Phân tích bài thơ Sóng – Xuân Quỳnh (khổ 4, 5, 6)

Văn mẫu lớp 12

                                  “Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương

Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”

Xuân Quỳnh, giọng nói tha thiết về tình yêu, tiếng của của người phụ nữ với tâm hồn đầy trắc ẩn. Xuân Quỳnh xứng đáng với danh hiệu là bà hoàng thơ tình. Giọng thơ của Xuân Quỳnh khác với tiếng thơ của Xuân Diệu. Cũng nói về tình yêu nhưng với Xuân Quỳnh thì nổi bật với giọng thơ đầy tha thiết, một niềm tin vào tình yêu dù đã trải qua những đổ vỡ. Và điều đó được thể hiện rõ nét qua khổ 5, khổ 6, khổ 7 trong bài thơ sóng.

                                   Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

Tình yêu của Xuân Quỳnh tha thiết và rạo rực như những con sóng. Xuân  Quỳnh điệp cấu trúc “con sóng” nhằm nhấn mạnh nỗi nhớ của mình tựa như nhiều con sóng ngoài biển khơi, dù ở bất kì đâu, dù ở bất kì nơi nào. Tiếp đó sử dụng biện pháp tương phản đối lập, đối giữa con sóng lòng sâu với con sóng trên mặt nước, đó là nỗi nhớ bao trùm cả không gian và thời gian. Con sóng gắn được nhân hóa thể hiện qua “nỗi nhớ” như tấm lòng người thiếu nữ. Đó cũng là một cách Xuân Quỳnh gián tiếp thể hiện nỗi nhớ của em. Nỗi nhớ của em xâm chiếm toàn tâm trí, như tràn ngập giữa không gian và thời gian. Nỗi nhớ như giăng mắc khắp nơi, và em thể hiện trực tiếp nỗi nhớ ấy. Nếu trong thời phong kiến, tình yêu của người phụ nữ thường phải ví von ước lệ, thì cách bộc lộ tình yêu trực tiếp, mạnh bạo này của Xuân Quỳnh là một nét đẹp người phụ nữ hiện đại, cái chất hiện đại trong thơ của bà. Với một trái tim không lúc nào vơi bớt tình yêu, khát khao yêu và được yêu, tình yêu ấy xâm chiếm toàn bộ suy nghĩ của em, khiến “trpng mơ còn thức” đúng là một cách thể hiện cực kỳ độc đáo. Nếu mới đọc câu thơ, tưởng như thấy một sự vô lý, phi logic trong lời thơ, nhưng cũng một phần bởi sự chi phối của cảm xúc chủ thể, nên câu thơ nghiêng về cảm tính nhiều hơn là lí trí. Đây cũng là một câu thơ nói về tình yêu mới lạ, cả trong mơ em đều mong ngóng và nghĩ về anh. Từng nỗi lo lắng, suy nghĩ em đều dành cho anh, dành cho tình yêu lứa đôi. Nỗi nhớ ấy ăn sâu vào tiềm thức, cả trong mơ hình bóng anh vẫn luôn hiện trong tâm trí và suy nghĩ em. Có người con gái nào khi yêu, trực giác lại không nhạy cảm hơn, điều Xuân Quỳnh diễn tả, âu cũng là một mẫu số chung của những cô gái khi yêu.
Dẫu xuôi về phương bắc

                                           Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương
Vì tình yêu càng lớn, nên trái tim em vô thức cũng nghĩ về anh nhiều hơn. Dù trong mọi hoàn cảnh, trong mọi hành động, mọi nơi chốn, dù cho không thể gặp được nhau. Đó là một tấm lòng thủy chung son sắc. Điệp từ “dẫu” thể hiện một cách chắc chắn, rằng dù có ở phương trời nào đi chăng nữa, em vẫn sẽ luôn hướng về anh, luôn quan tâm, sẻ chia, chăm sóc và lo lắng cho anh, như một sự chắc chắn sẽ bất chấp hết những khó khăn, thử thách. Người ta vốn thường nói xuôi nam, ngược bắc. Cách nói ngược lại giữa hai nơi nhằm nhấn mạnh sự trắc trở, khó khăn và thử thách. Từ đó càng khiến ta thấy rõ tấm lòng thủy chung của em dành cho anh. Ta thường nghe về phương bắc, phương nam, co bao giờ nghe đến “phương anh?” Phương anh là ở đâu chẳng biết, nhưng với người con gái khi yêu, em luôn hướng về phương anh, và nơi ấy chính là phương riêng của trái tim em.

Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở

 Đây là khổ thơ thể hiện rõ nhất niềm tin của em. Hình ảnh “đại dương” biểu tượng cho cuộc đời. Những con sóng có đại dương rộng lớn, thì cũng giống như em, một mình đối diện với cuộc đời bao la. “Trăm ngàn con sóng đó” như trăm ngàn cuộc đời, kiếp người mong muốn tìm thấy một tình yêu đúng nghĩa. Và em luôn tâm niệm trong trái tim mình một niềm tin bất diệt vào tình yêu. Như Juliet dù gặp khó khăn khi đến với Romeo bởi định kiến dòng họ, nhưng sau cùng, tình yêu đẹp đều tìm đến được với nhau. Và câu thơ “con nào chẳng tới bờ” đã khẳng định niềm tin vào điều đó. Nhờ việc đảo vị trí câu thơ giữa câu ba và câu bốn, khiến ta như càng cảm thấy một chút dự cảm lo âu. Dù có niềm tin mãnh liệt như thế nào, thì em cũng là một người con gái, dù muốn hay không vẫn luôn có những lo âu thấp thỏm về tình yêu. Liệt thật sự những tình yêu đẹp sẽ đến được với nhau dễ dàng?

Đọc bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, ta không thể quên những khổ thơ đầy tha thiết và nói rất hay về tình yêu như vậy. Ba khổ thơ đã góp phần nổi bật tư tưởng cả bài thơ. Và cảm ơn Xuân Quỳnh, người phụ nữ đã cất lên một giọng ca về tình yêu giữa cuộc khánh chiến chống Mĩ đầy ác liệt. Để càng nổi bật sự thủy chung trong hoành cảnh chiến tranh. Cho dù bom đạn có dội xuống, những tình yêu đẹp vẫn mãi trường tồn.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *