Đề HSG văn : Cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của cá nhân vì văn chương mà trở nên thâm trầm và rộng rãi đến trăm nghìn lần

Đề thi khối 10
SỞ GD – ĐT THỪA THIÊN HUẾ    TRƯỜNG THPT CHUYÊN QUỐC HỌC

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

 

 

(Đề thi gồm 01 trang)

KÌ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ LẦN THỨ XI, NĂM 2018

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN 10

Thời gian: 180 phút (Không kể thời gian giao đề)

 

       

Câu 1: ( 8 điểm)

             Danh ngôn có câu:

Tất cả các mùi hương đều bị cuốn theo chiều gió nhưng chỉ có hương đức hạnh là ngược gió bốn phương.

           Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về quan niệm trên.

Câu 2: (12 điểm)

          Cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của cá nhân vì văn chương mà trở nên thâm trầm và rộng rãi đến trăm nghìn lần.

                                                                                  (Hoài Thanh)

Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy phân tích một tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn lớp 10 để làm sáng tỏ cách hiểu của mình.

 

                                  …………………….HẾT…………………….

(Thí sinh không được dùng tài liệu. Cán bộ coi thi không được giải thích gì thêm)

Giáo viên ra đề: Trần Văn Toản

SỞ GD – ĐT THỪA THIÊN HUẾ    TRƯỜNG THPT CHUYÊN QUỐC HỌC

 

(Hướng dẫn chấm gồm có 06 trang)

KÌ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ LẦN THỨ XI, NĂM 2018

 

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN 10

 

Câu 1: (8,0 điểm)

Yêu cầu về kĩ năng

         – Nắm vững phương pháp làm văn nghị luận xã hội  (nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lý).

– Đáp ứng các yêu cầu  về văn phong.

– Bố cục bài viết chặt chẽ, lý lẽ xác đáng, dẫn chứng phù hợp.

– Lập ý sáng tạo, hành văn mạch lạc, vừa có cảm xúc, vừa giàu trí tuệ.

– Hạn chế tối đa các lỗi diễn  đạt, chính tả; chữ viết rõ ràng, trình bày sạch đẹp.

Yêu cầu về kiến thức

Thí sinh có thể trình bày, triển khai bài làm theo nhiều cách, nhưng cần nêu được các ý cơ bản sau:

Giải thích

Hương đức hạnh là cách nói hình ảnh chỉ vẻ đẹp của phẩm chất, tính cách, đức hạnh của con người.

Ngược gió bốn phương tức là không thể bị cuốn theo chiều gió mà luôn lan tỏa, ở mãi, tồn tại vĩnh hằng, được nâng niu, trân trọng…

– Câu danh ngôn khẳng định, đề cao và ca ngợi vẻ đẹp, giá trị đạo đức, phẩm hạnh của con người.

  1. Bình luận

– Mỗi mùi hương có môt sức hấp dẫn, quyến rũ riêng. Nhưng rồi, mùi hương  nào rồi cũng phai tàn theo thời gian, loãng tan theo chiều gió.

– Đạo đức, tính cách, nhân cách, phẩm giá, đức hạnh là phần quý nhất của con người. Đó là thước đo giá trị của mỗi người.

– Hương đức hạnh sẽ làm nên giá trị của con người. Nếu con người chỉ có vẻ đẹp hình thức bên ngoài mà thiếu phẩm hạnh, tức là không có cái đẹp bên trong thì chưa hẳn được đề cao, trân trọng. Bởi lẽ theo quan niệm người xưa “ cái nết đánh chết cái đẹp”. Một người con gái đẹp về nhan sắc nhưng thiếu đi đức hạnh cần có của người phụ nữ thì giống như một bông hoa có sắc mà không hương, mà sắc thì mau chóng tàn phai, còn hương thì sẽ làm vương vấn mãi lòng người.

– Tục ngữ có câu “quen xem dạ, lạ xem áo quần”. Có thể vẻ đẹp bên ngoài của bạn lúc đầu làm người khác phải choáng ngợp nhưng đạo đức, phẩm chất bên trong của bạn mới nói lên tất cả, mới làm hấp dẫn lâu dài. Phẩm hạnh sẽ luôn làm ta đẹp lên trong mắt người khác và nó có sức cảm hóa lớn lao. Ngày xưa người phụ nữ lý tưởng phải hội đủ tứ đức công, dung, ngôn, hạnh. Ngẫm ra, ở thời nào cũng thế, đức hạnh là điều không thể thiếu, luôn được đề cao, trân trọng. Bởi một khi ta có đức hạnh thì ta sẽ tự điều chỉnh những hành vi của mình trong cuốc sống. Có đức hạnh chắc chắn ta sẽ sống đẹp, sống có văn hóa, biết phân biệt đúng sai, biết giữ mình trước mọi cám dỗ…

– Đức hạnh được hiểu theo nghĩa rộng. Đó có thể là lòng tốt, đức hi sinh, lòng vị tha nhân ái, là hiếu thảo và nghĩa cử đúng đắn.  Nó được thể hiện qua lời nói, hành động, việc làm, qua cung cách ứng xử…

– Gió sẽ mang đức hạnh đi muôn nơi, đức hạnh làm con người đẹp hơn trong mắt người khác. Tùy theo từng thời đại đức hạnh được nhìn nhận, đánh giá với những tiêu chuẩn khác nhau.

– Tuy nhiên ở đâu và thời nào cũng vậy, có không ít kẻ  sẵn sàng đánh mất đi danh dự, nhân cách, phẩm hạnh của mình vì lợi ích tầm thường nào đó. Với họ phẩm hạnh chỉ là một thứ ngụy trang giả dối.

  1. Bài học rút ra

– Mỗi người, nhất là bạn trẻ cần rèn luyện, trau dồi nhân phẩm, đạo đức phù hợp với những chuẩn mực đạo đức truyền thống.

– Dù trong hoàn cảnh nào đi nữa cũng phải biết gìn giữ phẩm giá, đạo đức, nhân phẩm, bởi đói cho sạch, rách cho thơm hay giấy rách phải giữ lấy lề.

– Cái phẩm hạnh quan trọng nhất ở học sinh là trung thực trong cuộc sống và trong học tập. Không quay cóp, gian lận trong kiểm tra, thi cử là phẩm hạnh; lễ phép với thầy cô, yêu thương bạn bè là phẩm hạnh…

– Ý thức về giá trị của phẩm hạnh là góp phần xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh.

III. Biểu điểm

– Điểm 8: Bài làm đáp ứng tốt các yêu cầu ở I và II.

– Điểm 6: Bài làm  nắm được yêu cầu; xác định đúng vấn đề nghị luận. Luận điểm rõ ràng; phần bàn luận, mở rộng vấn đề có thể chưa đầy đủ nhưng lý giải khá thuyết phục; lối viết chân thành; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp.

– Điểm 4: Bài làm đáp ứng khoảng một nửa yêu cầu trên. Phần bàn luận chưa thật toàn diện; hành văn chưa thật trôi chảy.

– Điểm 2: Bài làm  hiểu không chắc vấn đề; viết còn sơ sài, lan man…

– Điểm 0:  Bài lạc đề.

(Lưu ý: Đây là bài làm của học sinh giỏi vì thế hướng dẫn chấm chỉ là những gợi ý. Giám khảo cần phát hiện sâu sắc, tinh tế và trân trọng những bài làm sáng tạo, thể hiện quan điểm và sự trải nghiệm của bản thân; văn viết có cá tính, sắc  nét trong ý tứ, lối diễn đạt… để linh hoạt chấm điểm)

 

Câu 2: (12 điểm)

Yêu cầu về kĩ năng

– Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận văn học, xác định được vấn đề lí luận văn học cần bàn, từ đó làm sáng rõ qua việc phân tích một tác phẩm văn học.

– Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ; văn viết đúng phong cách; hành văn trôi chảy, văn viết có cảm xúc.

– Hạn chế các lỗi về diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả; chữ viết rõ, trình bày sạch đẹp.

Yêu cầu về kiến thức

Thí sinh cần phải hiểu và làm rõ được giá trị, sức mạnh của tác phẩm văn chương được nêu trong ý kiến của đề bài. Hiểu, lý giải, phân tích  những tác động sâu sắc, kì diệu của văn chương đối với bạn đọc.

Thí sinh có quyền triển khai bài làm của mình theo nhiều cách khác nhau, song cần đảm bảo các nội dung cơ bản sau:

Giải thích

Phù phiếm và chật hẹp: chỉ sự viễn vông, không thiết thực; sự nghèo nàn, đơn điệu, sáo mòn, phiến diện…

Thâm trầm và rộng rãi: chỉ sự rộng mở, sâu sắc, phong phú, ý vị…

Cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của cá nhân vì văn chương mà trở nên thâm trầm và rộng rãi đến trăm nghìn lần: văn chương dựng xây, tưới tắm, bồi đắp tâm hồn con người, giúp con người thoát khỏi sự nghèo nàn của tâm hồn, thoát khỏi cách nhìn phù phiếm, cách nghĩ hời hợt, lối sống đơn điệu, phiến diện. Văn chương giúp con người phá vỡ những giới hạn nhất định, thoát ra khỏi không gian chật hẹp của chính mình để đến với không gian cuộc sống của nhiều người, nhiều nơi. Văn chương giúp con người có những suy nghĩ thâm trầm, sâu sắc, thiết thực hơn, từ đó hiểu người, hiểu đời, hiểu chính mình hơn. Văn chương tác động đến nhận thức, tâm hồn, tư tưởng…làm cho cuộc sống mỗi người trở nên rộng rãi, phong phú, ý nghĩa. Văn chương vì thế góp phần hoàn thiện nhân cách con người, hướng con người vươn tới những điều cao quý.

Như  vậy ý kiến của Hoài Thanh đã khẳng định giá trị, ý nghĩa, sức mạnh của văn chương. Văn chương tác động kì diệu đến thế giới tâm hồn con người khiến cuộc đời của mỗi cá nhân trở nên sâu sắc, phong phú và có ý nghĩa hơn. Đây chính là chức năng cao quý của văn học đối với con người.

  1. Bình luận

– Văn học nhận thức, phản ánh, khám phá cuộc sống theo quy luật của cái đẹp. Ý nghĩa tồn tại của văn chương trước hết làm thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của người đọc. Với đặc trưng của mình, tác phẩm văn chương có sức cảm hóa kì diệu để con người sống tinh tế, sâu sắc, phong phú hơn.

– Tác phẩm văn chương phản ánh chân thật hiện thực đời sống bên ngoài và đời sống bên trong một cách đa dạng, muôn màu nên nó làm cho bạn đọc trở nên thâm trầm và rộng rãi đến trăm nghìn lần.

          – Có được khả năng kì diệu lay động, bồi dưỡng và làm thay đổi cuộc sống cá nhân mỗi người là do tác phẩm là sản phẩm kết tinh cả tài và tâm của người nghệ sỹ. Cái nhìn cuộc đời, tình yêu cuộc sống…được thể hiện bằng hình thức nghệ thuật độc đáo. Chính cái thế giới nghệ thuật sống động bao gồm cách dùng ngôn từ, kết cấu, hình tượng, lối kể, giọng điệu,…đã làm hấp dẫn, lôi cuốn, tác động vào nhận thức, tâm hồn, tình cảm, tư tưởng người đọc, người nghe…

– Tất nhiên tác phẩm văn chương tác động làm thay đổi cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của cá nhân ở mức độ nào là còn tùy thuộc vào khả năng, năng lực, sở thích, tình yêu và niềm đam mê của mỗi độc giả.

  1. Phân tích, chứng minh

– Thí sinh chọn một tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 10.

– Thí sinh phân tích tác phẩm gắn kết với vấn đề nghị luận, làm sáng tỏ các ý đã nêu trong phần giải thích, bình luận ý kiến. Cụ thể là tác phẩm đó tác động như thế nào đối với cuộc sống của người viết nói riêng và bạn đọc nói chung; tác động bằng cách nào .

*Lưu ý: Học sinh có thể chứng minh lồng vào trong phần giải thích, bình luận; cũng có thể là làm lý luận trước, phân tích chứng minh sau.

  1. Mở rộng

– Ý kiến của Hoài Thanh khẳng định, nhấn mạnh ý nghĩa, chức năng của văn chương đối với con người. Đây cũng được xem là một yêu cầu đặt ra đối với người nghệ sỹ trên hành trình sáng tác. Chỉ có người nghệ sỹ chân chính mới tạo ra được tác phẩm chân chính thực hiện chức năng cao quý đối với con người.

– Về phía người tiếp nhận, cần đến với tác phẩm bằng tất cả tình yêu, niềm say mê, chân thành mới có thể nhận ra được thông điệp mà người nghệ sỹ gửi gắm, từ khám vẻ đẹp kì diệu của văn chương mà làm thay đổi cuộc đời phù phiếm, chật hẹp của cá nhân.

III. Biểu điểm                             

Điểm 12: Bài làm đáp ứng tốt các yêu cầu ở I và II; nắm chắc vấn đề, giải quyết đúng hướng; giải thích, bình luận thuyết phục; chọn tác phẩm và phân tích chứng minh làm sáng rõ, nổi bật vấn đề; văn viết sáng tạo, dư ba, vừa giàu tư duy vừa có cảm xúc; khai thác giá trị, sức mạnh tác phẩm văn chương tinh tế. Chữ rõ, trình bày sạch.

Điểm 10: bài làm đáp ứng yêu cầu khá tốt ở I và II; nắm được yêu cầu đề, triển khai trọng tâm, đúng hướng. Triển khai luận điểm rõ, phân tích làm sáng rõ vấn đề qua tác phẩm cụ thể. Diễn đạt trôi chảy, khá thuyết phục. Chữ viết và trình bày sạch, rõ.

Điểm 8: Bài làm hiểu vấn đề, định hướng đúng; giải thích, bình luận và chứng minh tương đối tốt. Tuy nhiên văn viết chưa sâu sắc và toàn diện. Diễn đạt được nhưng chưa thật ấn tượng. Chữ viết rõ.

Điểm 6: Bài viết tỏ ra hiểu yêu cầu, xác định được hướng giải quyết vấn đề, chọn và phân tích được song chưa thuyết phục về lí lẽ, ý tứ. Chữ rõ.

Điểm 4: bài tỏ ra còn lung túng, chưa nắm chắc định hướng; kiến thức lí luận nghèo; sa đà phân tích tác phẩm hoặc phân tích chưa thật sát. Văn còn vụng; mắc lỗi diễn đạt, ngữ pháp.

Điểm 2: Viết nhưng chưa nắm bắt được vấn đề, lan man; văn vụng; chữ viết hạn chế.

Điểm 0: Bài làm lạc đề.

…………….………HẾT………………………

 

 Giáo viên: Trần Văn Toản

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *