Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 10 năm 2019 – Chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

Đề thi khối 10

SỞ GIÁO  DỤC VÀ ĐÀO TẠO NAM ĐỊNH

TRƯỜNG THPT CHUYÊN

 LÊ HỒNG PHONG

( ĐỀ THI ĐỀ XUẤT)

 

KỲ THI HỌC SINH GIỎI CỤM DUYÊN HẢI ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ  

NĂM HỌC 2018 – 2019

Môn: NGỮ VĂN – LỚP 10

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

 

Câu 1. (8,0 điểm)

Tuổi trẻ ngày nay tự đốt đuốc mà đi!

Thông điệp trên gợi cho anh/ chị những suy nghĩ gì ?

Câu 2. (12,0 điểm)

Tâm sự về sáng tạo thơ ca, Lưu Quang Vũ viết:

Nói lời riêng mà thấu triệu tâm hồn

(Theo Mây trắng của đời tôi – Lưu Quang Vũ)

Suy nghĩ của anh/ chị về ý thơ trên? Làm sáng tỏ vấn đề bằng những trải nghiệm thơ ca trong chương trình Ngữ Văn 10.

………..……………………HẾT ……………………………

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NAM ĐỊNH

TRƯỜNG THPT CHUYÊN

 LÊ HỒNG PHONG

 

KỲ THI HỌC SINH GIỎI CỤM DUYÊN HẢI ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ 

NĂM HỌC 2018 – 2019

HƯỚNG DẪN CHẤM

Môn: NGỮ VĂN – LỚP 10

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

 

Câu 1. 8.0 điểm

Yêu cầu chung: Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội; kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

Yêu cầu cụ thể: Học sinh có thể nêu những ý kiến riêng và trình bày theo những cách khác nhau, nhưng cần hợp lý, thuyết phục … và đáp ứng được các yêu cầu  cơ bản sau:

  1. Giải thích: ( 1,0 điểm )

– Tự đốt đuốc: tự thắp sáng mình, tự tìm đường, dẫn đường cho mình…

– Tuổi trẻ hôm nay tự đốt đuốc mà đi: tự thắp lên ánh sáng của cuộc đời, tự tìm đường đi cho cuộc đời mình. Phải biết sống tự lập, tiên phong, dẫn đường, lan tỏa. Đây là lời khuyên, lời chia sẻ, và cũng là mệnh lệnh của thời đại với tuổi trẻ ngày nay.

  1. Bàn (6,0 điểm)

+ “Tự đốt đuốc mà đi” là một nhu cầu tự thân, tất yếu với tuổi trẻ : Cuộc sống đang thay đổi như vũ bão, khát vọng vươn tới của tuổi trẻ lại rất lớn lao. Tuổi trẻ không chỉ cần kinh nghiệm mà cần cả những tiên nghiệm. Vì thế, chỉ kế thừa, dựa theo người đi trước không bao giờ là đủ -> Cần tự “ đốt đuốc mà đi”

+ “Tự đốt đuốc mà đi” là yêu cầu, là sứ mệnh của tuổi trẻ: từ xưa đến nay tuổi trẻ luôn nhận sứ mệnh là người  tiên phong, mở đường. Ngày nay, sứ mệnh ấy càng quan trọng. Sứ mệnh ấy  là mệnh lệnh của đất nước, xã hội, của cuộc sống đặt trên vai người trẻ.

* “Tự đốt đuốc mà đi” là vẻ đẹp của tuổi trẻ: thể hiện một tinh thần sống tự lập, chủ động, tiên phong, sáng tạo, khát khao tỏa sáng, lan tỏa…Vẻ đẹp của sự trưởng thành.

* Tuổi trẻ đã “tự đốt đuốc mà đi” bằng nhiều hướng:  tự đốt đuốc mà đi bằng trí tuệ, nhiệt huyết, bản lĩnh. Trong mọi lĩnh vực đời sống (học tập, nghiên cứu, lao động sản xuất…)

*  Mở rộng, rút ra bài học, suy nghĩ , hành động cho bản thân (1,0 điểm)

– Phê phán thái độ sống ỉ lại, thụ động

– Không ngại khó, ngại khổ, sống nhiệt huyết, mạnh mẽ, dấn thân, bồi đắp trí tuệ và tinh thần sao cho xứng đáng với sứ mệnh người đốt đuốc

 

* Gợi ý thang điểm theo định tính

Điểm 7-8: Bài viết đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Hành văn có cảm xúc, lập luận thuyết phục.

Điểm 5-6: Bài viết đáp ứng được những ý cơ bản, hầu như không mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.

Điểm 3-4: Bài viết chỉ trình bày được một nửa yêu cầu về kiến thức, còn mắc lỗi  về kĩ năng và diễn đạt.

Điểm 1-2: Bài viết chưa hiểu rõ về vấn đề hoặc không biết cách lập luận, mắc lỗi nhiều về kĩ năng và diễn đạt.

Điểm 0: Bài viết lạc đề hoàn toàn hoặc học sinh không viết bài

 

Câu 2. (12điểm)

Yêu cầu chung : Biết làm bài nghị luận văn học;  vận dụng tốt các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh văn học; biết kết hợp kiến thức lí luận với kiến thức về tác phẩm để bàn luận, đánh giá; văn viết có hình ảnh và giàu cảm xúc, có giọng điệu riêng.

 

Yêu cầu cụ thể: Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo hợp lí, thuyết phục. Dưới đây là một gợi ý.

  1. Giải thích – tìm vấn đề nghị luận (1,0 điểm)

– Nói lời riêng: Nói lời cá nhân (từ mình). Nói lời độc đáo (đặc sắc của riêng mình)

– Thấu triệu tâm hồn: Nói được tình cảm điển hình, phổ quát. Gợi được sự đồng cảm sâu xa

– Câu thơ đúc kết đặc trưng, quy luật sáng tạo cũng như giá trị của thơ ca: Thơ xuất phát từ tiếng nói riêng (tâm tư riêng, cách nói riêng độc đáo…) của người nghệ sĩ nhưng có thể nói được tiếng lòng chung của con người, có sức gợi sâu xa tới triệu tâm hồn (đi từ chân trời của một người đến chân trời của tất cả) -> Thơ –  phải rất riêng và cũng rất chung.

  1. Bàn (3,0 điểm)

* Xuất phát từ đặc điểm thơ và quá trình sáng tạo thơ ca

–  Tình điệu riêng: Tình cảm cảm xúc trong thơ luôn xuất phát từ cá nhân, lọc qua lăng kính tâm hồn cá nhân nhà thơ. Trước khi trở thành tiếng nói chung nó phải là tiếng nói tâm hồn của cá nhân người nghệ sĩ (xuất phát từ cảnh ngộ, tâm tư, nỗi lòng riêng sâu kín, luôn ở ngôi thứ nhất của tâm hồn), kể cả sáng tác dân gian. Vì thế, tình cảm cảm xúc trong thơ luôn có tính cá nhân, cá thể hóa cao độ.

– Cách nói riêng: Văn học, đặc biệt là thơ ca vốn thuộc về lĩnh vực của cái độc đáo. Vì thế, về hình thức nghệ thuật,  thơ cũng luôn nói theo cách rất riêng của mỗi người người nghệ sĩ

– Thơ có sức lay động và lan tỏa mạnh mẽ, gợi sự đồng cảm sâu xa

+ Nhà thơ luôn khao khát tri âm mãnh liệt từ người đọc vượt thời gian, không gian

+ Thơ luôn với tới sự điển hình tâm trạng, sự phổ quát của tâm tư con người

+ Thơ lay động hồn người bằng cầu nối của tình cảm, cảm xúc (đốt lửa trong tâm, làm tổ trong trí người đọc)

* Xuất phát từ tiếp nhận thơ : Thường hướng tới sự đồng cảm, đồng điệu (lấy hồn ta hiểu hồn người) và nhu cầu khám phá nét riêng độc đáo (một cách nhìn, một cách cảm…) -> Mỗi bài thơ ra đời đều là sự hồi đáp cho sự mong mỏi đó

  1. Phân tích chứng minh (5,0 điểm)

– Chọn ít nhất 2 dẫn chứng tiêu biểu để chứng minh ( nên chọn cả thơ nước ngoài)

– Khi phân tích chứng minh cần chỉ ra:

+ Đoạn thơ, bài thơ đó xuất phát từ hoàn cảnh, tình cảm cá nhân riêng biệt, cách nói đặc sắc riêng của nhà thơ như thế nào?

+ Gợi được những quy luật tình cảm, cảm xúc nào, lay động tâm tư con người ở đâu. Sức sống vượt thời gian, không gian của hiện tượng thơ ca đó…

+ Có kĩ năng cảm nhận thơ có định hướng

  1. Bình nâng cao (1,0 điểm)

– Câu thơ của Lưu Quang Vũ khẳng soi sáng bản chất và giá trị của thơ ca (cái riêng độc đáo, cái chung phổ quát), góp phần khẳng định sức sống bền bỉ của thơ

– Bài học cho người sáng tác và tiếp nhận thơ ca: Câu chuyện của tâm hồn, câu chuyện của tình cảm chân thực, xúc động và nhân văn, câu chuyện của sáng tạo không ngừng…

* Gợi ý thang điểm theo định tính

– Điểm 11 – 12: đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, bài viết sâu sắc độc đáo, diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 8 – 10: Nội dung đầy đủ, có thể còn thiếu một vài ý nhỏ, bố cục rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, câu văn có hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 5 – 7:  Bài làm còn thiếu ý. Văn chưa hay nhưng rõ ý. Mắc không quá nhiều lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 3 – 4: Trình bày ý còn sơ sài, kết cấu không rõ ràng, còn nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm 1- 2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *