KIỂM TRA CUỐI KỲ II NĂM HỌC 2023- 2024
MÔN: NGỮ VĂN –Khối 10
Thời gian làm bài: 90 phút
PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản
CON NGỰA TRẮNG CỦA BA TÔI
Ba tôi lúc mới đặt chân lên đất nước này thì vốn liếng không ngoài mấy đồng bạc. Cũng được đúc theo khuôn khổ kiên nhẫn và cần kiệm như bao nhiêu bạn đồng hương khác, ba tôi hơn họ ở chỗ sớm biết tìm học chữ Pháp.
Tôi biết không được tường tận lắm về sức học của ba tôi, bởi tôi sinh ra quá chậm và khi cái tuổi lên mười bắt đầu mở hai con mắt ngờ nghệch của tôi ra xung quanh, thì ba tôi mất. Ba tôi bị bệnh đau xương trong một khu rừng ở Thanh Hóa, sau nhiều năm trời lăn lộn gian nan, và mất đi vào một buổi sáng, lúc tôi còn bận gỡ nốt một đoạn dây thả diều. Tôi nhận cái hung tin ấy với một tấm lòng bình tĩnh vô hạn, vì tôi chưa từng được chứng kiến một cuộc ly tán nào xảy ra trong gia đình tôi, từ ngày tôi cất tiếng khóc chào đời.
Hôm ấy, người vú già bảo tôi:
– Ông “già” rồi cậu ạ.
Tôi không hiểu nên đáp trơn tru:
– Không già mà lại có râu!
– Không, già là mất, là chết kia.
(Lược trích một đoạn: Tâm trạng ngây thơ non nớt của tác giả -một đứa trẻ- chưa hình dung và cảm nhận được nỗi đau và sự mất mát người thân.Tác giả nhớ lại những kỉ niệm của người ba thân yêu để lại, đó là được sống trong một gia đình bậc khá khi ba làm thông ngôn cho một viên chức rồi chuyển hướng sang kinh doanh mở công ty muối, góp phần cổ đông buôn gỗ. Được ba cưng chiều nhất nhà.Tác giả hãnh diện vì có một người người ba chưa nói sõi tiếng Việt Nam(vì ông là người gốc Hoa)nhưng lại biết tiếng Pháp.
[…] Trong tất cả những kỷ niệm ba tôi để lại, cái làm tôi nhớ nhất và tôi không hiểu tại sao lại nhớ đến thế, là con ngựa kim hoa trắng của ba tôi. Những buổi trưa hè oi ả, mệt nhọc mang ba tôi từ những cánh rừng xa về, nó vui mừng hí lên khi nhận thấy cái mái nhà thân thiết trên đấy đậu mấy con chim bồ câu. Chân nó đập lên những lối đi quen biết, mồm nó ngoạm những cây cỏ ngon lành. Tôi chạy ra đón ba tôi và thường thường người giao cương cho tôi cột nó lại. Dưới cánh những con muỗi bay vo ve, nắng hoa xôn xao, da nó động đậy, mỡ mượt trong một vẻ đẹp đẽ, oai nghiêm riêng. Rồi những buổi trưa không còn có trong đời tôi nữa, tôi theo người nhà dắt nó đi tắm, đánh nó bơi qua sông. Tôi sung sướng cười vang trên mặt nước lòa nắng, cưỡi trên mình con ngựa kim hoa mà tiếng hí quen quen, tôi chắc đã lâu ngày rồi, không còn rền qua cánh đồng ngập cỏ nữa.
Bây giờ đời tôi chỉ còn lại những trời quạnh vắng, những buổi trưa đột nhiên vọng một tiếng gà gáy lạ lùng. Tôi thoáng thấy bóng người cưỡi ngựa về sau hàng rào, đi ngược lại thời gian, run run như chỉ đợi một hơi gió mơ hồ là biến mất.
Mẹ tôi bán dần dần nhà cửa, ruộng vườn để trả nợ, và cả con ngựa trắng cũng bị đổi lấy tám mươi đồng. Hôm mẹ tôi định bán nó đi, tôi thấy lòng buồn vô hạn. Tôi không mấy lúc rời cái buồng nhốt nó ra nữa, lưu luyến như đứa trẻ con bị đuổi khỏi căn nhà cũ, còn tiếc rẻ những chốn ăn nằm, đồ đạc quen thân. Tôi cầm một nắm cỏ đút vào mồm con ngựa trắng, vỗ vào mớ lông bờm trắng toát của nó. Từ ngày ba tôi mất đi, nó gầy gò thiểu não, mắt nó ướt và có ghèn, thỉnh thoảng cất tiếng hí không nhất định, mà tiếng hí mới buồn thảm làm sao!
Hôm người đến mua dẫn nó đi, tôi khóc bảo mẹ tôi:
– Mẹ đừng bán nó cho người ta. Mẹ để cho con.
Mẹ tôi thở dài:
– Nhà còn chả tiếc nữa là ngựa. Không bán đi thì xé xác ra mà trả nợ à?
Con ngựa ấy ngày nay đã chết. Cũng như ba tôi để lại cái danh vọng tàn của những ngày rực rỡ, nó cũng đã từng nổi tiếng một thời về nước kiệu hay.
Anh Hai tôi thường trêu tôi:
– Đồ người không nhớ người, lại nhớ ngựa. Rõ dở hơi!
Mà tôi dở hơi thật. Trên đường đời, tôi đã nhiều lần dở hơi như thế, và chắc sẽ phải dở hơi suốt đời…
Ngày nay, mỗi lần đi qua cánh đồng ngập cỏ, tôi vẫn còn phảng phất ngửi thấy mùi ngựa, nghe thấy tiếng ngựa, và hình dung một bộ yên cương vắng chủ, ngơ ngác đâu đây…
(Rút từ tập truyện ngắn Chân trời cũ, Hồ Dzếnh, Nhà xuất bản Á Châu, Hà Nội – 1946)
*Chú thích:
– Hồ Dzếnh (1916–1991), tên thật là Hà Triệu Anh hay Hà Anh (ghi theo giọng Quảng Đông là Hồ Dzếnh) là một nhà thơ của Việt Nam. Ngoài ra, Hồ Dzếnh còn là một nhà văn với nhiều tác phẩm, tiêu biểu là tập truyện ngắn Chân trời cũ (1942) gồm 14 truyện ngắn, Thạch Lam đề tựa.
– Nhà thơ Hoài Anh viết về Hồ Dzếnh: “Phần đóng góp quan trọng nhất cho văn học Việt Nam của anh lại là tập Chân trời cũ, thể hiện nếp sinh hoạt, tính cách, tình cảm, tâm lý của bà con gốc Hoa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hồ Dzếnh chỉ kể chuyện về người cha mình, các anh, chị, em mình, con ngựa của cha mình… mà làm cho người đọc Việt Nam rung động tận đáy lòng.” (Chân dung văn học, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2001)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định ngôi kể của người kể chuyện trong văn bản.
Câu 2. Tìm những chi tiết miêu tả hình ảnh con ngựa trắng sau khi ba của nhân vật “tôi” mất.
Câu 3. Xác định và nêu tác dụng của phép tu từ trong câu văn sau: Trong tất cả những kỷ niệm ba tôi để lại,cái làm tôi nhớ nhất và tôi không hiểu tại sao lại nhớ đến thế, là con ngựa kim hoa trắng của ba tôi.
Câu 4. Em hiểu nội dung đoạn văn dưới đây như thế nào?
Con ngựa ấy ngày nay đã chết. Cũng như ba tôi để lại cái danh vọng tàn của những ngày rực rỡ, nó cũng đã từng nổi tiếng một thời về nước kiệu hay.
Câu 5. Qua câu chuyện cho biết nhân vật “tôi” là người thế nào?
II.VIẾT
Câu 1.
Anh/chị hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích tâm trạng của nhân vật “tôi” trong văn bản ở phần đọc hiểu.
Câu 2.
Les Brown từng nói rằng: Thay đổi khó khăn nhưng thường cần thiết để sống còn. Và trong cuộc sống, sự thay đổi là quy luật tất yếu để thích nghi. Anh/chị hãy viết một bài văn trình bày suy nghĩ về sự cần thiết thay đổi bản thân của giới trẻ.
…………………………………………Hết………………………………………………….
SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO QUẢNG NGÃI KIỂM TRA CUỐI KÌ II
TRƯỜNG THPT TRẦN QUỐC TUẤN NĂM HỌC 2023 – 2024
ĐÁP ÁN-HƯỚNG DẪN CHẤM CHÍNH THỨC MÔN: NGỮ VĂN – Khối 10
(Có 04 trang) Thời gian làm bài: 90 phút
Phần | Câu | Nội dung | Điểm | |
I. | ĐỌC HIỂU | 4,0 | ||
1 | 1.Ngôi kể: Ngôi thứ nhất.
Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời như Đáp án :0,5đ |
0,5 | ||
2 | – Các chi tiết miêu tả con ngựa trắng: nó gầy gò thiểu não, mắt nó ướt và có ghèn, thỉnh thoảng cất tiếng hí không nhất định, mà tiếng hí mới buồn thảm làm sao!
Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời được 03 chi tiết trong đáp án: 0,5 điểm – Học sinh trả lời được 02 chi tiết trong đáp án: 0,25 điểm |
0,5 | ||
3 | – Biện pháp tu từ:
+Chêm xen +Biểu hiện : « ,cái làm tôi nhớ nhất và tôi không hiểu tại sao lại nhớ đến thế, » – Tác dụng: + Làm cho câu văn sinh động tạo ấn tượng cho người đọc. + Nhằm bổ sung thông tin cho câu văn. Cụ thể bổ sung về những kỉ niệm của nhân vật tôi với ba mình đặc biệt kỉ niệm mà tác giả nhớ nhất đó là con ngựa trắng của ba. Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm – Xác định BPTT: 2 ý mỗi ý 0,25 điểm. – Tác dụng : 2 ý mỗi ý 0,25 điểm. |
1,0 | ||
4 | – Nội dung đoạn văn :Con ngựa ấy ngày nay đã chết. Cũng như ba tôi để lại cái danh vọng tàn của những ngày rực rỡ, nó cũng đã từng nổi tiếng một thời về nước kiệu hay.
+ Con ngựa trắng gắn với những kỷ niệm về người cha.Đó là hình ảnh một con ngựa đẹp,hay. Và kí ức về một người ba tài giỏi của tác giả. + Hiện tại con ngựa đã chết và người ba đã không còn nhưng những kỉ niệm đẹp ấy vẫn mãi còn in đậm trong trái tim của tác giả- nhân vật tôi. -Hướng dẫn chấm: Học sinh trả lời chính xác như đáp án: 1,0 điểm Học sinh trả lời một ý: 0,5 điểm |
1,0 | ||
5 | Học sinh có thể cảm nhận về nhân vật theo cách nghĩ của mình. Sau đây là một số gợi ý:
Nhân vật tôi:+ biết trân trọng với những kỉ niệm. + Có một tâm hồn cực kỳ đa cảm, yêu thương trân quý những gì gần gũi bình dị nhất. -Hướng dẫn chấm: Học sinh trả lời chính xác như đáp án: 1,0 điểm Học sinh trả lời một ý: 0,5 điểm |
1,0 | ||
II. | LÀM VĂN | 6,0 | ||
1 | Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích tâm trạng của nhân vật tôi trong văn bản ở phần đọc hiểu. | 2,0 | ||
a. Đảm bảo thể thức của một đoạn văn có độ dài khoảng 200 chữ. | 0,25 | |||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích tâm trạng của nhân vật tôi. | 0,25 | |||
c. Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn theo định hướng sau: | ||||
Hs có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng trong đoạn văn cần đảm bảo được các ý:
— Giới thiệu tên tác phẩm, tác giả: Truyện ngắn Con ngựa trắng của ba tôi, Hồ Dzếnh và vấn đề nghị luận: tâm trạng của nhân vật tôi. – Phân tích tâm trạng của nhân vật tôi. Có thể theo một số gợi ý sau: + Tâm trạng ngây thơ vô tư của nhân vật tôi- lúc 10 tuổi- khi biết tin ba mất + Nỗi nhớ da diết của nhân vật tôi về con ngựa kim hoa trắng cùng những kỉ niệm khi ba còn sống. ++ Nhân vật tôi hân hoan chạy ra đón ba cùng con ngựa khi người trở về từ những cánh rừng xa. ++ Nhân vật tôi sung sướng, hạnh phúc khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của con ngựa và được tắm, được cưỡi trên mình con ngựa. + Nỗi cô đơn, trống vắng, buồn bã của nhân vật tôi khi ba không còn và con ngựa bị bán đi. ++ Nhân vật tôi lưu luyến không muốn rời xa con ngựa – kỉ vật của người cha ++ Nhân vật tôi xót xa, buồn tủi khi nhìn thấy con ngựa gầy gò, thiểu não do thiếu vắng người chủ. Hướng dẫn chấm: – Đảm bảo ý, lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp (1,0 điểm). – Ý còn thiếu, lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, dẫn chứng chưa tiêu biểu (0,75 điểm). – Lập luận không chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận (0,5 điểm). |
1,0 | |||
d. Sáng tạo: Cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng, sâu sắc về vấn đề cần nghị luận.
Hướng dẫn chấm: HS huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân để bàn luận về vấn đề nghị luận; có cách nhìn riêng, mới mẻ; sáng tạo trong diễn đạt;… |
0,25 | |||
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, chuẩn ngữ pháp của câu, ngữ nghĩa của từ.
Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp. |
0,25 | |||
2
|
Les Brown từng nói rằng: Thay đổi khó khăn nhưng thường cần thiết để sống còn. Và trong cuộc sống, sự thay đổi là quy luật tất yếu để thích nghi. Anh/chị hãy viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết thay đổi bản thân của giới trẻ.
|
4.0 | ||
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề gồm nhiều ý/ đoạn văn, kết bài kết luận được vấn đề. | 0,25 | |||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: sự cần thiết thay đổi bản thân của giới trẻ.
Hướng dẫn chấm: – Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm. – Học sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề nghị luận: 0,25 điểm. |
0,25 | |||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:
– Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau: |
||||
* Dẫn dắt giới thiệu vấn đề cần nghị luận: sự cần thiết thay đổi bản thân của giới trẻ. | 0,5 | |||
* Giải thích:
– Thay đổi bản thân: không ngừng học hỏi, cải thiện để bản thân mình tiến bộ hơn, hoàn thiện hơn từng ngày. Mỗi con người thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực để trở nên có ích hơn cho xã hội và hoàn thiện chính mình hơn. * Phân tích – Người biết thay đổi, hoàn thiện bản thân mình là những người không ngừng nỗ lực học tập, tích lũy, tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau. Họ còn là người biết nhìn nhận vào những lỗi sai của mình, từ đó rút ra bài học và khắc phục; sống có đam mê và cố gắng theo đuổi đam mê đó. – Việc thay đổi bản thân làm cho bản thân mình ngày càng tốt hơn, mở mang tầm hiểu biết, khắc phục được những khuyết điểm của bản thân mình từ đó được mọi người tín nhiệm, tin tưởng. 3* Chứng minh – Học sinh tự lấy dẫn chứng minh họa cho bài làm văn của mình. 4* Phản biện – Trong xã hội vẫn còn có nhiều người sống an phận, nghe theo sự sắp đặt của người khác mà không biết phấn đấu vươn lên để hoàn thiện bản thân mình. Lại có những người quá lười biếng, không có ý thức vươn lên để hoàn thiện bản thân mình, trau dồi kiến thức để thực hiện mục tiêu… * Liên hệ, mở rộng. – Cần vượt qua vùng an toàn của bản thân để không ngừng chinh phục cái mới, làm mới mình để vươn đến thành công. – Tuổi trẻ đừng ngại thay đổi. Hướng dẫn chấm: – Trình bày đầy đủ, sâu sắc: 2,5 điểm – Trình bày chưa đầy đủ hoặc chưa sâu sắc: 2,25 điểm – 1,25 điểm. – Trình bày chung chung, chưa rõ: 0,25 điểm – 1,0 điểm |
2,5
|
|||
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp. |
0,25 | |||
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,25 | |||
Tổng điểm | 10,0 |
………………………………………..hết…………………………………………..