Suy nghĩ của bạn về ý kiến “Mỗi khổ thơ có một câu hỏi tu từ, vì thế, bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” đã gieo vào lòng người những ám ảnh, day dứt ấn tượng”

Văn mẫu lớp 11

Mỗi người được sinh ra trên đời đã là một niềm hạnh phúc và may mắn mà tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta. Nhưng mỗi người lại có cuộc sống khác nhau, sống trong những môi trường không giống nhau, vì vậy hình thành nên những cá tính khác biệt. Trong phong trào thơ mới nổi lên những cái tên nổi bật, phải kể đến hàng đầu Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Huy Cận… và Hàn Mặc Tử, trong đó “lạ nhất” chính là Hàn Mặc Tử. Nhiều người đọc thơ Hàn sẽ cảm thấy ớn lạnh, vì cái chất “đau thương” bao trùm trong hồn thơ của Hàn. Nhưng, độc đáo thay, trong chùm thơ đau thương ấy, lại xuất hiện một bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ đầy mê hoặc, khác thường. Mà ta yêu thơ Hàn là không thể không biết đến Đây thôn Vĩ Dạ.
Hàn Mặc Tử là nhà thi sĩ có số phận bi ai nhất trong số những nhà thơ Việt Nam. Người lắm tài thì nhiều tật, căn bệnh phong quái ác đã cướp đi của Hàn một số phận được sống trong nhân giai, nếm trải hương vị của cuộc đời. Và hơn hết, đã để lại trong hồn Hàn Mặc Tử một tiếng thơ đau thương mà không thể có ở bất kì nhà thơ nào khác. Thơ Điên, cũng chính là nơi nảy mầm từ cái gọi là đau thương. Đau thương vì phải sống xa giời kiếp người, không được gần gũi với con người, thiên nhiên, vạn vật. Nên dần sinh ra trong Tử cái chất gọi là đơn độc, gọi là cô đơn đến tột cùng, đến não lòng, đến nhức nhối và da diết. Người ta đọc Đây thôn Vĩ Dạ, đọc lướt qua sẽ thấy chỉ toàn là cảnh vật thiên nhiên xanh tươi hiện ra trước tiên, sau mới nhảy cóc vào nơi gọi là “trong này” nghĩa là trong tâm hồn Tử. Mạch thơ không có sự liên kết kết dính trên bề mặt, nhưng lại có sợi dây tơ hồng mắc ở cảm xúc bên trong. Vì thế, mỗi khổ đều có ba câu hỏi tu từ, ba câu hỏi không hỏi cùng một địa chỉ nơi chốn, hỏi cùng một đối tượng, mà để hỏi chính cảm xúc của lòng mình.

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
À, nghe qua, ta cứ ngỡ là một giọng nói nhẹ nhàng, dịu dàng của cô gái thôn Vĩ nào cơ chứ. Nhưng hiểu sâu hiểu rõ ngọn ngành, lại thấy không phải. Có lẽ có cô gái thôn Vĩ nào thật, có người mà Hàn thương thầm mến trộm thật. Nhưng giọng nói đầy tha thiết vấn vương này, lại là sự hóa thân đầy mê hoặc của Hàn Mặc Tử. Lời cô gái cứ láy vọng trong lòng ta. Anh không tới, nhưng là anh không về, không phải chưa về. “Không về” thể hiện trong tâm khảm người thôn vĩ một sự ngóng đợi mong chờ, biết là anh không về, nhưng trái tim vẫn hướng về anh đó, anh không về nhưng em vẫn đợi. Về thăm, khác về chơi, dường như giữa người khách thôn vĩ và người dân thôn vĩ phải có một mối tương giao nào đó mới có thể cất lên những lời nói gần gũi thân tình đến như vậy. Trong lời hỏi vì ẩn chứa bốn cung bậc tình cảm, là khao khát mong chờ, là hoài vọng mến thương, là phấp phỏng lo âu không biết anh có về hay không, và một sự dỗi hờn trách móc đầy nữ tính. Vì thế lời thơ cứ quấn lấy ta, tựa như có người hỏi ta thật, chứ không phải chỉ đơn thuần là một câu thơ nữa. Vì thế ta thấy chút day dứt, ám ảnh trong lòng. Và thực chất, vì hồn thơ đau thương, vì không thể tiếp xúc với bên ngoài, nên trong lòng Tử lúc nào cũng vương vấn những câu hỏi này, như một sự nhớ mong dành cho cuộc sống ngoài kia mà Tử không thể với tới.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó?
Đây là câu thơ đã bay vào trong tâm hồn của Tử rồi. Câu thơ tha thiết đã trở thành một hoài vọng. Vì Tử bị mắc bệnh phong, nên trăng vốn đã trở thành tri âm tri kỉ của Tử. Vì thế tại đây ngay lúc này, trong lúc trái tim cô đơn nhất và khao khát nhất. Trăng là tượng trưng cho sự cứu rỗi của linh hồn, không chỉ tả thực một vầng trăng đẹp nơi thiên nhiên vĩ dạ, mà còn góp phần làm cho cảnh chia lìa, lạc điệu bị xóa nhòa, trăng về là hạnh phúc về. Câu thơ cứ láy lại trong lòng một cảm  xúc vấn vương không dứt, như một chút cô đơn thoáng qua. Và đặc biệt hơn là câu hỏi tu từ cuối bài:
Ai biết tình ai có đậm đà?
Từ “Ai” thứ nhất chỉ khách đường xa, “Ai” thứ hai lại là lời tự xưng của nhân vật trữ tình. Câu hỏi tu từ này đã thể hiện một sự khắc khoải, như một lời tỏ tình đấy ý nhị và kín đáo. Dù có thể người đó không hiểu được lòng mình đâu, nhưng đã thể hiện phần nào tâm trạng muốn được giãi bày, cảm thông của người hỏi. Ừ thì Hàn không thể quay về thôn Vĩ, nhưng chỉ cần em hiểu được lòng tôi, em cảm nhận được trái tim tôi, thì tôi đã mãn nguyện lắm rồi.

Cả ba câu hỏi tu từ, điểm chung đều là một khát vọng đến tha thiết cháy lòng, chính vì cái tâm hồn cô đơn muốn giao thoa cùng cuộc sống, muốn đến thăm cảnh vật ngoài kia, nên mới có ba câu hỏi tu từ ở mỗi khổ. Câu hỏi tu từ nào cũng tha thiết, thể hiện một tâm hồn cô đơn lạc điệu, đang mong muốn được sống cùng con người, sống cùng thiên nhiên. Vì đó là một khát khao tình đời, tình người, nên càng làm cho bài thơ thêm phần tha thiết và bi thương. Thơ Tử là thế đấy, nói về thiên nhiên càng tươi đẹp càng thêm buồn, vì thế đi sâu vào thơ Tử ta chỉ thấy những ớn lạnh và đau đớn mà thôi.

Ba câu hỏi tu từ đã làm nổi bật vẻ đẹp đau thương của bài thơ. Hàn Mặc Tử tuy không sống trọn vẹn cùng kiếp người, nhưng những vần thơ ông để lại đều là tiếng lòng tha thiết gửi tặng cho bạn đọc yêu thơ. Và cảm ơn Hàn Mặc Tử, vì trái tim tha thiết với cuộc đời của ông.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *