Phân tích hình tượng thiên nhiên trong bài thơ Tây Tiến

Văn mẫu lớp 12

Đề: Phân tích hình tượng thiên nhiên trong bài thơ Tây Tiến:
Bài làm:
Thơ ca là tiếng nói của tâm hồn, là sợi dây kết nối trái tim đến với trái tim, là thứ giúp những tâm hồn đồng điệu tìm đến được với  nhau. Trong kháng chiến, thơ ca là người bạn song hành trên bước đường hành quân, ta nhớ lắm bài thơ của Phạm Tiến Duật:
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom dật bom rung kính vỡ đi rồi”
Phạm  Tiến Duật là nhà thơ cách mạng, mang tiếng nói của tâm hồn mình hòa cùng bầu không khí chiến tranh, đậm tô lại hình ảnh những năm tháng người lính hào hùng. Không chỉ có Phạm Tiến Duật, ta còn gặp rất nhiều nhà thơ khác, như Chính Hữu, Quang Dũng… đã góp tiếng nói của mình vào thời kì chung đầy gian khổ của toàn dân tộc. Tuy nhiên, không chỉ nói về chiến tranh, người lính, trong thơ của họ còn có những hình ảnh về thiên nhiên, đất nước, hiện lên qua từng bước đường hành quân, nó như một minh chứng sống về sự lạc quan, yêu đời, tha thiết với quê hương đất nước, luôn hiện lên qua lăng kính của người lính, của người bộ đội áo xanh thân thương.
Đời người lính đi qua, ai lại không có một thời gắn bó với nơi mình từng đến, từng làm việc, từng thân thiết với anh em đồng đội. Người lính trong thơ Quang Dũng cũng vậy, họ gắn với những cảnh sắc vùng Tây Bắc hoang vu, gắn với Sông Mã, vậy nên:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”
Sông Mã trong tâm thức người lính, trong tâm thức Quang Dũng hẳn phải đẹp lắm. Nỗi nhớ như chơi vơi, khắc khoải đến nao lòng, như nằm ở hai bờ của nỗi nhớ bị ngăn cách với đoàn binh Tây tiến bằng hai từ “xa rồi”. Sông Mã hiện lên là Tây Tiến hiện lên, nỗi nhớ như càng thêm chơi vơi lạc lõng. Quang Dũng có biệt tài viết nhạc, nên thơ ông cũng như  toàn nhạc điệu. Từ “ơi” bắt với hai từ “chơi vơi” của câu sau, tạo nên sự ngân vang, xa vắng, lạc lõng, thấp thoáng vô định, như bị giăng mắc bởi màn sương khắp núi rừng Tây Bắc. Khiến nỗi nhớ càng thêm vô định hình, khó nắm bắt, và thêm tha thiết bộn phần. Vậy là trong kí ức người lính, mở đầu toàn là nỗi nhớ, nỗi nhớ như  giăng mắc khắp nơi. Nhớ về Tây Tiến, là nhớ về Sông Mã, là nhớ về núi rừng, là… nhớ chơi vơi!
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
Nói đến thiên nhiên vùng Tây Bắc là nói đến khu vực có địa hình cao nhất ở nước ta. Tây Bắc tuy đẹp, nhưng hoang vu và xa vắng. Cái vắng lặng, cái hoang sơ của núi rừng hiện lên như sự thách thức với người lính. Những danh từ “Sài Khao” “Mường Lát” nghe sao hiểm trở quá! Nhưng ngay sau đó, Quang Dũng với sự tài hoa của mình, đã nhẹ nhàng thêm  vào câu thơ: “Hoa về trong đêm hơi” là hoa nở về đêm? Hay người lính trở về? Ý thơ muôn phần, dẫu cho cách hiểu của riêng mỗi bạn đọc yêu thơ, nhưng suy cho cùng, cũng là hình ảnh đẹp và thơ mộng của thiên nhiên Tây Bắc. Nơi đây không chỉ hiểm trở hoang vu, mà còn đẹp lắm, đẹp đến từng hình ảnh, đẹp ngay cả khi màn đêm đã bao trùm. Hai câu thơ còn mang dấu ấn trong thơ Tản Đà, vậy mới biết vì sao Quang Dũng đã từng nói mình yêu thơ của Tản Đà.
“Dốc Lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai pha luông mưa xa khơi”
Đây là 4 câu thơ tuyệt bút Quang Dũng viết về thiên nhiên vùng Tây Bắc trong bài thơ Tây Tiến. Đẹp, Độc, Lạ là những gì người ta thường nhận định ngay cho những câu thơ này. Cũng một phần bởi cách gieo vần, cách dùng nhạc điệu đầy mê hoặc của Quang Dũng, cũng một phần bởi ông tả chân thực quá, tả gợi cảm quá, khiến ta như hình dung ra một miền rừng núi hiểm trở ngay trước mặt mình. Điệp từ “Dốc” càng làm cho câu thơ trở nên trắc trở, dốc đi lên, dốc lại xuống sâu thăm thẳm, đậm tô sự gập ghềnh. Vẫn vậy, sau mỗi câu thơ tả thực, Quang Dũng lại thêm một câu thơ mang tính lạc quan, hình ảnh “súng ngửi trời” ôi sao thân quen giống “đầu súng trăng treo” đến thế. Nó đều là những hình ảnh đẹp, niềm tin, lạc quan của người lính, đều là những hình ảnh cho thấy người lính vẫn còn bất khuất với đời, vẫn ngạo nghễ khí thế của người làm trai lắm, không mệt mỏi và khuất phục trước thiên nhiên. Nhưng, ngay sau đó, lại tiếp tục bằng hình ảnh “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” đối lập giữa hai hình ảnh “lên” và “xuống” đậm tô sự khó khăn, vất vả. Nhưng, khi đứng ở một nơi cao, xa, phóng tầm mắt lại bao quát được nhiều điều. Câu thơ tuyệt bút thứ tư như diễn tả được điều đó, người lính như được phóng tầm mắt ra xa, nhìn thấy dưới thung lũng một màn mưa rừng. Không hiểu vì sao, tôi rất thích từ “nhà ai” nhà ai, vốn không rõ rằng đó là ở đâu, là nơi nào, của ai? Chỉ biết khi đọc câu thơ lên ta thấy rất ấm áp, rất thân quen và không cô đơn giữa miền xa vắng. Ta như nhận ra hơi ấm của con người vẫn luôn hiện hữu xung quanh, và chỉ cần mệt mỏi, muốn dừng chân, ta có thể gặp họ, ở bên họ cho vơi đi những nhọc nhằn của mình.
Và nhắc đến thiên nhiên hiểm trở, sao có thể không có hình ảnh những người lính đã băng băng vượt qua chúng. Mười bốn câu thơ đầu đậm tô hình ảnh thiên nhiên, nhưng đâu đó Quang Dũng vẫn gửi vào hình ảnh người lính, như bức kí họa về người lính hành quân giữa thiên nhiên hiểm trở của ông.
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”
Một nét buồn vương vấn câu thơ, thiên nhiên Tây Bắc hoang sơ thơ mộng, nhưng rất hiểm nguy, những chàng trai đô thành đi qua đây, không ít người đã “không bước nữa”. Từ láy “dãi dầu” thể hiện sự vất vả, gian khổ của người lính, Quang Dũng dùng cách nói giảm nói tránh “bỏ quên đời” để làm giảm bớt sự đau thương trước sự mất mát khôn nguôi của người lính Tây Tiến. Vùng Tây Bắc hoang sơ, hùng vĩ với hình ảnh thác “gầm thét” “cọp trêu người” luôn là thử thách với trí khí của người lính, kết hợp với địa danh “Mường Hịch” xa xôi, tựa như ta có thể nghe thấy tiếng chân cọp, như càng vẽ nên sự nguy hiểm và cũng chính là nơi những chàng trai đô thành của chúng ta đã “bỏ quên đời” đã ra đi, đã nằm lại tại nơi này.
Không trải qua đau thương, không trải qua nguy hiểm tột cùng và mất mát đớn đau đến tê tái lòng. Thì có lẽ ta không thể biết quý hơn và nhớ hơn một thứ quen thuộc như “cơm lên khói”:
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em  thơm nếp xôi
Người lính trải qua đau thương, mất mát, những vất vả thì họ cũng xứng đáng được tận hưởng những gì tươi đẹp, thuần khiết nhất của núi rừng quê hương. Đó là những “cơm lên khói” những “nếp xôi” và quan trọng hơn còn là “mùa em”. Mùa em là mùa gì, ta chẳng rõ, nhưng chắc hẳn, đó là mùa của người thiếu nữ nào đó, đã khiến trái tim người lính thầm nhớ thầm thương, vì vậy nói đến Mai Châu, nói tới một miền đất có vẻ thơ mộng, thì người lính nhớ tới “mùa em” là nhớ tới em, nhớ tới những gì thân thuộc nhất về “em”.
Tạm biệt một khúc hành ca về thiên nhiên Tây Bắc. Nơi đây đã hiện lên hết sức sinh động và đặc sắc qua ngòi bút tài hoa của Quang Dũng. Là người trong cuộc, Quang Dũng hiểu rõ hơn ai hết những gì đoàn binh Tây Tiến đã phải trải qua trong suốt cuộc hình trình. Và cảm ơn Quang Dũng vì những gì ông viết ra, vẽ nên, đã giúp ta hiểu rõ hơn phần nào những vất vả của những anh bộ đội cụ Hồ, giúp ta hiểu hơn về một thời oanh liệt của tổ quốc ta, và thật tự hào hai tiếng Việt Nam.

Xem thêm :Tây tiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *