Phân tích 8 câu thơ đầu bài thơ Việt Bắc Tố Hữu

Văn mẫu lớp 12

Bài văn mẫu : Phân tích hai khổ đầu bài thơ Việt Bắc:
Bài Làm:
Hằng năm ta vẫn thường nghe những khúc ca khải hoàn về một miền nam chiến thắng, những bài ca viết về cuộc kháng chiến chống thực dân đã dành thắng lợi của dân tộc ta. Tôi lắng nghe tiếng gọi náo nức từ trong dòng máu mang tên Việt Nam. Tố Hữu, chàng trai khởi dạo bản đàn chiến thắng ấy cho dân tộc, niềm tự hào lịch sử dân tộc từ trong trái tim anh đã truyền lửa cho ta những năm tháng sau này. Nhớ lắm một bà má Hậu Giang thân thương, mến lắm một giọng tâm tình quân dân Việt Bắc. Đặc biệt, ở hai khổ thơ đầu của Việt Bắc, đã thấm đượm trong hồn ta lời nhắn nhủ tri ân của quân dân Việt Bắc, gợi lại bao nghĩa tình “muối mặn gừng cay” thủa nào còn vương vấn.

Ai đó đi qua miền quê, lắng nghe chút nhạc từ dân gian mang lại, lắng nghe chút “quê mùa” hóm hỉnh, bông đùa mà ca dao dân ca ta vẫn thường có:
“ Mình về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”
À thì ra ta chẳng nhớ nhiều, ta nhớ mấy điều thân thuộc của mình, nhớ mái tóc, nhớ bộ răng của mình, nhớ vẻ đẹp đằm thắm của mình làm ta ấn tượng, in đậm trong trái tim ta. Ca dao dân ca bắt nguồn từ tâm hồn, gắn bó và nảy nở lên từ những tâm hồn chân chất, thân quen, ca dao dân ca vốn đẹp như vậy, sinh ra từ trái tim người dân Việt Nam từ ngàn đời cho đến nay. Tố Hữu, “người thư kí trung thành của thời đại” đã “giữ lửa” của dân tộc, đã học hỏi nét đẹp truyền thống này. Nên thơ Tố Hữu rất mượt cái hồn Việt Nam, rất êm cái chất Việt Nam dân giã nhã nhặn mặn mà,  tâm tình thủ thỉ như tiếng ai khẽ vọng bên tai:
“Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”
Ôi! Là lời người ở dành cho kẻ đi. Nghĩa tình gắn bó, chia nhau từng miếng chua cay mặn ngọt. Thân thiết như ruột, như thịt, như máu xương của mình, thí nói quên là sẽ quên được ư? Thế nên mới có lời ca “Mình về mình có nhớ”. Tố Hữu đã dùng câu hỏi tu từ hỏi mà mục đích không để đặt câu hỏi, mà là giãi bày tâm trạng của kẻ ở dành cho người đi. Sự luyến tiếc, bồi hồi, nhỏ giọt, thấm đượm từng câu chữ.
“Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn”
“Cây” và “núi” vừa là hình ảnh tả thực vừa tượng trưng cho nghĩa tình quân dân. Cây nào không  được nuôi dưỡng từ rừng già, sông nào không đổ từ thượng nguồn mà ra. Cũng như chiến thắng nào lại không có mất mát và hi sinh? Thắng lợi nào mà không có tiền phương thân thương là bệ phóng nâng đỡ? Như một lời nhắn nhủ đầy khéo léo, ý nhị, rằng dù có cuộc sống sung sướng, dẫu có rời xa, cũng đừng quên đi những nghĩa tình quý giá, mà quãng thời gian khó khăn năm nào chúng ta đã cùng nhau gắn bó san sẻ nghĩa tình. Hơn một lần Tố Hữu dùng câu hỏi tu từ, hỏi nhưng không để hỏi, chỉ nhằm thể hiện tâm trạng của mình:
“Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi”
Nếu người ở lại muốn bộc lộ tâm trạng đầy ý nhị cho người ra đi, thì người ra đi có lòng nào lại không cảm nhận và biết được điều đó? Tố Hữu sử dụng từ láy “tha thiết” nghe da diết biết bao, cứ láy đọng trong lòng ta, rung mãi trong lòng sự ngọt ngào ấy. Và để đáp lại điều đó, ta nghe thấy lời đồng vọng của người ra đi dành cho người ở lại, vì vậy nên tâm trạng cứ “bâng khuâng” “bồn chồn” cứ luyến tiếc mãi. Ra đi nhưng lòng vẫn mang nặng lo lắng, canh cánh trong lòng một điều nào đó. Cứ nấn ná trong lòng như một lời thân thương nhưng không thể nói nên lời.
Ai đã từng lên Việt Bắc ta chưa? Ai đã gặp những người dân vùng sơn cước? Những cô gái Thái, Tày, Nùng, Mường, Dao trong các bản làng ngày đêm ngồi bên khung cửi, trong trắng và thuần khiết như “lụa trắng”. Vì vậy nhắc đến miền núi, sao không thể không nhắc đến vẻ đẹp của con người nơi đây, gắn bó với những thứ dân giã từ thiên nhiên, bằng chính sự mộc mạc, lương thiện vốn có của mình:
“ Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”
“ Áo Chàm” là hình ảnh hoán dụ cho người dân Việt Bắc. Dùng một vật để chỉ cả sự vật, biện pháp có tác dụng gợi hình, gợi cảm. Chia li rồi ta còn nhớ mãi tấm áo Chàm, là nhớ con người, nhớ toàn bộ những người dân miền núi Việt Bắc đã gắn bó với Cách Mạng. “Không biết nói gì” không phải là không còn gì để nói, mà là tâm trạng bồi hồi nên lời nói không thể nói hết ra bằng lời. Vì lòng luôn bâng khuân, luôn vấn vương nên không thể dễ dàng bộc bạch ra được bằng lời. Ta càng cảm nhận rõ hơn tấm lòng sâu sắc, gắn bó gần gũi thân thiết, yêu thương giữa người đi và kẻ ở.
Là khổ thơ mở đầu, lời chào đầu tiên cho cả tác phẩm Việt Bắc. Đóng vai trò quan trọng mở đầu, dẫn dắt đến những khổ thơ sau. Như một lời hứa chắc chắn sẽ luôn nghĩ về nhau, dẫu về sau chúng ta sẽ mỗi người một ngả trong cuộc sống riêng của mình.
Tố Hữu là người con giữ lửa cho dân tộc, là một nhà thơ trữ tình chính trị, tác gia lớn của văn học Việt Nam. Tiếp nối giọt lệ ca dao dân ca từ bao đời. Bằng việc sử dụng thơ lục bát cùng cách kết cấu lối đối đáp trong ca dao dân ca, ngôn ngữ mang đậm sắc thái dân gian. Lời nhắn nhủ của Tố Hữu là giọng nói được lưu truyền muôn đời, muôn thế hệ, hãy nhớ và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Ân nghĩa thủy chung, anh hùng bất khuất, sẽ mãi mãi là vẻ đẹp của con người Việt Nam.
Xem  thêm :Việt Bắc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *