Phân tích nhân vật Mị trong vợ chồng A phủ Tô Hoài

Bài văn mẫu HSG

Đề: Phân tích nhân vật Mị trong vợ chồng A phủ- Tô Hoài
Bài làm:
Tô Hoài từng nói: “Viết văn là một quá trình đấu tranh để nói ra sự thật. Đã là sự thật thì không tầm thường cho dù phải đập vỡ những thần tượng trong lòng người đọc” Chú trọng đến tính hiện thực, sự thực ở đời, nên trong mỗi tác phẩm của Tô Hoài, luôn cố gắng phơi bày những điều có thực, những sự thực dù đau thương, tàn khốc, nhưng nếu nó khiến người đọc trở nên tốt đẹp hơn thì đó là việc cần phải làm. Trong truyện ngắn “vợ chồng A Phủ” viết năm 1952 trong chuyến thăm Tây Bắc của mình, ông đã cho ra đời đứa con tinh thần đầy xuất sắc. Nói đúng, và rất hay về những hiện thực của người nông dân vùng Tây Bắc lúc bấy giờ phải gánh chịu, và đặc biệt là số phận của người phụ nữ, được Tô Hoài thể hiện qua nhân vật Mị, một cô gái để lại ấn tượng khó phai mờ trong lòng người đọc.
Tô Hoài đã mở lối, dẫn ta đến vùng Tây Bắc xa xôi, nơi có những phong tục tập quán của người dân bản địa hết sức phong phú. Nhưng trong đó, cũng có những hủ tục, luật lệ hà khắc và man rợ, đe dọa đến cuộc sống của con người. Và ở nơi này, không ai khác người điều khiển và làm mu muội chính là những chúa đất, những thống lí phong kiến.
Thống lí Pá Tra được viết nên là người có của cải và giàu có nhất vùng, người ta nói: “nhà Pá Tra làm thống lí, ăn của dân nhiều, đồn Tây lại cho muối về bán, giàu lắm, nhà có nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng. Thế thì con gái nó còn bao giờ phải xem cái khổ mà biết khổ, mà buồn” Và ai cũng tưởng như vậy, tưởng như nhà thống lí Pá Tra có của ăn của để, có người làm việc tấp nập, thì người thân trong gia đình sẽ có cuộc sống sung túc, đủ đầy, và không phải lo lắng điều gì. Nhưng ngay từ phần mở đầu câu truyện, ta đã gặp hình ảnh một cô gái “ngồi quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên” “cúi mặt, buồn rười rượi” ai ngờ đâu, cô gái ấy chính là vợ A Sử, là vợ của con trai nhà thống lí Pá Tra giàu có.
Mở đầu câu truyện là một bi kịch, mở ra một tấn bi kịch của cô gái nhà nghèo là Mị, nói đến Mị, đến số phận của Mị không ai không thương xót, cảm thông.
Mị ngày trước là một cô gái hoàn toàn khác, trước khi về làm dâu nhà thống lí Pá tra, cô có cuộc sống như biết bao cô gái bình thường, có bất hạnh thay, cô không may sinh ra trong một gia đình có món nợ truyền kiếp, và không may hơn nữa, khi Mị không có mẹ từ nhỏ, sống với người cha già nghèo túng, và thiếu thốn đi tình thương yêu từ mẹ. Nhưng những điều đó, cũng không ngăn nổi sự lớn dậy của một tâm hồn cô gái miền sơn cước ngoan ngoãn và chăm chỉ. Những ngày lễ tết, vui chơi, trai gái đi đánh pao, đánh quay, Mị cũng được vui chơi như mọi người, Mị cũng biết đến niềm vui của tuổi trẻ, của thanh xuân. Cô gái ấy là ai mà đã từng “trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị” hẳn Mị là một cô gái có gương mặt xinh đẹp, và không những thế cô còn có tài thổi sao bằng kèn lá, một trong những nét đẹp tài hoa của con gái. Không những hội tụ được những vẻ đẹp của một cô gái, có nhan sắc và tài năng. Mị còn là một người có vẻ đẹp phẩm chất. Mị thưa với cha, rằng: “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu” Tưởng rằng có một cuộc sống nghèo khó, trong suy nghĩ của Mị sẽ phải thay đổi? Mị sẽ muốn được làm con dâu nhà giàu, để khỏi phải làm lụng vất vả, phải chăm sóc cha già và có một cuộc sống giàu sang sung sướng? Tưởng chừng Mị sẽ có suy nghĩ như biết bao cô gái khác, nhưng không, tâm hôn một thiếu nữ yêu tự do, khát khao được hạnh phúc, giàu lòng tự trọng đã không cho phép Mị được chấp thuận điều đó, dù có phải trả giá bằng cách làm lụng vất vả, Mị cũng cam lòng không muốn giam hãm mình ở nơi mà mình không muốn, sự chăm chỉ, siêng năng của một cô gái hiếu thảo, biết hi sinh giúp đỡ cha đã lay động trái tim ta. Và chắc hẳn lúc này ta nhủ với lòng mình rằng, một cô gái quá mực hoàn hảo như vậy, chắc chắn phải có một cuộc sống trọn vẹn, viên mãn và hạnh phúc mới công bằng với cô. Tô Hoài thì không nghĩ như vậy, cách viết của ông luôn mở ra một chiều hướng mới, mà như ông nói là “dù phải đập vỡ những thần tượng trong lòng người đọc”. Nếu trong một xã hội bình thường, con người được bình đẳng với nhau về mọi quyền lợi, thì Mị chắc hẳn đã có một cuộc sống khác, xứng đáng với những gì cô vốn dĩ có được. Nhưng Tô Hoài đã rẽ lối để Mĩ bước sang một trang cuộc đời mới, khi A Sử bắt Mị về làm dâu, và Mị bị đè nén, bó buộc trong hủ tục cúng ma lúc bấy giờ.
Không yêu thương Mị, không hiểu Mị và cảm thông cho Mị, có lẽ Tô Hoài sẽ không thể nào diễn tả trọn vẹn hết tất cả mọi thứ, nỗi khổ Mị phải trải qua những năm tháng sống dưới danh nghĩa “con dâu gạt nợ” nhà thống lí Pá Tra.
Đời sống vật chất của Mị hết sức khó khăn, và vô cùng cực khổ, từ ngày về nhà  thống lí làm con dâu dưới danh nghĩa và mục đích để làm người ở gạt nợ một cách chính nghĩa, thì Mị chẳng khác nào con trâu con bò, Tô Hoài ví như: “con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày” từ ngày đó, trái tim nóng bỏng của một cô gái luôn thiết tha với cuộc sống, muốn được tự do, hạnh phúc đã bị mài mọt, gọt dũa đi mất rồi, bị che lấp dưới cái khổ cực tuần hoàn không lối thoát và bế tắc đến mức con người chỉ còn là sự vật đang tồn tại: “Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa.”  Mị ngồi trong buồng, căn phòng duy nhất thuộc quyền sở hữu của Mị, cũng chỉ vỏn vẹn có “một chiếc cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay” và “đến bao giờ chết thì thôi”  cuộc sống vật chất khốn khổ, Mị sống mà như chết,thời gian càng luân chuyển, càng trôi chảy, trái tim Mị càng bị mài mòn vì cái khổ cực vất vẻ đè nén quá đỗi này. Nhưng, dẫu sao, trước khi làm con dâu gạt nợ nhà thống lí, Mị vẫn còn tự nguyện muốn được tự làm nương, cuốc rẫy cho cha, Mị chịu vất vả từ nhỏ, chẳng nhẽ không thể chịu đựng được những công việc nhà thống lí Pá Tra. Thực ra, điều làm Mị khổ, làm Mị chỉ như là người sống mà đang tồn tại, là bởi cuộc sống tinh thần của Mị đã chết từ lâu. Đến làm con dâu dưới danh nghĩa, và Mị với A Sử ngay từ đầu đã không có tình cảm với nhau, đó là điều tội nghiệp nhất với cuộc đời của một cô gái. Hơn thế, trong cuộc sống thường ngày, Mị bị A Sử đối xử hết sức vũ phu, tàn nhẫn, và nhẫn tâm. Trong đêm tình mùa xuân, Mị bị A Sử lấy sợi đay quấn lại “A Sử quấn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi  không nghiêng được đầu nữa.” khiến Mị “Không còn nghe thấy tiếng sáo nữa” “Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”. Mị hiện lên với hình ảnh thật đẹp, một người phụ nữ đang bóp thuốc dấu cho chồng, nhưng chỉ cần “mỏi quá, cựa mình” thì A Sử bèn đạp chân vào mặt Mị. Cuộc sống vật chất và tinh thần của mình đã chết, trái tim khao khát của một tuổi trẻ đáng ra được có lại bị hủy hoại  trong cuộc sống xã hội lúc bấy giờ. Ngòi bút Tô Hoài như đậm tô tất cả, hiện lên một hiện thực đáng sợ và cay độc, luôn trà đạp con người, và còn gì đau đớn hơn khi cuộc sống ấy khiến mỗi con người không còn được là mình nữa, bị hủy hoại cả về thể hình lẫn thể xác.

 

Nhưng có nhà văn nào lại nỡ vùi dập nhân vật của mình, có nhà nhân đạo nào lại không tìm ra một lối mở cho nhân vật của mình được giải thoát theo đúng nghĩa của nó, nhất là một ngòi bút như Tô Hoài, lòng nhân đạo của ông không cho phép nhân vật của mình chìm đắm trong bóng tối như vậy. Giữa màn đêm tĩnh mịch, giữa bóng tôi vây hãm lấy cuộc đời Mị, đâu đó vẫn lóe lên chút lửa đêm đông còn sót lại, như một hi vọng vẫn còn đang đợi chờ.
Đúng vậy, Tô Hoài đã để Mị được sống lại trong đêm tình mùa xuân, cô Mị với một suy nghĩ hành động đã khác thường so với mọi ngày. Hôm ấy, đêm tình mùa xuân đã tới, còn nhớ Tô Hoài từng để Mị tỏa sáng trong chính ngày hôm ấy, Mị được miêu tả là cô gái đẹp và vô cùng tài năng, đêm tình mùa xuân nơi bản làng chính là nơi hội họp của nam thanh nữ tú, của tuổi xuân phơi phới của các cô gái, chàng trai. Mị nhớ, Mị thiết tha về cái thời thiếu nữ của mình lắm. Trong nhà thống Lí, người ta cũng sung túc trong đêm tình mùa xuân, càng “chiêng đánh ầm ĩ, người ốp đồng vẫn còn nhảy lên nhảy xuống” thì cái tâm trạng Mị càng thêm thê lương, buồn hiu hắt, “Mị cũng uống rượu” đặc biệt, Mị “cứ uống ừng ực từng bát” cái uống như muốn nuốt chọn cái đắng cay tủi cực của mình. Bao nhiêu kí ức gợi về, cộng với men rượu đã “lịm đi” trong cơ thể, tiếng sáo ngoài kia vẫn còn văng vẳng, hồi ức cứ chất chứa, đan xen, Mị muốn đi chơi, Mị nhận ra rồi, rằng “Mị vẫn còn trẻ lắm” rồi “Mị lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đãi đèn cho sáng” rồi “Mị quấn lại tóc” “với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách” khi A Sử hỏi rằng, “Mày muốn đi chơi à” cái hồi ức đã chiếm toàn bộ suy nghĩ của Mị, Mị chẳng nói gì, lúc ấy sức sống tiềm tàng trong con người Mị đã bừng tỉnh, sức trẻ đã hồi sinh mãnh liệt. Nhưng, tiếc thay, Mị không đạt được những điều Mị muốn, A Sử trói Mị lại, “cả đêm ất Mị phải trói đứng như thế” A Sử có tình gì với Mị đâu, nó cứ làm những gì nó muốn. A Sử đại diện cho tầng lớp cường hào ác bá, và Mị là nạn nhân của chúng, đau đớn thay, xót xa thay.
Tuy nhiên, đó chính là xúc tác, dung môi để về sau sức sống của Mị được hồi sinh một cách trọn vẹn nhất. Người ta bảo, đại ý, chỉ có sống trong hoàn cảnh của người khác, mới hiểu thấu những tủi cực của người khác. Cái đêm A Phủ bị giải về nhà thống lí, lúc đầu Mị còn dửng dưng lắm, vì cuộc sống ở đây vốn cứ thể trôi cứ trôi, “sống mòn” từng ngày đến gỉ ra mất rồi, thế nên sự vô cảm âu cũng là một định luật. Tuy nhiên, cái lúc “Mị trở dậy thổi lửa” khi “ngọn lửa bập bùng sáng lên” Mị đã trông thấy hai mắt A Phủ, ôi, có gì đau đớn mà người đàn ông vốn khỏe khoắn, trai tráng như kia lại phải khóc? “Một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đên lại” Mị thấy tội A Phủ quá, thằng A Sử lúc trước cũng từng trọi Mị như vậy đây, mà có lẽ nó còn “trói đứng người ta đến chết” kia ấy chứ, “người kia việc gì mà phải chết thế” suy nghĩ trong Mị hồi sinh, Mị thương A Phủ vì Mị biết thản nào A Phủ cũng bị ở đây cho đến “chết đói, chết rết” mất thôi, Mị cảm thấy uất ức, thấy sự bất công, và sức sống tiềm tàng trong Mị không cho phép Mị nhu nhược với sự bất công này, “Chúng nó thật độc ác” Mị cảm thấy sợ và vượt lên nỗi sợ của mình, Mị cắt dây trói cứu A Phủ, và cùng lúc ấy, Mị đã cắt đứt sợi dây trói buộc mình vào lũ ác bá cường hào độc ác này. Mị chạy theo A Phủ, giữa màn đêm tĩnh mĩnh năm ấy, Mị đã cùng A Phủ chạy thoát khỏi bóng tối, để đến phía bên kia cuộc đời sẽ là một tương lai tươi sáng hơn. “Đi với tôi” và ta sẽ thầm cảm ơn Tô Hoài, vì đã tìm ra một hướng đi đúng đắn cho nhân vật của mình.
Mị không phải là nhân vật đầu tiên duy nhất xuất hiện trong những tác phẩm văn học, nhưng chính là một đại diện tiêu biểu cho số phận người phụ nữ ở Tây Bắc ngày trước. Mị đã góp phần làm nổi bật tư tưởng của nhà văn Tô Hoài, là nhân vật số phận chính làm cốt truyện được tỏa sáng. Và cũng là một ý nguyện nhắn nhủ của Tô Hoài, khi con người bị áp bức, hãy cố gắng tìm cho mình một cuộc sống tự do và hãy vùng lên phản kháng dành lại cuộc sống cho chính mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *