Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn 3

Văn mẫu lớp 12

Đề bài: Em hãy phân tích đoạn thơ thứ 3 để làm nổi bật hình ảnh người lính Tây tiến:
“ Tây tiến đoàn bình không mọc tóc
Quân xanh màu lá giữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Bài làm:
Trang Tử từng có câu nói nổi tiếng: “Biển cả là nơi đón nhận tất cả các nguồn nước nhưng nó không đầy, là nơi ra đi tất cả nguồn nước nhưng nó không vơi” cũng như vậy, văn chương nghệ thuật là bệ phóng của hiện thực cuộc đời, qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ để đổ ra dòng sông nhân bản mênh mông. Thơ ca viết về hiện thực đời sống nói chung và viết về cuộc đời người lính nói riêng, đều là những áng thơ ca bất hủ, nói cho ta biết, kể cho ta nghe về một thời oanh liệt ta cần khắc ghi trong lòng. Là nhà thơ gắn bó với cách mạng dân tộc, là đứa con sinh ra từ khói lửa chiến tranh. Quang Dũng đã nói cho ta những gì chân thực và xúc động nhất về người lính Tây Tiến một thời nhịp đập của nhà thơ đồng vọng trong trái tim ta. Khiến ta như nhìn thấy trước mắt anh bộ đội cụ Hồ kiêu hùng ngày ấy. M gorki đã nói: “Tôi không biết có gì tốt đẹp hơn và thú vị hơn con người” hình như cái “thú vị” ấy đã được Quang Dũng kể lại từ cái nhìn đầy chân thực về người lính:
“Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá giữ oai hùm:
Thật đúng là “thơ phản ánh cuộc đời theo quy luật của văn chương” nên cái da cái tóc trong thơ cũng đặc biệt. Những chàng trai đô thành hào hoa, phong nhã những bước hành quân như “xé nát dặm trường” ấy mà lại “không mọc tóc” bởi lý do gì? Ấy là do sốt rét rừng, những người lính bị rụng hết tóc. Cái hiện thực đau thương như thế nhưng hóa ra lại trwor nên chủ động biết bao khi Quang Dũng viết “đoàn binh không mọc tóc” cũng nói về hiện thực tàn khốc của chiến tranh, nhưng nhờ lối viết đặc biệt Quang Dũng đã mang vẻ đẹp, khí chất người lính vượt lên trên hiện thực cuộc đời. Nước da vì sốt gây nên lại được tác giả ví như màu xanh của lá, những đoàn quân “xanh bủng beo” ấy hóa ra là đang giữ oai hùm, đang làm nhiệm vụ linh thiêng của tổ quốc. Còn gì đẹp hơn và kiêu hùng hơn điều đó?
Là đoạn thơ đậm tô hình ảnh người lính nhất bài thơ, Quang Dũng tiếp tục nói cho ta những cảm nhận của ông về những người bạn cùng tiểu đội.
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Những tháng ngày gian khổ, những hành trình nối tiếp nhau, những cuộc  hiến tưởng như không có hồi kết, vì vậy người lính ngày thường luôn nuôi ý chí lớn lao, luôn mang ý chí quyết tâm dành lại chủ quyền cho đất nước. Đôi mắt của những người lính luôn trực mở, nhìn về phía biên cương nuôi những hi vọng quyết tâm lớn lao, căm hờn dành cho lũ giặc.
Có một thời gian, tác phẩm tây tiến không được phép lưu hành trong xã hội, mãi về sau khi đất nước dành độc lập, khi ta chợt nhìn lại và thấy mình đã bỏ quên nhiều giá trị văn học dân tộc, bị vùi lấp thì lúc ấy Tây Tiến mới tìm lại được giá trị của mình trong lòng bạn đọc mà nó xứng đáng có được từ ngay ngày đầu mới xuất hiện trên văn đàn văn học lịch sử Việt Nam. |
Chính vì quá rình văn học Việt Nam vận động theo hướng cách mạng hóa nên người ta không chấp nhận những tác phẩm văn học không cổ vũ nhân dân, nói nhiều đến mất mát làm bi lụy tinh thần đất nước. Và khi ấy người ta đã đánh giá chính câu thơ:
“Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Là câu thơ mang nặng cái chất hèn nhát tiểu tư sản còn rơi rớt lại. Nhưng lúc ấy có lẽ người ta đã không hiểu một quy luật tương hỗ của cuộc đời, rằng có cuộc chiến nào mà lại không có hi sinh và mất mát, cũng chẳng có người lính nào lại ra đi khi không mang trong mình một dáng hình, một nguồn động viên từ hậu phương. Họ đi mang theo cuộc đời và tương lai, chấp nhận dấn thân, chấp nhận cái chết. Nhưng trong trái tim họ bao giờ cũng có một hình bóng, nguồn động viên, ngọn lửa nhiệt huyết dành cho những khát khao của cuộc đời. Họ là những anh chàng bước ra từ trường lớp đô thành, hình ảnh thân quen nhất chính là những cô gái trong màu áo trắng tinh khôi, thanh tú và đầy mơ mộng. Chính dáng hình những cô gái đẹp ấy là nơi họ luôn nhớ về mỗi khi mệt mỏi, động viên họ bước qua những cuộc hành quân đầy gian khổ. Ta đã gặp hình ảnh ấy trong bài thơ tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh người cháu trên bước đường hành quân gian truân đã nhớ lại hồi ức những ngày thơ bé, chính điều đó đã động viên tinh thần, truyền hơi ấm, lạc quan về một ngày mai tươi sáng. Tiếng gà trưa còn vương vấn khắp nẻo đường hành quân kháng chiến chống Mĩ thì hình ảnh dáng kiều thơm lại luôn song hành trên khắp nẻo đường kháng chiến chống Pháp, Từ đó dường như ta chợt nhận ra một quy luật rằng những gì thân quen nhất bình dĩ nhất có lẽ lại là những điều giúp ta mạnh mẽ nhất. Tựa như chỉ một cái chớp mắt, sau khi người lính đó để mình một phút ngơi nghỉ, lập tức trở về với hiện thực chiến tranh ác liệt. Đó là quy luật, vì đó là cuộc chiến đã hi sinh tính mạng của rất nhiều người. Cả vì bệnh tật, cả vì bom đạn.
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh:
Khắp các nẻo đường, vùng biên cương hoang vu người lính cũng không được yên nghỉ bên đồng đội. Bằng từ láy “rải rác” đã nhấn mạnh sự tàn khốc hi sinh và gợi hình ảnh rất nhiều người lính ra đi liên tiếp, khắp mọi nơi và thật đơn độc, kể cả lúc hi sinh. Nhưng nhờ sử dụng cụm từ hán việt “mồ viễn xứ” đã nhấn mạnh một sự tôn nghiêm, tuy không kể về cái chết ấy ra sao, cũng là nói về cái chết nhưng lại khiến ta có cảm tưởng không bi lụy mà bi tráng. Sau khi nói đến hi sinh mất mát, Quang Dũng hơn một lần khẳng định lại ý chí, sự quyết tâm cho độc lập tự do của dân tộc. Câu thơ “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” ta tưởng như nhìn thấy sự đồng điệu trong khổ thơ của Nguyễn Khoa Điềm:
“Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra đất nước”
Những người lính ấy đã ra đi, tuy không ai nhớ rõ  mặt, kể rõ tên, nhưng họ đã nguyện sống và chết, hi sinh cả tương lai, cả tuổi xuân, thứ quý giá nhất đời người khi vẫn còn nhiều hi vọng và khát khao.
“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Sự mất mát nói sao hết được? sự túng thiếu đôi khi chỉ là một chiếc chiếu họ cũng không có. Những trang phục của bộ đội nghiễm nhiên trở thành những chiếc chiếu tiễn anh nằm xuống trở về với đất mẹ. Không nói là chết, mà là “về đất” người lính sinh ra từ cát bụi rồi trở lại đất bụi như một quy luật, một sự chào đón thứ hai của tạo hóa, những điệp khúc từ biệt không có ,điều còn lại chỉ là tiếng “gầm” của một con sống đưa tiễn người lính. Tưởng như cả đất trời tạo vật đều đau buồn, xót xa trước sự hi sinh của những chàng trai trẻ. Họ mãi là những bông hoa không tuổi tựa mùa xuân không ngày tháng. Trẻ mãi với cuộc đời, với con người.
Đọc thơ Quang Dũng rất hay, vì thơ ông rất đậm chất nhạc, mỗi lời thơ vì thế rất dễ đi vào lòng người. Nói về cái chết nhưng nhờ cảm hứng bi tráng và bút pháp lãng mạn, Quang Dũng đã để lại cho đời một tuyệt tác văn chương về vẻ đẹp người lính tây tiến. Nói về mất mát hi sinh nhưng lại khiến người đọc cảm thấy đầy tinh thần mạnh mẽ, ấy là tài năng của một ngòi bút tài hoa, không phải ai cũng có được.
Xem thêm :Tây tiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *