Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 10 năm 2019 – Chuyên Hoàng Văn Thụ Hòa Bình

Đề thi khối 10
TRƯỜNG THPT

 CHUYÊN HOÀNG VĂN THỤ (HÒA BÌNH)

 

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

ĐỀ THI CHỌN HSG KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐBBB

 MÔN NGỮ VĂN KHỐI 10

NĂM 2018

Thời gian làm bài: 180 phút

( Đề thi gồm 02 trang)

 

 

Câu 1(8đ):

“Trong mỗi người luôn có một dải ngân hà đang ẩn giấu. Hãy tìm ra nó và tận hưởng những điều hạnh phúc” 

(Trích lời phát biểu của RM – trưởng nhóm nhạc BTS – Hàn Quốc)

Anh (chị) có suy nghĩ gì về ý kiến trên?

Câu 2(12đ):

  1. TS. Chu Văn Sơn cho rằng: “Một người nghệ sĩ, nếu không thực sự băn khoăn, tha thiết một điều gì thuộc về giá trị sống, người đó sẽ không có những sáng tạo lớn, độc đáo.”

                                    ( Ngô Văn Giá – “Chu Văn Sơn, người luỵ…Đẹp”)

Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết của anh (chị) về các sáng tác cuả Nguyễn Du, Nguyễn Trãi hãy làm sáng tỏ?

…………….…………………….HẾT…………………………………

HƯỚNG DẪN CHẤM

Câu Nội dung chính cần đạt Điểm
1 “Trong mỗi người luôn có một dải ngân hà đang ẩn giấu. Hãy tìm ra nó và tận hưởng những điều hạnh phúc” (Trích lời phát biểu của RM – trưởng nhóm nhạc BTS – Hàn Quốc) 8,0
 Đây là dạng đề mở. Thí sinh có quyền tự do trình bày suy nghĩ của mình theo những hướng khác nhau. Tuy nhiên, cần đạt được một số yêu cầu cơ bản sau:

– Về hình thức và kĩ năng

Trước hết, thí sinh cần phải xác định đây là đề nghị luận xã hội. Dạng đề này cho phép thí sinh tự do lựa chọn các kiểu bài và thao tác tạo lập văn bản khác nhau, nhưng phải phù hợp và nhuần nhuyễn. Đồng thời, thí sinh cũng được tự do huy động các chất liệu khác nhau như: chất liệu thuộc tri thức sách vở, tri thức đời sống và những trải nghiệm của riêng mình. Tuy nhiên, vẫn phải xác định rõ vấn đề ở câu này thuộc về thực tế đời sống chứ không phải trong các tác phẩm văn học.

– Về nội dung

Bài làm cần đạt được những nội dung cơ bản sau:

 
I/ Mở bài : Giới thiệu vấn đề, trích dẫn nhận định 0,5
II/ Thân bài

a.Giải thích

Dải ngân hà: Ngân Hà, hay còn gọi là Thiên Hà, Sông Ngân, là thiên hà chứa Hệ Mặt Trời của chúng ta. Nó xuất hiện trên bầu trời như một dải sáng mờ kéo dài từ chòm sao Tiên Hậu ở phía bắc đến chòm sao Nam Thập Tự ở phía nam, và sáng nhất ở chòm sao Cung Thủ – trung tâm của dải Ngân Hà.

-> Hình ảnh ẩn dụ cho những điều bất ngờ, những khả năng kì diệu luôn ẩn giấu bên trong mỗi con người.

– “Hãy tìm ra nó” có nghĩa hãy khám phá bản thân để nhận ra những điều kì diệu trong chính mình mà bình thường bị khuất lấp.

– “Hãy tận hưởng những điều hạnh phúc”: Khi khám phá được những điều bí mật kì diệu trong chính mình, ấy là lúc con người có được niềm hạnh phúc lớn lao.

=> Câu nói là lời khuyên bổ ích: Hãy tự tin vào chính mình, hãy nỗ lực khám phá bản thân, hạnh phúc sẽ đến.

`

 

1,5

b. Bình

Học sinh có thể lập luận theo nhiều cách khác nhau song cần phải làm sáng rõ hai vấn đề nêu trong nhận định với lập luận và dẫn chứng thuyết phục. Lập luận cần có những ý cơ bản sau:

Trong mỗi người luôn có một dải ngân hà ẩn giấu vì :

+ Con người sinh ra trên đời này là một bản thể duy nhất. Những phẩm chất, năng lực được bộc lộ ra bên ngoài không phải là tất cả những biểu hiện bên trong.

+ Tuy nhiên, khi đánh giá, nhìn nhận một ai đó con người lại luôn lấy những hành động, khả năng bộc lộ ra bên ngoài. Bởi thế, chính bản thân mỗi người nhiều khi cũng tự giới hạn năng lực của mình vào một phạm vi nhất định và cho rằng mình chỉ có thể làm được những việc nhất định, ở mức độ nhất định.

+ Thực tế, năng lực và phẩm chất của con người là phong phú, vô hạn,…

Hãy tìm ra nó vì :

+ Những phẩm chất và năng lực thực sự lại ẩn giấu trong sâu thẳm mỗi người nên muốn nhận ra được mỗi người phải tự tin, khám phá bản thân. Chỉ khi tin tưởng vào năng lực của chính mình, cho mình cơ hội để khám phá, bộc lộ, những khả năng thực sự mới được biểu hiện.

+ Nếu không cố gắng khám phá bản thân để tìm ra năng lực ẩn giấu, con người có thể sẽ không phát triển được đúng năng lực, sở trường của bản thân, và đó là một sự lãng phí lớn đối với xã hội.

– Hạnh phúc sẽ đến khi ta biết khám phá bản thân vì:

+ Khoảnh khắc nhận ra những năng lực tiềm ẩn bên trong sẽ khiến con người thực sự tự hào, hạnh phúc. Không khám phá bản thân con người sẽ dễ tự ti, tự giới hạn năng lực của mình, biết khám phá bản thân sẽ cho con người thêm tự tin trong cuộc sống.

+ Mỗi trải nghiệm, khám phá để nhận ra chính mình sẽ là một khoảnh khắc hạnh phúc. Bạn sẽ tha hồ tận hưởng hạnh phúc nếu mỗi ngày, mỗi ngày bạn tự tin khám phá bản thân.

3,5
c/ Luận

Học sinh cần lật xuôi, lật ngược vấn đề để bàn luận và rút ra bài học cho bản thân.

– Nhận định trên là đúng đắn, có cơ sở.

– Tuy nhiên, tự tin khám phá bản thân không có nghĩa tự ảo tưởng về những năng lực bản thân mình không có. Hành trình khám phá bản thân không chỉ cần một trái tim nóng mà còn cần một cái đầu lạnh để biết đâu là năng lực, sở trường của bản thân để phát triển đúng hướng.

– Ngoài bản thân mỗi người nỗ lực tự tin, khám phá bản thân thì cần lắm sự giúp đỡ tạo điều kiện từ mọi người xung quanh. Cha mẹ, thầy cô cần tạo điều kiện cho con em, học sinh của mình thử thách, bộc lộ những năng lực, sở trường, tránh định hướng phát triển khiên cưỡng.

=> Tự tin khám phá bản thân để phát huy được năng lực, đam mê, sở trường,… là bí quyết để con người có được hạnh phúc trong cuộc đời.

2,0
  III/ Kết bài: Khẳng định lại ý nghĩa của quan điểm sống tích cực mà của ý kiến.

*Cách cho điểm:

Điểm 8: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, luận giải sắc sảo, tri thức phong phú.

Điểm 6-7: Đáp ứng tương đối tốt yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, mắc vài lỗi về chính tả, diễn đạt

Điểm 4-5: Đáp ứng được khoảng một nửa số ý cơ bản, ít mắc lỗi về chính tả, diễn đạt.

Điểm 1-2-3: Chưa hiểu rõ vấn đề, bài viết sơ sài, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.

Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.

0,5
 

 

2

TS. Chu Văn Sơn cho rằng: “Một người nghệ sĩ, nếu không thực sự băn khoăn, tha thiết một điều gì thuộc về giá trị sống, người đó sẽ không có những sáng tạo lớn, độc đáo.”

                                    ( Ngô Văn Giá – “Chu Văn Sơn, người luỵ…Đẹp”)

Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết của anh (chị) về các sáng tác cuả Nguyễn Du, Nguyễn Trãi hãy làm sáng tỏ?

12,0
Thí sinh có quyền triển khai bài làm của mình theo những hướng và các cách khác nhau. Tuy nhiên, bài làm cần đạt được một số yêu cầu cơ bản sau:  
I/ Mở bài :

Dẫn dắt để giới thiệu được luận đề

0,5
II/ Thân bài :

1/ Giải thích ý kiến:

Người nghệ sĩ: là người sáng tạo nghệ thuật

– Băn khoăn, tha thiết: Là nỗi niềm day dứt, trăn trở, mong mỏi trước một vấn đề nào đó

Giá trị sống: Là những điều tốt đẹp mà con người khao khát, tôn thờ.

Sáng tạo lớn, độc đáo: Là những tác phẩm nghệ thuật đích thực có giá trị nội dung sâu sắc và những sáng tạo nghệ thuật mới mẻ, ấn tượng.

=> Ý kiến của TS. Chu Văn Sơn bàn về yêu cầu cần có ở người nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật đó là niềm day dứt, trăn trở để giữ vững và phát huy những điều tốt đẹp thực sự trong cuộc sống. Chỉ khi có được niềm  trăn trở ấy, những sáng tạo nghệ thuật đích thực mới được ra đời.

1,5
2. Phân tích, chứng minh

 Khẳng định ý kiến trên là hoàn toàn có cơ sở

– Chứng minh: Học sinh kết hợp kiến thức lí luận và kiến thức văn học để chứng minh.

+Văn học là tấm gương phản chiếu hiện thực qua đó gửi gắm tư tưởng tình cảm của người nghệ sĩ. Nếu không thực sự băn khoăn, trăn trở trước những điều tốt đẹp cần được bảo vệ, lưu giữ, phát triển thì người sáng tạo không thể có được những tư tưởng sâu sắc về cuộc sống, không có đủ nỗ lực để có được những sáng tạo độc đáo.

+ Giá trị của một tác phẩm trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Song giá trị ấy chỉ có thể được tạo nên khi người nghệ sĩ cố gắng không ngừng để khám phá cuộc sống. Những day dứt, trăn trở trước những giá trị sống đang bị lung lay, những biểu hiện tiêu cực đang tồn tại sẽ thôi thúc người nghệ sĩ cầm bút lên để sáng tác.

+ Người đọc khi đến với một tác phẩm nghệ thuật nào cũng mong muốn sẽ có được những nhận thức sâu sắc về con người, cuộc đời, nhận ra được những giá trị sống cần phải trân trọng, giữ gìn. Các tác phẩm mang niềm trăn trở của người nghệ sĩ đích thực bao giờ cũng đi sâu được vào lòng người tiếp nhận. Bởi suy cho cùng cả người nghệ sĩ và người tiếp nhận chân chính đều khao khát một xã hội tốt đẹp.

– Để làm sáng tỏ, học sinh cần lựa chọn thông tin trong cuộc đời và các sáng tác của Nguyễn Trãi và Nguyễn Du để chứng minh cả hai nghệ sĩ đều thành công bởi có niềm “băn khoăn, tha thiết trước những giá trị sống”. Học sinh cần lựa chọn phân tích ít nhất 01 tác phẩm tiêu biểu của mỗi tác giả để thấy rõ chính niềm băn khoăn trước cuộc đời đã giúp cho mỗi nghệ sĩ có được tư tưởng sâu sắc, sáng tạo nghệ thuật độc đáo.

* Lưu ý: Trong đề này, không quá nặng về kiến thức lý luận mà cần đánh giá cao sự thông minh, sắc sảo của học sinh trong việc chọn và phân tích dẫn chứng.

 

6,5

3/ Bình luận:

–  Ý kiến trên là có cơ sở trên nền tảng lí luận cũng như thực tế văn học. Tuy nhiên niềm day dứt trăn trở trước những giá trị sống là yếu tố quan trọng, cần thiết chứ không có nghĩa là duy nhất để tạo nên một tác phẩm thực sự. Ngoài niềm day dứt, trăn trở trước cuộc sống người nghệ sĩ còn cần có tài năng, có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, óc quan sát, khả năng liên tưởng, tưởng tượng,… Hơn nữa, những giá trị sống mà nhà văn trăn trở, day dứt cần phải là những giá trị đúng đắn, tích cực thì sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ mới có ích cho đời.

– Bài học:

+ Với người sáng tác: Cần nhận thức rõ ràng, đúng đắn về những giá trị sống cần được giữ gìn, phát triển để trau dồi nhận thức của bản thân, nâng cao tầm tư tưởng của chính mình và cũng là tạo chiều sâu nội dung cho tác phẩm.

+ Với người đọc: Cần đọc tác phẩm bằng cả tâm hồn mình để nhận ra những giá trị tư tưởng sâu sắc, giá trị nghệ thuật độc đáo mà các nhà văn đã nỗ lực tạo ra. Từ đó, ghi nhận tài năng cuả người sáng tác, cố gắng hiện thực hoá những trăn trở, day dứt của nhà văn từ cuộc sống của chính mình. Nỗ lực giữ gìn, phát huy các giá trị sống tốt đẹp chính là con đường để xã hội ngày càng phát triển.

+ Với lịch sử văn học: Nghiên cứu về các tác giả, tác phẩm văn học, các giai đoạn, trào lưu văn học cần lắm việc nghiên cứu những giá trị sống đúng đắn, tích cực của  xã hội, con người trong giai đoạn lịch sử mà nó ra đời. Bởi điều đó chi phối rất lớn tới qúa trình sáng tạo nên những tác phẩm lớn của người nghệ sĩ.

3,0
III/ Kết bài:

Khẳng định  tầm quan trọng của niềm băn khoăn, trăn trở trước những giá trị sống ở nhà văn trong quá trình sáng tạo.

* Cách cho điểm:

– Điểm 12: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, tri thức phong phú, lập luận sắc sảo.

– Điểm 10-11: Đáp ứng được hầu hết các ý cơ bản, mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả, diễn đạt.

– Điểm 8-9:  Đáp ứng được phần lớn những ý cơ bản, mắc một số lỗi nhỏ về chính tả, diễn đạt

– Điểm 6-7: Trình bày được khoảng một nửa yêu cầu về kiến thức, mắc một số lỗi chính tả, diễn đạt

– Điểm 4-5: Bài viết sơ sài, sa vào phân tích tác phẩm đơn thuần, mắc một số lỗi chính tả, diễn đạt.

– Điểm 1-2-3: Chưa hiểu rõ vấn đề, kĩ năng làm văn đuối, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt

– Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.

* Lưu ý chung: Khi chấm bài, giám khảo vừa bám sát đáp án và biểu điểm, vừa linh hoạt, trân trọng những suy nghĩ riêng của thí sinh nếu thấy hợp lí.

 

0,5

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *