Năm học: 2023 – 2024 |
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ II KHỐI 10
Môn: NGỮ VĂN Đề có 02 trang Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề |
PHẦN ĐỌC (6,0 điểm)
Đọc ngữ liệu:
Lược phần đầu: Ở làng của Mên và Mon, vào mùa khô hàng năm, bầy chim chìa vôi thường làm tổ trên bãi cát giữa sông. Đến mùa mưa, nước lên, bầy chim non sẽ theo cha mẹ bay đi. Hai anh em Mên và Mon đã có lần đi thăm tổ chim chìa vôi. Nhưng năm nay, mùa mưa đến sớm. Hai giờ sáng, nằm nghe tiếng mưa, hai anh em lo tổ chim bị ngập, bầy chim non sẽ bị chết đuối.
– Tổ chim ngập mất anh ạ. Mình phải mang chúng nó vào bờ, anh ạ.
– Đi bây giờ à? – Thằng Mên hỏi sau một phút im lặng.
– Vâng, cứ lấy đò của ông Hảo mà đi.
Lần này thằng Mên im lặng lâu hơn. Cuối cùng nó quay lại phía em nó.
– Đi. Nhưng phải khẽ thôi. Bố tỉnh dậy bố đánh chết.
Hai đứa bé lần mò trong ngôi nhà tối om ra phía cửa. Khi cánh cửa liếp được mở hé ra thì gió ùa vào. Hai đứa bé khẽ rùng mình và lách ra ngoài. […] Con đò nặng nề trườn ra khỏi bờ. Nhưng khi vừa gặp dòng nước thì con đò quay mũi và cứ thế trôi xuôi dòng. Hai đứa bé luống cuống với chiếc sào chống đỡ. Nhưng con đò không để ý đến hai đứa bé cứ thế trôi đi. Thằng Mên kéo cây sào và đi lên phía mui đò, và rối rít gọi em nó:
– Lên đây, nhanh lên.
Thằng Mon loạng choạng bước trong lòng đò lên phía mũi. Khi nó vừa bước lên tấm sạp gỗ mui đò thì một cơn gió mạnh ùa đến thổi hất tung chiếc mũ lá ra khỏi đầu nó. Thằng Mon vội huơ tay với theo và ngã xuống mạn đò.
– Anh ơi!
Thằng Mên hoảng hốt buông cây sào lao đến ôm lấy em nó. Nó nghe tiếng trái tim hai anh em nó đập đến váng đầu. […] Hai đứa trẻ nắm tay nhau lảo đảo đi trên những tấm ván cập kênh trong lòng đò xuống phía mái chèo. Phải rất vất vả chúng mới hạ được mái chèo gỗ to và nặng xuống nước. Hai đứa bé rướn người giữ lấy tay chèo. Mái chèo gặp nước xiết trở nên nặng khủng khiếp. Hai đứa bé không sao quậy nổi mái chèo. Mưa vẫn rầm rập. Dòng sông dâng lên nghiêng ngả.
– Giữ chèo như thế này thì đò mới vào bờ được. – Mên nói.
Hai đứa bé mang hết sức lực để giữ mái chèo. Đầu chúng chúi vào nhau. […] Trôi đến đoạn sông cách bến đò làng chúng chừng gần hai cây số con đò mới tạt được vào bờ.
[…] – Anh ơi, kia kìa, bãi cát. Thằng Mon chợt kêu lên.
– Ừ, đúng rồi. Vẫn chưa ngập hết. Còn bằng cái mũ thôi.
– Anh bảo bầy chim còn ở đó không?
– Không biết. Nhưng bố bảo khi nước vừa ngập hết thì chim mới bay lên.
– Sao chúng lại không bay trước?
– Làm sao mà tao biết được.
Khi ánh bình minh đã đủ sáng để soi rõ những hạt mưa trên mặt sông thì cũng là lúc dòng nước khổng lồ nuốt chửng phần còn lại cuối cùng của dải cát. Và trong mắt hai đứa trẻ, một cảnh tượng như huyền thoại hiện ra. Từ mặt nước sông, những cánh chim bé bỏng và ướt át đột ngột bứt khỏi dòng nước khổng lồ bay lên. Hai đứa bé không kêu lên được một tiếng nào. Người chúng như đang ngùn ngụt tỏa hơi nóng.
Suốt từ chiều hôm qua, nước bắt đầu dâng lên nhanh hơn. Nước dâng lên đến đâu, con chim bố và chim mẹ lại dẫn bầy chim non tránh nước lên theo đến đó. Cứ như thế chúng tiến dần đến phần cao nhất của dải cát. Và cứ thế bầy chim non nhảy lò cò trên những đôi chân mảnh dẻ chưa thật cứng cáp và đập cánh suốt đêm. Chim bố và chim mẹ vừa đập cánh theo đàn con vừa dẫn chúng đi. Hình như chúng biết chính xác khi nào thì đàn con chúng mới đủ sức để nâng mình lên khỏi mặt đất một cách đảm bảo. Nếu bầy chim con cất cánh sớm hơn, chúng sẽ bị rơi xuống dòng nước trên đường từ bãi cát vào bờ. Và nếu chúng cất cánh chậm một giây thôi, chúng sẽ bị dòng nước cuốn chìm.
Và bây giờ bầy chim đã bay lên. Mặt trời như lên nhanh hơn mọi ngày và mưa đã đột ngột tạnh hẳn. […] Quanh hai đứa bé tất cả vụt im lặng, chỉ có tiếng đập cánh quyết liệt của bầy chim non. Hình như chúng nghe thấy trong ngực mình nhịp đập của những trái tim hối hả nhưng đều đặn. Cuối cùng bầy chim non đã thực hiện xong chuyến bay quan trọng và kỳ vĩ nhất đầu tiên trong đời chúng. Những đôi cánh mỏng manh run rẩy và đầy tự tin của bầy chim đã hạ xuống bên một lùm dứa dại bên bờ sông. Hai anh em thằng Mên vẫn đứng không nhúc nhích. Trên gương mặt tái nhợt vì nước mưa của chúng hừng lên ánh ngày. Thằng Mên lặng lẽ quay lại nhìn em nó. Và cả hai đứa bé nhận ra chúng đã khóc từ lúc nào.
(Theo Nguyễn Quang Thiều, Bầy chim chìa vôi, In trong tập Mùa hoa cải bên sông,
NXB Hội Nhà văn, 2012, tr 136 – 146)
Thực hiện những yêu cầu sau:
Câu 1. Tóm tắt các sự kiện chính của câu chuyện.
Câu 2. Xác định người kể chuyện trong truyện và cho biết tác dụng.
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng việc đan xen lời người kể chuyện và lời nhân vật trong đoạn in đậm.
Câu 4. Xác định ít nhất hai chi tiết thể hiện đặc điểm, tính cách nhân vật Mên. Từ đó, rút ra nhận xét về đặc điểm, tính cách của nhân vật này.
Câu 5. Hãy viết đoạn văn từ 5 đến 7 dòng trình bày thông điệp em tâm đắc nhất trong văn bản trên.
PHẦN VIẾT (4,0 điểm)
Các câu lạc bộ (học thuật, năng khiếu, thể thao,…) ở trường đang tổ chức tuyển thành viên. Em hãy viết bài luận (khoảng 500 chữ) giới thiệu bản thân để ứng tuyển vào câu lạc bộ mình yêu thích.
TRƯỜNG TH, THCS VÀ THPT
NGÔ THỜI NHIỆM —————- Năm học: 2023 – 2024 |
HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ II KHỐI 10 Môn thi: NGỮ VĂN Đáp án có 03 trang |
Phần I | ĐỌC | 6,0 |
Câu 1 | Sự kiện 1: Trời mưa to, hai anh em Mên và Mon lo tổ chim chìa vôi bị ngập nên quyết định mang bầy chim vào bờ.
Sự kiện 2: Hai đứa trẻ tự chèo đò đi. Mưa lớn, nước xiết, thằng Mon suýt ngã. Hai anh em rất vất vả mới đưa được con đò vào bờ. Sự kiện 3: Hai anh em đi ra bãi cát, trời hửng sáng, nước vừa ngập hết bãi cát. Những chú chim non cất cánh, vì đêm qua cha mẹ chúng đã dần dà đưa chúng lên cao, tránh nước. Sự kiện 4: Hai anh em chứng kiến cảnh những chú chim chìa vôi non bay lên. Cả hai xúc động bật khóc. Chấp nhận những diễn đạt đồng nghĩa, đáp án phù hợp của học sinh |
1,0 |
Câu 2 | Người kể chuyện (0,5): người kể chuyện ngôi thứ ba.
Tác dụng: + Giúp người đọc dõi theo câu chuyện với góc nhìn khách quan, đa chiều, toàn diện, từ cảnh hai anh em chèo đò đến cảnh bầy chim tránh nước, bay lên. (0,25) + Giúp người đọc hiểu rõ tình cảm của hai anh em Mên, Mon và tập tính, lối sống của bầy chim chìa vôi. (0,25) Chấp nhận những diễn đạt đồng nghĩa, đáp án phù hợp của học sinh |
1,0 |
Câu 3 | – Lời nhân vật (0,25): Đi bây giờ à?/ Vâng, cứ lấy đò của ông Hảo mà đi./ Đi. Nhưng phải khẽ thôi. Bố tỉnh dậy bố đánh chết.
– Lời người kể (0,25): Thằng Mên hỏi sau một phút im lặng./ Lần này thằng Mên im lặng lâu hơn. Cuối cùng nó quay lại phía em nó. – Tác dụng (0,5): + Làm rõ suy nghĩ, cảm xúc, thái độ của nhân vật khi mong muốn đưa tổ chim vào bờ giữa trời mưa lớn. + Gợi ra góc nhìn đa chiều, khách quan, làm nổi bật chủ đề truyện. Chấp nhận những diễn đạt đồng nghĩa, đáp án phù hợp của học sinh |
1,0 |
Câu 4 | – Xác định hai chi tiết (0,5):
+ Lời nói: Đi. Nhưng phải khẽ thôi. Bố tỉnh dậy bố đánh chết./ Nhưng bố bảo khi nước vừa ngập hết thì chim mới bay lên./ Giữ chèo như thế này thì đò mới vào bờ được. + Hành động: kéo cây sào và đi lên phía mui đò/ hoảng hốt buông cây sào lao đến ôm lấy em nó/ hạ được mái chèo gỗ to và nặng xuống nước/ rướn người giữ lấy tay chèo/ đứng không nhúc nhích/ lặng lẽ quay lại nhìn em nó/ khóc từ lúc nào/ … + Tình cảm, cảm xúc: hoảng hốt/ trái tim đập đến váng đầu/ … – Nhận xét (1,0): + Nhân vật Mên nổi bật với lòng yêu thương, đối với đứa em (hoảng hốt đỡ em), với động vật – bầy chim chìa vôi (mưa gió, sợ bố đánh nhưng vẫn ra bãi cát, muốn đưa tổ chim vào bờ; bật khóc khi thấy bầy chim non bay được). + Nhân vật Mên mang đặc điểm của đứa trẻ vùng sông nước, biết chèo đò, biết tập tính chim chìa vôi. Chấp nhận những diễn đạt đồng nghĩa, đáp án phù hợp của học sinh |
1,5 |
Câu 5 | – Đảm bảo hình thức đoạn văn, 5 – 7 dòng (0,25)
– Trình bày được thông điệp rút ra từ văn bản (0,5) – Lí giải hoặc đưa ra hành động, ứng xử cụ thể (0,5) – Diễn đạt mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả (0,25) – Gợi ý thông điệp: + Yêu thương động vật, chan hòa với thiên nhiên + Mạnh mẽ, dũng cảm, dám thực hiện điều mình mong muốn … |
1,5 |
Phần II | VIẾT | 4,0 |
Hình thức | Đảm bảo hình thức bài văn: mở bài, thân bài, kết bài. | 0,25 |
Xác định vấn đề | Xác định đúng vấn đề nghị luận: viết bài luận về bản thân để tham gia câu lạc bộ của trường | 0,25 |
Nội dung | *Lưu ý: HS không trình bày những thông tin liên quan đến tên, họ để đảm bảo nguyên tắc bảo mật.
1) Mở bài (0,5) – Giới thiệu khái quát đặc điểm của bản thân (0,25) – Nêu mục đích bài viết (0,25) 2) Thân bài (2,0) – Phân tích các đặc điểm tiêu biểu nổi bật của bản thân (có thể phân tích dựa trên sở thích, năng khiếu, trải nghiệm trong quá khứ – hiện tại – tương lai, các năng lực,…) (0,75) – Đưa ra bằng chứng thuyết phục làm rõ đặc điểm của bản thân (bằng chứng nên là trải nghiệm, suy ngẫm, hành động của bản thân; bằng chứng nên cụ thể, xác thực, đáng tin cậy). – Trình bày phương hướng hành động của bản thân (như mục tiêu, kế hoạch ngắn hạn/ dài hạn,…) 3) Kết bài (0,5) – Khẳng định lại đặc điểm tiêu biểu của bản thân (0,25) – Nêu một thông điệp có ý nghĩa (0,25) |
3,0 |
Diễn đạt | Diễn đạt mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. | 0,25 |
Sáng tạo | Trình bày thu hút, sâu sắc, sinh động, có sức tác động. | 0,25 |
Tổng điểm | 10,0 |