Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 10 năm 2019 – Chuyên Thái Bình

Đề thi khối 10
SỞ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO TB

TRƯỜNG THPT CHUYÊN THÁI BÌNH

KÌ THI CHỌN HSG C10

LẦN THỨ XII

ĐỀ THI MÔN : NGỮ VĂN LỚP 10

THỜI GIAN LÀM BÀI:  180 PHÚT

Câu 1: (8 điểm)

          Xưa kia có một anh thợ cắt đá hay bất mãn với cuộc sống. Ngày nọ, anh ta gặp một lái buôn và kinh ngạc trước những món đồ tuyệt vời của ông ta. Anh thợ cắt đá nói: “Ước gì tôi trở thành một lái buôn!”. Lạ lùng thay điều ước của anh ta trở thành hiện thực.

          Không lâu sau, anh ta nhìn thấy một đám rước đi ngang qua gian hàng nhỏ của mình. Nhác thấy vị hoàng tử ăn mặc lộng lẫy, anh ta nói:“Ước gì tôi trở thành hoàng tử”. Và anh ta lại được toại nguyện.

          Nhưng chỉ vài ngày sau, khi bước chân ra khỏi hoàng cung, anh ta cảm thấy rất khó chịu với cái nắng chói chang, oi bức của mùa hè. “Hoàng tử cũng không thể mát mẻ dưới ánh nắng mặt trời sao?”, anh ta rên rỉ:“Ước gì mình là mặt trời.” Điều ước này cũng được như ý.

          Anh ta vui sướng làm mặt trời cho tới một ngày, một đám mây bay đến che khuất trần gian bên dưới. “Đám mây này che khuất tầm nhìn của mình, ước gì mình trở thành một đám mây.”

          Một lần nữa anh ta được thỏa nguyện và vui vẻ bay đi đến khi gặp một ngọn núi mà anh ta chẳng thể nào vượt qua được. Anh ta nói:“Ngọn núi này còn vĩ đại hơn ta, ước gì mình là một ngọn núi.”

          Là một ngọn núi cao to nhìn xuống con người phía dưới, anh ta cảm thấy cuối cùng mình cũng được hài lòng. Nhưng một ngày nọ, người thợ cắt đá trèo lên  sườn núi và bắt đầu đập vào anh ta để lấy đá ra. Anh ta chẳng thể làm gì được:“A, cái con người bé nhỏ kia còn mạnh mẽ hơn cả mình. Ước gì mình trở thành anh thợ cắt đá.”

          Vậy là vòng tròn kết thúc. Giờ đây anh thợ cắt đá biết rằng anh ta chỉ luôn hạnh phúc khi là chính mình. Anh ta sẽ không bao giờ được chưng diện như một hoàng tử, chiếu sáng như mặt trời hoặc vươn cao như ngọn núi, nhưng anh ta hạnh phúc khi được là chính mình.”

(Theo Sự màu nhiệm của lòng quan tâm– NXB phụ nữ, Hà Nội 2007)

Từ câu chuyện trên, anh/ chị hãy viết bài văn nghị luận với chủ đề: Hãy là chính mình.

Câu 2: ( 12 điểm)

 Một nhà văn bị đánh dấu một cách không thể phai nhòa bởi thời điểm sinh ra và bởi thời đại của anh ta, cho dù anh ta không tham dự một cách trực tiếp vào hành động chính trị, cho dù anh ta gây ấn tượng là một kẻ cô đơn, cuốn lại trong cái người ta gọi là “tháp ngà” của anh ta. Và nếu anh ta làm thơ, những bài thơ đó là hình ảnh của thời đại anh ta sống và không thể được viết ra ở một thời kì nào khác. ( Patrick Modiano, Giải Nobel Văn học- 2014)

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng những hiểu biết về bài thơ Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão) và Độc Tiểu Thanh kí (Nguyễn Du), hãy làm rõ điều đó.

———————————————–

SỞ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO TB

TRƯỜNG THPT CHUYÊN THÁI BÌNH

KÌ THI CHỌN HSG  C10

LẦN THỨ XII

 

ĐÁP ÁN + BIỂU ĐIỂM CHẤM MÔN NGỮ VĂN KHỐI 10

Câu 1 (8điểm)

  1. Kĩ năng

Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận xã hội; luận điểm, luận cứ rõ ràng, khoa học, chặt chẽ; lập luận sắc sảo, thuyết phục; dẫn chứng cụ thể sinh động; có cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, lỗi diễn đạt, ….

II- Kiến thức

Học sinh có thể làm theo những cách khác nhau, nhưng về cơ bản phải làm rõ:

Ý Nội dung kiến thức cần đạt Điểm
1 – Khái quát nội dung câu chuyện :

+ Câu chuyện kể về những trải nghịệm khác nhau của anh thợ cắt đá luôn bất mãn với  cuộc sống của mình. Sau khi được sống trong hoàn cảnh của những người và những sự vật mà mình mơ ước, anh mới nhận ra mình chỉ có hạnh phúc thực sự khi được sống là chính mình- cuộc đời một anh thợ cắt đá.

+ Câu chuyện cho chúng ta bài học nhân sinh sâu sắc: chúng ta chỉ hạnh phúc thực sự khi là chính mình.

0.5 điểm
2 – Giải thích:

Là chính mình là sống với đúng hoàn cảnh, điều kiện, năng lực, sở trường, niềm đam mê… của bản thân mình.  Là chính mình tức là không phải đóng vai một ai đó, không phải sống không đúng với những gì mình có, mình mong muốn…

0.5 điểm
3 –  Bàn luận 3 điểm
 + Trong cuộc sống, mỗi người có một năng lực, một cá tính, một vốn tri thức, vốn hiểu biết, kinh nghiệm sống và niềm đam mê khác nhau. Với những gì mình có, chúng ta sẽ  tìm cho mình một con đường đi riêng, làm  một công việc, định ra một đích đến phù hợp nhất với mình. Khi học tập, lao động và sáng tạo đúng với những gì mình có, mình yêu thích thì  chúng ta sẽ  đạt được thành quả tốt nhất, sẽ có niềm vui, niềm hạnh phúc, sự thanh  thản, sẽ có những đóng góp  cho bản thân, gia đình và xã hội…

+  Nếu không sống đúng với những gì mình có thì  sẽ đẩy mình vào sự mệt mỏi, lao lực, chán chường, không có được niềm vui, niềm hạnh phúc, sự thanh thản. Thành quả lao động cũng không cao, không những không có nhiều đóng góp mà còn có thể gây nên những tổn thất cho  mình và xã hội; sẽ mất đi niềm tin vào cuộc sống…

4 -Mở rộng:

+Sống là chính mình không đồng nghĩa với việc ngang ngạnh, bảo thủ, chỉ biết mình, tách biệt với mọi người xung quanh, hoặc không cố gắng nỗ lực vươn lên chiếm lĩnh những cột mốc cao hơn trong cuộc sống.

+ Để được sống là chính mình mỗi người đều cần có sự minh triết, lòng dũng cảm và thái độ sống tích cực…

2 điểm
5 – Bài học:

+  Mạnh dạn, tự tin  sống đúng với  những gì mình có, mình yêu thích.

+  Tuyệt đối không  tham lam, đứng núi nọ trông núi kia, sống không đúng với hoàn cảnh, điều kiện, năng lực và sở thích của mình.

+ Luôn có ý thức rèn luyện, phấn đấu vươn lên mài sắc những gì mình có để đạt được điều mình mơ ước.

1 điểm
6 – Liên hệ tới bản thân. 1 điểm

 

Câu 2(12 điểm)

I- Kĩ năng

Học sinh biết cách làm bài nghị luận về một vấn đề văn học. Luận điểm rõ ràng, lô gíc; lập luận sắc sảo, thuyết phục. Phân tích tác phẩm bám sát vào vấn đề cần làm sáng tỏ. Văn giàu cảm xúc, hình ảnh; không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, chính tả….

II- Kiến thức

Học sinh có thể trình bày vấn đề theo những cách khác nhau, song bài viết phải làm nổi bật được các nội dung chính sau:

Ý Nội dung kiến thức cần đạt Điểm
1. Giải thích  

– Mỗi người đều chịu ảnh hưởng, chi phối  bởi thời đại, bởi giai đoạn lịch sử mà anh ta đang sống, kể cả những người không tham gia các hoạt động chính trị xã hội, sống đơn độc, khép kín, ít giao tiếp với mọi người.

–  Thơ ca là tiếng nói của cá nhân nhà thơ nhưng lại ghi dấu rõ nét thời đại sản sinh ra nó.

-Ý kiến nhấn mạnh mối quan hệ giữa thơ ca với hiện thực cuộc đời  của người nghệ  sĩ, của thời đại mà anh ta sống.

2 điểm
2 Bàn luận

– Đây là ý kiến sâu sắc.

– Cuộc đời mỗi người bị giới hạn bởi một quãng thời gian nhất định nhưng mỗi cá nhân bao giờ cũng được thừa hưởng những thành quả mà lớp người đi trước để lại, thụ hưởng những thành tựu do con người thời đại mình tạo nên, bị chi phối  bởi những tâm tư, tình cảm của con người thời đại, đồng thời cũng  mang cả những hạn chế về nhận thức, tư tưởng, tình cảm của thời đại ấy.

-Thơ ca là  thể loại ra đời  từ những cảm xúc mãnh liệt trong tâm hồn nhà thơ. Nhưng đó là những cảm xúc chân thành, nảy sinh từ một cảnh ngộ cụ thể trong cuộc sống. Vì vậy  nó mang hơi thở, mang linh hồn sự sống. Đây chính là dấu ấn thời đại trong tác phẩm thi ca.

– Những tình cảm, cảm xúc của cá nhân bị chi phối và giới hạn bởi tư tưởng, tình cảm của thời đại mà anh ta  sống. Vì vậy, những vần thơ cất lên từ  thế giới tâm hồn nhà thơ bao giờ cũng in bóng thời đại ấy. Nó là tấm gương phản chiếu tâm hồn nhà thơ, nhưng cũng là tâm hồn con người thời đại.

– Những bài thơ hay bao giờ cũng đem đến cho người đọc những nhận thức thú vị về thời đại mà nó  ra đời.

4 điểm
3 Phân tích bài thơ  Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão) và Độc Tiểu Thanh kí (Nguyễn Du) để làm sáng tỏ ý kiến.

*Tỏ lòng

– Bài thơ ra đời trong những năm tháng đất nước bị  quân Mông – Nguyên xâm lược, nhà Trần lãnh đạo nhân  dân đứng lên đánh giặc bảo vệ bờ cõi. Thế giặc mạnh như chẻ tre, nhưng với quyết tâm cao độ, với ý chí bền bỉ quân dân nhà Trần vẫn kiên cường đứng lên giết giặc lập nhiều chiến công. Nhưng cuộc chiến không phải diễn ra trong ngày một ngày hai. Thế trận giằng co nhưng  triều đình và toàn thể  tướng lĩnh quân đội vẫn bền bỉ, kiên gan đánh giặc, vẫn khao khát lập công đền nợ nước.

-Bài thơ là tâm tư, tình cảm, ý chí, khát vọng và nỗi day dứt, trăn trở của Phạm Ngũ Lão, người trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến và đã lập những chiến công , góp phần to lớn cho thắng lợi của trận chiến.

-Bài thơ cũng là bức tranh hào hùng về con người thời đại, về cả một dân tộc trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm:

+Hình ảnh nhà thơ  cũng là hình ảnh những người trai thời Trần- những người anh hùng thời đại mang hoài bão lớn lao và tinh thần chiến đấu bền bỉ kiên cường.

+Hình ảnh ba quân chính là cả dân tộc đang bừng bừng khí thế trước họa xâm lăng. (Phân tích những hình ảnh, từ ngữ gợi ra hiện thực đó).

+Tâm tư, tình cảm của Phạm Ngũ Lão cũng là tâm trạng chung của tướng lĩnh thời Trần, những người lập bao chiến công hiển hách mà khát vọng  cứu nước vẫn còn chưa thỏa.

* Đọc Tiểu Thanh kí

– Bài thơ được viết vào thế kỉ XVIII, khi xã hội phong kiến Việt Nam đang trên đà xuống dốc và khủng hoảng trầm trọng. Tư tưởng bảo thủ của Nho giáo và những lễ giáo phong kiến hà khắc đã  chi phối cách nhìn nhận đánh giá con người. Con người được đánh giá không dựa trên tài năng mà trên địa vị xã hội, đẳng cấp của gia đình, dòng tộc. Lớp người tài hoa bị khinh rẻ, coi thường, không được sống xứng đáng với những gì họ có. Nỗi bất hạnh ấy càng lớn hơn gấp nhiều lần ở những người phụ nữ, vốn bị coi là phận con ong, cái kiến trong xã hội. Nhưng thế kỉ XVIII, khi những vấn đề đạo đức rường cột bị đảo lộn thì ý thức về quyền sống, quyền hạnh phúc, khát vọng tự do của con người nảy nở khiến cho nỗi đau về thân phận bèo bọt của kiếp tài hoa càng nổi lên….

– Bài thơ  là nỗi xót xa, thương cảm, bất bình của nhà thơ trước số phận bất hạnh của một người con gái tài sắc có tên là Tiểu Thanh và những dự cảm, mong ước  của tác giả khi nghĩ đến thân phận mình.

– Bài thơ phản chiếu cuộc sống và tâm tư của con người thời đại:

+ Đem đến cho người đọc cái nhìn sâu sắc về một xã hội mà thân phận người tài sắc, nhất là người phụ nữ chịu bao oan trái, khổ đau vì sự bất công, lạnh lùng, tàn bạo của xã hội, của người đời.

+Nỗi đau xót, niềm tin và cả những  khắc khoải mong ước của Nguyễn Du về số phận của lớp người tài tử giai nhân cũng là tâm trạng của biết bao trí thức phong kiến tiến bộ, có lòng nhân đạo  cao cả, có cái nhìn và  những dự cảm sáng  suốt về tương lai.

4 điểm
4  Đánh giá

-Hai bài thơ là tiếng nói cá nhân của mỗi nhà thơ nhưng lại mang âm hưởng chung của thời đại, của giai đoạn lịch sử mà họ sống.

-Những dấu ấn của thời đại có được là do những quan sát, trải nghiệm chân thực của mỗi người nghệ sĩ trong cuộc đời.

– Khi những tình cảm chân thực lại có được hình thức biểu hiện  giàu tính nghệ thuật sẽ tạo nên sức sống cho tác phẩm văn chương.

-Bài học cho người cầm bút và tiếp nhận văn học.

 2 điểm

  

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *