Phân tích đoạn trích “Đăm săn chiến thắng Mtao mxây” ( trích đăm săn, sử thi ê-đê) để thấy được đặc sắc nội dung và nghệ thuật của sử thi.

Đề đọc hiểu

Văn học, người thư kí trung thành của thời đại, kẻ viết nên những câu chuyện về cuộc đời một cách chân thật và hoa mĩ. Cuộc sống trần tục đi qua lăng kính của văn học như được gột rửa và thay một tấm áo mới, nó không chỉ là một hiện thực bình thường nữa mà trở thành hiện thực khái quát, hay nói cách khác khi tắm mình dưới ánh trăng nghệ thuật, cuộc đời và hiện thực của nó trở nên ý nghĩa và nhân văn hơn. Từ xa xưa đến nay, trải qua bao nhiêu thịnh thế của trần gian, bao nhiêu triều đại, bao nhiêu là thế hệ, văn học nghệ thuật là người bạn tinh thần tri kỉ của con người, ở đó viết lên những câu chuyện về đời sống con người và tạo lập nhiều bài học quý giá. Thông qua khía cạnh nghệ thuật ấy, nhiều điều trong cuộc sống như được vỡ lẽ ra, không giấu mình trước những che đậy của cuộc đời, vẻ đẹp của cuộc sống hay sức mạnh của con người được phô diễn một cách đầy tính thẩm mĩ, cho thấy con người có sức mạnh vô thường, họ có thể tự tạo ra tương lai cho chính bản thân mình. Không đơn giản cũng không cầu kì, con người sáng tạo ra nghệ thuật để phục vụ đời sống tinh thần của mình, để tạo ra những bản anh hùng ca kể về vô số những sự kiện lừng lẫy của tổ tiên, của dân tộc cho thế hệ hậu bối sau này, đó là một giá trị vô cùng cao quý mà văn học có được. Những tác phẩm sáng tác theo khuynh hướng sử thi bao giờ cũng thể hiện rõ nét điều ấy, bởi nó là những trang chân thật nhất về một thời sắt son, hùng vĩ nhất của con người. Sử thi Đăm Săn của người dân tộc Ê đê không chỉ là kể về những mẫu chuyện của người anh hùng Đăm Săn mà còn là bài học nhận thức về sức mạnh của tập thể khi đối đầu vởi hiềm nguy. 

 

                       Kho tàng văn học Việt Nam sở hữu vô vàn những thể loại nhưng trong số đó, không mờ nhạt mà cũng không bị quên lãng, thể loại sử thi đã khẳng định được vị trí của mình khi có những giá trị vô cùng nhân văn, cao cả. Sử thi là thể loại tự sự, được sáng tác và truyền miệng trong dân gian, thường kể lại đời sống của cộng đồng bằng cách ca ngợi, tôn vinh chiến công của những người anh hùng sỡ hữu sức mạnh phi thường. Khác với thể loại thần thoại, dù nhân vật chính của cả hai đều là những nhân vật làm ra nhiều điều phi thường, nhưng đối với sử thi nhân vật chính của nó là con người, và có thật trong lịch sử tồn tại, nhưng được “Thần thánh hoá”, thêm vào những chi tiết kì ảo để làm nổi bật lên nhân vật ấy. Đó cũng là một nét riêng để phân biệt sử thi với các thể loại tự sự dân gian khác. Đến với thần thoại, không gian và thời gian trong đó thường không ai biết rõ cả, khi mà trời đất bất phân, nhưng sử thi chủ yếu kể về những người anh hùng trong xã hội cổ đại, phong kiến, không gian trong sử thi trải dài theo những cuộc phiêu lưu của các bậc anh hùng, vì vậy nó thật hơn ở điểm đó. Một điều đặc biệt nữa là người anh hùng trong sử thi được xây dựng theo lí tưởng của cộng đồng, đại diện cho sức mạnh chung, không riêng một cá nhân nào cả, đó là sức mạnh, tài năng, lòng dũng cảm phi thường, luôn sẵn sàng đối mặt với thách thức, hiểm nguy, lập nên những kì tích, uy danh lẫy lừng, là niềm tự hào của tập thể. Sử thi Đăm Săn là một áng văn kể về người anh hùng uy danh lẫy lừng của người Ê đê, nhân vật Đăm Săn hiện lên với vóc dáng uy mãnh, mạnh mẽ, ngang tàng và đầy khí phách, sẵn sàng đấu tranh chống lại những điều xấu xa để bảo vệ cộng đồng của mình, làm cho bộ tộc trở nên giàu có cường thịnh, đó là những lí tưởng cao đẹp mà tác phẩm hướng tới. Cảm hứng chủ đạo để tạo nên các tác phẩm sử thi là chống lại thần quyền trong cuộc đấu tranh chinh phục tự nhiên và chống các thế lực đe doạ sự sống của cộng đồng. Những giá trị ấy không bao giờ lỗi thời trong thời đại hiện nay, thêm vào đó nó lại chứa đựng nhiều điều mà ta nên học hỏi.

 

Đăm Săn xuất hiện và được miêu tả như một người anh hùng vô cùng uy phong, lẫm liệt. Chàng là một tù trường giàu mạnh, là chồng của hai chị em Hơ Nhị và Hơ Bhị, những chiến công của chàng đối với bộ tộc của mình nhiều vô số kể. Chàng có sức mạnh như voi đực, chàng thuần phục voi dữ, lên trời xin giống lúa cho đồng bào làm ăn, chỉ cho dân làng cách làm rẫy , săn bắt, … những công lao của chàng đối với cộng đồng là vô cùng to lớn. Ấy chính là lí tưởng vì cái chung, vì cộng đồng. Chàng anh hùng Đăm Săn mang trong mình những phẩm chất và giá trị của một người lãnh đạo, hy sinh bản thân để vì những điều to lớn trong xã hội, một điều đáng để học hỏi. 

 

                       Mtao Mxây là một tù trưởng giàu có, không kém gì Đăm Săn, nhưng khí chất thì không thể so sáng với chàng được. Hắn được “thần cho cái giàu”, “Đầu sàn hiên nhà đẽo hình mặt trăng, đầu câu thang đẽo hình chim ngói”, “cầu thang rộng một lá chiếu”, … dù là một tên tù trường giàu có nhưng lại vô cùng hèn nhát và bỉ ổi. Nhân lúc Mtao Mxây cùng dân làng đi bắt tôm bắt cá hắn đã sai thuộc hạ tới bắt vợ của Đăm Săn là Hơ Nhị đi, vì vậy cuộc chiến giữa hai bộ tộc đã nổ ra, người đứng đầu trực tiếp khiêu chiến là Đăm Săn và Mtao Mxây. Cuộc chiến này đã làm củng cố thêm uy danh của Đăm Săn, giúp chàng thu phục được nhiều thuộc hạ, của cải, càng trở nên giàu mạnh. 

 

                      Đăm Săn dẫn theo người của bộ lạc đến nhà Mtao Mxây để giành lại vợ, cuộc chiến giữa họ mới thực sự bắt đầu. Chàng Đăm Săn ra lời thách thức tên tù trưởng hèn nhát kia ra khỏi nhà để khiêu chiến như những người anh hùng thực thụ, nhưng đáp lại lời khiêu chiến của chàng là sự chọc tức từ Mtao Mxây: “ Ta không xuống đâu diêng…tay ta đang bận ôm vợ của hai chúng ta ở trên này cơ mà”. Đứng trước những lời nói ấy, Đăm Săn không hề tức giận, chàng vô cùng điềm tĩnh để đối đáp lại sự khiêu khích tột độ của tên hèn nhát kia. Chàng uy hiếp hắn nếu không xuống sẽ “ lấy cái sàn hiên của ngươi bổ đôi, lấy cái cầu thang của ngươi đi kéo lửa”… Bấy giờ Mtao Mxay mới chịu đi xuống nhưng luôn miệng dặn dò Đăm Săn rằng không được dâm lén hắn khi hắn xuống. Đăm Săn là một người nghĩa khí, không hề bỉ ổi như tên ấy nên đã mỉa mai lại rằng : “ Đến cả con lợn nái nhà ngươi dưới đất ta cũng không thêm đâm nữa là” “ Đến cả con trâu của nhà ngươi trong huồng ta cũng không thèm đâm nữa là”. Chàng ví Mtao Mxây không bằng cả con trâu, con lợn. Từ đó ta càng thấy rõ Mtao Mxay là một tù trưởng “hôn quân”, không xứng đáng để đươc mọi. người khuất phục, và Đăm Săn sẽ dạy cho hắn ta một bài học. Lời nói của Đăm Săn thể hiện rõ sự khinh bạc đối với một kẻ hèn nhát và bỉ ổi như thế. Hai bên bắt đầu múa khiên múa kiếm để thể hiện tài cán của mình, Mtao Mxây múa trước. Mtao Mxây múa lạch bạch, khiên hắn vang lên tiếng như quả mướp khô, “bước cao bước thấp chạy hết bãi Tây sang bãi Đông”, trái lại với sự tầm thường của Mtao Mxây, Đăm Săn thể hiện tài năng của mình. “Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh. Một lần xốc tới nữa chàng vượt một đồi lồ ô”, Đăm Săn lại “chạy vun vút qua phía Đông, vun vút qua phía Tây. Mtao Mxây chém Đăm Săn mọt nhát nhưng lại chũng cái chão trâu, hăn bảo Hơ Nhị vứt xuống cho hắn miếng trầu nhưng lại bị Đăm Săn đớp được. Sức mạnh của Đăm Săn như được tăng lên gấp bội, hình ảnh miếng trầu như là sức mạnh và sự ủng hộ của cộng đồng, của tập thể, tiếp thêm ý chí cho chàng. Có được sự ủng hộ to lớn, chàng hùng hục khí thế, bắt đầu đánh lại Mtao Mxây. “Chàng múa trên cao, gió như bão”, “chàng múa dưới thấp gió như lốc”. Chàng múa dưới thấp thì vang lên tiếng điã khiêng đồng, múa trên cao thì phát ra tiếng đĩa khiêng kênh. “Khi chàng múa chạy nước kiệu, quả núi ba lần rạn nứt, ba đồi tranh bật rễ bay tung”. Sức mạnh của Đăm Săn vô cùng mạnh mẽ, hơn hẳn cái khí chất tầm thường của Mtao Mxây, bởi chàng là hiện thân của cả một cộng động, sức mạnh của chàng là sức mạnh của tất cả mọi người. 

 

                         Thế rồi chàng lấy ngọn giáo từng nhuốm máu của không biết bao nhiêu kẻ đâm vào Mtao Mxây nhưng không thủng, bộ giáp của hắn đã cứu hắn một mang. Ngay lúc này chàng đã thấm mệt rồi, vậy rồi chàng vừa chạy vừa ngủ, trong giấc mơ chàng đã gặp được ông trời.  Chàng cầu xin ông trời chỉ cách cho mình tiêu diệt được Mtao Mxây để cứu vợ mình, ông trời trả lời “lấy một cái chày món cháu ném vào vành tai hắn lại được”. Sau khi tỉnh lại, Đăm Săn chộp lấy một cái chày mòn, ném vào vành tai hắn theo như lời, vậy là bộ giáp của hắn rơi lã chả trên mặt đất. Mtao Mxay chạy trốn sự truy lùng của Đăm Săn với dáng vẻ vô cùng hèn mọn, không xứng đáng làm một vị tù trưởng. Hắn nấp ở chuồng lợn Đăm Săn phá tan chuồng lợn, hắn tránh ở chuồng trâu Đăm Săn phá tan chuồng trâu. Vậy là cuối cùng Đăm Săn đã giết được Mtao Mxay, cứu được vợ mình, bêu đầu thị chúng. Việc thàn linh ra tay giúp đỡ Đăm Săn cũng là một văn hoá tín ngưỡng của con người. Thần linh, ông trời, những thế lực siêu nhiên luôn là chổ dựa tinh thần cho con người những lúc gặp khó khăn, họ sẽ sẵn sàng ra tay giúp đỡ. Là một người tù trưởng anh hùng, khí chất bất phàm nên Đăm Săn được ông trời giúp đỡ cách tiêu diệt kẻ thù. Đó là một nét văn hoá tín ngưỡng đẹp của truyền thống dân tộc, không chỉ riêng người Ê đê mà còn đối với người Việt nói chung. Đăm Săn là một người ngay thẳng, dũng cảm và luôn sãn sàng đứng lên giành lại quyền lơi. Chàng không sợ bất kì điều gì, đó là sự tự tin vốn có của một bậc anh hùng trong thiên hạ, đối lập một trời một vực với sự hèn nhát và bỉ ổi của Mtao Mxay. Chiến thắng của Đăm Săn là một cuộc chiến bảo vệ vợ, gia đình, bộ tộc, là hành động vì mục đích chung của xã hội, đổi lấy sự bình yên, hạnh phúc, và thịnh vượng cho bộ tộc của mình. 

 

Là một vị anh hùng thực sự, khi chiến thắng tên tù trưởng kia tất cả dân làng ấy đã nhận ra khí chất của người anh hùng Đăm Săn nên đã tự nguyện đi theo Đăm Săn, vậy là Đăm Săn đã thu nạp thêm nhiều người hơn nữa, buồn làng của chàng ngày càng trở nên đông đúc, chàng dần trở thành một tù trưởng giàu có danh tiếng vang xa khắp vùng. “Đoàn người đông như bầy cà tong, đặc như bầy thiêu thân, ùn ùn như kiến, như mối. Tôi tớ mang của cải về nhiều như ong đi chuyển nước, như vò vẽ đi chuyển hoa, như bầy trai gái đi giếng làng cõng nước”. Không khí của chiến thăng vui tươi hư mở hội, đoàn người cứ thế mà đi, chỉ nóng lòng muốn về ngay đến buôn làng để mở hội ăn mừng. Chàng tổ chức lễ cúng, mở hội không biết bao nhiêu ngày đêm. Tiếng cồng chiêng vang xa khắp vùng, người từ đâu kéo về đông như quân Nguyên, ai cũng đến vì danh tiếng vang xa lẫy lừng của Đăm Săn, họ ăn, uống rượu, trò chuyện cho mãi đến tận mùa khô. Còn Đăm Săn, “chàng năm trên võng, tóc thả trên sàn, hứng tóc chàng là một cái nan hoa”, khí thế của Đăm Săn ăn mừng chiến thắng rất thoải mái,  “Đăm Săn uống không biết say, ăn không biết no, chuyện trò không biết chán”. Ai ai cũng đều chung vui cả, ngay cả con lươn trong hàng, ếch nhái, cũng đều hoà vội ngày vui của buôn làng. Đó là niềm vui chiến thắng, là kết quả của sự đoàn kết, là lí tưởng của người anh hùng vĩ đại đại diện cho tập thể hùng mạnh, có thể xoá tan đi những điều sai trái mang lại lẽ phải cho buôn làng. Từ đó buông làng của Đăm Săn ngày càng trở nên cường thịnh, chàng trở thành một tù trưởng dũng cảm, mẫu mực dẫn dắt buôn làng. 

 

Để có đươc một nhân vật Đăm Săn như vậy, tác giả dân gian đã miêu tả người anh hùng một cách phóng đại và nhiêu yếu tố kì ảo, đó cũng chính là điều làm nên sức hút và minh chứng cho sự tồn tại lâu đời của sử thi Ê đê này. Từng câu từng chữ trong tác phẩm được liên kết với những hình ảnh ví von, so sánh, nhân hoá vô cùng cụ thể, tượng trưng cho màu sắc sử thi. Dù có những nét tương đồng với thần thoại nhưng thể loại này vẫn giữ được những khía cạnh khác biệt của mình. Ngôn ngữ đối thoại là chi tiết xuất hiện xuyên suốt trong tác phẩm, đó là phương tiện truyền đạt của các nhân vật, vô cùng linh hoạt và giàu kịch tích. Cùng với những giá trị nội dung vô cùng nhân văn, các giá trị nghệ thuật như vậy đã tạo nên một sử thi Đăm Săn vô cùng xuất sắc, thể hiện nhiều bài học quý giá trong cuộc sống, và là nét đặc biệt trong văn hoá nghệ thuật truyền thống người Ê đê. 

 

Văn học là phương tiện có thể đưa những điều tốt đẹp trong cuộc sống đến với người đọc một cách nhanh nhất, không to lớn mà vô cùng gần gũi. Tác phẩm Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxay đã dựng lên hình ảnh một người anh hùng lí tưởng, là ước mơ chùng của một cộng đồng, chàng đại diện cho sức mạnh của tập thể, những sức mạnh của chàng là sức mạnh của mọi người gộp lại. Chính vì vậy hình tượng ấy vô cùng gần gũi với mọi người, thiết thực, không xa rời như những tác phẩm có yếu tố hoang đường khác. Đó là một người anh hùng, hội tụ đủ những yếu tố vốn có của một con người phi thường, đi từ tình yêu gia đình, hạnh phúc của chính mình, đến những trận chiến vì tình yêu buôn làng, đem lại cuộc sống ấm no, giàu mạnh cho mọi người. Chính đó là những điều ca cả, những giá trị cốt lõi làm nên một trang anh hùng hảo hán, ở con người ấy hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *