Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 10 năm 2019 – Chuyên Lê Thánh Tông Quảng Ngãi

Đề thi khối 10
SỞ GD – ĐT QUẢNG NAM

TRƯỜNG THPT CHUYÊN

LÊ THÁNH TÔNG

ĐỀ ĐỀ NGHỊ

(Đề thi gồm 01 trang)

KỲ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN

KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

LẦN THỨ XII, NĂM HỌC 2019 – 2020

 

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN 10

Thời gian: 180 phút (Không kể thời gian giao đề)

 

Câu 1. (8,0 điểm)

Trên An ninh thế giới Online ngày 29.5.2018, trong mục Trò chuyện cuối tháng, trả lời nhà báo Phan Đăng, Giáo sư – tiến sĩ Trần Ngọc Vương đã khẳng định: “Chừng nào giới trí thức không dám hoặc không thể có ý khác với người khác thì chừng ấy sự tồn tại của giới trí thức là vô nghĩa”. Nhà báo Phan Đăng bổ sung: “Các ý kiến ấy phải là trí tuệ thực sự và phải là thành ý, mang tính xây dựng”.

Trình bày suy nghĩ của anh/ chị về những ý kiến trên.

Câu 2. (12,0 điểm)

“Trong sáng tác của những nhà văn có tâm huyết với văn, với nghề, kinh nghiệm nghề nghiệp bao giờ cũng khuất phục trước tư tưởng nghệ thuật đã hóa thành cảm hứng thẩm mỹ của họ”

(Trích Phê bình ký hiệu học – Lã Nguyên, NXB Phụ nữ, 2018, trang 251)

Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên. Bằng những hiểu biết về “Truyện Kiều” (Nguyễn Du), hãy chứng minh.

 

                                             ————– HẾT ————–

 

SỞ GD – ĐT QUẢNG NAM

TRƯỜNG THPT CHUYÊN

LÊ THÁNH TÔNG

——————–

(HDC gồm 04 trang)

KỲ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN

KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

LẦN THỨ XII, NĂM HỌC 2019 – 2020

 

HƯỚNG DẪN CHẤM: NGỮ VĂN 10

Thời gian: 180 phút (Không kể thời gian giao đề)

 

 

Câu 1 (8,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng:

– Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận, lựa chọn dẫn chứng tiêu biểu, thuyết phục để làm sáng tỏ yêu cầu của đề.

– Bài viết có bố cục rõ ràng, diễn đạt mạch lạc, lập luận chặt chẽ, thuyết phục, không mắc các loại lỗi.

  1. Yêu cầu về kiến thức:

Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần nêu được các ý cơ bản sau:

  1. Giải thích vấn đề :

– Câu nói của GS.TS. Trần Ngọc Vương:

+“Giới trí thức”: chính là tầng lớp tinh hoa của xã hội, có hiểu biết, có học thức và trí tuệ… đã được đào tạo, giáo dục khá cao.

+“Có ý khác người khác”: có tiếng nói riêng, lập trường, quan điểm riêng, nhận thức riêng của bản thân về những vấn đề khoa học, xã hội, đời sống… không a dua theo đám đông.

Câu nói của GS.TS. Trần Ngọc Vương nhấn mạnh đòi hỏi về bản lĩnh, tiếng nói riêng của giới trí thức. Sự tồn tại của giới trí thức chỉ thực sự có ý nghĩa khi họ dám nói tiếng nói của riêng mình.

– Câu nói của nhà báo Phan Đăng:

+ “Trí tuệ thực sự”: nghĩa là tiếng nói khác ấy phải xuất phát từ cơ sở khoa học, thực tiễn, từ những hiểu biết sâu sắc.

+ “Thành ý và mang tính xây dựng”: nghĩa là tiếng nói khác ấy phải xuất phát từ tấm lòng thành thực,với ý thức góp ý để mọi việc phát triển theo chiều hướng tích cực, tốt đẹp, hoàn thiện hơn.

-> Hai câu nói đã đặt ra vấn đề: vai trò và ý nghĩa của tiếng nói riêng, bản lĩnh của người trí thức trong xã hội.

  1. Bàn luận vấn đề :

– Khi người trí thức dám nói, có thể nói ý khác với người khác, họ mới trình bày suy nghĩ, nhận thức của riêng mình, thể hiện được bản thân mình, khẳng định mình trước cộng đồng, xã hội.

– Tiếng nói riêng của người trí thức sẽ thể hiện bản lĩnh, sự tự tin, khả năng tư duy độc lập… Đó là yêu cầu không thể thiếu của người trí thức.

– Nếu không dám hoặc không thể có ý khác người khác, vị trí của người trí thức sẽ mờ nhạt, không thể khẳng định vị trí, ghi dấu ấn, tên tuổi của mình trong cộng đồng. Điều này đồng nghĩa với sự hèn nhát, lười suy nghĩ, tạo nên trào lưu đám đông hoặc lối sống vô cảm gây ảnh hưởng xấu đến toàn xã hội.

– Tiếng nói riêng của người trí thức trước hết phải đúng, có cơ sở lý luận và thực tiễn thì mới có sức thuyết phục. Bên cạnh đó, tiếng nói ấy phải xuất phát từ tấm lòng, ý thức hướng thiện, góp phần phát triển cá nhân cũng như xã hội thì mới được đồng tình. Nếu không, đó chỉ là những phát ngôn gây sốc, bị dư luận tẩy chay, lên án.

-> Hai câu nói có ý nghĩa bổ sung, hoàn thiện về vai trò, vị trí của tiếng nói riêng, bản lĩnh và tâm huyết của người trí thức trong xã hội.

  1. Rút ra bài học, liên hệ bản thân.

– Nhận thức về ý nghĩa của tiếng nói riêng, vai trò của người trí thức trong xã hội.

– Luôn rèn luyện khả năng tư duy độc lập, có chính kiến, quan tâm, suy nghĩ thấu đáo trước mọi vấn đề đang diễn ra quanh ta.

– Cần bản lĩnh, tự tin dám đề xuất ý kiến riêng mình một cách đúng đắn, có thành ý và hướng đến ý nghĩa tích cực. Biết tôn trọng ý kiến khác, đồng thời biết phê phán những ý kiến khác sai, thiếu thiện chí, có động cơ xấu.

III. Biểu điểm:

Điểm 7- 8: Bài viết đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Hành văn có cảm xúc, lập luận thuyết phục.

Điểm 5- 6: Bài viết đáp ứng được những ý cơ bản, hầu như không mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.

Điểm 3- 4: Bài viết chỉ trình bày được một nửa yêu cầu về kiến thức, còn mắc lỗi  về kĩ năng và diễn đạt.

Điểm 1- 2: Bài viết chưa hiểu rõ về vấn đề hoặc không biết cách lập luận, mắc lỗi nhiều về kĩ năng và diễn đạt.

Điểm 0: Bài viết lạc đề hoàn toàn hoặc học sinh không viết bài.

Câu 2 (12,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng:

– Biết cách làm bài nghị luận văn học; hiểu và giải quyết những vấn đề lí luận về quá trình sáng tạo của nhà văn và chức năng, giá trị của văn học; biết dùng những tác phẩm  để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận đó.

– Bài viết có bố cục rõ ràng, hệ thống luận điểm, luận cứ thuyết phục, trình bày sạch sẽ. Hành văn trôi chảy, linh hoạt, có chất văn, không mắc các loại lỗi.

  1. Yêu cầu về kiến thức:

Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau, song cần đảm bảo những nội dung cơ bản sau:

  1. Giải thích:

   –“Những kinh nghiệm nghề nghiệp”: là những kinh nghiệm tích lũy của nhà văn trong quá trình cầm bút, bao gồm kinh nghiệm trong đời sống như trải nghiệm, vốn sống, cách nhìn của nhà văn trước cuộc đời và những kinh nghiệm sáng tạo văn chương, kỹ thuật viết…

– “Tư tưởng nghệ thuật đã hóa thành cảm hứng thẩm mỹ”: là những quan điểm riêng của nhà văn về cuộc đời và con người, đã trở thành nguồn cảm hứng, cảm xúc mãnh liệt xuyên suốt trong hầu hết sáng tác của nhà văn.

Nhận định của Lã Nguyên nhấn mạnh: vai trò của tư tưởng nghệ thuật đã hóa thành cảm hứng thẫm mỹ trong quá trình sáng tạo của nhà văn, trong tương quan với kinh nghiệm nghề nghiệp.

  1. Bàn luận:
  • Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, nhà văn cần có kinh nghiệm nghề văn, có sự trải nghiệm từ cuộc đời, để sáng tạo nên những tác phẩm có chiều sâu về nội dung và đạt đỉnh cao về nghệ thuật. Nếu không có kinh nghiệm nghề nghiệp, tác phẩm được viết sẽ non nớt, hời hợt.
  • Tuy nhiên, trong sáng tạo văn chương, tư tưởng nghệ thuật đã hóa thành cảm hứng thẫm mỹ là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của tác phẩm. Vì :

+ Tư tưởng nghệ thuật là một yêu cầu quan trọng đối với một tác phẩm. Nhà văn phải đồng thời là nhà tư tưởng lớn. Những tác phẩm nghệ thuật trường tồn với thời gian bao giờ cũng mang đến cho người đọc những tư tưởng mới mẻ, tiến bộ, bất chấp thời gian, thời đại.

+ Tư tưởng nghệ thuật là quan điểm, cái nhìn của nhà văn về cuộc đời, con người, nhưng để tư tưởng ấy đến với người đọc, phải trở thành nguồn cảm hứng thực sự được thể hiện trong tác phẩm. Nếu không, tư tưởng ấy sẽ khô cứng, giáo điều, công thức.

  • Quan điểm của Lã Nguyên đã khẳng định vai trò của tư tưởng nghệ thuật đã hóa thành cảm hứng thẩm mỹ trong quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ.Tuy nhiên, Lã Nguyên cũng không hề phủ nhận vai trò của kinh nghiệm nghề nghiệp ở một nhà văn. Quan niệm này có ý nghĩa đặt ra yêu cầu đối với mỗi nhà văn trong hành trình sáng tạo cũng như là cơ sở để người đọc tiếp nhận về một tác phẩm, một nhà văn.
  1. Chứng minh
  • Nguyễn Du vốn sinh ra trong gia đình quý tộc, nhưng biến cố lịch sử đã hất tung lầu son gác tía, đẩy cậu ấm Nguyễn Du vào mười năm gió bụi cuộc đời. Đó là khoảng thời gian Nguyễn Du sống như con người bình thường, tiếp xúc nhiều kiểu người, đặc biệt những người dưới đáy xã hội. Chính những tháng ngày đói rét, cơ cực, sống lay lắt đã tích lũy trong ông một vốn sống, một kinh nghiệm nghề nghiệp mang đến cho tác phẩm Nguyễn Du những tư tưởng với chiều sâu chưa từng thấy.
  • Tư tưởng nhân đạo và tư tưởng hiện thực đã hóa thành cảm hứng thẫm mỹ của Nguyễn Du được thể hiện xuyên suốt Truyện Kiều:

+ Truyện Kiều là bài ca về tình yêu tự do và ước mơ công lý.

+ Truyện Kiều là tiếng khóc cho số phận con người, tiếng kêu thương về quyền sống và sự thấu hiểu của nhà văn trước nỗi đau nhân thế.

+ Truyện Kiều là bản cáo trạng đanh thép trước các thế lực đen tối của xã hội.

III. Biểu điểm:

– Điểm 10- 12: Bài viết đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Hành văn có cảm xúc, lập luận rõ ràng, phân tích bình luận có ý sâu sắc…

– Điểm 7- 9: Bài viết đáp ứng được những ý cơ bản, hầu như không mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.

– Điểm 4- 6: Bài viết chỉ trình bày được một nửa yêu cầu về kiến thức, hoặc phân tích tác phẩm đơn thuần. Còn mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.

– Điểm 1- 3: Bài viết chưa hiểu rõ về vấn đề, chủ yếu diễn xuôi văn bản. Diễn đạt và kĩ năng viết văn nghị luận yếu.

– Điểm 0: Bài viết lạc đề hoàn toàn hoặc học sinh không viết bài.

* Lưu ý chung:

 – Giám khảo nắm  yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh. Cần khuyến khích những bài viết có chất văn, có những suy nghĩ sáng tạo.

– Điểm toàn bài cho lẻ đến 0,25 điểm.

——-HẾT——-

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *