Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 10 năm 2019 – Chuyên Hưng Yên

Đề thi khối 10
SỞ GD & ĐT HƯNG YÊN

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HƯNG YÊN

ĐỀ ĐỀ XUẤT

 

 

 

KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

KHU VỰC DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

LẦN THỨ XII

MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 10

Thời gian làm bài: 180 phút (Không kể thời gian giao đề)

 

Câu 1 (8,0 điểm):

Hãy trình bày suy nghĩ về thông điệp nhân sinh mà anh/chị thấy tâm đắc nhất từ câu chuyện dưới đây:

CHIẾC RÌU CỦA NGƯỜI TIỀU PHU

       Trên núi có một tiều phu đốn củi kiếm sống, phải khó khăn lắm anh mới dựng được ngôi nhà gỗ nhỏ để có thể che gió che mưa. Một ngày, anh mang củi đã đốn được đi vào trong thành đổi lấy hàng hóa, mãi tới xế chiều mới về đến nhà, thì phát hiện nhà của mình đang bị cháy. Hàng xóm đều chạy đến giúp anh ta dập lửa, nhưng vì trời đã chạng vạng tối mà gió lại thổi rất mạnh, nên không thể dập cháy được. Mọi người đều hết cách, chỉ biết đứng một bên nhìn ngọn lửa thiêu đốt căn nhà gỗ. Khi lửa đã tắt, anh tiều phu tay cầm một cây gậy, đi vào căn nhà đã cháy rụi không ngừng lục bới tìm kiếm. Người đứng ngoài xem đều cho rằng anh ta đang tìm bảo vật gì đó, nên đều rất tò mò đứng quan sát. Sau nửa ngày, tiều phu cuối cùng cũng hưng phấn hô lên: “Tôi tìm thấy rồi, tôi tìm thấy rồi!”. Những người hàng xóm nghe thấy thế đều nhao nhao nhìn xem rốt cuộc đó là cái gì, nhưng chỉ thấy tay anh ta đang cầm cái rìu sắt. Tiều phu nói“Chỉ cần có cái rìu này, tôi có thể làm một ngôi nhà mới kiên cố vững chắc hơn”. 

(Theo http://langnhincuocsong.com)

Câu 2 (12,0 điểm):

Có ý kiến cho rằng: Trong thế giới khắc nghiệt của nghệ thuật ngôn từ, chỉ khi là nhà văn chân chính, người nghệ sĩ mới không có tên ở nghĩa địa văn chương.

Anh/chị hãy bình luận ý kiến trên và làm sáng tỏ qua bài thơ Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới, bài 43 Nguyễn Trãi) và đoạn trích Nỗi thương mình (Truyện Kiều – Nguyễn Du).

——– HẾT ——–

SỞ GD & ĐT HƯNG YÊN

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HƯNG YÊN

ĐỀ ĐỀ XUẤT

 

 

 

KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

KHU VỰC DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

LẦN THỨ XII

MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 10

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

 

Lưu ý chung: Những bài làm có ý tưởng và cách diễn đạt khác với đáp án mà phù hợp, thuyết phục thì vẫn chấp nhận; khuyến khích những bài viết thể hiện vốn tri thức sâu rộng, luận giải sắc sảo, diễn đạt sáng tạo. Nếu thí sinh mắc các lỗi về chính tả, diễn đạt, kiến thức thì giám khảo căn cứ vào thực tế để trừ điểm.

Câu 1 (8,0 điểm):

  1. Yêu cầu về kĩ năng: Làm tốt kiểu bài nghị luận về tư tưởng đạo lí được gửi vào một câu chuyện; thực hiện nhuần nhuyễn các thao tác giải thích, phân tích, bình luận, chứng minh…; bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ; kết hợp hài hòa giữa lí lẽ và dẫn chứng; diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
  2. Yêu cầu về kiến thức và cách cho điểm:

Thí sinh có thể có nhiều cách trình bày nhưng bài viết cần đảm bảo những ý cơ bản sau:

Ý cần đạt Điểm
* Dẫn dắt, giới thiệu về mẩu chuyện và nêu khái quát vấn đề cần nghị luận 0,5 điểm
* Phân tích ngắn gọn nội dung câu chuyện, rút ra thông điệp:

– Trong hoàn cảnh khó khăn, bất trắc, con người cần giữ vững tinh thần lạc quan, niềm tin hướng về tương lai.

1,0 điểm
* Giải thích khái niệm:

– Lạc quan là cái nhìn vui vẻ, an nhiên; hướng về những điều tốt đẹp, tươi sáng trong tương lai cho dù hiện tại có gặp hoàn cảnh éo le, ngang trái.

0,5 điểm
* Bàn luận, chứng minh:

– Tại sao con người cần có tinh thần lạc quan trong nghịch cảnh?

+ Cuộc sống không phải lúc nào cũng như người ta mong muốn và dự liệu, có những rủi ro, bất trắc, hiểm họa ập đến mà con người không thể lường trước. Tuy nhiên, “ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy” (Nguyễn Khải). Trong ngôi nhà cuộc sống, cánh cửa này khép lại thì cánh cửa khác lại mở ra.

+ Sự lạc quan sẽ cho con người nguồn sức mạnh tinh thần, giúp chúng ta bình tĩnh, vững vàng, sáng suốt, từ đó có thể tìm ra phương thức, phương tiện để vượt qua nghịch cảnh, vươn tới thành công. Tinh thần lạc quan, đức tính kiên trì, sự nỗ lực không mệt mỏi sẽ giúp ta chiến thắng mọi gian khó trong đời.

+ Trong hoàn cảnh éo le, nếu bi quan thì người ta dễ hoang mang, suy sụp, thậm chí tuyệt vọng, buông xuôi trước khó khăn, thử thách. Con người vì thế sẽ không thể thành công.

– Chứng minh: Thí sinh lấy được dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề trong quá trình bàn luận.

– Câu chuyện ngắn gọn nhưng ẩn chứa triết lí đúng đắn, sâu sắc về cuộc đời, gửi tới người đọc bài học có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.

 

2,0 điểm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2,0 điểm

 

 

0,5 điểm

* Mở rộng:

      – Phê phán những người dễ chán nản, bi quan, đầu hàng trước khó khăn, thử thách.

– Cần tránh sự “lạc quan tếu”, lạc quan phải đi kèm với nỗ lực hành động để hóa giải khó khăn. Mặt khác, tự lực vượt qua nghịch cảnh nhưng không nên “đơn thương độc mã” mà cần tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng.

1,0 điểm
* Bài học nhận thức và hành động:

– Luôn chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thử thách. Coi khó khăn, thử thách là điều bình thường trong cuộc sống.

– Chủ động, tích cực tìm giải pháp chinh phục khó khăn; mài sắc những kĩ năng sống cần thiết để có thể ứng phó với những bất trắc trong cuộc đời.

0,5 điểm

  

Câu 2 (12,0 điểm):

  1. Yêu cầu về kĩ năng: Làm tốt kiểu bài nghị luận văn học; thực hiện nhuần nhuyễn các thao tác giải thích, bình luận, phân tích, chứng minh,…; bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ; kết hợp hài hòa giữa lí lẽ và dẫn chứng; diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
  2. Yêu cầu về kiến thức và cách cho điểm:

– Thí sinh có kiến thức về đặc trưng của văn học; phẩm chất của nhà văn, nhà văn và quá trình sáng tác; tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Bài viết có thể được trình bày theo những cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những ý cơ bản sau đây:

Ý cần đạt Điểm
* Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề cần nghị luận, trích dẫn ý kiến 0,5 điểm
* Giải thích ý kiến:

Nghệ thuật ngôn từ: văn học là một loại hình nghệ thuật lấy ngôn từ làm chất liệu để xây dựng hình tượng, phản ánh đời sống, gửi gắm tâm tư, tình cảm của chủ thể sáng tác.

Thế giới khắc nghiệt của nghệ thuật ngôn từ: văn chương là một cõi riêng với những đòi hỏi khắt khe dành cho người nghệ sĩ, với quy luật đào thải không thương tiếc những nhà văn, những tác phẩm không có đủ phẩm chất.

 Nhà văn chân chính: người nghệ sĩ đích thực với sự hội tụ cả cái tâm và cái tài. Cái tâm là tâm hồn trong sáng với những tình cảm cao đẹp, đặc biệt là tình cảm yêu thương con người; cái tài là tài năng sử dụng các yếu tố nghệ thuật, năng lực sáng tạo, sản sinh ra cái mới, cái độc đáo.

– Không có tên ở nghĩa địa văn chương: tên tuổi của nhà văn sống mãi, không bị vùi lấp, lãng quên theo dòng chảy thời gian.

=> Bằng cách diễn đạt giàu hình ảnh, tác giả của ý kiến muốn khẳng định: Chỉ khi là nhà văn chân chính với sự kết hợp của cái tâm, cái tài thì người nghệ sĩ mới thoát được quy luật đào thải khắt khe của văn chương.

2,0 điểm
* Bàn luận về ý kiến:

– Tại sao không muốn có tên trong nghĩa địa văn chương thì nhà văn phải có tâm:

+ Người cậy ở tâm, cây nương ở rễ (Ngạn ngữ Trung Hoa), cái tâm của nhà văn tạo nên nội dung tư tưởng giàu tính nhân văn cho tác phẩm, tạo nên những trang viết chan chứa tình đời, tình người, từ đó làm rung động trái tim người đọc nhiều thế hệ. Tác phẩm và tên tuổi nhà văn vì thế sẽ được lưu giữ lâu bền trong “viện bảo tàng” đặc biệt là tâm hồn độc giả.

+ Nhà văn không có tâm, tác phẩm trống rỗng hoặc lệch lạc về nội dung tư tưởng, thiếu hơi thở nhân văn; dù có tinh vi đến đâu về nghệ thuật thì cũng chỉ là những xác chữ được trang điểm, khó mà làm rung động người đọc, tên tuổi nhà văn sẽ yểu tử.

– Tại sao không muốn có tên trong nghĩa địa văn chương thì nhà văn phải có tài:

+ Những sáng tạo nghệ thuật chân chính tuyệt nhiên không phải là sự minh họa giản đơn cho tư tưởng này hoặc tư tưởng khác, cho dù đó là tư tưởng rất hay (Khrapchenko). Văn học là một loại hình nghệ thuật nên nhất định nó không thể thiếu tính nghệ thuật. Nhà văn phải có tài thì mới tạo nên được phẩm chất thẩm mĩ của tác phẩm, đáp ứng nhu cầu thưởng thức cái đẹp của độc giả.

+ Nhà văn phải có tài để sáng tạo, bản chất và yêu cầu của văn chương chân chính là phải sáng tạo, người nghệ sĩ chân chính không được lặp lại người khác và lặp lại chính mình. Không có tài để sản sinh ra những hình thức nghệ thuật mới lạ, độc đáo thì nhà văn sẽ bị khai tử trên hành trình văn học.

– Đây là ý kiến xác đáng, có tính chân lí đối với mọi nền văn học, nêu lên quy luật phổ quát của văn chương muôn đời.

 

1,5 điểm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1,5 điểm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0,5 điểm

*Chứng minh ý kiến qua bài thơ Cảnh ngày hè, đoạn trích Nỗi thương mình:

 Sở dĩ tên tuổi Nguyễn Trãi, Nguyễn Du tránh được sự truy sát của thời gian bởi các ông là các nhà văn, nhà thơ chân chính, có tâm sáng, tài cao.

– Tâm và tài của Nguyễn Trãi trong Cảnh ngày hè:

+ Tâm: Yêu thiên nhiên, cuộc sống, yêu thương nhân dân.

+ Tài: Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên (thiên nhiên được miêu tả sống động, có hồn qua nhiều giác quan). Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ (ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhạc tính; vừa trang nhã, uyên bác vừa mộc mạc, đậm chất bình dân). Sự sáng tạo, cách tân thể loại (câu thơ lục ngôn xen vào bài thất ngôn bát cú, cách ngắt nhịp mới lạ 3/4 ở cặp câu Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ – Hồng liên trì đã tiễn mùi hương thay vì 4/3 như thường thấy trong thơ Đường luật)…

– Tâm và tài của Nguyễn Du trong Nỗi thương mình:

+ Tâm: Xót xa, thương cảm với nỗi đau khổ của nàng Kiều khi ở lầu xanh, thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc, tiến bộ dành cho một kĩ nữ.

+ Tài: Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật ở trình độ bậc thầy với việc khai thác độc thoại nội tâm, sử dụng hình thức lời nửa trực tiếp; nghệ thuật điều khiển ngôn ngữ điêu luyện, sáng tạo (tách xen từ ngữ dày gió dạn sương, bướm chán ong chường; sử dụng linh hoạt, biến hóa các đại từ mình, ai: Giật mình mình lại thương mình xót xa, ai tri âm đó mặn mà với ai; sử dụng đa dạng các kiểu câu trần thuật, câu hỏi tu từ; ngôn ngữ vừa trang nhã, cổ điển với các điển tích vừa giàu tính dân tộc…). Có thể thấy Nguyễn Du tuy mượn cốt truyện Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân nhưng bằng sự sáng tạo của mình, ông đã cho ra đời một sinh mệnh nghệ thuật mới mang đậm “bản sắc nghệ thuật dân tộc” (Đặng Thanh Lê).

 

 

 

 

 

2,5 điểm

 

 

 

 

 

 

 

 

2,5 điểm

*Mở rộng:

– Ý kiến đã cho có tính gợi mở, định hướng đối với người sáng tác cũng như người đọc.

+ Người nghệ sĩ cần không ngừng dưỡng tâm, rèn tài để có thể “hạ sinh” những sản phẩm văn chương chân chính.

+ Văn chương chân chính lại cần đến những người đọc chân chính – độc giả cũng phải có tâm để đọc, thấu hiểu, tri âm với người viết và có đủ năng lực để cảm thụ, thẩm bình cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Điều này cũng cần được luyện rèn thường xuyên.

1,0 điểm

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *