Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 10 : Vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ ca

Đề thi khối 10
TRƯỜNG THPT CHUYÊN HẠ LONG

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

MÔN NGỮ VĂNKHỐI 10

Thời gian làm bài: 180 phút

(Đề này có 02 câu; gồm 01 trang)

Câu 1 (08 điểm):

                              – Hãy ra khỏi tổ các con!

                             – Không, ngoài kia chắc lạnh lắm!

                             – Hãy bay, đợi đến khi nào nữa?

                             – Không, chúng con sẽ rơi mất!

                             – Dũng cảm lên! Đừng sợ!

                             – Có sao không hả cha?

                             Những chú chim bé bỏng

                             Run rẩy trèo lên tổ

                             Chim bố cười xô xuống

                             Và chim non biết bay.

( Thơ Apolinaire – dẫn theo Khám phá sức mạnh bản thân, NXB Tổng Hợp TP HCM, 2007)

Từ ý thơ trên, anh (chị) hãy viết một bài văn nghị luận với chủ đề: Sự thử thách.

Câu 2 (12 điểm):

Trong cuốn Đaghettxtan của tôi, nhà thơ Nga Rasul Gamzatov viết:

                             “Những chiếc bình đẹp nhất

                             Nặn từ đất bình thường

                             Như câu thơ đẹp nhất

                             Từ những chữ bình thường.”

Còn nhà thơ Lê Đạt trong Từ tình U70 chia sẻ: “Tôi trọng những nhà thơ sinh sự với văn phạm để tạo ra sự sinh của ngôn ngữ.”

Từ những ý kiến trên, anh (chị) có suy nghĩ gì về vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ ca? Hãy làm sáng tỏ qua tác phẩm (đoạn trích)  trong chương trình Ngữ văn 10.

——— HẾT ———-

HƯỚNG DẪN CHẤM

Môn: Ngữ văn (Khối 10)

(Hướng dẫn chấm gồm 05 trang)

Câu Ý Nội dung Điểm
1 I. Yêu cầu về kĩ năng:

– Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận xã hội với vấn đề nghị luận được rút ra qua một câu chuyện, biết vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận, đưa ra ý kiến riêng khi giải quyết vấn đề.

– Bài viết có bố cục mạch lạc; hệ thống luận điểm, luận cứ rõ ràng; dẫn chứng thuyết phục; hành văn trong sáng, giàu cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

II. Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đáp ứng được những ý cơ bản sau:

8.0
1 Phân tích ý nghĩa câu chuyện trong bài thơ 1.0
– Những chú chim non không dám rời tổ, không dám tập bay vì lo sợ những gian khổ, khó khăn, nguy hiểm mà chúng phải đối mặt (ngoài kia chắc lạnh lắm; Chúng con sẽ rơi mất). Nhờ sự khích lệ, động viên (Dũng cảm lên, đừng sợ) và tạo tình huống thử thách của chim bố (Chim bố cười xô xuống), những chú chim non đã biết bay.

– Câu chuyện chim bố dạy chim con tập bay đem lại cho người đọc nhiều ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, trong đó có thông điệp về sự thử thách đối với quá trình trưởng thành của con người.

2 Bàn luận về Sự thử thách 6.0
– Sự thử thách là những tình huống, những việc làm khó khăn, gian khổ, đòi hỏi con người có nghị lực, có khả năng mới có thể vượt qua. Thử thách có thể nhỏ hoặc lớn, với cá nhân hoặc với cộng đồng, thử thách có thể do khách quan hay chủ quan đem lại, có thể hữu hình hay vô hình.

– Thử thách là điều rất cần thiết trong cuộc sống con người, nó khiến chúng ta trưởng thành, khám phá được sức mạnh của chính mình, giúp chúng ta tồn tại và phát triển.

– Thử thách đòi hỏi con người ta phải có sức mạnh thể chất lẫn tinh thần, có nghị lực, lòng dũng cảm để vượt qua.

– Mọi thử thách chứa trong đó sự hiểm nguy. Con người dám chấp nhận thử thách cũng đồng thời cũng phải dám chấp nhận thất bại; song sự tỉnh táo, hiểu biết sẽ giúp con người ta làm chủ được thử thách của mình. Đối diện với thử thách không phải bằng sự liều lĩnh, mà phải bằng bản lĩnh và trí tuệ.

– Có khi, những sự tin tưởng, động viên, khích lệ từ người khác sẽ tạo động lực và sức mạnh giúp con người ta vượt qua thử thách.

(HS bàn về sự thử thách từ ý nghĩa của bài thơ, có thể phân tích kết hợp cùng bình luận. Đi cùng những lí lẽ, HS lấy dẫn chứng phù hợp để chứng minh)

3 Bài học – liên hệ bản thân 1.0
– Chấp nhận và sẵn sàng đương đầu với những thử thách ở đời để trưởng thành, để khám phá bản thân.

– Rèn luyện cho mình bản lĩnh, nghị lực, niềm tin….trước những thử thách.

2 I. Yêu cầu về kĩ năng:

– Học sinh biết cách làm bài nghị luận về một ý kiến bàn về văn học, biết vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận, biết lựa chọn tác phẩm tiêu biểu, biết phân tích, cảm thụ để làm sáng tỏ vấn đề.

– Bố cục rõ ràng, mạch lạc; lập luận chặt chẽ, thuyết phục.

– Hành văn trong sáng, giàu cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

II. Yêu cầu về kiến thức: 

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

12.0
1 Giải thích 1.5
 – Ý kiến của Rasul Gamzatov: Bằng cách nói ví von hình ảnh, tác giả khẳng định: nếu như những chiếc bình đẹp nhất được nhào nặn từ nguyên liệu rất thô sơ – đất bình thường, thì những áng thơ ca đẹp nhất cũng được viết nên bởi những chữ bình thường, giản dị của đời sống. Ý kiến nhấn mạnh vào vẻ đẹp bình dị, gần gũi của ngôn ngữ thơ ca.

– Ý kiến của Lê Đạt: Đề cao những nhà thơ đã dám có những sáng tạo, đổi mới, cách tân, phá bỏ những tính quy phạm của ngôn ngữ (sinh sự với văn phạm), để tạo ra “sự sinh của ngôn ngữ”, tức là những ngôn ngữ sống động, mới mẻ, hấp dẫn. Ý kiến nhấn mạnh vào vẻ đẹp mới lạ, độc đáo của ngôn ngữ thơ ca.

2 Bàn luận về vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ ca 9.0
2.1. Đánh giá – Bàn luận

Hai nhà thơ đưa ra hai quan điểm khác nhau về đặc trưng vẻ đẹp ngôn ngữ thơ ca. Hai quan điểm trái ngược, song chúng không phủ định nhau, mà bổ sung cho nhau, giúp người đọc có cái nhìn đa diện về vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ ca cũng như sự phong phú trong quan điểm sáng tác của những người nghệ sĩ.

2.2. Cơ sở

– Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên của văn học, của thơ ca.

– Ngôn ngữ thơ ca là ngôn ngữ đời sống, đó là lời ăn tiếng nói hàng ngày được lựa chọn, được gọt giũa để biểu hiện cảm xúc của chủ thể trữ tình. Bởi thế, ngôn ngữ thơ ca không nằm ngoài đời sống, tự nó chứa đựng nét tự nhiên, gần gũi của ngôn ngữ hàng ngày (trong từ ngữ, cách diễn đạt…). Nhiều nhà thơ quan niệm: làm cho ngôn ngữ thơ mộc mạc giản dị cũng là cả một quá trình lao động nghệ thuật. Cái gần gũi, “bình thường” ở đây không có nghĩa là ngôn ngữ thơ ca rơi vào chủ nghĩa tự nhiên mà nó là một phương diện của cái đẹp.

– Trong văn học, ngôn ngữ thơ ca có đặc trưng riêng: được trau chuốt và trở thành thứ ngôn từ có cấu tạo đặc biệt. Với những nhà thơ có tài năng, phong cách, họ thường cố gắng đem cách diễn đạt mới lạ, sáng tạo ngôn từ độc đáo cho thơ ca bằng các thủ pháp nghệ thuật, lạ hóa ngôn từ… tạo nên hiệu quả thẩm mĩ , tác động vào nhận thức độc giả.

– Vẻ đẹp của ngôn ngữ tạo nên giá trị nghệ thuật cho tác phẩm; việc lựa chọn, sáng tạo ngôn từ là một phương diện biểu hiện phong cách nghệ thuật của người nghệ sĩ.

2.3. Chứng minh

HS chứng minh qua một (hoặc một vài) tác phẩm, đoạn trích thơ ca trong chương trình Ngữ văn 10. Yêu cầu cơ bản:

– Giới thiệu tác giả – tác phẩm (đoạn trích)

– Phân tích vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ ca trong tác phẩm (đoạn trích) (Chú ý bao quát cả hai phương diện theo yêu cầu của đề, gắn với quan điểm cá nhân của HS)

– Rút ra những nhận xét, đánh giá phù hợp

3 Mở rộng, nâng cao 1.5
– Sự giản dị gần gũi của ngôn ngữ làm thơ ca có sức sống lâu bền, sự sinh động mới lạ của ngôn ngữ lại làm thơ ca có sức hấp dẫn riêng. Muốn tạo ra “sự sinh cho ngôn ngữ”, người nghệ sĩ cũng không hẳn cứ phải “sinh sự với văn phạm”, bởi những chữ, những câu rất bình thường của đời sống, nếu đặt đúng chỗ, chuyển tải được linh hồn của thi phẩm, chúng vẫn “sáng lấp lánh, kêu giòn và tỏa hương” (Mayakovsky)

– Bài học với người sáng tác: Việc sáng tác đòi hỏi cả tài năng và tâm huyết của tác giả. Mỗi nhà thơ, nhà văn phải là người nghệ sĩ ngôn từ.

– Bài học với người tiếp nhận: Trân trọng vẻ đẹp của văn chương, vẻ đẹp của ngôn ngữ, trân trọng tài năng và quá trình lao động sáng tạo của người nghệ sĩ…

 

Lưu ý:

– Giám khảo cần nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo, có quan điểm cá nhân và chứng minh thuyết phục.

– Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho điểm tối đa.

– Điểm bài thi là tổng điểm của 02 câu.

——————— HẾT———————

 

Người ra đề: Nguyễn Minh Huệ

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *