Phân tích nhân vật viên quản ngục trong Chữ Người Tử Tù

Văn mẫu lớp 11

Nguyễn Tuân (1910-1987) vốn sinh ra trong một gia đình nhà nho khi Hán học đã tàn. Lớn lên tại làng Mọc, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân Hà Nội. Trước cách mạng Nguyễn Tuân luôn đi tìm cái đẹp còn vang bóng, và đó cũng là một trong những tập truyện nổi tiếng nhất trước cách mạng của ông. Không thể không kể tới truyện ngắn chữ người tử tù, mà trong đó ngoài nhân vật Huấn Cao, ta không thể quên một nhân vật khác, đó là viên quản ngục, một người đã để lại cho chúng ta nhiều ấn tượng khó phai mờ.
Đọc truyện ngắn chữ người tử tù, nhiều người còn ám ảnh về nhân vật quản ngục, hơn cả Huấn Cao. Vì họ cho rằng, Huấn Cao tuy nhận án chém, nhưng cũng được giải thoát khỏi cuộc sống mà mình không mong muốn, và ít nhất trước khi chết, Huấn Cao còn đã làm được những mong muốn, việc làm của mình. Còn viên quản ngục, người đã “đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu, những đường nhăn nheo..” một người thực đã già, nhưng lại phải sống những tháng ngày tăm tối, trái với lương tâm của mình.
Viên quản ngục và thầy thơ lại, đều giống nhau, vì họ đều là những người bị nhốt trong hoàn cảnh “tù chung thân” yêu cái đẹp, nhưng trên bình diện xã hội thì họ hoàn toàn là những kẻ coi tù, có thể dùng những thủ đoạn tàn độc để giết người, tra tấn người khác. Đó là một cuộc sống thực cô đơn, vì không ai hiểu mình cả. Viên quản ngục là một “thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ” và viên quản ngục cũng đã tự mình thú nhận: “có lẽ lão bát này cũng là một người khá đây. Có lẽ hắn cũng như mình, chọn nhầm nghề mất rồi” nhắc đến Huấn Cao, viên quản ngục cảm thấy tiếc thay cho một người tài. Viên quản ngục yêu cái đẹp, vì thế rất kính mến người có khí phách như Huấn Cao, và y thầm nghĩ, muốn biệt đãi ông Huấn Cao trong những ngày ở nhà lao này, và trong suy nghĩ đó, hoàn toàn không có cái chất lợi dụng, trục lợi nào cả.
Ngày Huấn Cao đến trại giam tỉnh Sơn, quản ngục thực đã có thái độ biệt nhỡn đối với Huấn Cao và năm đồng chí của ông. Trong suốt quãng thời gian đó, viên quản ngục không tiếc sự tử tế, tốt bụng. Trước lúc Huấn Cao đến, viên quản ngục còn cho người dọn dẹp lại ngục tù. Lúc Huấn Cao đến, viên quản ngục còn có “cặp mắt hiền lành, lòng kiêng nể” rất khác, thể hiện một thái độ biết giá người, trọng người ngay. Trong suốt một tháng Huấn Cao trong ngục, viên quan ngục đều sai thầy thơ lại mang rượu thịt đến cho Huấn Cao, và một lần viên quản ngục còn nói: “Đối với những người như ngài, phép nước ngặt lắm. Nhưng biết ngài là một người có nghĩa khí, tôi muốn châm chước ít nhiều. Miễn ngài giữ kín cho” và nhận lại là một thái độ kiêu ngạo, khinh bạc của Huấn Cao, nhưng với bản chất một người dịu dàng, biết nhìn nhận đánh giá người, viên quản ngục đã thành tâm và chỉ đáp lại Huấn Cao bằng hai từ đầy cảm phục “Xin lĩnh ý” và từ hôm đó trở đi, viên quản ngục không để chân vào buồng giam ông Huấn Cao một lần nào nữa, riêng rượu thịt y vẫn sai người mang đến mỗi ngày, khiến Huấn Cao còn ngờ ngợ không hiểu, bận tâm đến sự tươm tất của quản ngục.
Nhờ thái độ biết giá người, trọng người ngay, và cũng là một người được coi là người “có tâm điền tốt và thẳng thắn” như một thanh âm trong trẻo trong ngục tù này, viên quản ngục đã nhờ thầy thơ lại xin cho mình một chữ của Huấn Cao. Lúc này ông Huấn mới nhận ra mình đã nhầm, và xuýt chút nữa, ông đã bỏ sót một “một tấm lòng trong thiên hạ”. Một trái tim đẹp, yêu cái đẹp, trọng cái ngay, viên quản ngục đã được ông Huấn Cao cho chữ, buổi cho chữ diễn ra trong cảnh đề lao đầy tăm tối, ẩm mốc, nhưng không gì có thể thay thế được sự tỏa sáng của cái đẹp, cái thiện. Viên quản ngục đã được lĩnh hội nhiều điều, nhận lấy nét chữ đẹp của Huấn Cao, tấm lòng thiết tha với cái đẹp càng trở nên xúc động, “chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt đã rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Đó hẳn là một thái độ thành tâm, bái lĩnh trước cái tâm, cái tài, thịnh tình của Huấn Cao. Nếu viên quản ngục không phải một người xứng đáng nhận được điều đó, có lẽ Huấn Cao cũng không phải tốn công dặn dạy và truyền đạt tâm nguyện của mình cho viên quản ngục như thế. Trước khi đi hành hình, Huấn Cao vẫn còn canh cánh trong lòng về một người có tâm điền tốt như viên quản ngục, nếu ở nơi nhơ nhớp như này, thì làm sao có thể tiếp tục việc chơi chữ, “với những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những hoài bão tung hoành của một đời con người” và để giữ cái thiên lương lành vững ấy được cơ chứ.
Khác với Huấn Cao, một người được Nguyễn Tuân tìm thấy với những nét đẹp độc đáo, tài hoa uyên bác, thì với nhân vật quản ngục, lại được tả với một cách chân thực hơn. Đối lập giữa một bên là lý tưởng xã hội với một bên là giai cấp cai trị trong xã hội, càng làm nổi bật cái chất “xanh vỏ đỏ lòng” của viên quan coi ngục. Nhờ bút pháp lãng mạn, Nguyễn Tuân đã làm nổi bật cái vẻ đẹp của ngục quan, khi ví ông như “một thanh âm trong trẻo” xen giữa xung quanh là nhạc luật hỗn loạn xô bồ.
Với việc miêu tả và khắc họa thành công nhân vật viên quản ngục, Nguyễn Tuân gián tiếp thể hiện một niềm tiếc thương về những giá trị trong quá khứ, những vẻ đẹp trong quá khứ nay chỉ còn vang bóng. Thể hiện thái độ bất mãn với thực tại và khát khao tìm vẻ đẹp của con người.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *