Phân tích 8 câu đầu bài thơ Việt Bắc- Tố Hữu, bài văn mẫu 3

Văn mẫu lớp 12

Phân tích 8 câu đầu bài thơ Việt Bắc- Tố Hữu

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng…

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

Bài văn mẫu số 3

Tố Hữu (1920-2002) quê ở Thừa Thiên Huế, là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Tố Hữu không chỉ thành công trong sự nghiệp cách mạng mà trong thơ ca ông trở thành nhà thơ lớn của dân tộc. Thơ ông đậm đà bản sắc dân tộc, có sự kết hợp hài hòa giữa khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Trong sự nghiệp sáng tác của mình ông để lại nhiều tác phẩm có giá trị tiêu biểu là bài thơ “Việt Bắc”. Qua bài thơ Tố Hữu đã thể hiện tâm trạng của người Việt Bắc và người Cách mạng đầy bâng khuâng lưu luyến trong buổi chia tay đặc biệt qua đoạn thơ sau:

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

– Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, khi hiệp định Giơ-ne –vơ được kí kết, Tố Hữu cùng cán bộ cách mạng rời chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Nhân sự kiện trọng đại ấy Tố Hữu viết bài thơ “Việt Bắc” để ghi lại những cảm xúc thiêng liêng nhất. Việt Bắc- cái nôi của cách mạng, là căn cứ địa vững chắc cho cuộc kháng chiến.

Mở đầu đoạn thơ tác giả nói lên tâm trạng của những người ở lại đó chính là người dân Việt Bắc được thể hiện trong đoạn thơ:

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”

Tác giả đã sử dụng tài tình điệp từ “mình” để khẳng định nỗi nhớ của người dân Việt Bắc với cách mạng.  Từ “nhớ” khẳng định nỗi nhớ da diết không thể nào nguôi. Quãng thời gian ân tình gắn bó được tác giả thể hiện bằng “mười lăm năm” , một quãng thời gian dài, là quãng thời gian đủ để người dân Việt Bắc với người cách mạng gắn bó keo sơn, chia sẻ những cay đắng ngọt bùi, cùng nhau chung sống và giờ đây  khi phải xa nhau thì vẫn luôn nhớ về nhau, luôn nhớ đến những điều gần gũi, bình dị nhất.

“Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn”

Một lần nữa câu hỏi tu từ xuất hiện, như một sự nhắc nhở, trăn trở của những người ở lại. Liệu những người cán bộ về xuôi có nhớ đến những ngày tháng trên quê hương này không? Liệu những người cách mạng có nhớ tới những kỉ niệm mà Việt Bắc và cách mạng đã gắn bó. Nỗi nhớ của Việt Bắc, tình cảm của Việt Bắc thật lớn lao và cao đẹp với những người cán bộ về xuôi.

Nỗi nhớ ấy được nhấn mạnh với hình ảnh “sông”, “nguồn”. Nhìn những hàng cây người cách mạng lại nhớ đên Việt Bắc, hay nhìn dòng sông thơ mộng với những con sóng vỗ nhẹ vào bờ lại dâng trào nỗi nhớ thiên nhiên và con người Việt Bắc. Những hình ảnh thơ đặc sắc nhưng vô cùng bình dị luôn ẩn chưa trong lòng mỗi người cán bộ đi xa.

Nỗi nhớ của những người ở lại  là nỗi nhớ không dễ gì so sánh được, nỗi nhớ không thành lời được cảm nhận qua tâm trạng đầy ý nghĩa. Qua đó nhà thơ muốn khẳng định, nhấn mạnh những người ở lại luôn nhắc nhở  những người cán bộ cách mạng khi xa quê hương luôn phải biết nhớ về nguồn cội của mình, nhớ về những năm tháng ân nghĩa thủy chung, keo sơn gắn bó.

Đáp lại tiếng lòng của những người ở lại ở bốn câu thơ đầu là câu trả lời của những người cán bộ về xuôi thể hiện ở  bốn câu thơ sau:

“Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

Nhà thơ đã tài tình kết hợp đại từ phiếm chỉ “ai” kết hợp với câu hỏi tu từ, cử chỉ cầm tay nhau  và sự hòa quyện với dấu chấm lửng cho thấy tình cảm của người cán bộ dành cho Việt Bắc. Chỉ những hình ảnh bình dị, dân dã thôi mà kỉ niệm thì gập tràn trong lòng người ra đi. Tiếng hát tha thiết, âm thanh vang dội như đang muốn giữ những người cán bộ đã phải trở về Hà Nội tiếp tục nhiệm vụ của mình nơi thủ đô. Hình ảnh “áo chàm” là hình ảnh gần gũi với người dân Việt Bắc. trong thời khắc chia li đầy xúc cảm với người dân Việt Bắc những cán bộ cách mạng đẽ thể hiện một nỗi lòng thiêng liêng, trân trọng nhưng cũng thật tự nhiên, thật sâu lắng. Có lẽ vì vậy giây phút cuối cùng chia tay nhau “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”. Cái cầm tay xiết chặt cũng đủ để người trong cuộc hiểu muôn vàn lời nói, có lẽ có những ngôn ngữ không lời được cất lên đầy giá trị như cuộc chia tay này.

Đoạn thơ trên không chỉ  góp phần tạo nên thành công cho bài thơ “Việt Bắc” mà còn thể hiện đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm. với thể thơ lục bát đậm đà tính dân tộc, mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu.

Đoạn thơ trên dù chỉ có tám câu thơ nhưng đã nói lên thật sâu sắc nỗi nhớ da diết cháy bỏng của người ra đi và người ở lại, nói lên nét đẹp nơi Việt Bắc không chỉ là thiên nhiên thơ mộng, trữ tình mà con là con người đầy ân nghĩa thủy chung với cách mạng và kháng chiến. Những nỗi nhớ hiện lên thật thiêng liêng , đầy xúc cảm. Chính vì điều đó mà tám câu thơ đầu nói riêng và bài thơ “Việt Bắc” nói chung đã trường tồn theo năm tháng cùng dân tộc và con người Việt Nam.

Xem thêm : Tuyển tập những bài văn mẫu về Việt Bắc : Việt Bắc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *