Phân tích nhân vật Hộ trong truyện ngắn đời thừa của Nam Cao, bài mẫu 2

Văn mẫu lớp 11

Đề bài.

Phân tích nhân vật Hộ trong truyện ngắn đời thừa của Nam Cao

Bài làm

Bàn về truyện ngắn của Nam Cao, nhà văn Nguyễn Minh Châu có viết: “trong các truyện ngắn của Nam Cao trang nào cũng có những nhân vật chính hoặc phụ đang đối diện với cái chỗ cùng kiệt của đời sống con người Việt Nam kia, để rồi từ đó bắt buộc người ta phải tự bộc lộ mình, trước hết là tâm lý nhân cách rồi tiếp đến sau cùng là nỗi đau khôn cùng của con người”. Nhân vật Hộ Trong truyện ngắn “đời thừa” chính là một minh chứng điển hình cho sở trường viết chuyện này của nhà văn. Hộ ít hiện diện qua những chi tiết miêu tả ngoại hình, chủ yếu qua những vận động tâm lý. Vì vậy Nam Cao đã khéo léo đặt nhân vật này vào trong nền không gian gia đình và cảnh ngộ bi kịch. Để tìm hiểu đời sống bên trong con người này, có lẽ cũng vì thế mà thông qua tấn bi kịch của Văn Sỹ hộ mà bạn đọc thêm yêu thương, nhưng cũng đầy đau xót trước nỗi đau tinh thần ghê gớm đấy.

Nam Cao là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc của văn học Việt Nam. Suốt cuộc đời cầm bút ngắn ngủi của mình, ông luôn trăn trở để nâng cao đôi mắt nghệ thuật sáng tác đối với nhà văn. Văn chương không phải là một thứ gì đó hời hợt, khách sáo hay sao chép y nguyên hiện thực mà nó phải là sự thực ở đời. Nhà văn Nguyên Hồng đã từng nói về Nam Cao “anh đã vắt ra từ những xót xa, quằn quại của mình thành những dòng ánh sáng yêu thương và tin tưởng”, để chứng minh cho sự sống nỗ lực của con người bắt nguồn từ cuộc sống và từ chính cảm xúc hiện thực của mình Nam Cao đã cho ra đời những tác phẩm mang tính chất chân thật như thế. Truyện ngắn “đời thừa” đăng trên tuần báo Tiểu Thuyết thứ bảy số 490 chính là truyện ngắn tiêu biểu cho quan điểm “nghệ thuật không là ánh trăng lừa dối” của ông. Truyện tập trung đi sâu vào tấn bi kịch tinh thần đau đớn của Văn Sỹ Hộ, anh khao khát một cuộc sống có ý nghĩa, tràn ngập tình thương ấm áp, một hoài bão lớn về sự nghiệp văn chương. Nhưng rốt cuộc bị gánh nặng cơm áo gạo tiền ghì sát đất, phải sống như một người thừa, một đời thừa.  Cũng qua nhân vật Hộ, Nam Cao đã phát biểu trực tiếp nhiều ý kiến tiến bộ sâu sắc về quan điểm nghệ thuật của ông.

Họ cũng như phần đông nhân vật trí thức trong sáng tác của Nam Cao, chẳng hạn như Thứ trong Sống Mòn (1994). Hay Điền trong “trăng sáng” (1943), ít nhiều đều có nét tự thuật của tác giả, Hộ trước hết là một nhà văn có ý thức sâu sắc về sự sống, khao khát một cuộc sống giàu ý nghĩa bằng lao động sáng tạo của mình. Hộ mang một hoài bão lớn không bằng lòng với cuộc sống vô danh, vô nghĩa anh khao khát tên tuổi phải được khẳng định. Bởi vậy anh luôn băn khoăn nghĩ đến một tác phẩm nó sẽ làm lu mờ hết các tác phẩm cùng thời, anh yêu nghệ thuật Coi nghệ thuật là lẽ sống của đời mình nên Hộ luôn vun trồng cho cái tài của mình được nảy nở, đối với Hộ đói rét không có nghĩa lý gì với gã trẻ tuổi say mê lý tưởng, đâu chỉ có ước mơ Hộ còn có quyết tâm lớn, anh sẵn sàng sống khắc khổ để phấn đấu cho nghệ thuật. Hộ luôn nghĩ sống một cách eo hẹp có thể nói là cực khổ nhưng anh khinh những lo lắng tủn mủn về vật chất, sẵn sàng chấp nhận và vươn lên trên những thiếu thốn đời thường. Hộ cũng là một nhà văn có ý thức sâu sắc về nghề nghiệp, Hộ viết lách một cách thận trọng, anh kiên nhẫn lao động tích lũy vốn liếng, đọc ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán. Ý thức được tài năng của mình, anh mong ước viết được một tác phẩm đạt giải Nobel và dịch ra nhiều thứ tiếng. Ước mơ ấy không hề phù phiếm viển vông mà đó là khát khao chính đáng của một con người ý thức được mình, muốn đem tài năng cống hiến cho xã hội.

Như vậy Hộ hội tụ được nhiều phẩm chất đáng quý để có thể trở thành một nhà văn chân chính, nói cách khác Anh có đủ những điều kiện cần thiết để có thể thực hiện được hoài bão mình ấp ủ. Nhưng cũng như bao con người khác Hộ không thể sống mãi một mình sau khi lấy Từ làm vợ, hộ có cả một gia đình phải chăm lo, đứa con này chưa kịp lớn lên, đứa con khác đã vội ra đời. Mà đứa nào cũng nhiều đẹn, nhiều sài, quấy khóc, mếu suốt ngày đêm và quanh năm thuốc thang. Hộ chăm sóc chúng đã đủ ốm người rồi, chẳng có thể làm thêm một việc khác nữa. Gánh nặng gia đình đổ cả lên đôi vai Hộ, Từ một người khinh những lo toan tủn mủn buộc  anh phải thay đổi cách sốn,  buộc phải lo toan tới những điều tẹp nhem vô nghĩa lý. Dẫu sao với tư cách một nhà văn có lương tâm, điều đó không làm họ đau đớn bằng cách viết cẩu thả, vội vàng để kiếm tiền, viết nhiều để lấy số lượng chứ không phải chất lượng để rồi nhiều cuốn văn viết vội vàng ra đời, nhiều bài báo mà người ta quên ngay sau khi đọc xong, nghĩa là toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo gợi những tình cảm rất nhẹ nhàng, rất nông đem theo một vài ý rất tầm thường, khuấy loãng trong một thứ văn chương bằng phẳng. Chính Hộ đã phải bỏ lại cái quy tắc nghề nghiệp mà anh đặt ra cho mình “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đã đưa cho. văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. Điều đau khổ hơn nữa là anh luôn ý thức được những điều tồi tệ mình đang làm “mỗi lần đọc một cuốn sách hay một đoạn văn ký tên mình, hắn lại đỏ mặt lên cao mày, nghiến răng và mắng mình như một thằng khốn nạn”. Những gì anh viết ra đều thật cẩu thả:  “sự cẩu thả trong bất cứ cái nghề gì đã là bất lương rồi, nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật đê tiện”. Vì thế Hộ nhận ra rằng “ta đã hỏng, ta đã hỏng mất rồi”. Đây là tấn bi kịch đau đớn của Hộ, bi kịch của một nhà văn hết sức coi trọng sự nghiệp, khát khao có được những tác phẩm chói lọi để nâng cao giá trị đời sống. Nhưng rốt cuộc lại phải viết một cách cẩu thả, khiến mình trở thành một “người thừa” một kẻ đê tiện bất lương, còn gì đau đớn hơn cho một kẻ khao khát làm một cái gì đó để nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được gì chỉ lo cơm áo mà đủ mệt. Hộ thấm thía bi kịch này và hiểu được sâu sắc nguồn gốc sâu xa của nó, nhưng anh hoàn toàn bất lực, không có cách gì để chống lại quy luật này, mà anh cũng không thể để vợ con chết đói. Nên nỗi đau càng dai dẳng, triền miên thể hiện bi kịch tinh thần của người trí thức Nam Cao góp một tiếng nói phê phán hiện thực phũ phàng, đã dập tắt những ước mơ tốt đẹp, hoài bão của cả một đời người. Hiện thực đó còn đẩy nhân vật Hộ vào bi kịch thứ hai không kém phần đau xót.

Hộ là một nhân vật giàu lòng nhân ái, xem tình yêu thương đồng loại như một lẽ sống, một nguyên tắc sống theo anh: “con người chân chính phải là con người có tình yêu thương đồng loại”, mà gần gũi nhất chính là vợ con, đối với Hộ con người không thể sống không có lòng thương, vì anh là người chứ không phải quái vật, như vậy trong quan niệm của Hộ tiêu chuẩn cơ bản để phân biệt con người và con vật là tình thương, chỉ khi nào có đủ tình thương mới đủ tư cách được gọi là con người. Anh quan niệm “kẻ mạnh không phải là dẫm đạp lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỷ mà kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai mình”. Đây không phải là một ý nghĩ suông, Hộ đã thực sự sống với triết lý ấy, trước cảnh ngộ đáng thương của từ một người phụ nữ bị tình nhân bỏ rơi cùng với một đứa bé mới sinh, một mẹ già nay ốm kai đau mà Từ vẫn phải nuôi. Hộ đã cúi xuống nỗi đau của Từ nhận nàng làm vợ, nuôi Từ, nuôi mẹ già, con dại cho Từ lòng thương người, tất nhiên phải trả giá Hộ phải lo cái ăn, cái mặc cho một gia đình đông con điều này buộc Hộ phải đứng trước một sự lựa chọn khác biệt hoặc phải hi sinh sự nghiệp văn chương để nuôi sống vợ con, hoặc bỏ mặc vợ con để chuyên chú vào sự nghiệp văn chương. Ở Hộ con người chân chính cao thượng đã chiến thắng, anh đã hy sinh nghệ thuật nói rộng ra là hi sinh cuộc đời mình vì tình thương, vì con người. Còn gì đau đớn hơn đối với một người trí thức có hoài bão lớn, khát khao sống chói lọi mà phải chấp nhận một cuộc đời vô ích, vô nghĩa nhưng đó lại chính là vẻ đẹp của nhân vật Hộ. Với tư cách là một con người và qua đây ta cũng thấy được cội nguồn chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc của Nam Cao. Tuy đã tự nguyện hi sinh tất cả vì tình thương, nhưng Hộ vẫn hi vọng   kiếm tiền sau đó sẽ tiếp tục sự nghiệp của mình nhưng cuộc sống túng quẫn, triền miên đã dập tắt hi vọng này. Hộ không những không thể sáng tạo mà còn không có những điều kiện tối thiểu để thưởng thức văn chương. Như một người có học thức, Hộ điên người lên vì phải xoay tiền và còn điên lên vì con khóc, nhà không lúc nào được yên tĩnh.

Sự yên tĩnh này đối với Hộ thật quá lớn vì đã đặt sự sống và tình thương lên trên nghệ thuật, anh vẫn không khỏi tránh được những đau buồn thấm ướt của  tuổi trẻ tài cao, chí khí uất. Tâm trạng ấy đã khiến con người khó tỉnh táo, để giải sầu Hộ đã từng đi lang thang, không chủ đích và cũng như bao người đàn ông khác cùng cảnh ngộ. Anh tìm đến rượu, nhưng hơi men không phải bao giờ cũng đủ sức làm anh quên đi cay đắng của cuộc đời, giận cá chém thớt, người nghệ sĩ giàu lòng nhân ái lúc này trở nên thô bạo. Anh trút tất cả nỗi uất ức vào người vợ rất ngoan, rất phục tùng, rất tận tụy, vào đàn con vô tội của mình. Bằng bước phân tích tâm lí nhân vật sắc sảo Nam Cao đã vạch ra quá trình chuyển biến tâm lý của Hộ từ một nhà văn lấy tình thương làm lẽ sống, bỗng trở thành một người vũ phu, cư xử tàn nhẫn với những người anh ta cưu mang, che chở. Thì ra hiện thực đen tối có thể nhuộm đen tâm hồn con người, ánh sáng nhân hậu làm cho họ tha hóa biến chất đồng thời trở thành kẻ xấu xa. Mỗi khi con say qua đi, bình tĩnh lại Hộ vô cùng hối hận, có lần nhìn Từ bế con thiếp đi trên võng. Hộ thấy tất cả lộ ra sự mềm yếu, một cái gì éo le cần được anh che chở và bênh vực. Anh hối hận khóc nức nở, không ra tiếng nước mắt ứa ra như một quả chanh bị người ta bóp mạnh. Khi về thấy vậy Từ hiểu ra, anh lại càng nguyền rủa mình “anh chỉ là một thằng khốn nạn”,  thái độ của Hộ nói rằng Hộ vẫn còn lòng thương người cuối cùng đã chiến thắng. Tuy rằng kết thúc trong đau khổ qua tấn bi kịch của nhân vật Hộ, Nam Cao đã chỉ ra một quy luật khi con người ta rơi vào hoàn cảnh bi đát không lối thoát, tâm tính con người càng dễ thay đổi, họ trở nên ích kỷ và tàn nhẫn hơn. Qua đó nhà văn cũng gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh rằng “cả lý tưởng nghệ thuật và nguyên tắc tình thương cao cả đang có nguy cơ bị hủy hoại trước cái đói cái nghèo”

Xoáy sâu vào tấn bi kịch của người trí thức, tác phẩm đã tái hiện lên một lời kết án đanh thép xã hội đương thời đã bóp nghẹt mọi ước mơ, khát vọng phá hoại nhân cách con người, không cho con người được sống tử tế xứng đáng với một cuộc sống con người.

Với phong cách nghệ thuật độc đáo, Nam Cao đã xây dựng thành công nhân vật Hộ bằng sự quan tâm sâu sắc tới đời sống tinh thần con người, kết hợp với biệt tài  phân tích tâm lí nhân vật, tấn bi kịch tinh thần của Văn Sỹ hộ được khắc họa rõ nét và sâu sắc hơn. Kết cấu truyện theo mạch tâm lý, đơn giản đưa ra những triết lý sâu sắc về con người và cuộc sống làm cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn, giọng điệu đa dạng khi thì nhẹ nhàng lúc thì đau đớn phẫn uất làm cho từng chữ, từng lời văn như khắc sâu và ám ảnh tâm hồn người đọc. Đời thừa cuộc đời Hộ cũng giống như chính cái tên mà Nam Cao đã đặt cho tác phẩm vậy, một con người vô nghĩa, thừa thãi, sống một đời thừa… Ngay từ khi bắt gặp cái tên ấy ta như đã hình dung ra một cuộc sống vô nghĩa lý, tầm thường nhạt nhòa và càng ám ảnh hơn khi thấy một Văn Sĩ Hộ đang dằn vặt, day dứt với nỗi đau không lối thoát của mình. Trên từng trang văn của Nam Cao có sức lay động làm lan tỏa, không chỉ kể đến số phận của chính nhân vật, mà Nam Cao miêu tả cuộc đời của nhân vật Hộ,  mới có thể đem lại cho bạn đọc một nỗi đau ám ảnh sâu sắc đến vậy. Chính vì vậy mà văn của Nam Cao luôn bất hủ  muôn đời./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *