Phân tích 8 câu đầu bài thơ Việt Bắc- Tố Hữu- Bài mẫu 1

Văn mẫu lớp 12

Phân tích 8 câu đầu trong đoạn trích Việt Bắc :

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng…

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

Bài làm:

Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị xuất sắc. Ông được coi là lá cờ đầu  trong phong trào thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ Tố Hữu chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, đậm đà tính dân tộc. Ông là người có nhiều đóng góp cho nền vă học đất nước cùng với những kiệt tác để đời, một trong số đó là bài thơ “Việt Bắc”. Bài thơ là khúc tình ca về cách mạng về kháng chiến mà cội nguồn sâu xa là tình yêu đất nước, niềm tự hào  về sức mạnh nhân dân. Đó là truyền thống ân nghĩa, đạo lí thủy chung của dân tộc. bản tình ca ấy đã được Tố Hữu khơi nguồn cảm xúc với những giai điệu đầu tiên của buổi chia li đầy bâng khuâng xao xuyến giữa  kẻ ở và người đi:

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

– Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

Việt Bắc là quê hương cách mạng, là căn cứ địa vững chắc cho cuộc kháng chiến. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 7 năm 1954, hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết hòa bình lập lại. Miền Bắc nước ta được giải phóng, chính phủ và trung ương Đảng rời chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Nhân sự kiện lịch sử ấy Tố Hữu viết bài thơ “Việt Bắc”

Đến với bốn câu thơ đầu là lời ướm hỏi của người ở lại:

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn”

Tác giả mở đầu bằng một câu hỏi tu từ mang âm hưởng ca dao, tình yêu “Mình về mình có nhớ ta” thể hiện tình cảm dạt dào thương mến với hai đại từ nhân xưng mình-ta. Cách nói ngọt ngào sâu lắng tạo sự thân mật gần gũi đậm chất ca dao. Câu hỏi vừa ngọt ngào vừa khéo léo kết hợp với trạng từ chỉ thời gian “ mười lăm năm” chỉ độ dài gắn bó cách mạng gian khổ, hào hung. Cảnh và người Việt Bắc gắn bó nghĩa tình với người kháng chiến, đồng thời khẳng định tấm lòng thủy chung của mình. “Mình về mình có nhớ không”- một câu hỏi tu từ không tìm kiếm câu trả lời mà hỏi để nhắc nhở xin đừng quên những ngày tháng ở Việt Bắc. Phải chăng như Chế Lan Viên từng viết:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”

Ở đây Việt Bắc đã hóa thành tâm hồn trong lòng những chiến sĩ cách mạng. Điệp từ “nhớ” láy đi láy lại cùng với lời nhắn nhủ “ mình có nhớ ta”, “mình có nhớ không” vang lên day dứt khôn nguôi. Các từ “thiết tha”, “mặn nồng” thể hiện bao ân tình gắn bó. Đó cũng chính là tình cảm keo sơn gắn bó, chia ngọt sẻ bùi của “mười lăm năm” giữa “ta” và “mình”.

Nếu như bốn câu thơ đầu là lời nhắn nhủ thiết tha của đồng bào chiến khu thì  đến với bốn câu sau  người đọc không khỏi xúc động trước tiếng lòng của người cán bộ về xuôi:

“Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

Tác giả sử dụng đại từ phiếm chỉ “ai” nghe bâng khuân xao xuyến. Phải chăng là lời của người Việt Bắc. Tuy không trả lời trực tiếp câu hỏi hỏi người ở lại nhưng tâm trạng bâng khuâng, bồn chồn cùng với  cử chỉ “cầm tay nhau” xúc động bồi hồi đã nói lên tình cảm chưa xa đã nhớ, sự luyến lưu của người cán bộ về xuôi dành cho quê hương cách mạng. Hình ảnh người Việt Bắc hiện lên dưới cái nhìn của người cán bộ thật gần gũi và giản dị với màu “áo chàm”. Tác giả sử dụng nghệ thuật hoán dụ , đây là một loại trang phục truyền thống quen thuộc, là màu áo của sự bình dị của người Việt Bắc nơi đây. Rất có thể đây là hình ảnh thực nhưng cũng có thể đây là hình ảnh trong tưởng tượng của người cán bộ chiến sĩ. Để rồi mỗi lần hình ảnh áo chàm bay về trong tâm trí của người cán bộ là mỗi lần bao nỗi nhớ thân thương lại dội về. Lời hỏi của người ở lại đã khéo nhưng câu trả lời còn khéo hơn thế , không phải câu trả lời có hay không mà là những cử chỉ. Câu thơ bỏ lửng Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…” đã diễn tả thái độ nghẹn ngào không nói nên lời trong những phút giây cuối cùng để giã từ Việt Bắc trở về xuôi của người cán bộ kháng chiến. Đây cũng là lúc khép lại khúc dạo đầu của bản tình ca về nỗi nhớ.

Tám câu thơ đặc sắc của bài thơ Việt Bắc chính là khúc hát ân tình của người ở lại dành cho người ra đi.  Là tình cảm sâu nặng thắm thiết của người cán bộ không quên ân nghĩa, không quên cội nguồn của chiến thắng cách mạng. Đoạn thơ mang đậm phong cách trữ tình chính trị nói về vấn đề lớn của dân tộc được Tố Hữu tái hiện lại dưới ngòi bút tài hoa của mình.

Để làm nên thành công cho tám câu đầu cho bài thơ “Việt Bắc” Tố Hữu với tâm hồn lãng mạn hào hoa đã vận dụng các biện pháp nghệ thuật như lối xưng hô mình ta, thể thơ lục bát đậm đà tính dân tộc, ngôn từ mộc mạc giản di, giàu sức gợi hình gợi cảm.

Khép lại tám câu thơ đầu bài thơ Việt Bắc người đọc không khỏi xúc động trước tình cảm da diết sâu nặng tấm lòng thủy chung của người Việt Bắc và người cán bộ. Có thể nói chính tình quân dân cao quý ấy đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng chấn động năm châu. Bài thơ “Việt Bắc” và tác giả “Tố Hữu” sẽ còn mãi trong lòng những người dân Việt Nam về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

Xem thêm : Tuyển tập những bài văn mẫu về Việt Bắc : Việt Bắc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *