Cảm nhận khổ 8,9 trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

Văn mẫu lớp 12

Cảm nhận khổ 8,9 trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh:
Bài làm:
Đời người chỉ như một cái chớp mắt của vũ trụ, ngày hôm nay còn sống, nhưng chắc gì ngày mai ta đã nhìn thấy ánh mặt trời rực rỡ? Vậy nên trong trái tim khao khát yêu đương của Xuân Quỳnh, ta vẫn thấy bộn bề những lo lắng tiếc nuối lo âu trước sự mong manh của thời gian:

“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ

(Sóng _ Xuân Quỳnh)

Đời người vốn dĩ ngắn ngủi lắm, nếu có thể ước lượng số thời gian ta sống được trên đời dài nhất một trăm năm, thì đó cũng chính là sự hữu hạn của kiếp người. Một cái chớp mắt của vũ trụ, thời gian sự sống đã không còn nữa. Xuân Quỳnh đã liên tưởng điều đó bằng cách nói thông qua hình ảnh “biển” và “mây” cuộc đời con người tưởng như dài thăm thẳm, nhưng con tàu thời gian vẫn vun vút lao đi không chờ đợi. Biển cả dù có mênh mông, không bến bờ, nhưng vẫn không thể nào níu giữ được bước đi của mây. Biển là hình ảnh tượng trưng cho sự hữu hạn còn mây là sự trôi chảy vô thủy vô chung. Làm sao để mây ngừng trôi? Dù biển kia vẫn mênh mông là thế. Xuân Quỳnh đã thấm thía sâu sắc một quy luật bất biến của vạn vật, của kiếp người, vì thế trong thơ bà càng thêm khắc khoải, lo âu. Và vì thế về sau, cũng chính nỗi lo âu này đã trở thành niềm ám ảnh mãi trong thơ Xuân Quỳnh.

 

 

Làm sao để tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ

Vì càng thiết tha gắn bó với cuộc đời,vì hiểu rõ và sâu quy luật bản chất cuộc đời ấy. Nên trái tim nhỏ bé càng trở nên khát khao được hiến dâng và sống trọn vẹn từng phút  giây hơi thở của lòng mình. Đời người tuy ngắn ngủi, nhưng khát khao được sống lại là vô biên. Vậy thì phải làm sao để có thể đạt được những điều này? Khi trước, Xuân Diệu cũng đã từng trăn trở về điều ấy.
Mau lên với chứ
Em ơi tình non sắp  già rồi

Nếu Xuân Diệu chọn cách sống vội vàng, muốn sống cho thỏa những ước vọng của đời mình. Thì với Xuân Quỳnh, một trái tim người phụ nữ mỏng manh lại thiết tha gửi gắm tình yêu cuộc đời, đam mê nhiệt huyết cuộc sống tựa thành  trăm con sóng nhỏ. Trăm con sóng dù ngàn đời có qua đi, nó vẫn vỗ vào bờ những nhịp đập thiết tha và tựa như vĩnh cửu. Và ta cũng gặp điều đó trong những vần thơ của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương:

Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng anh như lá bạc như vôi.

Vậy đấy, ta gặp những bồi hồi này từ ngàn đời trong trái tim người phụ nữ. Nhưng phải đến khi gặp được Xuân Quỳnh ta mới thấm thía một trăn trở suy tư của người phụ nữ. Ta càng khâm phục và ngưỡng mộ Xuân Quỳnh, một người phụ nữ luôn muốn vươn lên những tình yêu đẹp đẽ nhất và không đầu hàng trước những trắc trở cuộc đời để đạt được điều đó.

Là hai khổ thơ cuối cùng của tác phẩm Sóng, cũng là kết thúc lại một mạch nguồn tâm trạng hòa trộn giữa Sóng và em. Nhờ sử dụng những biện pháp nghệ thuật liệt kê, cách sử dụng ngôn từ tài hoa của thể thơ ngũ ngôn. Xuân Quỳnh đã làm nổi bật khát vọng được dân hiến và bất tử hóa trong tình yêu. Ta càng thêm yêu một tiếng thơ của người phụ nữ giàu lòng trắc ẩn và tha thiết này, và cảm ơn Xuân Quỳnh đã mang đến một hơi thở rất riêng trong làng văn học Việt Nam.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *