tình cảm, tâm hồn dễ dàng nắm bắt, diễn tả và cũng có những cung bặc, sắc thái tâm sự, nỗi niềm có thực nhưng lai vô cùng tinh vi, sâu kín, mong manh, mơ hồ, rất khó nắm bắt cũng như diễn tả.Thơ ra đời là để khám phá hiện thực tâm hồn bí ẩn đó.

=> Như thế, nhận định đã đề cập đến đặc  trưng, nhiệm vụ có tính đặc thù, riêng có của thơ ca.

2. Bàn luận

– Sở dĩ vậy  bởi xuất phát từ đặc trưng văn học: Văn học phản ánh hiện thực đời sống con người nhưng đối tượng phản ánh đặc thù của văn học lại là con người trong những mối quan hệ xã hội phức tạp, đa dạng, văn học chú trọng khám phá hiện thực số phận con người và đào sâu thế giới nội tâm phong phú, bí ẩn của con người, thế giới nội tâm ấy gồm những sắc thái tâm lý phức tạp, những biến thái tâm hồn tinh vi, tinh tế.

– Đặc trưng, nhiệm vụ ấy của thơ còn có nguyên do từ đặc trưng của thơ với tư cách tác phẩm trữ tình: mọi hiện thực đời sống hay tâm hồn con người được phản ánh trong thơ qua rung động, cảm xúc mãnh liệt của người viết được biểu hiện bằng hệ thống nghệ thuật riêng: ngôn từ, hình ảnh, thanh, vần, nhịp, giọng,…

– Người làm thơ là người có phẩm chất, tố chất riêng: đó là trái tim đa cảm, nhạy cảm, tâm hồn tinh tế giúp  “lắng nghe và thấu hiểu” mọi rung động tinh vi, tinh tế, mong manh nhất của thế giới tâm hồn con người, tạo vật; có trí tưởng tượng bay bổng, có kho từ vựng dồi dào,…để diễn tả chân xác, tài tình mọi trạng thái tình cảm, tâm hồn con người.

 

 

 

 

 

 

 

3,0 điểm

3. Chứng minh

– Học sinh cần bao quát dẫn chứng trong phạm vi từ thơ ca dân gian đến thơ ca của nền văn học viết, thơ ca dân tộc và thơ ca nước ngoài nhưng vẫn đảm bảo trọng tâm.

– Học sinh chọn được những câu thơ thể hiện khả năng khám phá, diễn tả những điều tinh tế nhất, sâu kín nhất, mong manh nhất, mơ hồ nhất trên các pương diện: Rung động trước tạo vật; rung động tâm hồn trong tình yêu,;xúc cảm tinh nhạy với những biến động cuộc đời,… (chiều sâu nỗi buồn, niềm vui, khổ đau, hạnh phúc, nhớ thương,…)

– Trong mỗi dẫn chứng cần làm rõ: Người viết đã khám phá, diễn tả được những sắc thái tâm hồn, tình cảm nào và biểu đạt nó bằng những phương tiện nghệ thuật độc đáo nào?

 

 

 

5,0 điểm

4. Nâng cao

Chỉ ra đặc trưng, nhiệm vụ riêng của thơ ca, GS. Nguyễn Đăng Mạnh đồng thời đã xác định đúng lý do, cắt nghĩa thuyết phục sự tồn tại của thơ trong đời sống tinh thần nhân loại.

Nhờ những vần thơ, trang thơ như thế, thơ ca và nhà thơ đã góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn con người, làm cho thế giới nội tâm con người trở nên phong phú, giàu có, nhạy cảm hơn, tinh tế hơn.

Cần thấy, khi nói “Thơ ra đời cốt để nói những điều tinh vi nhất, sâu kín nhất, mong manh nhất, mơ hồ nhất của tâm hồn con người” là đã chạm đến chiều sâu cần thiết của hiện thực đời sống, hướng đến đích cuối cùng của mọi tác phẩm nghệ thuật chân chính.

Phê phán quan niệm quá coi trọng yêu cầu, nhiệm vụ phản ánh hiện thực bề ngoài của thơ, biến thơ thành công cụ minh họa cho đường lối, chính sách một thời “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa”.

+ “ nói những điều tinh vi nhất, sâu kín nhất, mong manh nhất, mơ hồ nhất của tâm hồn con người”  không chỉ đặt ra yêu cầu: người làm thơ phải luôn “mở hồn ra mà đón lấy tất cả những vang động của đời” trong đó có âm vang của hồn người , có khả năng sống sâu với đời, với người mà còn đòi hỏi nhà  thơ phải  biết lựa chọn những yếu tố hình thức, phương tiện nghệ thuật phù hợp, đắc địa, độc đáo để thể hiện.

+ Người đọc thơ, muốn tiếp nhận cái hay, vẻ đẹp riêng của thơ ca, phải có tâm hồn nhay cảm, trái tim đa cảm “hứng thú, đắm say”.

 

 

 

 

 

 

 

 

3,0 điểm

Đảm bảo yêu cầu về trình bày, bố cục: Bố cục rõ; trình bày  mạch lạc; diễn đạt gãy gọn, trong sáng; có câu, ý hay, sáng tạo. 1,0 điểm

————- HẾT ————-

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *