Vẻ đẹp tâm hồn tác giả Lê Hữu Trác qua đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh

Văn mẫu lớp 11

Đề bài.

Phân tích đoạn trích “Vào phủ Chúa Trịnh”, của Lê Hữu Trác để làm nổi bật vẻ đẹp của tác giả.

Bài làm.

Vào khoảng thế kỷ thứ XVII, XVIII vua Lê mải ăn chơi, hưởng thụ không lo việc nước, cuộc sống của nhân dân vô cùng khổ cực, các thế lực phong kiến nổi loạn ở khắp nơi. Bên cạnh triều đình bù nhìn của nhà Lê và Phủ Chúa lộng lẫy đầy quyền, kinh thành một lúc tồn tại hai Hoàng cung, hiện thực rối ren và suy thoái ấy đã khiến nhiều nhà nho chân chính, có cốt cách thanh cao tìm về chốn xa xôi ở ẩn. Lê Hữu Trác cũng không ngoại lệ, nhưng dù ở đâu ông vẫn luôn hướng lòng mình, lắng nghe những âm thanh vang vọng từ cuộc sống lầm than của nhân dân. Đoạn trích “Vào phủ Chúa Trịnh”, đã làm rõ vẻ đẹp tâm hồn nhân cách của Lê Hữu Trác. Đó là một người thầy thuốc tài, đức vẹn toàn, coi thường danh lợi.

Hải Thượng Lãn Ông là một trong những nhà nho nặng lòng với đất nước, Ông là một danh y, không chỉ chữa bệnh mà còn soạn sách và mở trường dạy nghề thuốc để truyền bá y học, luôn luôn cố gắng hết sức mình để đóng góp cho sản phẩm thật đáng trân trọng. Đó là những bài thuốc hay, những trang văn tràn đầy tâm huyết và hơn hết đó là một nhân cách cao quý của một con người. Với tập ký “Thượng kinh ký sự”, Lê Hữu Trác đã thể hiện tài năng của mình với tư cách người thầy thuốc, nhà sử học và nhà văn, với tư cách là nhà văn, Ông đã đưa thể loại kí sự lên một tầm cao mới. Đoạn trích “Vào Phủ Chúa Trịnh”, là một đoạn trích đặc sắc, tiêu biểu của tác phẩm, nó đã tái hiện chi tiết và cụ thể hành trình của tác giả vào phủ chúa để khám bệnh cho thế tử, từ đó dần hé lộ những đức tính tốt đẹp của tác giả.

Đầu tiên, Lê Hữu Trác ngỡ ngàng trước cảnh kinh đô. Đó là một mê cung với những dãy hành lang quanh co nối nhau liên tiếp, điếm hậu mã quân túc trực, được xây dựng với kiến trúc cầu kỳ, xinh đẹp trong điếm có cột và bao lớn lượn vòng, đại đường, gác tía, quyển bồng rất lớn cao và đẹp. Ở đây cột đều sơn son thếp vàng, trước sập là hai bên bày bàn ghế, những đồ đạc nhân gian trước nay chưa từng thấy, bữa cơm trong phủ dùng mâm vàng, chén bạc, đồ ăn toàn là của ngon, vật lạ. Cái cảnh giàu sang của vua, chúa thường khác hẳn so với người thường. Lê Hữu Trác vốn con quan, sinh trưởng ở nơi phồn hoa cũng phải thốt lên “cả trời Nam sang nhất là đây”, tác giả không phải con người đam mê vinh hoa, phú quý, ham danh, chức, tiền bạc hay lợi lộc. Đó là một nét đẹp, trong nhân cách con người ông. Chính vì thế đứng trước danh lợi, cái cảnh giàu sang cực điểm ông chỉ cảm thấy lạ lẫm và lạc lõng mà thôi.

Tiếp theo chân dung của một người thầy thuốc hiện lên chi tiết, quá trình khám bệnh cho thế tử Trịnh cán, quá trình ấy diễn ra rất nhanh, rất gấp, phải tuân theo một loạt các phép tắc, từng hành động, cử chỉ đều phải bấm báo và được quan chánh đường, truyền lệnh thì mới được phép thực hiện. Lê Hữu Trác bắt mạch, rồi xem thân hình của thế tử, ngay lập tức ông đã vận giải được nguyên nhân của căn bệnh, đó là cuộc sống quá thừa về vật chất, mà thiếu khí trời, ông vô cùng tin tưởng vào khả năng của mình, thế nhưng tâm trạng thì vô cùng khó xử. Mọi sự đấu tranh quyết liệt giữa một bên là lương tâm của người thầy thuốc, một bên là sự trói buộc của công danh, nếu như chữa khỏi bệnh thì sẽ bị danh lợi ràng buộc, không thể tiếp tục cuộc sống tự do, tự tại mà mình yêu thích. Nếu không chữa bệnh sẽ không đúng với lương tâm của người thầy thuốc, cuối cùng ý đức, trách nhiệm nghề nghiệp, tấm lòng đối với cha ông cũng như phẩm chất trung thực của một danh y đã chiến thắng sở thích cá nhân. Từ đó cho ta thấy Lê Hữu Trác, không những là một nhà văn tài hoa và còn là một danh y có kiến thức y học uyên thông, là một người thầy thuốc y đức lớn, tâm huyết với nghề, cốt cách thành cao, coi thường danh lợi.

Thế kỉ thứ XVIII, văn học Việt Nam phát triển rực rỡ, với sự ra đời của nhiều tác phẩm văn học, có giá trị nghệ thuật cao và chứa đầy giá trị nhân văn “thượng kinh ký sự” của Lê Hữu Trác cũng góp phần làm nên thành công ấy. Thành công của đoạn trích “Vào phủ Chúa Trịnh”, trước hết phải kể đến giọng điệu kể chuyện rất chân thực, mộc mạc của tác giả, đó là sự xen kẽ rất tự nhiên của lời kể, lời bình và thơ Lê Hữu Trác chú ý đến việc tả cảnh và tường thuật sự việc. Nhưng chính cách kể và cách tả ấy lại kín đáo, bộc lộ tâm sự, tình cảm, thái độ của nhà văn. Ngòi bút tinh tế của tác giả, có vẻ ông không phê phán một điều gì cả, hình ảnh phủ chúa hiện lên trong tác phẩm với những cung điện kiêu xa, cầu kỳ, với những con người quyền uy tuyệt đối như Chúa Trịnh Sâm, quan chánh đường, các danh y của 6 cung, hai viện, thế tử Trịnh cán, tất cả như vô nghĩa bởi bệnh tật. Không một ai thực sự có năng lực, bản lĩnh, từ đó người đọc phần nào nhận ra được bộ mặt xã hội phong kiến Việt Nam thời kỳ vua Lê, Chúa Trịnh.

Hình ảnh Lê Hữu Trác là một tấm gương sáng cho nền y học nước nhà, tài năng y đức, phẩm chất tốt đẹp của tâm hồn ông sống mãi trong lòng người dân đất Việt./.

Xem thêm :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *