Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong đêm mùa đông cắt dây trói cứu A phủ. bài mẫu 1

Văn mẫu lớp 12

Đề bài : Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong đêm mùa đông cắt dây trói cứu A phủ ( Vợ chồng A Phủ- Tô Hoài)

Bài văn mẫu số 1

 

Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, quê ở Hà Đông nay thuộc Hà Nội. Ông là một trong những nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Tô Hoài có vốn hiểu biết phong phú và sâu sắc về phong tục , tập quán của nhiều vùng khác nhau của Đất Nước. Trong sự nghiệp sáng tác của mình ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị mà tiêu biểu là “ Vợ chồng A Phủ” in trong tập “Truyện Tây Bắc”. Qua tác phẩm, Tô Hoài đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật Mị- một cô gái phải chịu nhiều bất hạnh, cực khổ nhưng vẫn tiềm tàng sức sống. Sức sống tiềm tàng của Mị được thể hiện rõ qua hành động cởi trói cứu A Phủ.

Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” kể về đôi trai gái người Mèo , trong quá trình đấu tranh giác ngộ cách mạng của họ. Nhân vật Mị là một cô gái trẻ đẹp có tài thổi sáo giỏi, yêu cuộc sống tự do. Nhưng vì một món nợ truyền kiếp của gia đình mà Mị bị bắt làm con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra. Lúc đầu khi mới bị bắt đêm nào Mị cũng khóc. Mị muốn ăn lá ngón tự tử nhưng vì thương cha nên phải nén nỗi đau quay trở lại nhà thống lí làm kiếp con dâu gạt nợ. Mị làm dâu nhưng cũng là con nơ, cô phải làm việc quần quật như trâu như ngựa. Sống lâu trong cái khổ Mị dường như tê liệt tinh thần sống cho đến khi đêm tình mùa xuân đến. Mị muốn đi chơi, sức sống tiềm tàng của Mị trỗi dậy nhưng đã bị A Sử trói đứng cả đêm. A Sử đi chơi đánh nhau với A Phủ, sáng hôm sau Mị đã thấy A Phủ bị trói đứng, bị đánh dã man. A Phủ trở thành người ở cho nhà thống lí để gạt nợ. Trong một lần để hổ bắt mất bò A Phủ bị trói đứng.  Lúc đầu Mị hoàn toàn vô cảm nhưng sau đó thương người thương mình, đồng cảm với A Phủ Mị đã cắt dây trói cùng A Phủ trốn khỏi Hồng Ngài đến Phiềng Sa.

Hành động cắt dây trói cứu A Phủ là một trong những chi tiết đặc sắc thể hiện tâm lí của Mị. Sức sống tiềm tàng muốn đi chơi trong đêm tình mùa xuân của Mị như là một bước đệm dẫn đến hành động cởi trói cứu A Phủ. Từ khi làm dâu nhà thống lí Pá Tra, Mị lúc nào cũng buồn “rười rượi”. Dường như cô đã tê liệt tinh thần, không còn sức sống, thế nhưng dường như sức sống ấy vẫn luôn âm ỉ cháy, và chỉ cần một ngòi lửa sẽ bùng cháy sức sống tiềm tàng ẩn sâu trong con người Mị

A Phủ là một chàng trai khỏe mạnh, cường tráng “có được A Phủ như con trâu tốt trong nhà”. Bị phong tục lạc hậu và cường quyền áp bức A Phủ phải đến làm người ở nhà thống lí Pa vì đánh A Sử. Mặc dù làm người ở trừ nợ nhưng A PHủ vẫn luôn đi săn, làm mọi việc tự do như trước đây. Trong một lần chủ quan để hổ vồ mất nửa con bò. A Phủ đã xách nửa con bò về đòi đi bắt hổ. Nhưng cha con thống lí đã trói A Phủ  đợi khi nào bắt được hổ mới thả. A Phủ bị trói suốt mấy đêm liền và đang trong tình trạng sẽ chết đau, chết đói và chết rét.

Lúc đầu khi chứng kiến cảnh A PHủ bị trói , Mị vẫn thản nhiên. Đêm nào Mị cũng ra thổi lửa hơ tay. Chỉ khi nào lé mắt trông sang hay nghe tiếng thở phì phò của A Phủ mới biết là người kia còn sống. Mị như sống lâu trong cái khổ, tâm hồn cũng tê liệt theo. Dù bị A Sử bắt gặp đang thổi lửa, đánh ngã quay ra bếp nhưng hôm sau Mị vẫn ra thổi lửa hơ tay. Cô hoàn toàn không để ý đến A PHủ. Dù A Phủ có chết đó cô cũng không bận tâm.

Dù thản nhiên trước sống chết của A Phủ nhưng lòng thương trong Mị chỉ đang bị vùi lấp chứ chưa hề vụt tắt. Một đêm như mọi khi, Mị vẫn ra thổi lửa, hơ tay. Lúc này Mị mới ngước mắt trông sang A Phủ. Và Mị bắt gặp một giọt nước mắt “bò xuống hai hõm má đã xám đen lại của A Phủ”. Chính giọt nước mắt của A Phủ đã đánh thức lòng thương người trong Mị. Lúc này Mị thấy A Phủ thật đáng thương, tội nghiệp. Mị nhớ đến ngày trước  nhà này cũng có người đàn bà bị trói cho đến chết. Mị lại nhớ về mình , đêm năm trước cô cũng bị trói đứng như thế “nước mắt rơi xuống cổ, xuống miệng không biết lau đi được”. Giọt nước mắt của A Phủ đã giúp Mị nhận ra tội ác của nhà thống lí và thương cảm cho số phận của A Phủ. Mị nhận thấy A Phủ chỉ mai này là chết, sẽ chết đau, chết đói, chết rét. Mị nghĩ đến hành động sẽ cứu A Phủ rồi mình sẽ thế vào chỗ ấy. nhưng lúc này Mị không còn sợ nữa, số phận đã định cô phải chết ở đây, còn người kia không việc gì phải chết. tất cả những suy nghĩ, nhận thức của Mị được đánh thức đã dẫn đến hành động Mị lấy dao tiến lại gần, cắt dây trói cứu A Phủ

Hành động cắt dây trói cứu A Phủ đầy táo bạo quyết liệt nhưng đó là quá trình thức tỉnh đầy đúng đắn của Mị. Từ vô cảm đến đồng cảm, Mị thương cho thân phận của A Phủ. Cứu A Phủ là một hành động thức tỉnh thể hiện sức sống tiềm tàng của Mị. Sức sống tiềm tàng của Mị chỉ đang bị vùi lấp, giống như than hồng trong bếp lửa chỉ cần một ngọn gió là bùng lên mạnh mẽ. Cắt dây trói cứu A Phủ Mị chỉ kịp thì thầm vào tai A Phủ “đi ngay”. Khi A Phủ đã vụt chạy, Mị đứng lặng trong bóng tối. Đây là khoảng thời gian đấu tranh nội tâm của nhân vật . Mị vừa cứu A Phủ vậy tại sao lại không tự cứu chính mình. Mị vụt chạy theo “A Phủ cho tôi đi với” và hai người dìu nhau trốn khỏi Hồng Ngài.

Mị cứu A Phủ và cũng để tự giải thoát chính mình. Giải thoát cho số phận đầy tăm tối của mình, cũng là đánh thức con người thật của bản thân. Mị vẫn thương người, vẫn có một sức sống mãnh liệt nhưng bị vùi lấp. Giọt nước mắt của A Phủ là một nút thắt được cởi ra để Mị tìm lại sức sống tiềm tàng của mình.  Diễn biến tâm trạng của Mị được khắc họa sáng tạo, đúng theo quá trình thức tỉnh của nhân vật. Đó cũng chính là giá trị nhân đạo của tác phẩm khi nhân vật tìm ra lối thoát cho cuộc sống tăm tối, đầy áp bức, bóc lột của mình. Qua đó tác giả cũng tố cáo tội ác của bọn phong kiến cầm quyền đã bóp chặt, đè nén quyền sống của con người.

Để xây dựng thành công diễn biến tâm trạng nhân vật Mị qua hành động cởi trói cứu A Phủ, tác giả đã sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật đặc sắc như trần thuật uyển chuyển, linh hoạt, cách giới thiệu nhân vật sinh động, tự nhiên , bất ngờ và ấn tượng. dẫn dắt tình tiết khéo léo. Ngôn ngữ sáng tạo, chắt lọc, câu văn giàu tính tạo hình và thấm đẫm chất thơ.

Qua hành động cởi trói cứu A Phủ, Tô Hoài đã làm nổi bật sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị. một cô gái phải chịu nhiều áp bức, bốc lột, tưởng chừng như đã bị tê liệt tinh thần sống ẩn sâu trong đó là sức sống mãnh liệt. hành động cứu A Phủ cũng chính là Mị đang tự giải thoát bản thân. Dù trong hoàn cảnh nào con người vẫn luôn có sức sống tiềm tàng mãnh liệt, chỉ chờ cơ hội là bùng lên. Chi tiết cắt dây trói cứu A Phủ sẽ sồng mãi trong lòng người đọc ấn tượng về sự thức tỉnh của cô gái trẻ hôm nay và mãi về sau.

Xem thêm : Những bài văn mẫu về truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài : Vợ chồng A Phủ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *