Đề thi học sinh giỏi bài Tỏ lòng và nỗi thương mình

Đề thi khối 10
HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN

KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

TRƯỜNG THPT CHUYÊN

HÙNG VƯƠNG

 

(Đề thi đề xuất)

 

 

ĐỀ THI OLYMPIC KHU VỰC DHBB

NĂM HỌC 2017 – 2018

Môn: Ngữ văn – lớp 10

(Thờigian: 180 phút – khôngkểthờigiangiaođề)

Câu 1 (8,0 điểm)

Trong cuốn sách Dám bị ghét, Kishimi Ichiro & Koga Fumitake đã đưa ra quan điểm: “Chỉ khi dám bị người khác ghét bỏ, chúng ta mới có được tự do, mới có được hạnh phúc”.

(Dám bị ghét, Kishimi Ichiro & Koga Fumitake, NXB Lao Động, 2018)

Hãy đối thoại với tác giả của cuốn sách để trình bày ý kiến của mình.

Câu 2 (12,0 điểm)

Xuân Diệu cho rằng: “Cái tính cách cốt yếu của thơ là sự khó”.

(Dẫn theo Phan Ngọc Thu, Xuân Diệu nhà nghiên cứu phê bình bình văn học,

NXB Giáo dục, 2003)

Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến trên? Hãy làm sáng tỏ qua bài thơ “Tỏ lòng” (Phạm Ngũ Lão)và đoạn trích “Nỗi thương mình” (trích “Truyện Kiều” – Nguyễn Du).

 

——— Hết ——–

 

Người ra đề:

                                                                              Nguyễn Thanh Xuân – 0915305356

 

 

 

 

 

HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN

KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

TRƯỜNG THPT CHUYÊN

HÙNG VƯƠNG

 

(Đề thi đề xuất)

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ THI OLYMPIC KHU VỰC DHBB

NĂM HỌC 2017 – 2018

Môn: Ngữ văn – lớp 10

 

 

Câu 1 (8,0 điểm)

Yêu cầu về kĩ năng (1,0)

– Biết cách làm bài nghị luận xã hội về một vấn đề tư tưởng đạo lí

– Lập luận chặt chẽ, bố cục rõ ràng.

– Có cách tư duy, trình bày và diễn đạt mới mẻ sáng tạo, giàu cảm xúc.

Yêu cầu về kiến thức (7,0)

Có thể có những cách triển khai bài viết khác nhau, tuy nhiên, về cơ bản, học sinh cần đáp ứng được một số ý chính sau:

Giải thích (1,5 điểm)

– “Dám bị ghét”: “dám” là có đủ tự tin để làm việc gì, dù biết khó khăn; “dám bị ghét” là có đủ tự tin, can đảm chấp nhận, vượt lên thái độ, tình cảm tiêu cực của người khác đối với mình (tình cảm tiêu cực ấy bao gồm cả sự khó chịu, không hài lòng, không đồng tình, không ủng hộ, phản bác, ngăn cản,…); “tự do”-  không bị bó buộc, có thể làm những gì mình thích, mình muốn; “hạnh phúc” là cảm giác mãn nguyện, thoải mái, vui vẻ.

– Cầu trúc “Chỉ khi … mới…”: khẳng định điều kiện cần có.

=> Câu nói trong cuốn sách: “Chỉ khi dám bị người khác ghét bỏ, chúng ta mới có được tự do, mới có được hạnh phúc” đã đề cập đến vấn đề sống đúng là chính mình. Việc có đủ can đảm, tự tin để sống theo những gì mình thích, không theo khuân mẫu của người khác đặt ra, vượt lên cả sự ghét bỏ, phản đối của người khác là điều kiện cho một cuộc đời tự do, hạnh phúc.

Bàn luận (4,5 điểm)

– Vì sao tác giả cuốn sách lại đặt ra vấn đề “dám bị người khác ghét bỏ…”: Vì theo lẽ thường, ai cũng muốn mình được mọi người yêu quý, tôn trọng; được nhiều người hài lòng mà không ai muốn bị ghét bỏ, thậm chí rất sợ người khác ghét bỏ, không bằng lòng với mình.

– Vì sao “dám bị  người khác ghét bỏ, chúng ta mới có được tự do, mới có được hạnh phúc”:

+  Là được sống với khả năng, bản lĩnh, sở thích của mình, tự do thoải mái; Nếu lúc nào cũng muốn làm vừa lòng người khác thì bản thân khó có thể thể hiện chính kiến, cá tính, quan điểm của mình.

+ Tự tin vào phẩm chất, năng lực của mình; ý thức cá nhân được phát huy

+ Tạo ra một môi trường bình đẳng, có nhiều bản sắc.

– Mở rộng:

+ Trong những hoàn cảnh cụ thể “bị ghét”, bị chỉ trích, phản đối, bị cô lập lại tổn thương đến tâm hồn, dẫn đến bị sợ hãi, đau khổ. Cho nên cần sống khác biệt chứ không sống dị biệt.

+ Sống thật với cá tính nhưng phải đúng với những chuẩn mực đạo đức; Mỗi người cần biết trân trọng bản thân, tôn trọng sự khác biệt và cần giữ được bản sắc riêng của mình trong suốt hành trình cuộc sống.

+ Không phải người nào sống là mình, sống tự do, hạnh phúc với cá tính, sở thích của mình cũng là người bị người khác ghét bỏ, phản đối; phê phán những người sống hèn nhát, giả tạo, a dua theo đám đông.

Bài học (1,0 điểm)

– Ý kiến đã mở ra cho chúng ta một con đường để tìm được giá trị sống cho chính mình.

– Bồi đắp niềm tin, tri thức, trí tuệ để trở thành người có tư duy độc lập, nhân cách độc lập, tìm thấy niềm vui, hạnh phúc, tự do khi được là chính mình.

– Phải thận trọng trước những tác động của bên ngoài, của đám đông; chấp nhận những ý kiến trái chiều. Mỗi người cần xác định lối sống đúng đắn để vừa dung hòa với cộng đồng vừa giữ được cá tính của mình.

(Lưu ý: thí sinh cần có dẫn chứng phù hợp, làm sáng rõ từng luận điểm)

III. Biểu điểm:

– Điểm 7 – 8: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, bài viết sâu sắc độc đáo, diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 5 – 6: Nội dung đầy đủ, có thể còn thiếu một vài ý nhỏ, bố cục rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, câu văn có hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 3 – 4:  Bài làm còn thiếu ý. Văn chưa hay nhưng rõ ý. Còn mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 1 – 2: Trình bày ý còn sơ sài, kết cấu không rõ ràng, mắc rất nhiều lỗi diễn đạt.

Câu 2 (12, 0 điểm)

Yêu cầu về kĩ năng (1,0 điểm)

– Biết cách làm bài nghị luận văn học, vận dụng kiến thức lí luận và kiến thức tác phẩm.

– Diễn đạt trong sáng, bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ.

– Sử dụng kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận; Có cách tư duy, trình bày và diễn đạt mới mẻ sáng tạo, giàu cảm xúc, có chất văn.

Yêu cầu về kiến thức (11,0 điểm)

Học sinh cần nêu được các ý cơ bản sau:

Dẫn dắt, giới thiệu được vấn đề (0,5)

Giải thích (1,5 điểm)

– “cái tính cách cốt yếu ”:  nhằm nhấn mạnh đặc trưng cơ bản, quan trọng nhất của thơ.

“thơ là sự khó”: Thơ thể hiện những cái trên mức bình thường, rất riêng, thơ có đặc trưng riêng không giống như văn xuôi; thơ phải diễn tả những điều bình thường trở thành nghệ thuật, hay những điều khó nói nhất chỉ thơ mới cất thành lời.

=> Ý kiến đã đề cập đến đặc trưng của thơ, những yêu cầu cơ bản nhất về nội dung và hình thức nghệ thuật của thơ; ý kiến cũng đặt ra yêu cầu đối với người nghệ sĩ sáng tạo thơ ca nói chung.

Bình luận (3,0 điểm)

Đặc trưng của văn học: văn học bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, phản ánh cuộc sống. Tuy nhiên không phải là mô phỏng, sao chép bên ngoài mà là tái tạo thông qua thế giới chủ quan của người nghệ sĩ. Nhưng thơ phải “đi thu góp những cái tinh hoa, những cái cốt yếu, cái lõi của sự vật”, “tài liệu thì vẫn lấy trong đời thường, trong cuộc sống hằng ngày (…) nhưng khi đã đem vào thơ, thì tài liệu biến đi, và thành ngọc châu” (Xuân Diệu).

– Đặc trưng cơ bản nhất của thơ:

+ Về nội dung: Nói đến thơ là nói đến tình cảm, cảm xúc; tình cảm là sinh mệnh của thơ, “tiêu chí vĩnh cửu của thơ ca là cảm xúc” (Bằng Việt). Nhưng tình cảm, cảm xúc trong thơ phải mãnh liệt, tình cảm phải thăng hoa đến độ chín, có sự thống nhất giữa tình cảm và tư tưởng của nhà thơ. Thiếu tình cảm mãnh liệt và sâu sắc thì không có thơ. Hơn nữa, thơ còn diễn tả được “những điều tinh vi nhất, sâu kín nhất, mong manh nhất, mơ hồ nhất của tâm hồn con người” (Nguyễn Đăng Mạnh); Tình cảm trong thơ phải mang tư tưởng sâu sắc, thấm nhuần chất nhân văn.

+ Về nghệ thuật: Ngôn ngữ trong thơ phải là ngôn ngữ trau chuốt, chính xác, giàu hình tượng và biểu cảm, vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ là vẻ đẹp của toàn bộ hình thức nghệ thuật. Thơ là tình đời, tình người ngân lên trong âm vang ngôn ngữ, kết cấu, hình ảnh, giọng điệu, nhịp điệu,…

– “Sự khó” của thơ không đồng nghĩa là thơ phải khó hiểu, phức tạp, bí hiểm mà thơ cần cô đọng, súc tích, “lời ít ý nhiều”, “phải sắc lại như một thứ thuốc nấu nhiều lần” (Xuân Diệu); “Những chiếc bình đẹp nhất/ Nặn từ đất bình thường/ Như câu thơ đẹp nhất/ Từ những chữ bình thường” (Raxun Gamzatop)

– Người làm thơ là người có phẩm chất, tố chất riêng: đó là trái tim đa cảm, nhạy cảm, tâm hồn tinh tế giúp “lắng nghe và thấu hiểu” mọi rung động tinh vi, tinh tế, mong manh nhất của thế giới tâm hồn con người, tạo vật; có trí tưởng tượng bay bổng, có kho từ vựng dồi dào,…để diễn tả chân xác, tài tình mọi trạng thái tình cảm, tâm hồn con người; là “phu chữ” trong việc chắt gạn, kết đọng ngôn ngữ đời thường thành ngôn ngữ thơ ca.

Chứng minh (5,0)

Trong mỗi dẫn chứng cần làm rõ: Người viết đã khám phá, diễn tả được những sắc thái tâm hồn, tình cảm nào và biểu đạt nó bằng những phương tiện nghệ thuật độc đáo nào?

 

– Chứng minh qua bài thơ “Tỏ lòng” (Phạm Ngũ Lão) cần thấy được:

+ Vẻ đẹp của con người thời Trần, hào khí của một triều đại (hào khí Đông A) và tư thế, tầm vóc kiêu hùng của một dân tộc.

+ Chỉ một bài thơ ngắn, với ngôn ngữ, hình ảnh cô đọng mà đã bảo tồn được tinh thần và tâm hồn Đại Việt.

– Chứng minh qua đoạn trích “Nỗi thương mình” (trích Truyện Kiều – của Nguyễn Du) cần làm rõ:

+ Miêu tả cảnh tiếp khách ở lầu xanh mà làm cho có “chất thơ”, cho không rơi vào dung tục được coi là “điều khó”.Nguyễn Du đã có nhiều sáng tạo: nếu trong tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện  của Thanh Tâm Tài Nhân chủ yếu kể sự việc, thì Nguyễn Du chủ yếu diễn tả các trạng thái tâm lý, tâm trạng;

+ Khung cảnh lầu xanh và chân dung Thúy Kiều trong tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân cũng có phần dung tục, thô nhám. Còn trong Truyện Kiều ở đoạn “Nỗi thương mình”, bằng nghệ thuật ước lệ, dùng nhiều điển tích,… đã làm cho cảnh lầu xanh và hình ảnh Thúy Kiều không còn dung tục, mà vẫn lấp lánh sự thanh tao.

(học sinh chọn được những câu thơ thể hiện khả năng khám phá, diễn tả những điều tinh tế nhất, sâu kín nhất của xúc cảm, diễn biến tâm trạng tinh nhạy với những biến động cuộc đời, chiều sâu nỗi buồn, khổ đau, tủi hổ).

+  Qua đoạn thơ cũng khẳng định tư tưởng nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du.

Đánh giá, mở rộng (1,0 điểm)

– Quan điểm của Xuân Diệu “Cái tính cách cốt yếu của thơ là sự khó” đã khái quát được đặc trưng bản chất nhất của thơ về phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật.

– Ý kiến vừa đặt ra yêu cầu đối với thơ và với người nghệ sĩ trên hành trình sáng tạo thơ. Ý kiến còn có giá trị với cả người tiếp nhận thơ:

+ Người làm thơ phải luôn “mở hồn ra mà đón lấy tất cả những vang động của đời” trong đó có âm vang của hồn người, có khả năng sống sâu với đời, với người mà còn đòi hỏi nhà  thơ phải  biết lựa chọn những yếu tố hình thức, phương tiện nghệ thuật phù hợp, đắc địa, độc đáo để thể hiện;

+ Người đọc thơ, muốn tiếp nhận cái hay, vẻ đẹp riêng của thơ ca, phải có tâm hồn nhạy cảm, trái tim đa cảm, say mê.

III. Biểu điểm:

– Điểm 11 – 12: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, bài viết sâu sắc độc đáo, diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 8 – 10: Nội dung đầy đủ, có thể còn thiếu một vài ý nhỏ, bố cục rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, câu văn có hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 5 – 7:  Bài làm còn thiếu ý. Văn chưa hay nhưng rõ ý. Còn một số lỗi nhỏ trong chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 3 – 4: Trình bày ý còn sơ sài, kết cấu không rõ ràng, còn nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm 1 – 2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.

Lưu ý: Giám khảo vận dụng linh hoạt biểu điểm. Khuyến khích những bài viết sáng tạo, có chất văn. Điểmcholẻđến 0,25.

———————————

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *