Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 10 năm 2019 – Chuyên Lê Khiết Quảng Ngãi

Đề thi khối 10
SỞ GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO QUẢNG NGÃI

TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ KHIẾT

ĐỀ GIỚI THIỆU

 

 

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

NĂM 2019

MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 10

Thời gian: 180 phút (không kể giao đề)

(Đề thi có 02 trang)

Câu 1 (8,0 điểm)

HỌA SĨ TÀI GIỎI NHẤT

Thuở trước, ở một thành phố nọ, người ta tổ chức cuộc thi họa sĩ tài giỏi. Rất đông họa sĩ đua tài, trưng bày những bức tranh đẹp của mình cho một ban giám khảo tinh tường phán xét.

Cuộc thi đi đến hồi kết thì ban giám khảo lúng túng. Trước mắt họ chỉ còn lại hai bức tranh của hai họa sĩ bậc thầy. Ban giám khảo hết nhìn tranh lại thì thào bàn thảo với nhau, cố tìm ra những khiếm khuyết của từng bức để quyết định ai là người tài giỏi nhất. Nhưng dù đã hết sức cố gắng, ban giám khảo vẫn không thấy bức tranh nào có khiếm khuyết gì.

Có một nhà hiền triết đi ngang qua thấy vậy, nói với ban giám khảo là ông sẽ giúp đỡ họ.

Nhà hiền triết đến bên hai họa sĩ và nói:

– Thưa hai ngài, bức tranh của hai ngài rất đẹp, nhưng thú thực là ban giám khảo cũng như tôi không thấy chúng có khiếm khuyết gì, vì thế xin hai ngài hãy nhìn kỹ lại tranh của mình rồi nói cho tôi biết về những khiếm khuyết của chúng.

Sau một hồi lâu nhìn ngắm tranh của mình, vị họa sĩ thứ nhất thẳng thắn trả lời:

– Thưa tiên sinh, ngắm đi ngắm lại bức tranh của mình tôi vẫn không thấy nó bị khuyết thiếu gì.

Vị họa sĩ thứ hai thì đứng im.

– Chắc ngài cũng không thấy tranh của mình có khiếm khuyết? – nhà hiền triết hỏi.

– Thưa không phải, chỉ là tôi đang không biết cần nên bắt đầu từ khiếm khuyết nào – vị họa sĩ bối rối trả lời trung thực.

– Ngài đã thắng cuộc thi – nhà hiền triết mỉm cười nói.

Mọi người ồ lên:

– Sao thế được? Giải thưởng trao cho người thấy tranh của mình còn nhiều khiếm khuyết là sao?

Nhà hiền triết từ tốn giải thích:

– “… ”

(Theo Pritchi.in, Ngân Xuyên dịch)

Em hãy sáng tạo lời giải thích của nhà hiền triết để hoàn chỉnh văn bản trên.

Viết một bài văn trình bày suy nghĩ về vấn đề được gợi ra từ lời giải thích của nhà hiền triết mà em vừa sáng tạo.

Câu 2 (12,0 điểm)

Thơ là tiếng nói của thân phận con người”.

(Phan Ngọc, trích trong Thơ là gì? Tạp chí văn học, 1994)

Cảm nhận của anh/chị về tiếng lòng của người phụ nữ cất lên từ những thân phận buồn trong thơ ca dân gian và thơ ca Trung đại Việt Nam.

 

Thí sinh không được sử dụng tài liệu.

Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

 

Họ và tên thí sinh: …………………………………………… Số báo danh: …………………….

————————— HẾT —————————

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 10

(HDC gồm 5 trang)

Câu 1 (8,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kỹ năng

– Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, khả năng bày tỏ quan điểm riêng.

– Bố cục rõ ràng; lập luận chặt chẽ; diễn đạt trong sáng; không mắc lỗi chính tả, dùng từ ngữ, ngữ pháp; vận dụng tốt các thao tác lập luận; dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.

  1. Yêu cầu về kiến thức

Trên cơ sở hiểu ý nghĩa của câu chuyện, thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng phải có căn cứ xác đáng. Thí sinh được tự do bày tỏ quan điểm của mình nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Sau đây là một số định hướng:

  1. Sáng tạo lời giải thích của nhà hiền triết (2,0 điểm)

    – Thí sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau, miễn là sáng tạo được lời giải thích có nội dung chính: Biết nhận ra khiếm khuyết của chính mình để tự hoàn thiện mình, phát triển năng lực của bản thân.

– Lời giải thích có thể như sau:Họa sĩ bậc thầy mà không nhận thấy trong tác phẩm của mình còn có sự khiếm khuyết là đã đạt tới giới hạn của tài năng, đã hoàn thành con đường của mình. Còn người nhận ra được những khuyết thiếu của mình mà người khác không thấy thì còn có thể tự hoàn thiện mình, còn trên đường phát triển tài năng sáng tạo của mình. Người ấy xứng đáng được trao phần thắng!”.

  1. Bàn luận (4,0 điểm)

* Vì sao nhận ra khuyết điểm của bản thân lại quan trọng

– Sự tự phán xét chính mình là có giá trị nhất trong mọi sự phán xét.

– Người biết tự nhận ra thiếu sót là người có sự hiểu biết và nhận thức sâu sắc về bản thân. Biết lắng nghe, tiếp thu những ý kiến của người khác dành cho mình. Chỉ khi nhận ra được khuyết điểm mới có ý chí vươn lên, vượt qua khó khăn.

– Con người ta lớn lên từ những thất bại chứ không phải từ con đường trải đầy hoa hồng .

– Con người không ai hoàn hảo. Chính vì vậy, mỗi người cần tự nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và khắc phục điểm yếu, phát huy điểm mạnh.

* Biểu hiện những người ưu tú nhất là những người biết nhận ra khiếm khuyết của mình và sửa chữa nó.

– Mỗi người có một hạn chế riêng, ngay cả trong lĩnh vực tâm đắc nhất của bản thân vẫn có những điểm chưa thật hài lòng.

– Nhận ra và sửa chữa những thiếu sót đó là quá trình chúng ta nhận thức thêm nhiều điều mới mẻ, tích lũy cho mình những kinh nghiệm mới, tự phát triển và hoàn thiện bản thân.

– Khi không thấy bản thân có khuyết điểm gì, nghĩa là không có ý thức tự phản vấn, không thấy con đường phát triển ở bậc cao hơn.

– Người biết thừa nhận khuyết điểm một cách chân thành thì chắc chắn sẽ để lại ấn tượng tốt và có cái nhìn thiện cảm của mọi người xung quanh. Đồng thời, họ sẽ là những người góp ý, nhận xét để chúng ta trưởng thành và hoàn thiện. Bởi lẽ, người ngoài cuộc luôn có cái nhìn đúng đắn và sáng suốt hơn.

– Nhận ra được những hạn chế của mình để tạo động lực cho sự phát triển bản thân, luôn phấn đấu hướng tới sự hoàn thiện.

*Làm thế nào để nhận ra được khiếm khuyết của bản thân?

– Để nhận ra khiếm khuyết của mình, cần: luôn tỉnh táo tự nhìn lại chính mình, thực sự cầu thị, hướng thiện; có khát vọng vươn lên trong cuộc sống, sống đẹp, sống có ý nghĩa; không tự mãn, tự bằng lòng với mình.

– Mỗi người phải có cái nhìn toàn diện, khách quan chứ không nên tự phụ, luôn cho rằng mình đúng, không cần sự góp ý của bất kì ai.

  1. Mở rộng vấn đề (1,0 điểm)

– Chấp nhận sự nhận xét của người khác về khuyết điểm của bản thân nhưng không có nghĩa là thụ động và im lặng chịu đựng mà phải tiếp thu có chọn lọc, nhận thức được đâu là những góp ý chân thành với mong muốn giúp mình tốt hơn và đâu chỉ là lời phê bình ác ý, sai sự thật.

– Phê phán những người có thái độ tự ti, mặc cảm bởi những khiếm khuyết của mình. Biết rõ những khiếm khuyết của mình để có động lực để cố gắng hơn; bởi lẽ con người hơn nhau là ở ý chí và sự nỗ lực không mệt mỏi.

  1. Liên hệ bản thân, rút ra bài học nhận thức và hành động (1,0 điểm)

Không nên che giấu khuyết điểm mà phải dũng cảm đối mặt, nhận ra được khuyết và ưu của bản thân để hoàn thiện hơn.

Biểu điểm

– Điểm 7 – 8: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày vấn đề một cách sâu sắc, thuyết phục; văn có giọng điệu.

­– Điểm 5 – 6: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày vấn đề cơ bản, rõ ràng nhưng chưa thật sâu sắc; mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt và chính tả.

Điểm 3 – 4: Trình bày được ½ yêu cầu về kiến thức; còn mắc lỗi về diễn đạt và chính tả.

Điểm 1 – 2: Bài viết chưa hiểu rõ vấn đề, lúng túng trong cách giải quyết, mắc nhiều lỗi diễn đạt và chính tả.

Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc không viết gì.

(Lưu ý:Thí sinh có thể trình bày những quan điểm riêng. Cần có thái độ chân thành, nghiêm túc, tư tưởng nhất quán trên tinh thần xây dựng, lập luận thuyết phục).

 

Câu 2 (12,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kỹ năng

– Nắm chắc phương pháp, kĩ năng làm bài nghị luận văn học.

– Biết vận dụng kiến thức lí luận văn học để bàn luận, chứng minh vấn đề một cách hợp lí, thuyết phục.

– Bố cục rõ ràng, mạch lạc; lập luận chặt chẽ, hành văn trong sáng, có cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

  1. Yêu cầu về kiến thức

Thí sinh có thể trình bày, sắp xếp các luận điểm theo nhiều cách nhưng về cơ bản cần đảm bảo các nội dung sau:

  1. Giải thích

­– Thơ là thể loại văn học sử dụng phương thức trữ tình để phản ánh cuộc sống. Thơ chủ yếu thể hiện tình cảm, tâm trạng của con người thông qua tổ chức ngôn từ đặc biệt, giàu nhạc tính, giàu hình ảnh và gợi cảm.

– “Thơ là tiếng nói của thân phận con người”:

+ Là tiếng nói của tình cảm, thơ nhạy cảm với những cảnh đời, phận người; lắng sâu vào hồn người để “lắng nghe” những tâm tư thầm kín nhất của con người, biểu lộ những rung cảm sâu sắc nhất của thi nhân.

+ Thơ là tiếng nói đi từ trái tim nhà thơ đến trái tim người đọc. Người đọc thơ tìm thấy cảm xúc, tình cảm, tâm trạng, cuộc đời, số phận của mình in bóng trong trang thơ.

  1. Bình luận

Thơ là tiếng nói của thân phận con người”. Người nghệ sĩ từng trải qua những trạng thái vui, buồn, đau khổ… từng sống với những cung bậc ấy. Người nghệ sĩ đã viết bằng nước mắt, bằng máu của chính mình về những trăn trở, day dứt trước những thăng trầm của cuộc sống, của số phận mình.

– Thơ là tiếng nói tha thiết của tâm hồn. Đó là những cảm xúc, những tâm tư của cá nhân về nhân tình thế thái, về thăng trầm của xã hội, về số phận con người.

– Thơ gắn kết những tâm hồn đồng điệu. Qua cảm xúc, nỗi lòng của nhà thơ người đọc tìm thấy được chính mình trong đó. Đồng thời, bao nỗi đau của thân phận được sẻ chia, đồng cảm qua trang thơ.

– Nhà thơ đưa những tình cảm chân thật, thiết tha nhất của mình vào từng câu chữ sẽ khẳng định được tài năng và giá trị tác phẩm, người đọc thêm cảm thông cho nỗi lòng thi nhân, rút ngắn khoảng cách giữa người sáng tạo nghệ thuật với người thưởng thức nghệ thuật, giúp tác phẩm đạt được ý nghĩa “nghệ thuật vị nhân sinh” hơn.

  1. Phân tích, chứng minh

– Thơ ca dân gian được lưu truyền và gìn giữ qua hình thức truyền miệng, đó là nơi gửi gắm tiếng lòng của mọi kiếp người, đặc biệt là tiếng lòng của người phụ nữ. Đó là những số phận bất hạnh, chịu nhiều bất công, ngang trái.

– Thân phận của người phụ nữ trong Văn học Trung đại là tiếng nói cảm thương, gặp nhiều mất mát trong cuộc sống; là tiếng nói lên án, tố cáo những thế lực đen tối, tàn bạo đã vùi dập con người; đề cao khao khát hạnh phúc và tình yêu; mong muốn có được sự tự do, công bằng trong xã hội…

Thí sinh được tự chọn dẫn chứng tiêu biểu, sát hợp, chọn lọc để phân tích một cách thuyết phục và làm sáng tỏ vấn đề.

  1. Đánh giá

– Thơ là sự phản ánh đời sống tâm hồn tình cảm, là tiếng nói của thân phận con người.

– Nhà thơ là những người có tâm hồn vô cùng nhạy cảm, trái tim họ rất dễ rung động trước cuộc đời. Bởi vì “Thơ phát khởi trong lòng người” nên cảm xúc trong thơ luôn là thức cảm xúc chân thật nhất, vui buồn yêu ghét rõ ràng. Thơ là cây đàn muôn điệu của tâm hồn, của nhịp thở con tim, là tiếng gọi con người hãy quay về bản chất thực của mình để vươn lên cái chân, thiện, mĩ, tới tầm cao của khát vọng sống, tới tầm cao của giá trị sống. Một tác phẩm thơ chân chính và mang đầy đủ giá trị nghệ thuật là một bài thơ chan chứa tình cảm, cảm xúc mà tình cảm đó là những rung động sâu sắc nhất của thi nhân trước cuộc đời, trước số phận con người.

– Ý kiến của Phan Ngọc đã khẳng định vai trò quan trọng của thơ ca. Đó là tiếng lòng, là lời tâm sự, sẻ chia về những kiếp người trôi nổi vô định, thấp cổ bé họng, mong manh, đáng thương mà nổi bật nhất là thân phận của người phụ nữ.

Biểu điểm

– Điểm 11 – 12: Bài viết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, sâu sắc, độc đáo; diễn đạt lưu loát,câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc; có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả và dùng từ.

– Điểm 9 – 10: Bài viết có nội dung tương đối đầy đủ (có thể còn thiếu một vài ý nhỏ); bố cục rõ ràng; diễn đạt trôi chảy; câu văn có hình ảnh, cảm xúc. Mắc một số lỗi nhỏ về chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 7 – 8: Bài viết đáp ứng khoảng 2/3 nội dung cơ bản của đáp án. Văn có thể chưa hay nhưng rõ ý. Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

­– Điểm 5 – 6: Bài viết đáp ứng khoảng 1/2 nội dung cơ bản của đáp án. Mắc nhiều lỗi hành văn, chính tả.

– Điểm 3 – 4: Hiểu và trình bày vấn đề còn sơ sài; kết cấu không rõ ràng; còn mắc nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm 1 – 2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.

­– Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc không viết gì.

(Lưu ý: Thí sinh có thể trình bày những quan điểm riêng. Cần có thái độ chân thành, nghiêm túc, tư tưởng nhất quán trên tinh thần xây dựng, lập luận thuyết phục).

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *