Dàn ý phân tích bài thơ Việt Bắc đầy đủ

Văn mẫu lớp 12

VIỆT BẮC

                                                                             — Tố Hữu —

*Vài nét về tiểu sử tác giả:

  • Tố Hữu (1920 – 2002), tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, quê ở Thừa Thiên Huế.
  • Ông sinh trưởng trong một gia đình nhà nho, có truyền thống nho học và văn chương.
  • Là người giác ngộ cách mạng sớm. Trong hai cuộc kháng chiến cho đến năm 1986, ông liên tục giữ những cương vị trọng yếu trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Tố Hữu đến với thơ và đến với cách mạng gần như cùng một lúc, do đó con đường thơ của Tố Hữu song hành với con đường cách mạng.

Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình chính trị (chính trị, xã hội, lịch sử.. đều trở thành nguồn cảm hứng trong thơ Tố Hữu).

*Lí do thơ Tố Hữu mang tính chất trữ tình, chính trị:

  • Con đường thơ Tố Hữu song hành với con đường cách mạng.
  • Với Tố Hữu, làm thơ cũng là cách thức phục vụ cách mạng.
  • Tố Hữu không chỉ là một nhà cách mạng, Tố Hữu còn là một nhà thơ có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm lại được nuôi dưỡng trong một gia đình nho gia có truyền thống nho học và văn chương, lớn lên ở xứ Huế có truyền thống văn hóa, văn học.

 

PHÂN TÍCH TÁC PHẨM:

  1. Tìm hiểu chung:
  2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác:

+) Bài thơ “Việt Bắc” được rút ra từ tập “Việt Bắc”.

+) Hoàn cảnh ra đời bài thơ Việt Bắc:

  1. “Việt Bắc” là tác phẩm xuất sắc của Tố Hữu nói riêng và thơ Việt Nam hiện đại nói chung.
  2. Bài thơ được sáng tác vào tháng 10 năm 1954. Đây là thời điểm các cơ quan Trung ương của Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc trờ về thủ đô Hà Nội, sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc vẻ vang với chiến thắng Điện Biên phủ và hòa bình lập lại ở miền Bắc.
  3. Nhân sự kiện có ý nghĩa lịch sử này, Tố Hữu viết bài thơ để ôn lại một thời kháng chiến gian khổ mà hào hùng, thể hiện nghĩa tình sâu nặng của những người con kháng chiến đối với nhân dân Việt Bắc, với quê hương cách mạng.
  4. Vị trí:
  • Trích trong tập thơ “Việt Bắc”.
  • Việt Bắc là thành công xuất sắc của đời thơ Tố Hữu, là đỉnh cao của thời kì thơ ca kháng chiến chống Pháp. Tên của bài thơ được đặt tên cho cả tập thơ.
  • Bài thơ không chỉ là tình cảm riêng của Tố Hữu mà đó là suy nghĩ, tình cảm của những người kháng chiến đối với Việt Bắc, với đất nước, với cách mạng và với Bác Hồ.
  1. Cảm hứng chủ đạo:
  • Đoạn trích là nỗi nhớ thiết tha của: “kẻ ở – người đi”. Nhớ thiên nhiên Việt Bắc tươi đẹp, nhớ con người Việt Bắc ấm áp, nghĩa tình; nhớ Việt Bắc hào hùng trong kháng chiến.
  • Nỗi nhớ ấy đã bộc lộ tình cảm ân nghĩa, thủy chung với quê hương cách mạng.
  1. Cảm nhận chung:
  • Đoạn trích tái hiện không khí chia tay đầy lưu luyến, bịn rịn. Đó là không khí của ân tình, của hồi tưởng, của ước vọng và của tin tưởng.
  • Kết cấu: theo lối đối đáp quen thuộc của ca dao giao duyên.
  • Giọng điệu: Ngọt ngào, êm ái, giọng tâm tình của đôi lứa.
  1. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN:
  2. Tâm trạng của kẻ ở – người đi:
  • Bâng khuâng, lưu luyến, bịn rịn. Đó là tâm trạng không nỡ xa rời của những con người đã từng sống, từng gắn bó, từng chia sẻ trong suốt 15 năm.
  • Người ở lại: lên tiếng trước. Chữ “nhớ” được nhắc đi nhắc lại, vừa là lời hỏi, vừa là lời nhắn nhủ, vừa là nhịp cầu dãi bày tình cảm.
  • Những câu hỏi đã khẳng định nỗi lòng của người Việt Bắc. Việt Bắc hỏi người ra đi: có nhớ người ở lại. Nhớ 15 năm từng gắn bó ân tình. Nhớ sông núi, nhớ nguồn.
  • 4 chữ nhớ được láy đi láy lại gợi nỗi lòng thường trực, ám ảnh trong lòng người đọc. Sau mỗi chữ “nhớ” là một kỉ niệm ấm nồng được lặp lại.

+) Người ra đi hiểu được nỗi lòng của người ở lại cho nên có tâm trạng bâng khuâng, bồn chồn tha thiết:

“Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”

  • Ba tính từ trạng thái đi liền trong 4 câu thơ thể hiện rất rõ tâm trạng, nỗi lòng của người ra đi.
  • Tâm trạng của người ra đi thể hiện ở câu thơ “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”. Đó là sự lưu luyến, bịn rịn không nỡ xa rời. Người ra đi cầm tay mà không biết nói gì nhưng thực chất đã nói lên rất nhiều điều trong thương nhớ. Đó là sự im lặng chứa đầy cảm xúc.
  • Tâm trạng của kẻ ở – người đi đã khơi nguồn cho toàn bộ nỗi nhớ trong bài thơ Việt Bắc. Đó là tâm trạng chan chứa ân tình của những con người đã gắn bó trong suốt 15 năm.
  1. Hình ảnh Việt Bắc trong nỗi nhớ của người ra đi:
  2. Nhớ con người và thiên nhiên Việt Bắc:
  • Nhớ con người Việt Bắc: Trong nỗi nhớ của người ra đi, người Việt Bắc là những con người cần cù, chịu thương, chịu khó, những con người sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, cùng chung tay gánh vác nghĩa tình cách mạng. Là những con người tài hoa và hơn hết những người Việt Bắc là những người ân tình, thủy chung.
  • Nhớ thiên nhiên Việt Bắc: Vẻ đẹp của 4 mùa: Mùa nào cũng đẹp, cũng đáng yêu, đáng nhớ.
  • Hình ảnh thiên nhiên và con người Việt Bắc được nhà thơ tái hiện sinh động, sâu sắc trong đoạn thơ:

“Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”

*10 câu thơ có thể coi là bức tranh tứ bình đẹp và quý về thiên nhiên, con người Việt Bắc:

  • Hai câu đầu: Mang ý nghĩa định hướng, cảm xúc bao trùm, khơi nguồn toàn bộ đoạn thơ. Đó là lời của người ra đi. Người ra đi khẳng định tình cảm chắc chắn của mình: Ta về ta vẫn nhớ, nhớ nhất là hoa và người Việt Bắc.

+) Hoa: tượng trưng cho vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Bắc.

+) Nhớ người: Nhớ người Việt Bắc chịu khó, cần cù, ân tình thủy chung.

  • 8 câu thơ tiếp theo: gợi vẻ đẹp hòa quyện giữa thiên nhiên và con người Việt Bắc trong nỗi nhớ khôn nguôi của kẻ ở, người đi.

+) Mở đầu bức tranh tứ bình là bức tranh mùa đông Việt Bắc: thực tế trong bức tranh này, tác giả không nói rõ tên mùa, nhưng đặt trong cấu trúc của toàn bộ bức tranh thì đó là mùa đông Việt Bắc. Bức tranh mùa đông với màu xanh bạt ngàn trầm tĩnh của núi rừng, màu đỏ tươi của hoa chuối đã xua đi cảm giác lạnh lẽo và u ám.

+) Xuân sang -> ngập tràn sắc trắng của hoa mơ. Đó là vẻ đẹp đặc trưng của Việt Bắc vào mùa xuân. Màu trắng của hoa mơ khiến không gian trở nên thơ mộng, lãng mạn và huyền ảo.

~ Động từ “nở” đem đến cho ta cảm nhận dường như cảnh vật đang vận động, đang chuyển động.

+) Bức tranh mùa hè: Có lẽ đây là bức tranh đặc sắc nhất của núi rừng Việt Bắc. Mùa hè Việt Bắc như đọng cả trong tiếng ve và trong màu vàng của rừng phách.

~ Động từ “đổ”: được tác giả sử dụng rất tinh tế, chỉ sự biến đổi mau lẹ, triệt để của màu sắc.

~ Hai chữ “đổ vàng” ngắn gọn, giản dị nhưng rất biểu cảm và đặc biệt nó đã mở ra 3 cuộc chuyển đổi: Thứ nhất, đó là sự chuyển đổi về không gian: chỉ trong thoáng chốc, cả khu rừng nhuốm sắc vàng của rừng phách. Thứ hai, đó là sự chuyển đổi về thời gian, sắc vàng của rừng phách đưa nhịp cầu thời gian từ xuân sang hè. Thứ ba, là cuộc chuyển đổi trong cảm giác (từ thính giác sang thị giác).

+) Nếu 3 bức tranh đông, xuân, hè được tác giả miêu tả vào ban ngày thì bức tranh mùa thu được tác giả miêu tả vào thời điểm ban đêm với ánh trăng thanh huyền ảo. Thời điểm này tạo ra một không gian thi vị, lãng mạn phù hợp với những cuộc hát giao duyên.

~ Rừng thu: mở ra chiều rộng mênh mang của đất, trăng thu gợi không gian thăm thẳm của trời khiến cho không gian trở nên bát ngát hơn, thi vị hơn, huyền ảo hơn.

+) Điểm đặc sắc trong cấu trúc của bức tranh tứ bình thì cứ câu lục tả cảnh thì câu bát tả người. Cảnh và người hòa quyện khiến cho bức tranh trở nên đẹp hơn, ấm áp hơn và mang đậm sắc thái cổ điển phương Đông.

  • Trong những câu thơ gợi tả vẻ đẹp con người Việt Bắc có 3 chữ “nhớ” được lặp lại, đứng ở vị trí đầu câu thơ. Đó là nỗi nhớ của người chiến sĩ cách mạng nặng lòng khi hướng tới những con người cụ thể. Thiên nhiên Việt Bắc là phông nền để nhà thơ tô đậm vẻ đẹp con người. Trước hết đó là những con người vững trãi, tự tin, làm chủ núi rừng:

“Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”

+) Đó là vẻ đẹp của những con người khéo lé, tài hoa, cần mẫn:

“Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”.

+) Vẻ đẹp của những con người chịu thương, chịu khó, giàu đức hi sinh:

“Nhớ cô em gái hái măng một mình”

+) Đặc biệt, vẻ đẹp của sự “ân tình thủy chung” của người Việt Bắc đã làm thành nỗi nhớ sâu nặng với người ra đi:

“Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”.

4 chữ “ân tình thủy chung” đã chạm đúng vào gốc rễ của đạo lí dân tộc.

 

  • TIỂU KẾT: Đoạn thơ đã góp phần làm nên thành công của bài thơ Việt Bắc bởi nội dung chính trị đã được trữ tình hóa một cách đằm thắm. Tố Hữu viết về sự kiện chính trị, viết về tình cảm thủy chung cách mạng bằng giọng thơ nhỏ nhẹ của tâm tình, giọng của đôi lứa yêu thương.
  1. Nhớ Việt Bắc trong kháng chiến:
  • Đoạn thơ:

“Những đường Việt Bắc của ta
Ðêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Tin vui chiến thắng trăm miềm
Hoà Bình, Tây Bắc, Ðiện Biên vui về
Vui từ Ðồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng”.

  • Tái hiện không khí hào hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp đồng thời nói lên niềm tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
  • Giọng điệu đoạn thơ khỏe khoắn, mạnh mẽ, hào hùng và mang âm điệu sử thi.

+) Đại từ sở hữu “của ta” vang lên 1 cách giõng dạc thể hiện niềm tự hào của những con người được làm chủ đất nước, đồng thời khẳng định Việt Bắc là chiến khu tự do.

+) Không khí sôi động của những ngày chiến dịch được tác giả tái hiện sinh động qua những từ ngữ, hình ảnh: rầm rập, đất rung, quân đi điệp điệp trùng trùng.

+) Hai chữ “rầm rập” vừa gợi âm thanh, vừa tạo hình ảnh.

+) Những động từ mạnh được tác giả sử dụng liên tiếp: rung, nát đá, bay à gợi cho ta cảm nhận khí thế hào hùng của cả nước ra trận.

+) Biện pháp nghệ thuật so sánh, tượng trưng được tác giả sử dụng triệt để giúp ta cảm nhận hình ảnh những đoàn quân đan ngày đêm tiến về mặt trận.

+) Ở trong đoạn trích này, ánh sáng là 1 điểm nhấn đặc biệt, ánh sáng của ánh sao đầu súng là 1 niềm vui, 1 niềm tin. Còn ánh sáng của “dân công… lửa bay” thực sự là một ngày hội.

  • Ánh sáng ấy đã xua tan sương mù của những ngày đen tối.
  • “Nghìn đêm” và “thăm thẳm” là những từ cùng một trường nghĩa chỉ độ dài thời gian và độ dài tâm lí. Chỉ một cuộc ra quân mà bình minh của thời đại đã hé mở. Tất cả là nhờ sức mạnh của khối đại đoàn kết và tình quân dân.

~ Điệp từ “Vui” được lặp lại nhiều lần với những danh từ chỉ địa danh thể hiện chiến thắng liên tiếp của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

*TIỂU KẾT:

Đoạn thơ là bức tranh hào hùng về khí thế và sức mạnh vô song của cả nước ra trận. Đoạn thơ giàu chất sử thi, anh hùng ca tái hiện một thời đáng nhớ, đáng tự hào.Với đoạn thơ này, Việt Bắc không chỉ là bản tình ca ca ngợi cách mạng, mà là bản hùng ca ca ngợi kháng chiến và con người kháng chiến.

———-

Việt Bắc hội tụ tình yêu và niềm tin của con người trong kháng chiến. Người ta nhận ra trong lời thơ tình cảm tha thiết, bền chặt của con người. Không chỉ là chín, mươi hay mười lăm năm mà chính sự gắn bó sâu sắc giữa người và đất đã tạo nên một tình yêu sâu nặng, một mối ân tình cao đẹp. Việt Bắc chính là cội nguồn của quê hương cách mạng, những câu thơ chính là tiếng lòng nhớ thương của con người. Cái hay của bài thơ chính là cái hay của một khúc ca đằm thắm, yêu thương, hùng tráng mà chung thuỷ, ngọt ngào, lắng sâu.

———- HẾT ———-

Xem thêm :Việt Bắc

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *